Cha mẹ thường cho rằng họ ''không có thời gian hướng dẫn con làm việc nhà'' hay ''thà tự mình làm còn nhanh hơn''. Nhưng nên nhớ, việc giúp đỡ làm việc nhà có rất nhiều điều hữu ích cho trẻ. Hơn nữa, thông qua việc dạy con làm việc nhà, cha mẹ cùng con tạo ra không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Vì vậy, bắt đầu từ bây giờ, cha mẹ hãy cùng các con xắn tay áo lên nào!
LÀM VIỆC NHÀ CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU HAY
• Dạy con bằng những công việc nhà
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều bậc cha mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của việc dạy con biết giúp đỡ việc nhà, nhưng thường không chú tâm đến vấn đề này.
Ngày xưa, khi chưa có đồ điện gia dụng hay các dụng cụ tiện ích như bây giờ, và những dịch vụ giúp việc nhà cũng chưa phổ biến, hầu hết trẻ con đều tích cực phụ giúp cha mẹ. Còn thời nay, mọi việc nhà hầu như đều do một tay mẹ quán xuyến.
Khi nhờ con làm một việc gì đó, dù con vẫn ''vâng, dạ'' nhưng lại không thật lòng muốn giúp đỡ. Vậy là, sau khi đợi một lúc lâu cũng không thấy con nhúc nhích, các bậc cha mẹ thường nghĩ: “Trông đợi con thì thà tự mình làm còn nhanh hơn”. Tất nhiên, nghĩ như vậy không có gì sai, nhưng bạn có biết, việc dạy trẻ biết giúp đỡ làm việc nhà mang lại rất nhiều lợi ích cho cả cha mẹ và con cái không?
Tôi tin rằng giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà sẽ giúp con tăng cường thể lực, có tinh thần trách nhiệm và giúp tình cảm các thành viên trong gia đình sâu sắc hơn,…
Dù các bậc cha mẹ không đặt nặng mục tiêu tăng cường sức khỏe cho con qua các công việc nhà, thì trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc cha mẹ tạo cơ hội dạy con biết làm việc nhà để chia sẻ với cha mẹ vẫn là một điều đáng làm và nên làm!
3 hiệu quả phát huy năng lực khi trẻ biết giúp việc nhà:
1. Trẻ biết làm việc nhà có ý thức tự lập tốt hơn
“Làm việc nhà” có nghĩa là có thể đảm đương công việc xung quanh mình. Một khi có thể làm được những công việc quanh mình, con người sẽ tràn đầy tự tin: “tôi sống một mình cũng được” hoặc “tự tôi có thể làm được, chuyện nhỏ”,…
Đối với con trẻ, tự mình làm được những công việc nhà, như dọn vệ sinh hoặc nhà bếp là một niềm vui. Vậy nên, dù mẹ có muốn giúp đỡ, trẻ cũng sẽ đẩy tay mẹ ra và nói: “Con tự làm được mà”. Sau đó, trẻ sẽ cười rạng rỡ gọi: “Mẹ ơi, nhìn kìa. Con đã làm xong rồi!''.
Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng thích tự mình làm những việc xung quanh như giặt khăn, sắp xếp giường ngủ,… Đôi khi, họ còn nổi giận khi người giúp việc giành làm thay. Phải chăng họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi bị xem là người chưa trưởng thành!?
Đối với tôi, tiêu chuẩn của một người trưởng thành là:
1. Biết tự mình làm những việc xung quanh
2. Biết tự chăm sóc bản thân
3. Biết xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh
Và làm việc nhà có liên quan tới cả 3 tiêu chí trên, trong đó tiêu chí “Biết tự mình làm những việc xung quanh” cũng chính là điều kiện để rèn luyện tính tự lập cho con.
Mỗi người đều có giá trị riêng. Cách nghĩ “Không sao đâu, mình có thể làm được” là cách nghĩ của một người tự tin, tự lập và tự trọng. Một người có lòng tự tôn và tự tin sẽ luôn quyết tâm, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công việc đến cùng.
2. Khi cơ thể trẻ vận động, trí não cũng được kích hoạt
Không chỉ trẻ con mà con người nói chung, đều vận động trí não và tâm hồn khi cơ thể vận động. Có câu chuyện của một nhà nghiên cứu khoa học kể rằng ông thường nghĩ ra nhiều ý tưởng mới khi đi bách bộ. Bởi, khi cơ thể vận động, trí óc cũng được kích hoạt làm việc.
Ngày nay, chúng ta thường nghe thấy những ý kiến như “cuộc sống hiện đại suốt ngày dính với tivi và game online khiến trẻ lười vận động và thiếu trải nghiệm thực tế cuộc sống”, “hãy tạo cơ hội cho trẻ vận động cơ thể nhiều hơn”,… Và rồi, có rất nhiều chương trình được thiết kế như: các trò chơi với bùn, leo cây, phòng học mạo hiểm, cắm trại,… giúp trẻ vận động và trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo tôi, những vận động của tay chân và cơ thể khi làm các công việc xung quanh cuộc sống hàng ngày mới là những vận động cơ bản cần thiết. Bởi vì, so với vận động cơ thể khi vui chơi, vận động cơ thể khi làm việc nhà sẽ giúp tâm hồn và khối óc trẻ hoạt động có chiều sâu hơn.
Tiền đề căn bản để phát triển học lực nằm ở tính tò mò, khả năng tập trung và thái độ dám nghĩ, dám làm. Và quan trọng nhất là rèn luyện sao cho những đặc điểm tích cực đó trở thành thói quen cho con.
Tuy dạy trẻ biết làm việc nhà là một cách tốt để rèn luyện phát triển những đặc điểm tính cách tích cực trên cho trẻ, song lại ít có bậc cha mẹ nhận ra.
3. Khi làm việc nhà, trẻ sẽ vui hơn vì thấy mình có ích cho gia đình
Khi được hỏi “Biết làm việc nhà thì có gì hay?”, con sẽ không ngần ngại trả lời rằng: “Để có thể giúp ích cho gia đình”, “Để giúp đỡ mẹ” hoặc “Cảm thấy vui vì được người khác nói CẢM ƠN”.
Đối với con cái, không có gì ý nghĩa hơn niềm vui khi được chia sẻ, giúp đỡ cha mẹ; niềm vui cảm thấy có ích đối với gia đình. Gia đình không chỉ là những người cùng chung huyết thống mà còn là nơi mọi thành viên chia sẻ và giúp đỡ nhau. Vì vậy, việc có tên trên cùng một phiếu đăng ký tạm trú, sổ hộ khẩu hay cùng chung sống dưới một mái nhà vẫn chưa mang nghĩa là “người một gia đình”. Gia đình có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều.
Do đó, theo tôi, để trở thành “người trong gia đình” thì các thành viên, ngoài quan hệ huyết thống còn có mối quan hệ khác, đó là “cùng nhau làm những công việc chung trong ngôi nhà họ đang ở”. Thế nên, để mối dây gia đình bền chặt, các thành viên đều quan trọng và hữu ích như nhau và tự bản thân mỗi người phải biết dốc sức vì nhau và vì những mục tiêu chung trong cuộc sống.
• Người vô dụng trong gia đình cũng sẽ vô dụng ngoài xã hội.
Đối với trẻ em, khi được hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?”, chắc chắn sẽ có em nhanh nhảu trả lời: “Con muốn làm việc có ích cho xã hội!”. Nếu tuổi nhỏ mà đã trả lời được như vậy thì thật là đáng khen.
Con người luôn khao khát trở nên hữu ích với người khác. Khát khao đó khiến họ càng ý thức giá trị của bản thân. Khi được công nhận, con người sẽ tự tin vào năng lực của mình.
Tất nhiên khi trưởng thành, ngoài mong muốn “được công nhận”, “được giúp ích cho xã hội” thì công việc còn liên quan đến tiền bạc và địa vị xã hội. Nhưng nếu họ trở về lại với tâm hồn ngây thơ lúc nhỏ, trở lại với mong muốn sâu thẳm trong mỗi người, thì ước mong “được làm người có ích” rất quan trọng.
Song, việc có ích là việc gì? Phải chăng là công việc tình nguyện viên trong các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên công vụ hay chính trị gia? Còn nếu trở thành một nhân viên công ty bình thường thì liệu có đóng góp gì được cho xã hội không?
Với suy nghĩ non nớt, đơn giản của trẻ, ta sẽ không khó lý giải khi trẻ nghĩ rằng những công việc có ích là những nghề nghiệp có tiêu chí phục vụ con người và xã hội. Nhưng nếu nói rằng tôi đi làm vì muốn trở thành người có ích thì có vẻ không mấy thuyết phục. Vì suy cho cùng, dù là công việc gì cũng đều vì mục đích phục vụ con người. Bởi lẽ, những công việc không lấy mục tiêu vì lợi ích của con người chính là công việc vô nghĩa! Vậy nên, trở thành người có ích hay vô dụng là tùy thuộc vào chính bản thân mỗi người.
Vì mục đích quan trọng nhất là giúp đỡ cha mẹ, giúp đỡ gia đình, nên đối với con, làm việc nhà có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi lẽ, đối với những người quan trọng nhất của mình, bạn còn không giúp ích được gì thì sự tồn tại của bạn cũng sẽ không có ích gì cho xã hội. Nhờ tích lũy kinh nghiệm làm việc giúp đỡ gia đình, con sẽ hiểu được công việc có ích cho người khác là như thế nào, rồi sau này khi trưởng thành, bước vào môi trường làm việc, con mới có thể đóng góp cho xã hội.
• Có ích cho mình, có ích cho người khác tức là có ích cho xã hội
Cách nói: “Con hãy tự làm việc của con đi” không phải là một nhận thức đúng đắn. Nếu chúng ta phân biệt rạch ròi giữa “việc của bản thân” và “việc làm giúp” thì khi làm những “việc làm giúp”, con sẽ hành xử với tâm lý tự cao.
Ví dụ, khi con xếp đôi giày của mình nơi hành lang và tiện tay xếp luôn đôi giày của đứa em cho thẳng, đó là một hành động đẹp. Sau khi cả nhà uống trà xong, trẻ dọn ly của mình đồng thời cũng dọn dẹp phần người khác, đó là một việc làm đáng khen.
Những trường hợp khác trong sinh hoạt gia đình, dù ý thức được “việc này mình làm cũng được, người khác làm cũng được” nhưng trẻ vẫn không câu nệ mà tự mình làm lấy thì sau này lớn lên, sống trong hoàn cảnh nào trẻ cũng có thể trở thành người hữu ích cho xã hội.
• Niềm vui của gia đình là niềm vui của cuộc sống
Khi nói đến việc “nuôi dạy trẻ sống biết giúp đỡ”, nội dung chính tôi muốn đề cập là “Làm việc nhà sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho con”. Nhưng vì ích lợi đó mà ép buộc con làm việc nhà bằng mọi giá thì có thể sẽ phản tác dụng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần dạy bảo con từng bước bằng từng công việc nhỏ cho đến khi thành thói quen.
Việc nhà tiềm ẩn nhiều điều thú vị. Ví dụ như khi giặt giũ, việc con được thấy áo quần dơ bẩn trở nên sạch sẽ, thơm tho sẽ là một niềm vui nho nhỏ đối với con. Cảm giác mát lạnh khi chạm tay vào tấm vải ướt cũng khiến con thích thú. Hay khi phơi đồ, quần áo phất phới trong gió, từng tia nắng mặt trời rực rỡ xuyên qua lớp vải cũng làm con vui thích. Khi lấy áo quần vào, cảm nhận được mùi hương sạch sẽ, thơm mát lan tỏa khắp phòng rồi cảm giác kết thúc bằng việc xếp lại gọn gàng quần áo vô tủ cũng là những cảm giác rất tuyệt vời đối với con!
Sống biết giúp làm việc nhà có nhiều lợi ích cho cả con và cha mẹ, nhưng không phải vì vậy mà các bạn ép buộc con phải làm việc này việc kia khi con không muốn.
Mọi công việc xung quanh ta đều ẩn chứa niềm vui. Không giống niềm vui sôi động của ánh đèn sân khấu lấp lánh, những niềm vui đến từ công việc sẽ từ từ len lỏi vào các ngõ ngách tâm hồn, tạo ra một cảm giác sâu sắc, ấm áp. Sự bình an của tâm hồn đến từ chính những công việc hàng ngày trong cuộc sống chứ không ở đâu xa.
Nhờ phụ giúp công việc nhà, các con sẽ tìm thấy niềm vui. Có thể bạn không biết nhưng trong khi làm việc nhà, tâm hồn và cơ thể của con sẽ có sự hòa nhịp, và theo thời gian, sự hòa nhịp đó sẽ tạo thành một năng lượng sống tích cực cho con.
• CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC VIỆC NHÀ KHÔNG CHỈ LÀ MỘT NIỀM VUI
Niềm vui không chỉ đến từ việc giúp việc nhà một cách đơn thuần mà khi con biết giúp việc nhà, mọi người trong gia đình sẽ thấy vui, chính niềm vui của gia đình này sẽ càng khiến con vui hơn nữa.
Khi phụ giúp làm việc này việc kia cho gia đình, con nhìn thấy mẹ vui mừng tự hào, nghe cha cười khen ngợi, còn đứa em thì hớn hở cảm ơn, bản thân trẻ cũng thấy vui lây, thấy tâm trạng lâng lâng khó tả. Một mình trẻ làm việc mà đem lại niềm vui cho nhiều người như vậy không phải là kỳ diệu sao? Niềm vui của gia đình trở thành niềm vui của chính mình là động cơ thúc đầy trẻ năng động, nhiệt tình và thích làm việc nhà hơn. Tư duy của con thay đổi theo logic như vậy đấy.
• Mang niềm vui cuộc sống đến cho con
Dạy trẻ biết làm việc nhà đồng nghĩa với việc dạy trẻ sống có niềm vui và biết tìm niềm vui, niềm hạnh phúc từ những hoạt động bình dị trong cuộc sống.
Hầu như ai cũng ngưỡng mộ những người giàu có hay người nổi tiếng. Nhưng không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng giàu có và nổi tiếng là niềm hạnh phúc chân thật!
Bậc cha mẹ nào cũng mong con cái mình được hạnh phúc, mạnh mẽ và thành công. Nhưng đừng nên khuyên dạy con trẻ những lời sáo rỗng như các câu châm ngôn màu mè trên lịch về những điều như “hạnh phúc không phải là tiền bạc”. Không nên lý giải và cảm nhận niềm vui cuộc sống bằng lý thuyết suông mà phải bằng những việc làm hàng ngày khiến trẻ có thể cảm nhận được niềm vui bằng cả cơ thể và tâm hồn. Đó là công việc cao cả mà chỉ có cha mẹ mới có thể dạy bảo con cái trong môi trường gia đình!
Khả năng làm việc nhà của cha mẹ cũng tăng lên
• Cha mẹ cũng học hỏi từ con. Hầu hết các bậc cha mẹ khi được hỏi “Các vị đã học hỏi được điều gì từ con cái?”, sau một hồi cân nhắc suy nghĩ, một số cha mẹ đã trả lời rằng: “Nhờ các con mà bản thân tôi trưởng thành hơn”.
• Thoạt nghe, câu trả lời này có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế đúng là như vậy. Đối với những bậc cha mẹ trong thời kỳ nuôi dạy con, mỗi ngày là một trải nghiệm, mỗi ngày đều học được một vài điều mới mẻ. Cha mẹ sẽ cảm nhận được sâu sắc sự thay đổi lớn trong nhận thức bản thân nhờ những ảnh hưởng từ con và từ việc nuôi dạy con.
• Nuôi dạy con là một công việc chuyên tâm và sẽ thay đổi hoàn toàn bản thân cha mẹ. Do tiếp xúc với tính cách hồn nhiên, khác biệt của trẻ, những khuôn mẫu tư duy từ trước đến giờ của cha mẹ sẽ không còn phù hợp nữa. Lúc đó, dù cho bạn chán nản kêu ca: “trời ơi”, “thiệt tình”,… thì cũng không thể bỏ cuộc được và chính nhiệm vụ nuôi con sẽ buộc bạn phải thay đổi bản thân. Đây là cơ hội để cha mẹ thay đổi những quan niệm bảo thủ của mình. Vì vậy, có thể nói, nuôi con là cơ hội hi hữu để cha mẹ “cài đặt” lại bản thân mình.
Làm việc nhà là cơ hội cùng nhau học tập
• Khi nghĩ về chuyện giúp đỡ việc nhà, hãy quan niệm rằng làm việc nhà là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình học hỏi lẫn nhau. Nhiều người, trong đó có tôi, nhận thấy rằng trong thời đại ngày nay, trẻ không tiếp xúc nhiều với công việc nhà.
• Với những trẻ thuộc lứa tuổi 7x – 8x, thời mà các thiết bị điện tử hiện đại hỗ trợ việc nhà bắt đầu bùng nổ, có thể gọi đó là thời “đàn ông đi làm”, “trẻ em đi học” và “phụ nữ làm việc nhà”. Lúc đó, việc nhà chỉ do một tay mẹ quán xuyến, nên cơ hội để con giúp đỡ làm việc nhà cũng ít lại.
• Ngày đó, khi định bắt tay vào việc gì, chúng ta đều lóng ngóng “không biết phải làm sao?”, ngay cả khi biết cách làm thì tay chân cũng luống cuống, cứng đơ, không thể thực hiện công việc cho hoàn hảo. Và đến hôm nay, những trường hợp như vậy cũng không hiếm.
• Vì vậy, làm việc nhà là cơ hội để cùng nhau rèn luyện các kỹ năng. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của nhiều công cụ điện gia dụng, việc nhà đã trở nên đơn giản hơn, do đó việc dạy trẻ làm việc nhà cũng thuận lợi hơn. Chỉ cần làm theo đúng như hướng dẫn trên từng dụng cụ, ai cũng dễ dàng làm tốt việc nhà!
• Việc nhà không những không phải là công việc vất vả như mọi người vẫn thường than phiền, mà nó sẽ mang lại những niềm vui bất ngờ, đặc biệt là khi cả gia đình, cha mẹ và con cái cùng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
CHỈ CHA MẸ MỚI CÓ THỂ DẠY CON LÀM VIỆC NHÀ
• NHỮNG VIỆC CÁ NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC NHÀ
Những việc nhà cần thiết: Để trở thành một người trưởng thành thì hành trang không thể thiếu của con trẻ là 3 điều kiện đã nêu ra ở trang số 10 .
Tự giác làm những việc cần thiết hàng ngày, biết cách tự chăm sóc bản thân, xây dựng tốt các mối quan hệ xã hội, tất cả đều khởi đầu từ môi trường gia đình.
Gia đình là nơi trẻ gắn bó lâu dài nhất từ khi sinh ra, là nơi trẻ xây dựng các mối quan hệ với những người thân thiết nhất. Nói cách khác, gia đình là một cộng đồng xã hội thu nhỏ, là nơi đầu tiên, đơn giản và thân thiết nhất của mọi người. Đó là nơi trẻ bắt đầu học ngôn ngữ lần đầu tiên, biết nhớ và dùng ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc khi giao tiếp với người khác. Không chỉ ngôn ngữ, trẻ còn để ý, quan sát và học tập những hành vi, cử chỉ và hình thành thói quen ứng xử phi ngôn ngữ như tác phong, hành động, biểu cảm,… Vì vậy, như một cộng đồng thu nhỏ, môi trường gia đình vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ.
Như vậy, môi trường gia đình có liên quan đến cả ba điều kiện thiết yếu để trẻ trở thành một người trưởng thành. Đặc biệt điều kiện “biết tự mình làm những việc xung quanh” chỉ có thể được rèn luyện trong môi trường gia đình.
• RÈN LUYỆN CON CÓ ''THÓI QUEN'' LÀM VIỆC NHÀ
Ngoài lý thuyết và thực hành, qua những kinh nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, kỹ năng làm việc của con sẽ trở nên thuần thục. Khả năng xây dựng các mối quan hệ xã hội của con được hình thành từ môi trường mầm non, qua trường học các cấp, và đến từ nhiều môi trường khác. Con cũng chỉ học được những kinh nghiệm đó khi được tiếp xúc với họ hàng, tiếp xúc với bạn bè của cha mẹ, cũng như tiếp xúc với những người lạ ở nơi công cộng.
Còn “việc vặt xung quanh cuộc sống hàng ngày” là việc nhà, chỉ có thể thực hành và trải nghiệm duy nhất tại môi trường gia đình mà thôi.
Tất nhiên, ở trường cũng có môn “khoa học gia đình”, dạy cách chế biến món ăn. Học chế biến món ăn trên lớp cũng là một điều tốt. Nhưng trường lớp chỉ giúp truyền đạt lý thuyết. Dù các con có nhớ kỹ thuật và kiến thức giỏi đến đâu cũng không có nghĩa các con có thể áp dụng được chúng thuần thục trong thực tế.
Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ làm việc nhà, dù chỉ làm một cách vô thức, cũng mang lại một tác dụng không nhỏ. Đó là thói quen biết làm việc nhà sẽ dần “thấm vào người”.
Thế nên, trên tất cả mọi lĩnh vực, “có kiến thức” và “thấm vào người” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Điều tôi muốn nhắn gửi là: “Tôi nghĩ mình làm được” và “tôi đã từng làm việc này” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, rèn luyện sao cho công việc “thấm vào người” con như một thói quen chỉ có thể diễn ra trong môi trường gia đình và chỉ có cha mẹ mới có thể chỉ dạy con làm được mà thôi.
• LÀ CHA MẸ, NÊN KIÊN NHẪN VỚI CON
Có lẽ, ai cũng biết việc biến một hành động nào đó trở thành một thói quen sẽ mất nhiều thời gian đến thế nào. Khi ta luyện đánh đàn piano, chơi bóng đá hay bất cứ việc gì, muốn nhuần nhuyễn một ngón kỹ thuật thì điều quan trọng là phải luyện tập thật nhiều. Một khi các kỹ thuật đã “thấm vào người” thành một thói quen rồi thì sẽ không dễ gì thay đổi được. Người ta thường tự cho rằng “chỉ cần để tâm làm thì việc gì cũng có thể làm được”, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Ngay cả khi chạy xe cũng vậy, nếu tôi chạy xe mà đầu óc không suy nghĩ gì thì thỉnh thoảng tôi sẽ chạy vào con đường quen thuộc hàng ngày tôi vẫn đi lúc nào không hay. Mặc dù từ đầu tôi đã dự tính “hôm nay sẽ đi siêu thị mới mở cửa xem sao”, nhưng rồi không biết từ lúc nào, xe đã vào tới bãi đỗ xe của siêu thị mình hay lui tới rồi. Ngay bản thân người lớn cũng cần thời gian để biến hành động thành thói quen thì đối với con trẻ càng không thể nóng vội.
Thỉnh thoảng, bạn sẽ nóng giận khi con không làm được việc. Các bạn có biết, bản thân các bạn trong quá trình trưởng thành đã làm qua những việc đó hàng trăm, hàng ngàn lần, nên cảm thấy đó là công việc đơn giản, dễ dàng. Nhưng đối với con, đó là những việc rất mới mẻ. Vậy nên, những lúc như thế, hãy kiên nhẫn chỉ bảo con, chứ không nên nổi giận và bỏ cuộc. Hãy nghĩ rằng “Vì mình là cha mẹ nên phải kiên nhẫn cho đến khi con làm được mới thôi”. Không phải các bạn đang hướng dẫn cho người xa lạ nào đó mà đó chính là con mình, nên hãy khắc cốt ghi tâm rằng: phải kiên nhẫn, phải nhẹ nhàng từ từ hướng dẫn đến khi nào con làm thuần thục mới thôi.
Việc con thất bại hoặc làm chưa tốt là đương nhiên.
Cha mẹ không nên la mắng mà phải kiên nhẫn.
“Làm phiền” có thể xem là một đặc quyền của cha mẹ. Cho dù có bị cho rằng “mẹ phiền quá” thì hãy nghĩ đến sự thành công của con về sau. Chấp nhận lời phàn nàn và tiếp tục nhẫn nại dạy bảo con là một điều chính đáng!
PHƯƠNG PHÁP DẠY CON LÀM VIỆC NHÀ THÀNH CÔNG
Cảm giác của cha mẹ khi dõi theo từng bước chân của con thật sự kỳ diệu lắm. Đôi khi, bạn sẽ có cảm giác “ôi, con lớn nhanh quá!”, nhưng thỉnh thoảng lại cảm thấy “sao con phát triển chậm vậy!”. Những cảm xúc vui buồn, hân hoan, mong chờ lẫn lộn ấy sẽ tạo thành một niềm hạnh phúc vô bờ trong quá trình nuôi dạy con. Con càng lớn thì càng có thể giúp đỡ cha mẹ nhiều việc hơn. Có những việc trẻ có thể làm tốt sau khi được hướng dẫn một lần, nhưng cũng có nhiều việc chúng ta cần chỉ dạy nhiều lần. Không cần so sánh con với những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác, có những việc con có thể giúp đỡ cha mẹ, nhưng cũng có những việc con chưa làm được ngay.
Ngoài ra, cũng có trường hợp lần này con làm rất tốt nhưng lần kế tiếp lại hoàn toàn không làm được. Việc một đứa trẻ trưởng thành nhanh hay chậm không liên quan gì tới việc con giỏi hay không. Vậy nên, việc để ý quá mức đến sự trưởng thành của trẻ chỉ là do sự nôn nóng của cha mẹ mà thôi.
Khi suy nghĩ về mục tiêu cho việc con giúp làm việc nhà, hãy dựa theo những tiêu chí như sau:
Giai đoạn 1 - 3 tuổi:
Là thời kỳ đối với trẻ, việc nhà cũng như trò chơi đồ hàng. Thông qua những việc giản đơn, nho nhỏ hàng ngày như: “bỏ rác vào thùng”, “uống sữa xong, dọn ly vào bồn rửa”, “mang ly lại cho mẹ”… Cha mẹ nên chỉ dạy cụ thể, chi tiết để giúp con thành thạo. Cha mẹ hãy từ tốn làm mẫu cho con xem, để con ghi nhớ. Lần tiếp theo, cha mẹ không nên chủ động tự mình làm mà hãy ngồi nhìn con làm. Nếu cảm thấy lo lắng và không vừa ý thì cũng đừng nên hốt hoảng. Vì có thể lúc mới bắt đầu, việc con chưa làm tốt được là chuyện bình thường. Nếu cha mẹ lúc nào cũng giành làm hay can thiệp vào, thì điều đó sẽ khiến cho con mất hứng thú hoặc trở nên thụ động, phụ thuộc.
Giai đoạn 3 - 6 tuổi:
Là giai đoạn trẻ có hứng thú làm việc nhà. Khi cha mẹ có thời gian rảnh, hãy cho con làm việc nhà chung, nếu bận thì để làm sau cũng không sao. Tuy nhiên, hãy phân nhiệm vụ cho con, chỉ cần một nhiệm vụ nhỏ thôi cũng đủ rồi. Nhưng việc nhỏ đó phải là công việc có ích cho mẹ (như cất đồ mới mua vào tủ lạnh hoặc chuẩn bị nước ấm trong bồn tắm…). Khi con thấy bản thân mình giúp ích được cha mẹ, trong lòng con sẽ rất vui.
Trong giai đoạn này cũng vậy, để con dễ hiểu thì cha mẹ cứ từ tốn làm mẫu cho con nhìn. Nếu giữa chừng công việc, con nói chen vào: “con biết cách làm rồi” hoặc “con tự làm được mà”… thì hãy nói với con rằng “bình tĩnh nhìn mẹ làm cho đến khi xong việc nhé!''. Tất nhiên, con sẽ không thể thành thạo ngay lập tức, nhưng nếu cha mẹ cứ làm đi làm lại cho xem, con sẽ nắm được điều “cốt lõi”. Cách dạy này là phù hợp với khả năng của con ở giai đoạn này.
Giai đoạn 6-10 tuổi:
Đây là thời kỳ tập cho trẻ làm việc nhà. Hãy nâng cao một chút những công việc nhà đã chỉ dạy cho con từ lúc con lên 3 và để con tự làm. Hãy để con làm mọi việc từ đầu đến cuối, từ những việc nhỏ như lấy gạo sẵn để chuẩn bị nấu cơm cho đến công việc phức tạp hơn như vệ sinh bồn tắm. Cha mẹ đừng cố tình nhìn lén, theo dõi khi con đang làm mà sau khi giao nhiệm vụ xong hãy rời khỏi nơi đó và làm công việc khác.
Sau đó, khi trẻ nói “Mẹ ơi, con làm xong rồi” thì hãy trở lại kiểm tra. Khi kiểm tra, nhớ cố gắng tìm ra điểm tốt con đã làm được và khen ngợi con nhé. Nếu bạn có chỗ chưa vừa ý và muốn chỉ dạy thêm cho con, hãy chú ý dùng cách nói nhẹ nhàng, khuyến khích và hỏi ý kiến con, chẳng hạn “nếu con làm thế này sẽ tốt hơn đấy, con có nghĩ vậy không?”.
Ở giai đoạn này, con bắt đầu ý thức về vai trò trách nhiệm của mình trong gia đình, và về nguyên tắc tổ chức cuộc sống gia đình hàng ngày. Nên, hãy khuyến khích con phát huy tinh thần tự giác và nhớ những “nếp nhà” như: “Vào giờ này thì mình phải làm những công việc này”.
Tất nhiên, ở độ tuổi này, con chưa thể nhớ hết mọi việc nhà cần làm, nên cha mẹ cần lưu tâm nhắc nhở con, và không nên mang tư tưởng “mình tự làm còn nhanh hơn”, rồi không giao nhiệm vụ cho con nữa.
Giai đoạn 10 tuổi đến khi tự lập:
Là thời kỳ giúp con “thấm vào người” thành thói quen những công việc nhà đã từng được tập làm lúc trước. Có thể trong quá trình làm việc, con sẽ nảy sinh tâm lý chán nản hoặc bỏ cuộc, nhưng nhờ vận động tay chân và cơ thể để giải quyết việc nhà hàng ngày, con sẽ dần dần hình thành tính tự lập. Và như một quán tính tự nhiên, từ đó con cũng sẽ biết cách quản lý cuộc sống của chính mình.
Ở Nhật Bản, học sinh cuối cấp tiểu học có khuynh hướng không biết làm việc nhà. Nguyên nhân một phần là vì việc học ngày càng bận rộn và phần khác là do sự thay đổi tính cách khi con bước vào độ tuổi dậy thì. Nhưng khi cơ thể phát triển, con sắp trở thành người trưởng thành thì khả năng tư duy cũng phát triển theo. Vai trò và trách nhiệm của con với tư cách là một thành viên trong gia đình, những việc con có thể làm được trong thực tế, đương nhiên cũng sẽ mở rộng ra.
Lý do “vì bận nên không làm việc nhà được” chỉ là ngụy biện. Vì làm vệ sinh bồn tắm chỉ mất 5 phút, còn rửa chén bát chỉ mất khoảng 10 phút. Thế nên, vì nguyên nhân gì chăng nữa, chắc chắn việc không làm việc nhà không phải là vì “không có thời gian”!
• LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON CÓ Ý THỨC TỰ GIÁC LÀM VIỆC NHÀ?
Để con ý thức tự giác làm việc nhà và làm cho ý thức đó trở thành thói quen, chỉ có một cách là cha mẹ phải giao phó cho con chịu trách nhiệm chính công việc nhà.
Việc nhà bao gồm nhiều việc lặt vặt nhưng cũng có không ít những việc quan trọng cần làm. Vì vậy, khi cảm thấy quá bận rộn hay công việc quá dồn dập, hãy mạnh dạn giao việc cho con làm. Hãy là những bậc cha mẹ khôn khéo, thông minh.
DẠY CON TỰ TỔ CHỨC KHÔNG GIAN RIÊNG
• TRẺ BIẾT LÀM CÔNG VIỆC DỌN DẸP THÌ SẼ BIẾT LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC KHÁC
Dọn dẹp phòng riêng là việc đầu tiên cha mẹ có thể giao phó khi muốn con làm một công việc nhà nào đó. Công việc dọn dẹp không đơn giản là làm sạch đẹp căn phòng mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng khác.
Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng sinh hoạt và làm việc chung với các đồ vật, dụng cụ. Người có khả năng tiếp xúc, sử dụng dụng cụ, đồ vật tốt thì cũng sẽ giỏi giang trong cuộc sống và trong công việc.
Ngoài ra, mục đích của việc dọn dẹp là sắp xếp, phân chia đồ vật ngăn nắp, quyết định vị trí đặt đồ vật. Trong tiếng Nhật từ “phân biệt” (wakeru) và “hiểu” (wakaru) là những từ có cùng gốc. Vì vậy, nếu có khả năng phân biệt đồ vật thì đó cũng có nghĩa là hiểu được đồ vật, và nhờ hiểu được đồ vật, khả năng tư duy của trẻ cũng được phát triển.
Lưu ý khi sắp xếp đồ vật, ngoài mục đích vì sự tiện lợi của bản thân mình còn phải biết cân nhắc sự tiện lợi của cả gia đình khi cần sử dụng.
• 3 NGUYÊN TẮC DỌN DẸP
Sắp xếp, dọn dẹp không phải là một việc khó. Song, việc sắp xếp thực sự không đơn giản chỉ là “trả đồ vật trở về vị trí cũ” và “làm căn phòng trở nên ngăn nắp, sạch sẽ”.
Nếu thông thạo 3 nguyên tắc này, việc dọn dẹp sẽ dễ dàng hơn và cũng khiến trẻ hứng thú hơn. Trước khi nói “con dọn dẹp đi nhé”, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là bỏ đi những thứ không cần thiết, tiếp theo là để những đồ vật cần dùng vào vị trí thích hợp và cuối cùng là xác định số lượng vừa đủ dùng. Hãy làm theo cách trên và giải thích cho con: “Con nhìn này, đặt từng đồ vật về chỗ cũ thế này trông đẹp không nào!”.
Hầu hết các trẻ khi được giao công việc dọn dẹp đều không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhờ có cha mẹ cùng làm, việc dọn dẹp căn phòng của con trở nên dễ dàng hơn, từ đó con có thể sắp xếp dọn dẹp cả ngôi nhà.
Cùng con quyết định những khoảng không gian sắp xếp đồ vật.
• Nguyên tắc 1: “bỏ bớt”
Ngay cả trẻ mầm non cũng có thể phân biệt được “đồ vật cần dùng” và “đồ vật không cần dùng” nhưng trẻ vẫn cần có sự giúp đỡ của cha mẹ khi phân loại. Vì trẻ chưa hiểu rằng không cần thiết giữ lại những đồ vật không cần dùng, nên các con luôn giữ lại mọi thứ, làm cho căn phòng bừa bộn. Nội dung chính của sách này không trình bày chi tiết thế nào là các vật dụng không cần thiết. Nếu cha mẹ nào quan tâm chủ đề này hãy tham khảo một quyển sách khác của tôi: “Mẹ cùng con dọn dẹp giỏi”.
• Nguyên tắc 2: “định vị trí”
Phải quyết định được vị trí đặt để đồ vật trước khi sắp xếp. Có thể, con sẽ cảm thấy phiền phức khi mỗi lần sử dụng xong phải đem đồ vật để lại vị trí đã quy định. Hãy giải thích cho con rằng vị trí đó là phù hợp nhất, để bất cứ khi nào các thành viên trong gia đình cần sử dụng, đồ vật luôn sẵn sàng ở vị trí thuận lợi nhất.
Đầu tiên hãy chia phòng con ra thành từng khu vực. Khu học tập, khu đồ chơi, khu quần áo. Nếu không phân phòng ra thành 3, 4 khu vực như thế thì sẽ khó quản lý.
Sau khi phân chia những khu vực lớn, hãy tiếp tục phân chia từng nhóm nhỏ hơn. Ví dụ, trong khu đồ chơi, bạn có thể sắp xếp: “nhóm các loại xe đồ chơi”, “nhóm búp bê và đồ chơi bán hàng”, “nhóm xếp hình Lego” và “các nhóm khác”,… Phân thành từng mục nhỏ như vậy sẽ tiện lợi hơn, cả trong sử dụng và sắp xếp.
Khi dọn dẹp, chú ý việc sắp xếp chỉ nên gói gọn trong một hai động tác thôi. Nếu trẻ phải mở tủ ra rồi lại mở nắp hộp ra mới có thể cất đồ vào thì con sẽ dễ nảy ra tư tưởng lười biếng việc cất đồ về chỗ cũ vì có quá nhiều bước rườm rà.
Khi phân chia khu vực, nhớ chú ý đến những khu vực trống xung quanh để con có thể thực hiện những thao tác khác có liên quan. Chẳng hạn như chú ý gần tủ sách vở là khu vực “chỗ ngồi làm bài”, gần chỗ cất áo khoác thì cần có không gian “đứng cởi áo khoác”,…
• Nguyên tắc 3: “định lượng”
Khi con hiểu nguyên tắc “bỏ” rồi, thì đối với đồ vật đang sử dụng, cha mẹ chỉ nên để một số lượng phù hợp, tốt nhất là số lượng vừa đủ để con sử dụng. Sau đó, hãy xếp đặt vào đúng vị trí đã quy định. Ví dụ, sách giáo khoa thì xếp thành một hàng trước bàn. Bài kiểm tra thì xếp gọn một chồng trong hộc bàn, khi bài kiểm tra ngày càng nhiều thì lấy bớt ra để xử lý. Bút chì thì chỉ bỏ vào ống đựng bút. Không cần phải nắm chính xác số đồ vật cần dùng là bao nhiêu, chỉ cần ước lượng một lượng phù hợp là được rồi.
• DẠY CON DỌN DẸP PHÙ HỢP VỚI CHU KỲ TRƯỞNG THÀNH CỦA CON
Khác với người lớn, chu kỳ phát triển của trẻ thay đổi nhanh hơn, nên những đồ vật, dụng cụ của trẻ cũng thay đổi phù hợp theo từng thời điểm. Sách giáo khoa cũng vậy, trẻ càng lớn thì sách tham khảo, bài tập thực hành cũng tăng theo. Các món đồ chơi cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Trẻ cũng sẽ chọn chơi các môn thể thao khác nhau ở từng độ tuổi khác nhau, các dụng cụ thể thao cũng từ đó mà gia tăng nhiều hơn…
Khi sách hay tài liệu học tập của con vượt quá số lượng nhất định thì nên chọn bỏ bớt đi.
Vì vậy, cha mẹ nên sắp xếp lại toàn bộ chỗ ở của trẻ khoảng 3, 4 tháng một lần. Khi sửa sang, bảo dưỡng phòng trẻ, cha mẹ không nên tự tiện thay đổi sắp xếp mà hãy để cho con tự suy nghĩ cách làm sao để tốt hơn, tiện dụng hơn.
• DẠY CON LÀM CÔNG VIỆC ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN
Sắp xếp không chỉ là để đồ vật lại vị trí cũ. Để sắp xếp, dọn dẹp ngăn nắp không gian của chính mình, các con cần làm rất nhiều việc nhỏ khác, chẳng hạn như biết để quần áo dơ vào giỏ giặt đồ thay vì mỗi lần thay ra đều quăng xuống sàn; biết tự xếp đồ bơi vào tủ đồ mùa hè để tủ đồ mùa đông được thoáng đãng,…
Cha mẹ nên nêu rõ một số nguyên tắc để con hiểu rõ và nghiêm túc làm theo, ví dụ như “quần áo dơ phải bỏ vào giỏ giặt đồ” hoặc “giày đi về phải xếp ngay ngắn vào tủ”,…
Không nên la rầy con phải dọn dẹp nhà cửa gọn gàng mỗi lần bạn con đến nhà chơi. Phải dạy con lúc nào cũng phải ngăn nắp, gọn gàng để bạn bè có thể đến nhà chơi bất cứ lúc nào. Khi chơi xong, con và các bạn sẽ cùng nhau dọn dẹp mọi thứ lại ngăn nắp như lúc ban đầu. Lần đầu mẹ có thể nhắc nhở hoặc phụ các con một tay, những lần sau đó, mẹ không cần lên tiếng hay làm giúp, hãy để con và các bạn tự giác cùng nhau sắp xếp, dọn dẹp.
Sau khi ăn bánh kẹo xong, các con phải biết tự giác thu dọn sạch sẽ giấy rác vào thùng rác. Nếu được chỉ dạy và đề ra nguyên tắc rõ ràng, chắc chắn con sẽ làm đến nơi đến chốn.
CÙNG SUY NGHĨ VỀ VIỆC NHÀ VÀ GIÚP ĐỠ LÀM VIỆC NHÀ
Bảng bên dưới là bảng thu gọn của khóa dạy làm việc nhà. Cha mẹ hướng dẫn cho con đến khi chính con tự nói ra công việc con muốn làm. Hãy thong thả cùng làm với con từng bước.
• VIỆC NHÀ CON CẦN LÀM GIÚP LÀ VIỆC GÌ?
Mọi người trong gia đình cùng nhau tìm ra những lợi ích của việc giúp làm việc nhà và điểm tốt của việc nhà? Hãy cùng con làm một cách vui vẻ như đang chơi trò chơi.
Ngay cả khi con biết rõ những điều đó rồi, cha mẹ cũng cần khuyến khích con ghi rõ ràng ra giấy: “Ý của mẹ là như thế này”. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con sẽ ghi ra được những điều sâu sắc hơn bạn nghĩ.
Dụng cụ chuẩn bị: Giấy ghi chú (2 màu), bút chì, bảng giấy đính kèm ở trang 189 (các bạn có thể photo ra để sử dụng).
1. “Lợi ích của việc giúp đỡ làm việc nhà – Điểm tốt của việc nhà”: Hãy cùng con viết vào giấy ghi chú, con sẽ ghi lợi ích của việc “giúp đỡ”, cha mẹ ghi điểm tốt của “việc nhà”. Mỗi miếng giấy ghi chú sẽ ghi vào một điểm tốt, và hãy cùng xem thử ai viết nhiều hơn.
Sau khi đã viết xong, hãy cùng con giải thích rõ hơn điều cả hai đã viết. Sau đó, không phân biệt ý kiến là của ai, hãy chọn một điều đối với mình là hay nhất, ghi vào ký hiệu số (1).
2. “Nhưng trong cuộc sống hàng ngày thì…”
Làm giống bước số 1, nhưng dùng miếng giấy ghi chú màu khác. Hãy viết ra điều gọi là: “Nhiều điểm tốt như thế mà trong cuộc sống hàng ngày thì……….. ở chỗ này thì……….. sẽ gây ra phiền phức”. Sau khi cùng con giải thích rõ xong, hãy chọn mảnh giấy mà cả cha mẹ và con cùng thống nhất ý kiến cao nhất, ghi vào ký hiệu số (2).
• PHÂN CÔNG VIỆC NHÀ CẦN GIÚP
Hãy lập ra một bảng phân công công việc nhà: để mỗi thành viên chuyên tâm vào công việc của mình. Ngoài công việc đã được phân công ra, hãy làm thêm những việc quan trọng khác hoặc những việc mà các thành viên quan tâm.
Dụng cụ chuẩn bị: Bút chì và bảng giấy đính kèm ở trang 187 ( bạn có thể copy ra để sử dụng).
• Các thành viên trong gia đình: Giúp con suy nghĩ về vai trò của mình. Vào ngày nào thì có những công việc nào? Việc gì đã làm được và việc gì không thể làm? Đối với việc nhà thì việc gì con có thể làm và việc gì con muốn làm? Vì con tự mình chọn và tự hứa, cho nên ý thức giữ lời hứa sẽ cao hơn.
• Vai trò của cha mẹ: Không chỉ có vai trò của con mà vai trò của cha mẹ cũng phải ghi ra. Nếu trẻ thấy cha cũng có vai trò làm giúp việc nhà, dù nhỏ thôi, con cũng sẽ cảm nhận thiết thực mối liên kết trong cuộc sống gia đình.
• Việc giám sát: Khoảng một tháng hãy kiểm tra một lần. Nếu con đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không làm hết công việc đã hứa thì nên giảm số lượng công việc xuống. Không chỉ khen ngợi con đã làm được nhiều việc, hãy khen con đã thực hiện lời hứa đều đặn, liên tục.