Sắp xếp → Quét dọn → Giặt giũ → Chuẩn bị bàn ăn → Chế biến món ăn
Thông qua những việc hàng ngày liên quan đến ăn - mặc - ngủ, cha mẹ có thể giáo dục cho con rất nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tuổi nhỏ mà biết giúp đỡ làm việc nhà thì lớn lên con sẽ có thói quen giúp đỡ làm việc nhà và thói quen đó sẽ gắn liền với con như một kỹ năng sống. Tuy nhiên, con không thể cùng một lúc có thể làm được hết mọi việc nhà. Trước hết, hãy để con làm thử cùng với cha mẹ, sau đó tùy theo độ hứng thú của con mà khéo léo dạy con cách làm.
• GIÚP CON CHẠM VÀO CUỘC SỐNG
“Việc nhà” là những công việc như bếp núc, giặt giũ, quét dọn… Cứ việc này nối tiếp việc kia, vì thế, công việc nhà làm hoài không xong và thật vất vả.
Nhưng nếu ta thay đổi cách nhìn thì sẽ như thế nào? Nơi gọi là nhà chính là nơi ta và gia đình đang sinh sống. Hàng ngày, cơ thể và các giác quan của ta đều động chạm, tiếp xúc trực tiếp với ngôi nhà và những công việc trong nhà. Chẳng hạn như phòng ở, để có cảm giác tốt khi tiếp xúc thì ta phải dọn dẹp cho thật sạch đẹp, đồ vật lấy ra thì sắp xếp vào thật gọn ghẽ. Mặc áo quần sạch sẽ khiến ta có cảm giác khoan khoái, thoải mái, nên khi quần áo mặc xong cần được giặt giũ sạch sẽ, phơi khô, sau đó cất xếp gọn gàng.
Để bản thân và gia đình mạnh khỏe, ta cần chế biến món ăn ngon cho mỗi bữa ăn, rửa sạch chén bát để dùng cho bữa sau, dọn dẹp bếp núc sạch sẽ,… Tất cả những việc đó gọi là việc nhà.
• VÒNG QUAY CUỘC SỐNG
Cuộc sống hàng ngày liên tục vận động. Các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày như học, chơi… cũng tiếp diễn không ngừng. Vòng quay cuộc sống chuyển động liên tục như vậy, nên cơ thể và trí óc ta không thể lơ là, mà phải luôn tỉnh táo và biết cách tổ chức. Có như vậy ta mới có thể phát triển cuộc sống gia đình, và các thành viên mới càng gắn bó với nhau.
Hãy giúp con suy nghĩ đến cuộc sống luôn biến động như thế. Mặc dù chỉ một mình mẹ lo toan thì cuộc sống gia đình vẫn chạy trơn tru. Nhưng với tư cách là một thành viên trong gia đình, hãy để trẻ góp phần công sức chia sẻ việc nhà. Những tiếp xúc thực tế khi con tham gia làm việc nhà chính là cách giáo dục con rất hiệu quả.
SẮP XẾP - DỌN DẸP
• DỌN DẸP PHÒNG KHÁCH
Nếu con có thể giúp đỡ việc này việc kia để cha mẹ nhẹ nhàng và thoải mái hơn thì dù đi bất cứ nơi nào, con cũng sẽ biết quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh. Điều này liên quan đến khả năng xây dựng mối quan hệ trong xã hội.
Phòng khách là nơi ở chính của con: Từ khi mới sinh cho đến tuổi dậy thì, con sẽ vui chơi và sinh hoạt chủ yếu ở phòng khách. Nhiều gia đình cũng coi phòng khách là không gian sống của con. Thế nên, phòng khách thường là nơi chứa nhiều đồ đạc.
Vì vậy, chỉ cần con biết tự sắp xếp đồ vật xung quanh là đã giúp ích cho cha mẹ rất nhiều rồi. Khi đó, con vừa “tự mình dọn dẹp đồ dùng của mình” vừa “dọn dẹp ngăn nắp, giúp cha mẹ nhẹ nhàng, thoải mái hơn”. Đồng thời, việc đó cũng nhằm mục đích luyện tập cho con thói quen: “đồ lấy ra dùng xong phải cất lại chỗ cũ”. Từ trang 38 đến trang 46 trong sách này sẽ hướng dẫn cho trẻ biết cách làm công việc sắp xếp không gian ở của mình.
Ở phòng khách, việc phân ra những khu vực riêng biệt cho con dễ hiểu như: “khu vực này là không gian của con”, “khu vực kia là chỗ làm việc của cha”, v.v… cũng là điều nên làm.
Dạy con thói quen “đồ lấy ra dùng xong phải cất lại chỗ cũ”: Nếu con có ý thức biết cất đồ đã sử dụng xong về lại chỗ cũ, thì việc dạy con biết sắp xếp xem như đã “đạt yêu cầu”. Cha mẹ có thể hướng dẫn con những bước sau để việc sắp xếp có kết quả tốt hơn:
Buổi tối trước khi đi ngủ, dạy con dọn dẹp phòng khách sạch sẽ. Phân công mỗi người trong gia đình có trách nhiệm tự mình đem cất những vật dụng do mình bày ra về lại chỗ cũ.
Nhắc con dọn dẹp đồ chơi trước đó rồi mới chơi trò chơi kế tiếp: “con cất đồ chơi vào chỗ cũ để đỡ vướng víu rồi hãy bày ra đồ chơi mới nhé”,…
Đối với những gia đình có phòng riêng cho trẻ, con có thể đem về để đầy phòng mình từ đồ chơi đến dụng cụ học tập. Trong trường hợp phòng của trẻ ở khác tầng, nếu mỗi lần con cứ phải lấy từng món từng món đem xuống chơi rồi lại đem lên cất thì thật bất tiện. Vì vậy, cha mẹ nên tạo không gian phòng con thật gọn gàng và tiện lợi cho con sắp xếp đồ đạc, ví dụ có thể gom hết đồ chơi lại một lần để cất vào buổi tối hoặc bố trí thùng cất đồ ngay trong phòng con,...
Dọn dẹp cả ngôi nhà: Con biết tự dọn dẹp đồ vật của chính mình là rất tốt rồi, nhưng nếu con biết dọn dẹp đồ đạc của cả nhà nữa thì càng đáng khen hơn. Khi được mẹ khen “Cảm ơn con đã giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp nhé! Con làm tốt lắm!”, con sẽ càng hứng thú làm việc.
Phòng khách là nơi sinh hoạt chung của gia đình.
• DỌN DẸP HÀNH LANG
Hành lang cũng giống như bộ mặt của ngôi nhà. Con người chăm sóc cho bản thân mình thế nào, hãy chăm sóc bộ mặt ngôi nhà như thế. Bởi lẽ, những kỹ năng học được qua việc chăm sóc bản thân, chăm sóc ngôi nhà của mình cũng được áp dụng trong cuộc sống xã hội.
Hành lang là “gương mặt” của ngôi nhà: Việc đem cất đôi giày cởi ra để ở hành lang không chỉ đơn thuần là việc làm cho ngăn nắp mà còn là việc biết ý thức, quan tâm giữ gìn bộ mặt của ngôi nhà.
Việc xếp đôi giày ngay ngắn cũng tạo cảm giác dễ chịu khi mọi người đi ra đi vào. Đặc biệt, khi nhà có khách, cha mẹ và các con cũng không cảm thấy xấu hổ vì hành lang ngổn ngang giày dép.
Các con cũng là thành viên trong gia đình. Vì vậy, dù con còn nhỏ, cha mẹ vẫn nên hướng dẫn con chăm sóc, gìn giữ ngôi nhà của mình, đó là bước đầu tiên để phát triển cho các con tinh thần tự giác sống vì gia đình.
Bắt đầu từ đôi giày của chính con
Thời điểm tốt nhất để dạy con tập thói quen biết sắp xếp đôi giày của mình ngay ngắn là khi con còn nhỏ, vẫn trong độ tuổi mà con đi đâu cũng có mẹ đi cùng. Vừa về đến nhà, con sẽ muốn chạy ào vào nhà để “nhanh bật tivi lên xem chương trình hoạt hình yêu thích”, “nhanh mở tủ lạnh ra ăn cái bánh”,… Cho dù vội vàng đến đâu, hãy giúp con phải chú ý đến đôi giày vừa mới cởi ra của mình. Nếu nghe mẹ nhắc: “Con xếp đôi giày lại cho ngay ngắn rồi hãy vào nhà nhé” thì con sẽ tự tay xếp lại đôi giày một cách đàng hoàng.
Đây cũng là giai đoạn dạy cho con biết để ý quan tâm đến mọi việc xung quanh, bằng cách nói như: “sắp xếp đôi giày của anh con luôn nhé”, “tiện thể có mấy cọng rác con nhặt bỏ vào thùng luôn nhé”, v.v…
Chắc chắn có trường hợp con sẽ hỏi ngược lại: “tại sao con phải xếp giày của anh” thì mẹ nên giải thích như: “hành lang là của chung, nếu ai thấy lộn xộn thì tự giác sắp xếp lại, không phải là việc tốt hay sao!” hay “lần trước đi học về anh con cũng sắp xếp giày của con đó thôi!”.
Chính những lúc như thế là cơ hội để dạy con ý thức biết quan tâm những vấn đề của người khác tại khu vực sinh hoạt chung.
Dạy con cách cởi giày
Bạn đã bao giờ dạy con cách cởi giày chưa? Hãy hướng dẫn con cởi giày như hình minh hoạ dưới đây. Quay mặt về phía cửa, cởi giày ra, bước vào hành lang ngồi thấp xuống, cầm hai gót giày quay mũi giày hướng ra ngoài, gót giày quay vô trong, hoặc đứng quay mặt lại với cửa, vừa nhích người lên vừa cởi giày ra rồi xếp cho thẳng.
Khi cởi giày ra thì sắp xếp ngay.
• DỌN DẸP NƠI MÌNH VỪA SỬ DỤNG XONG
Biết suy nghĩ cho người sử dụng sau cho thấy trẻ có khả năng tư duy tiên liệu sự việc và biết cảm thông với cảm giác của người khác.
Không gian chung của gia đình
Bồn rửa mặt, bồn tắm, toilet… là những nơi các thành viên trong gia đình đều sử dụng chung nhiều lần mỗi ngày. Vì vậy, hãy dạy trẻ sau khi dùng xong biết chùi rửa sạch sẽ, xếp đặt gọn gàng để tiện lợi cho người dùng sau.
Cũng có người cho rằng, còn “quá sớm” để con nhỏ động tay động chân vào những vết dơ bẩn. Nhưng nên nhớ không có khái niệm “còn quá sớm” đối với việc biết tự quán xuyến mọi việc xung quanh mình. Đừng để con nhận thức sai lầm rằng: những việc dọn dẹp vết dơ không phải là việc của mình, tốt nhất nên để người khác làm. Cha mẹ hãy dạy cho con ý thức tự mình giải quyết những việc xung quanh trong cuộc sống hàng ngày càng sớm càng tốt. Hãy giúp con xem đó là việc làm hiển nhiên, giống như theo thời gian thì con biết tự mình rửa tay, biết tự mình mặc quần áo, biết tự mình đi toilet,…
Biết kiểm tra lại sau khi dùng xong
Nếu tập cho con thói quen “biết kiểm tra lại sau khi dùng xong”, con sẽ dễ tổ chức cuộc sống hàng ngày xung quanh mình một cách đàng hoàng, sạch sẽ. Còn nếu cha mẹ cứ nói những điều chung chung thì có thể con không hiểu nên làm bắt đầu từ việc gì.
Toilet: Vì con còn nhỏ tuổi, chưa biết cách làm nhiều việc nên cha mẹ cần từ tốn hướng dẫn con cách làm. Hãy chỉ cho con biết những chỗ dơ trong bồn cầu hay nước tiểu dính xung quanh và nhấn mạnh: “con nên lau chùi sạch sẽ mấy chỗ này để bồn cầu sạch sẽ thơm tho và người sau sử dụng sẽ thấy thoải mái hơn nhé!”,…
Khi con là học sinh tiểu học và có ý thức tự giác làm việc nhà rồi, đừng ngần ngại giao cho con công việc chùi rửa toilet. Tham khảo thứ tự cách làm chi tiết ở trang 59.
Bồn rửa mặt: Rửa mặt có thể gây ra vệt ố do bọt xà phòng, nước bẩn, và tóc rụng khi chải đầu có thể làm tắc ống nước. Nhưng trẻ thường không để ý đến những việc đó khi sử dụng bồn. Cha mẹ hãy gọi con vào chỉ bảo cặn kẽ: “con nhớ dọn dẹp sạch sẽ tóc rơi xuống bồn rửa, để không làm tắc nghẽn ống thoát nước”, “con nhớ lau khô sạch sẽ những vết bẩn này nhé”, v.v… Đồng thời nhấn mạnh với con: thói quen kiểm tra lại toàn bộ sau khi sử dụng xong là một thói quen tốt cần phải thực hành.
Bồn tắm: Dạy con kiểm tra mọi thứ trước khi bước ra khỏi bồn tắm như nhìn xem có bọt xà phòng còn dính ở đâu không, xem tóc có rơi rụng đâu đó trong bồn hay đọng lại ở ống thoát nước không. Cách làm chi tiết, tham khảo ở trang 62.
Biết kiểm tra lại sau khi dùng xong.
VỆ SINH NHÀ CỬA
• CÁCH SỬ DỤNG KHĂN LAU
Việc đơn giản như vắt khăn lau ráo nước cũng liên quan nhiều đến kỹ năng điều phối và vận động thân thể.
Lau nhà bằng khăn là cách rèn luyện cơ thể vận động: Thông thường con sẽ mắc những lỗi sau khi dùng khăn lau nhà: không vắt khăn lau đều tay cho dù dồn sức lực đúng trọng tâm khăn, dù cố gồng hết sức để vắt khăn; không thể di chuyển khăn lau dễ dàng để lau sàn nhà; không biết cách cân bằng cơ thể khi lau hành lang rộng, khiến con có thể té ngã.
Có nhiều trường hợp, khi chơi thể thao, con sẽ biết cách sử dụng khăn lau tốt đến mức đáng kinh ngạc. Điều này có nghĩa là, việc dùng khăn lau nhà cũng có tác dụng giúp con vận động cơ thể hiệu quả. Vì vậy, tập cho con tự lau nhà không chỉ rèn luyện ý thức biết giúp đỡ cha mẹ mà còn rèn luyện cho con có thêm sức khỏe và dẻo dai.
Hãy tạo cho con cơ hội lau nhà bằng khăn lau: Ngay cả những gia đình trước nay thường sử dụng cây lau nhà, thì bây giờ là cơ hội để bắt đầu áp dụng việc lau nhà bằng khăn. Đối với những vết bẩn nhỏ thì khăn lau là dụng cụ rất hữu dụng. Không những dưới sàn mà bụi bám trên bề mặt vật dụng đồ đạc, xung quanh chỗ thoát nước nhà bếp, v.v… có rất nhiều chỗ mà dùng khăn ướt lau sẽ tiện lợi và sạch sẽ hơn.
Dạy con vắt khăn theo chiều dọc giống như hình minh họa. Cầm khăn theo chiều dọc rồi dùng cổ tay xoắn vào trong để không chỉ lực ở đầu bàn tay mà lực toàn thân được thoát ra hai tay thông qua phần hông có thể tác động lên khăn. Làm đúng cách này thì con chỉ dùng ít sức thôi cũng có thể vắt khăn ráo nước.
Khi lau sàn nhà và lau bàn cũng thế, không chỉ dùng ngực không thôi mà phải dùng hông điều khiển lực toàn thân. Nếu biết dùng hông điều phối lực để thong thả lau nhà với diện tích rộng sao cho có thể dễ dàng lau sạch toàn bộ không sót chỗ nào.
Để sử dụng khăn lau dễ dàng: Chú ý chọn khối lượng và kích thước của khăn phù hợp với trẻ. Tôi cho rằng khăn lau dễ sử dụng với trẻ là loại khăn mỏng và khi xếp lại vừa với khổ tay của trẻ. Còn đối với người lớn, có thể sử dụng cùng loại khăn mỏng nhưng kích cỡ to hơn một chút.
Vắt khăn đúng cách.
• DÙNG CHỔI LÔNG GÀ
Việc dạy con nhanh tay lấy chổi lông gà quét dọn mỗi khi nhìn thấy bụi bẩn cũng là cách rèn luyện khả năng phản xạ cho con.
Dùng chổi lông gà làm việc nhà: Có một số người thích cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên với nắng gió, ánh sáng ngập tràn căn nhà hơn một ngôi nhà kín cổng cao tường với những tiện nghi hiện đại như sàn gỗ, máy lạnh,… Đối với họ, những dụng cụ như chổi lông gà hay chổi quét nhà là những đồ vật không thể thiếu trong gia đình.
Trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay, hầu hết các gia đình đều trang bị máy hút bụi trong nhà cho tiện lợi. Nhưng ngày trước, mọi người đều dùng chổi cho việc quét dọn thông thường và lúc nào con trẻ cũng phụ giúp. Vì tâm lý các con thích dùng cây chổi lông gà quét đi quét lại mặt bàn hay các vật dụng như đang chơi đồ chơi vậy.
Những đồ vật như kệ tivi, khung ảnh trang trí, lồng đèn,… là những nơi dễ tích tụ bụi bẩn và khó lau chùi. Nhưng chổi lông gà sẽ giúp dọn dẹp những khu vực này sạch sẽ và dễ dàng hơn nhiều.
Âm thanh nhịp nhàng khi dùng chổi lông gà: Trẻ nào lần đầu cầm chổi lông gà cũng chỉ biết quơ qua quơ lại đại khái để sạch bụi. Làm như vậy cũng có thể tống khứ phần nào bụi bẩn đáng ghét bám trên đồ vật. Nhưng cha mẹ có thể dạy con cách di chuyển chổi lông lên xuống, qua lại nhịp nhàng để dễ dàng quét sạch bụi các đồ vật, mặt phẳng như mặt tivi, khung ảnh hay lồng đèn,…
Nguyên tắc “từ trên xuống”: Có một nguyên tắc trong công việc nhà mang tên “Nguyên tắc từ trên xuống”. Dù bạn có quét bụi bẩn bay lên không trung thì chúng cũng từ từ rơi xuống đất. Cho nên, việc lau nhà cũng nên theo tuần tự quét dọn các đồ dùng trên cao trước rồi dần dần làm thấp xuống cho tới dưới sàn nhà. Khi làm vệ sinh nhà, hãy dạy cho trẻ làm theo nguyên tắc này.
Những nguyên tắc cha mẹ dạy cho con cũng chính là hành trang vốn sống của con. Ngoài ra, còn có nguyên tắc “mở cửa sổ trước khi bắt đầu dọn dẹp” để giúp phòng thoáng khí và bụi bặm cũng theo không khí bay ra ngoài. Những điều như vậy, nếu cha mẹ không chỉ dạy, con sẽ không để ý.
Vui quét bụi bằng chổi lông gà.
Phất mạnh chổi lông mọi nơi, quét sạch bụi khỏi mọi ngõ ngách.
• SỬ DỤNG MÁY HÚT BỤI
Con biết suy nghĩ đến thứ tự khu vực nên việc hút bụi sẽ nâng cao khả năng lập kế hoạch cho con.
Quét dọn là việc làm có kế hoạch từng bước
Hút bụi không chỉ đơn giản sử dụng máy hút những thứ rơi ra trên sàn nhà. Nếu không có định hướng bắt đầu làm từ đâu tới đâu, công việc sẽ tốn nhiều thời gian hơn mà hiệu quả lại kém hơn. Dạy con biết suy nghĩ lên kế hoạch trước khi bắt đầu công việc hút bụi cũng giúp tăng khả năng lên kế hoạch từng bước cho con.
Hãy cho con tự mình lên kế hoạch dọn dẹp căn phòng của mình, hãy bắt đầu dạy con giúp đỡ việc nhà một cách có kế hoạch như vậy từ khi con còn nhỏ.
Đảm bảo con dùng máy hút bụi đúng cách: Dường như trẻ nhỏ rất có hứng thú với máy hút bụi, đúng không? Nhưng vì máy hút bụi có thể hơi cồng kềnh đối với con, nên mẹ hãy làm mẫu cho con xem và hướng dẫn con sử dụng máy trên một diện tích nhỏ và dễ làm trước. Cha mẹ có thể giao cho con hút sạch những chỗ có bột bánh rơi hoặc nơi có cát bụi tích tụ.
Dạy cho con biết cách lập kế hoạch ngay cả khi còn học tiểu học:
• Nhặt rác rơi ở trên sàn nhà;
• Sắp xếp đồ vật bừa bộn trên sàn nhà cho gọn gàng;
• Dạy con bắt đầu hút bụi từ trong góc phòng (rồi dần dần hút sạch bụi cả nhà);
• Chỉ di chuyển đầu ống máy hút là chưa đủ, quan trọng nhất là phải hút sạch rác và bụi;
• Không chỉ dọn sạch bốn phía căn phòng mà còn phải hút sạch bụi trong mọi ngõ ngách.
Khi con đã quen việc, cha mẹ có thể giao trọng trách dọn dẹp nhà bằng máy hút bụi cho con. Hầu như rất hiếm khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn khi sử dụng máy hút bụi nên từ độ tuổi tiểu học, cha mẹ nên hướng dẫn con cách hút bụi và dần dần trao trách nhiệm này cho con.
Việc dọn phòng đối với trẻ mới lớn: Ở độ tuổi dậy thì, con thích ở trong phòng riêng của mình hơn. Bước vào độ tuổi này, con đã có thể tự lập tốt rồi, cha mẹ không nên dọn dẹp phòng giúp con nữa. Các bậc phụ huynh hãy đặt mục tiêu cho các con tự làm công việc lau dọn phòng riêng của mình từ 12 tuổi trở đi.
Phải bảo đảm máy hút bụi xử lý hết các góc phòng.
Dạy con chú ý dùng máy hút bụi dọn sạch các góc phòng và gầm giường, gầm tủ,... Chú ý khi hút bụi, tránh làm đầu máy va chạm mạnh khiến gây xước tường hay tróc sơn đồ vật.
• CÁCH DÙNG CHỔI VÀ HỐT RÁC
Khi dùng chổi và hốt rác, cần tập trung trong một khoảng thời gian ngắn để công việc đạt hiệu quả cao hơn.
Trẻ nào cũng sử dụng chổi được: Trong cuộc sống ngày nay, chổi và cây hốt rác được sử dụng chủ yếu ngoài sân hoặc hành lang. Cũng giống chổi lông gà, so với đồ điện gia dụng thì đối với trẻ, chổi quét nhà và cây hốt rác dễ cầm nắm và dễ sử dụng hơn nhiều.
Giai đoạn trẻ thơ là giai đoạn chuẩn bị cho trẻ phát triển kỹ năng vận động của cơ thể và hệ thần kinh. Vì vậy, khi dạy con giúp làm việc nhà, hãy tạo ra cơ hội để tay chân và cơ thể của con trực tiếp tiếp xúc, cầm nắm các dụng cụ như chổi và chổi lông gà, v.v…
Ngoài việc quét dọn sân vườn, hành lang, phòng khách,... cha mẹ hãy khuyến khích con dùng chổi quét dọn phòng riêng của con.
Quét dọn hành lang là công việc của trẻ: Người lớn tuổi thường chia sẻ kinh nghiệm dạy bảo con cái của mình rằng họ thường nói với con: “Phải quét dọn hành lang cho sạch rồi mới đi học”. Vì hoàn cảnh bận rộn ngày nay, nếu không thể quét dọn được mỗi ngày thì vào cuối tuần hoặc lúc thấy dơ thì hãy bảo con quét dọn hành lang và phần đường trước cửa nhà.
Khi quét rác vào cây hốt rác, dạy con đừng giở đầu chổi lên, mà hãy đè chặt vừa phải để lùa rác vào cây hốt rác. Sau đó, từng chút, từng chút vừa giật lùi cây hốt rác vừa quét rác vào trong cho đến khi sạch hết rác. Khi quét dọn hành lang, cha mẹ nhớ nhắc nhở con mở cửa hành lang ra cho thoáng khí và quét theo hướng từ trong ra ngoài. Có thể cẩn thận dặn con quét thêm 1-2 mét khu vực nhà bên cạnh để thể hiện tình hàng xóm láng giềng.
Chuẩn bị chổi quét trong phòng: Trẻ nhỏ thường ăn uống hay rơi vãi, hoặc mang đất cát chơi bên ngoài vào nhà. Đó là nguyên nhân vì sao mà nhà nào có trẻ em thì những loại rác bẩn cứ sinh ra liên tục. Nên dạy cho con biết rác thải do con tự gây ra thì phải biết tự mình quét dọn. Những lúc như thế, con có thể dùng chổi quét nhà hoặc chổi lông gà để quét dọn cho tiện lợi và dễ dàng.
Nếu con nói rằng con không thích công việc quét dọn, cha mẹ hãy nhắc nhở con ăn uống cẩn thận không để rơi vãi và rửa tay chân sạch sẽ trước khi bước vào nhà, rằng nếu con không làm dơ thì sẽ không phải quét dọn.
Trẻ nào cũng có thể dễ dàng sử dụng chổi và cây hốt rác.
Để cho rác không bay loạn xạ thì khi quét rác đừng nhấc đầu chổi lên cao, vừa giật lùi cây hốt rác vừa dùng chổi lùa rác vào một cách thuần thục.
• LÀM VỆ SINH TOILET
Dù con không thích công việc này, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giao cho con làm thử để con có trải nghiệm thực tế. Biết chấp nhận và vượt qua thử thách cũng là điều thú vị trong cuộc sống.
Làm quen với công việc lau chùi toilet: Không ai thích làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh cả, dù là cha mẹ hay con cái. Vậy nên, khi cha mẹ giao nhiệm vụ lau chùi toilet, ban đầu trẻ có thể khó chịu hoặc phản ứng tiêu cực như: “Eo, ghê lắm, con không làm đâu”. Nhưng, như đã đề cập ở trên, vì nhà vệ sinh là nơi sử dụng chung nên cha mẹ hãy dạy con giữ gìn sạch sẽ vì người dùng sau.
Dù còn nhỏ, nhưng nếu con biết tự giác dọn dẹp những vết bẩn do mình gây ra thì thật đáng khen, và việc trẻ biết quan tâm đến cảm giác của mọi người trong nhà còn tuyệt vời hơn nữa! Ngày nay, bồn toilet hiện đại hơn, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Vì vậy, công việc dọn dẹp toilet cũng đỡ vất vả hơn và cha mẹ cũng không còn lo lắng con có thể trượt ngã trong toilet như thời trước.
Đối với công việc dọn dẹp toilet, khi làm lần đầu tiên con hẳn sẽ phàn nàn khó chịu, nhưng từ lần thứ hai, lần thứ ba trở đi, cảm giác ''ghê quá” đó cũng dần dần biến mất. Đến những lần sau này, con sẽ quen việc và làm tốt hơn. Cha mẹ nên cho con làm quen với việc dọn toilet từ nhỏ.
Thứ tự lau dọn toilet: Thật tốt khi con biết tự lau chùi vết bẩn do mình gây ra nhưng cha mẹ có thể dạy thêm cho con cách làm vệ sinh toàn bộ toilet khi con đã quen việc. Đến ngày tổng vệ sinh, cha mẹ hãy tin tưởng nói với con rằng: “Mẹ giao cho con trách nhiệm làm vệ sinh toilet trong ngày hôm nay nhé”.
Cũng như công việc dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh toilet cũng theo nguyên tắc từ trên xuống. Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng có thứ tự riêng khi lau chùi bồn cầu. Đối với cách làm của gia đình mình, tôi phải làm mẫu hướng dẫn cho con xem trước khi con tự tay làm. Theo tôi, các gia đình nên sử dụng loại khăn dùng một lần rồi bỏ, vì như thế sẽ tiện lợi và tiết kiệm hơn. Vì chất tẩy rửa toilet có tính hóa dược mạnh nên cha mẹ nhớ dặn con là khi làm phải mang bao tay ni lông. Trình tự lau chùi toilet thông thường như sau:
• Lau chùi bên trong bồn cầu. Chùi vết bẩn nơi đường viền bồn và góc cạnh.
• Lau bệ ngồi cả hai mặt trên và dưới, nơi rất dễ bị dính bẩn. Những bề mặt bồn cầu dễ đọng vết bẩn cần kiểm tra và lau chùi kỹ càng hơn.
• Lau dưới sàn nơi xung quanh bồn tọa. Nếu nhà có bé trai thì đây là chỗ hay bị dơ nhất, cha mẹ hướng dẫn các con lau chùi khu vực này cẩn thận hơn.
• Cuối cùng đừng quên dạy con vệ sinh nắp bồn cầu.
Cảm giác hài lòng khi nhà vệ sinh sạch sẽ.
• VỆ SINH BỒN TẮM
Khi làm vệ sinh, trẻ thường rất thích thú với việc sử dụng nước. Điều này sẽ giúp trẻ phát huy khả năng tìm ra niềm vui từ những điều bình dị xung quanh.
Vui thích khi làm vệ sinh bồn tắm: Làm vệ sinh bồn tắm là công việc yêu thích của trẻ. So với những công việc nhà khác, cha mẹ nào cũng an tâm giao phó việc này cho con hơn. Con sẽ thấy thích thú khi tiếp xúc với bọt xà phòng, nước, cảm giác trơn trượt khi lau chùi sạch sẽ bồn tắm và sau đó, còn gì tuyệt hơn khi bước vào bồn tắm sạch bóng, thơm tho với làn nước trong vắt.
Con sẽ phát hiện ra nhiều điều thích thú với công việc vệ sinh bồn tắm đơn giản. Hơn nữa, việc cảm nhận niềm vui từ những điều gần gũi xung quanh mình là một trải nghiệm thực tế rất tốt cho con.
Con hoàn thành nhiệm vụ của mình: Công việc làm vệ sinh bồn tắm là nhiệm vụ dễ hoàn thành nhất đối với con. Trước khi giao nhiệm vụ, hãy hướng dẫn đơn giản cho con cách làm vệ sinh bồn tắm: Làm vệ sinh bồn tắm khi nào, trước hay sau khi tắm? Lưu ý đến vấn đề thời gian nếu làm vệ sinh trước khi tắm để những người khác trong nhà không phải chờ đợi.
Nếu con làm vệ sinh bồn tắm trước khi tắm, cha mẹ hãy chỉ con cách xắn vạt áo, xắn tay áo sao cho khỏi bị ướt.
Những chỗ gợi ý khi làm vệ sinh bồn tắm gồm:
1. Cặn bẩn trong bồn.
2. Chất trơn trượt trên sàn.
3. Bọt xà phòng và chất dơ dính trên tường.
4. Nấm mốc ở mặt sàn xung quanh bồn tắm.
Lưu ý không để con tự ý dùng chất tẩy rửa có tính hóa dược cao. Cha mẹ có thể để con dùng bọt biển và xà phòng thông thường lau chùi các vệt dơ trên tường, cặn bẩn trong bồn hay chất trơn trên sàn. Các con sẽ vui thích khi được giao miếng bọt biển để lau chùi bồn tắm.
Vì bồn tắm cần dùng chất tẩy chuyên dụng ở những nơi có nấm mốc, nên cha mẹ hãy dặn con báo cho mình biết nếu phát hiện ra nấm mốc.
Về vấn đề độ ẩm: Để bồn tắm luôn luôn thoáng mát, thơm tho, điều quan trọng là không để phòng tắm bị bí hơi. Vì vậy, theo tôi, thời điểm làm vệ sinh bồn tốt nhất là sau khi tắm. Sau khi làm vệ sinh xong, chỉ cần mở cửa sổ nhà tắm ra để phòng tắm thoáng khí lưu thông thì nấm mốc cũng giảm nhiều.
Vui thích khi giúp mẹ làm vệ sinh bồn tắm.
Nhắc nhở con dùng miếng bọt biển lau chùi vệt bẩn trong bồn tắm, nhặt sạch rác, tóc ở rãnh thoát nước, báo cho mẹ biết nếu phát hiện nấm mốc trên mặt sàn.
GIẶT GIŨ QUẦN ÁO
• SỬ DỤNG MÁY GIẶT
Phân loại quần áo trước khi giặt cũng là một cách vận dụng đầu óc khi làm việc. Khi trẻ có thể tự phân biệt được những quần áo có thể giặt chung với nhau thì đó cũng là lúc trẻ có khả năng hiểu rõ đồ vật.
Dạy con biết phân loại đồ giặt: Suy nghĩ của con trẻ thường rất giản đơn, các con thường nghĩ rằng đối với việc giặt giũ, chỉ cần cho tất cả quần áo vào máy, cho bột giặt rồi bấm nút là xong, chứ không cần bất cứ kỹ năng nào khác. Tuy nhiên, cha mẹ nên dạy con biết chú ý phân loại quần áo khi giặt thì quần áo sẽ không bị dính màu, sẽ sạch hơn, bền đẹp hơn. Có rất nhiều loại vải khác nhau, nên không thể giặt chung tất cả. Có những loại vải không thích hợp khi giặt chế độ dòng nước chảy mạnh, nhưng cũng có những quần áo cần giặt mạnh thì mới sạch. Nếu cha mẹ không giải thích, con sẽ không biết được.
Thông thường, những loại quần áo sau không thể bỏ vào giặt chung được:
• Áo quần màu trắng và màu (có thể giặt chung nếu đã bị phai màu rồi).
• Áo quần ít vết bẩn, mồ hôi không nên giặt chung với áo quần chơi thể thao hoặc đồ dơ nhiều.
• Đồ len nên giặt riêng với chức năng giặt tay.
• Đồ lót nên giặt riêng.
• Các loại khăn, vải dùng để lau nhà, lau toilet cần giặt riêng.
Đối với từng loại quần áo, cha mẹ nên hướng dẫn con biết lượng bột giặt bao nhiêu là thích hợp, dù quần áo không phai màu cũng chỉ nên dùng một lượng bột giặt vừa đủ. Hãy làm mẫu cho con nhìn tận mắt. Điều này có thể kích thích tính tò mò, đam mê khoa học của trẻ.
Lộn trái hoặc không: Vì tôi không thích áo quần khi phơi bị nếp gấp bề mặt phải do lộn trái khi cho vào máy giặt nên tôi thường để mặt phải áo quần mà giặt. Nhưng cũng có người vì muốn tránh việc quần áo bị phai màu, họ lộn trái áo quần khi giặt. Không thể nói cách nào đúng, cách nào sai vì cách nào cũng có lý do hợp lý. Vì vậy, hãy dạy cho trẻ phương pháp giặt mà gia đình bạn thường áp dụng: “gia đình ta giặt đồ theo cách này nhé”...
Có những trường hợp khi ta vô tình thay đồ, bên tay này mặt phải còn bên tay kia mặt trái khiến người đem đồ đi giặt phải mất công lộn lại rất phiền phức và mất thời gian. Vì vậy, cha mẹ hãy nhắc nhở con chú ý điều đó khi thay đồ. Chỉ cần biết suy nghĩ và quan tâm đến người giặt một chút thì việc giặt giũ sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Việc biết quan tâm người khác từ những chuyện đơn giản như vậy sẽ giúp trẻ hình thành ý thức quan tâm đến mọi người trong cả những chuyện lớn hơn. Và cũng giống như việc giặt đồ, khi ta biết nghĩ cho người khác, mọi công việc trong cuộc sống đều sẽ dễ dàng hơn.
Quan trọng là hạn chế rắc rối trước khi giặt.
Nếu biết chú ý khi thay đồ thì việc giặt giũ sẽ nhẹ nhàng hơn. Hãy dạy con nguyên tắc giặt đồ của gia đình là để quần áo mặt phải hoặc để mặt trái khi giặt.
• PHƠI QUẦN ÁO
Cũng cần quan sát việc con phơi đồ sau khi giặt xong. Để hoàn thành tốt một công việc, cha mẹ cần kiểm tra mọi công đoạn.
Việc phơi quần áo cho đúng cách không chỉ đơn giản đem treo quần áo lên cho khô, mà phải chú ý những yếu tố sau:
1. Đồ gì thì nên phơi chỗ nào? Ví dụ, loại khăn dày và có khổ lớn (lâu khô) thì treo nơi ngoài cùng hiên nhà. Những loại áo sơ-mi, áo thun dễ phai màu thì nên phơi ở giữa. Đồ lót thì phơi những nơi bên ngoài không nhìn thấy,… Dạy cho con biết cách phơi từng loại đồ vào chỗ thích hợp.
2. Phơi như thế nào? Nếu chú ý lúc phơi đồ thì khi lấy đồ khô cũng dễ dàng hơn. Áo quần, trang phục đi làm thì chỉnh sửa ngay thẳng trước khi phơi. Nên dạy con không nên phơi quần áo san sát nhau, để chừa một khoảng trống giữa các móc áo, giúp quần áo nhanh khô hơn và cũng không lo bị dính màu từ áo này sang áo kia. Còn khăn lau và khăn choàng nên giũ thật kỹ trước khi phơi, vừa giúp bớt lượng nước thừa, vừa giúp kéo giãn nếp nhăn.
Đối với áo quần vải nhung, len, v.v… thì dùng bàn chải chuyên dụng chải lông nổi lên rồi phơi. Đối với tất, vớ, tôi thường dùng kẹp để kẹp đầu ngón chân khi phơi để bộ phận có dây thun không bị kéo giãn, nhưng cũng có những gia đình làm ngược lại cách làm này.
3. Đừng quên dạy những lưu ý nhỏ. Cây phơi đồ là nơi dễ bị dơ do nhiều nguyên nhân. Hãy dạy con trước khi phơi đồ, nếu muốn phơi khăn hay quần áo trực tiếp lên cây phơi thì phải biết lấy khăn lau sạch cây phơi. Phơi chăn nệm ở hiên nhà cũng vậy, hãy lau sạch hiên nhà trước. Ngoài ra, khi treo áo vào móc, đối với các áo loại thun len, nếu treo cổ áo vào móc áo thì phần xung quanh cổ áo bị kéo giãn ra, do đó để cổ áo không bị kéo giãn, nên luồn móc từ phía vạt áo lên và chỉnh sửa lại hình dạng rồi phơi, áo sẽ bền đẹp hơn.
Niềm vui công việc sẽ kích thích phát triển năm giác quan. Công việc phơi quần áo có thể kích thích năm giác quan vận động đầy năng lượng. Khi ra ngoài, cả cơ thể con sẽ như hòa mình trong nắng gió và ánh sáng mặt trời, tay thì tiếp xúc với vải mềm ướt dễ chịu, tai nghe những âm thanh lanh canh của móc áo và tiếng phành phạch khi giũ quần áo, mũi ngửi mùi thơm của áo quần khi đã giặt sạch. Con sẽ cảm nhận được thời tiết bốn mùa, mùi hương cỏ cây tùy theo mùa cũng khác nhau. Ngoài ra, cái cảm giác khoan khoái khi thấy áo quần dơ được giặt sạch sẽ thơm tho cũng len lỏi tâm hồn con.
Niềm hạnh phúc của cuộc sống gia đình khi cha mẹ và con cùng tận hưởng sự vui thú của công việc đem phơi đồ vừa bình dị, vừa ấm áp. “Ôi mùi hương thơm mát, thật là thích quá!”, “âm thanh lanh canh nghe vui tai làm sao”,… hãy nói ra bằng lời và hãy truyền đi cảm giác vui sướng đó.
Cách phơi quần áo cũng có nhiều quy định.
Dạy con quần áo sau khi giặt nên giũ kỹ để nếp nhăn giãn ra, còn móc áo thì phải luồn dưới tà áo lên, kéo thẳng vải ở các góc rồi mới phơi.
• XẾP VÀ CẤT QUẦN ÁO
Việc lấy quần áo đã khô vào nhà, xếp cất để chuẩn bị cho lần sau dùng tiếp là cách rất hay để dạy con biết hoạch định kế hoạch.
Khi lấy quần áo: Công việc lấy đồ khô vào cất, xếp có nhiều điểm khá thú vị. Cha mẹ hãy dặn dò con chú ý những điểm sau: Đừng vô ý giật mạnh móc áo và kẹp quần áo, phải lấy xuống bằng hai tay; chỉ cho con biết nơi cất móc áo và kẹp phơi đồ sau khi phơi xong. Bản thân tôi nghĩ rằng không nên để móc áo và kẹp phơi nguyên y trên cây phơi đồ sau khi lấy đồ đã khô vào nhà.
Gấp quần áo và đem cất: Có 2 cách gấp áo. Nếu gấp quần áo cất vào tủ để sử dụng trong những ngày tiếp theo nên gấp theo cách gấp đơn giản giống như hình minh họa trang 73. Mẹ hãy lấy một chiếc áo và xếp từng bước cho con xem thì con sẽ dễ hiểu.
Mỗi gia đình sẽ có một cách gấp xếp khăn và quần áo khô khác nhau sao cho thuận tiện. Cha mẹ hãy vừa làm mẫu cho con xem vừa hướng dẫn đến khi con có thể tự làm được: “Nhà mình sẽ xếp quần áo rồi cất vào tủ theo thứ tự này cho thuận tiện, con nhé”.
Khi gấp áo, bạn nhớ dạy con làm cho hai góc vai áo rũ thẳng trước khi gấp. Sau khi đã mất công gấp xếp quần áo đàng hoàng, nếu đem cất cẩu thả thì quần áo sẽ bị nhăn, nên cha mẹ hãy nhắc nhở con chú ý gấp xếp gọn gàng. Ngoài ra, hãy dạy con khi đem cất biết nghĩ đến lúc sử dụng để biết nơi cất phù hợp nhất cho từng món đồ. Nếu con tự xếp cất đồ vào tủ, con sẽ biết được vị trí quần áo, tất vớ mình ở chỗ nào, sẽ không còn hỏi những câu hỏi như là “mẹ ơi, quần này/áo kia của con mẹ để đâu vậy ạ?”.
Giúp mẹ làm việc: Việc quán xuyến, cất dọn quần áo sau khi giặt xong là công việc giúp mẹ rất nhiều. Sau một ngày làm việc bận rộn, buổi chiều tối khi mẹ trở về nhà, các con có sẵn lòng giúp mẹ công việc lấy đồ phơi vào không? Mẹ còn phải chuẩn bị bữa ăn tối cho cả nhà và núi việc khác đang chờ, vậy các con có gấp xếp đồ rồi cất vào tủ gọn gàng giúp mẹ không?
Cha mẹ thường than vãn rằng “không sai bảo thì con không làm”, nhưng làm sao để không nói mà con vẫn tự giác làm? Cách duy nhất là nhắc nhở con nhiều lần để con hình thành thói quen này. Rồi một ngày con biết chú ý và tự giác làm, cha mẹ đừng tiếc lời khen ngợi và cảm ơn con. Chắc chắn, con sẽ không quên niềm vui đó, sau đó con sẽ quan tâm nhiều hơn, tự giác và ý thức giúp đỡ cha mẹ việc nhà nhiều hơn.
Gấp áo quần theo cách cơ bản.
• ỦI QUẦN ÁO
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc ủi quần áo dễ gây phỏng và nguy hiểm nên không muốn giao cho con làm. Nhưng nếu cha mẹ hướng dẫn con đúng cách và quan sát chú ý đến khi con làm thuần thục thì trẻ học tiểu học cũng có thể làm.
Hãy giúp con tăng cao khả năng chấp nhận thử thách!
Mấy tuổi thì con làm được? Vì hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng việc ủi quần áo có thể gây nguy hiểm cho con nên họ có rất nhiều thắc mắc như: “Nếu con muốn làm thì có nên giao cho con làm không?” và “Mấy tuổi thì con có thể làm được?”.
Tôi cho rằng, vì việc sử dụng bàn ủi không đúng cách có thể gây bỏng cho con, nên ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ càng cần hướng dẫn để con tích lũy kinh nghiệm dần dần. Hãy làm mẫu cho con xem từ những món đồ đơn giản nhất như khăn tay, sau đó quan sát con làm.
Khi theo dõi con làm, không nên chen ngang, dù là bằng hành động hay lời nói vào giữa chừng. Khi vô tình ngón tay con đụng trúng bàn ủi, cha mẹ hãy giải thích chính xác cho con cách xử lý. Bất cứ ai khi ủi đồ, nếu bất cẩn đều có thể gặp vết bỏng hay vết thương. Chuyện đó không phải là chuyện gì ghê gớm cả. Cha mẹ và con đều không nên cuống lên, hãy bình tĩnh xử lý sự cố nhẹ nhàng nhanh chóng.
Trước tiên, dạy cho con biết rằng khi bị bỏng, nếu con nhanh chân tự mình đi tới nơi có vòi nước sẽ giúp ích hơn nhiều so với việc ngồi đó la khóc mà không biết làm gì. Khi bị thương cũng vậy, hãy động viên con “không sao cả” và khuyên con bình tĩnh xử lý. Nếu cha mẹ giữ thái độ điềm tĩnh, nói chuyện từ tốn, con sẽ không bị hốt hoảng.
Ủi quần áo là công việc làm bằng hai tay: Người thuận tay phải thì cầm bàn ủi tay phải, nhưng không phải vì thế để tay trái thảnh thơi. Thực ra khi ủi quần áo, tay trái mới là tay làm việc tích cực nhất. Trong khi tay phải chỉ cần di chuyển bàn ủi thì tay trái bận rộn nhiều việc như: kéo nếp nhăn, chỉnh sửa hình dạng quần áo, tay phải đẩy bàn ủi di chuyển đến đâu thì tay trái phải kéo phía trước cho thẳng,… Nói bằng lời thì con sẽ khó hình dung, vậy nên cha mẹ hãy lấy một chiếc khăn tay làm mẫu cho xem để con có thể hiểu và làm được nhanh chóng dễ dàng hơn.
Xử lý vết bỏng: Trước khi để con bắt đầu công việc ủi quần áo, cha mẹ nhớ dạy con cách xử lý vết bỏng (trường hợp vết bỏng diện tích rộng, xin tham khảo trang 105).
• Dạy con hãy nhanh chân đi đến nơi có vòi nước khi bị bỏng. Cho vết bỏng được làm mát dưới vòi nước khoảng trên 5 phút.
• Khi bỏ vết bỏng ra khỏi dòng nước mà thấy vết bỏng bớt đau rát thì không cần làm mát nữa.
• Nếu như bị phồng da thì không được làm vỡ chỗ da phồng (vì để như thế sẽ mau lành hơn). Trường hợp chỗ da phồng bị rách thì không lột ra mà để nguyên trạng như thế.
Có thể ủi đồ khi có cha mẹ theo dõi.
Sự vận động của tay trái có vai trò quan trọng, nào là ấn xuống, nào là kéo nếp gấp thẳng ra. Khi cha mẹ ở bên, hãy nhắc cho con biết rõ công việc tuyệt vời của bàn tay trái.
• GIẶT ĐỒ BẰNG TAY
Nếu trẻ có thể tự mình giải quyết những việc nhỏ xung quanh mà không phiền đến cha mẹ thì thật đáng khen biết bao. Khi con “Tự mình làm được” tức là con đã bắt đầu trải nghiệm thực tế “cuộc sống tự lập”.
Vết bẩn quần áo của mình, tự mình giải quyết: Đồ nên giặt bằng tay là những đồ không thể bỏ vào máy giặt được như giày, áo quần bị dính thức ăn hay dính vệt máu nhỏ,… Những quần áo bị dính bẩn ở trường rất khó giặt sạch sẽ hoàn toàn. Khi đồ dính vết bẩn, có thể không cần giặt nguyên bộ đồ mà tùy trường hợp chỉ tẩy, giặt chỗ bị dính bẩn thôi, như vậy cũng giảm bớt việc cho mẹ.
• Giặt vết bẩn: Dạy con nhanh chóng giặt chỗ bị dính vết bẩn. Những vết bẩn có “thủy tính” như nước tương, máu, nước sơn màu,… có thể dễ dàng dùng nước giặt làm sạch. Đối với những vết bẩn có “tính dầu” như tương cà, sốt,… thì có thể vò nhẹ bằng xà bông rửa tay. Có những quần áo được làm từ sợi vải dễ rách, hãy dạy con biết cách kiểm soát lực tay mạnh nhẹ khi giặt. Đối với vết bẩn vòng tròn, để cho vết bẩn không bị lan ra, hãy hướng dẫn con nhúng nước xung quanh cuộn tròn lại rồi giặt.
• Cách giặt giày mang trong nhà: Phải chuẩn bị bàn chải giặt giày loại nhỏ vừa tay trẻ. Giày mang trong nhà cũng có thể bị bẩn, hãy đem ra bên ngoài giặt. Nếu không thể đem ra ngoài, có thể giặt trong bồn tắm hoặc trong nhà vệ sinh, gần cống thoát nước. Sau khi nhúng nước, đổ bột giặt (loại chuyên dùng cho giày dép hoặc loại dùng cho quần áo bình thường cũng được), dùng bàn chải chà đi chà lại kỹ càng, từ mặt ngoài đến mặt trong, và cả chỗ đầu ngón chân. Sau khi giặt xong, hướng dẫn con lấy giấy báo cuộn tròn nhét vào trong giày để hút hết nước rồi phơi nơi có gió và ánh nắng mặt trời.
Vết bẩn và tính tự lập: Hơn cả việc con có thể sử dụng máy giặt, tự tay giặt sạch vết bẩn quần áo thể hiện tính tự lập và tính kỷ luật hơn cả. Khi con có suy nghĩ tự mình xử lý vết bẩn do mình gây ra mà không phiền đến người khác, đó cũng là lúc con đã trưởng thành, có lòng tự trọng và tính tự lập cao.
Một ví dụ điển hình là việc tự mình giải quyết băng vệ sinh ở tuổi dậy thì của con gái. Nếu con tự tay xử lý vết bẩn kinh nguyệt dính vào quần áo, con sẽ không cảm thấy có lỗi hay xấu hổ gì với cha mẹ.
Giặt tay giúp dễ phát hiện vết bẩn cần giặt sạch.
CHUẨN BỊ BỮA ĂN
• CÁCH BÀI TRÍ BÀN ĂN
Vừa suy nghĩ về từng thành viên trong gia đình vừa dọn chén, dọn đũa của mọi người ra bàn ăn là cách nuôi dưỡng tình cảm và sự quan tâm đối với gia đình.
Dụng cụ bữa ăn cho gia đình: Khi chuẩn bị dụng cụ bữa ăn cho gia đình, hãy dạy con nghĩ đến từng thành viên để sắp xếp đủ chén đũa.
Ngày nay, có nhiều gia đình sử dụng từng món như đôi đũa, chén ăn cơm, chén canh là đồ dùng cá nhân, nên khi giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn cũng là lúc giúp con nhớ đến từng thành viên trong gia đình.
Dạy cách bài trí bữa ăn: Tại trường, những năm cuối cấp tiểu học trẻ sẽ được học cách bài trí bữa ăn, nhưng cha mẹ không nên cho rằng mình không cần quan tâm nữa vì “trước sau gì trẻ cũng được học ở trường”. Chính tại bàn ăn mỗi ngày của gia đình, khi hướng dẫn con làm việc thì con sẽ ghi nhớ nét văn hóa gia đình một cách tự nhiên.
Cách bài trí bàn ăn kiểu Nhật cơ bản là “một món canh, một món mặn”. Cơm thì để bên trái, món canh để bên phải. Đũa thì đặt phía tay phải. Món ăn thì đặt giữa chỗ để canh và cơm. Chỉ cần dạy con nắm được nguyên tắc trên là đủ.
Ngoài ra, bày đũa bên phía tay phải để mọi người có thể cầm đũa lên bắt đầu bữa ăn ngay chứ không cần mất công đổi từ tay trái qua tay phải. Đây là cách hiểu và đặt đúng vị trí dụng cụ ăn uống mà trẻ cần ghi nhớ.
Nếu thực đơn là món Tây, hãy sắp xếp đĩa món ăn chính thì đặt ở giữa, bên trái là cơm hoặc bánh mì, chỉ cần dạy con nhớ kỹ nguyên tắc này là đủ. Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình có thực đơn bữa ăn là: Cơm - Hamburger và canh, khi đó có thể xếp đặt món ăn chính theo hướng của chén canh để thuận tiện.
Những việc phải làm trước khi bài trí bữa ăn: Việc chuẩn bị bàn ăn không chỉ đơn giản là sắp xếp chén, đũa ra bàn, mà những món đồ trên bàn phải được dọn đi trước. Sau đó, hãy dạy con dùng khăn lau sạch bàn ăn trước khi sắp xếp chén đũa, đồ ăn. Dù không thấy vết bẩn nào trên bàn cũng nên lau bàn trước, bữa ăn trên một bàn ăn bóng loáng, sạch sẽ giúp ngon miệng hơn nhiều. Nếu gia đình sử dụng khăn lót đĩa thì nhắc con kiểm tra sạch sẽ trước khi mang ra dùng.
Phục vụ bữa ăn là việc làm hàng ngày nên con sẽ dễ nhớ dễ làm.
• DỌN THỨC ĂN RA
Cách bài trí món ăn có thể tạo cảm giác ngon mắt và
ngon miệng cho cả gia đình. Điều này cũng liên quan tới khả năng biết suy nghĩ đến cảm giác của người khác.
Ăn ngon là niềm vui: Hương vị thức ăn chắc chắn không bao giờ thay đổi chỉ vì cách bài trí đồ ăn, nhưng nếu bày thức ăn ra đĩa một cách đẹp mắt thì mọi người sẽ thưởng thức bữa ăn ngon miệng hơn.
Cách bài trí đồ ăn đẹp mắt cũng thể hiện cái tâm của người chế biến món ăn.
Chúng ta không thể trang trí món ăn kỳ công và tinh vi đến mức đáng ngạc nhiên như ở nhà hàng, nhưng chúng ta có thể bài trí đơn giản đẹp mắt bữa ăn ở nhà để mỗi thành viên trong gia đình được thưởng thức bữa ăn trọn vẹn hơn.
Ngoài ra, khi đi ăn nhà hàng, có thể mỗi người sẽ chọn một món ăn yêu thích riêng của họ, còn khi nấu ăn ở nhà, mẹ phải suy tính sao cho phù hợp với sở thích của tất cả mọi người và cùng bày ra một đĩa lớn. Dạy con biết chia sẻ với người khác từ bữa ăn gia đình thường ngày cũng là một cách hay để rèn luyện tâm tính của con.
Ngày nay, việc giáo dục ăn uống cho trẻ rất quan trọng. Giáo dục ẩm thực cho trẻ không đơn giản chỉ là dạy trẻ ăn gì hay ăn với ai, mà còn phải dạy cho trẻ cách ăn và cách trang trí món ăn theo từng phong cách.
Nguyên tắc bài trí món ăn: Nguyên tắc cơ bản bài trí món ăn là theo nguyên tắc 2/3. Tức là, không nên lấy đầy cơm và thức ăn vào chén, đĩa mà chỉ nên lấy một lượng 2/3 để không cảm giác nặng mắt và việc cầm nắm, bưng bê cũng dễ dàng hơn.
• Đối với cơm: Bới một lượng cơm vừa đủ, không bới quá nhiều, cũng không quá ít. Không nén chặt cơm xuống mà nên xới tơi cơm. Sau khi bới cơm, đặt vá xuống và đưa cơm cho người nhận bằng hai tay để thể hiện sự lễ phép, tôn trọng.
• Đối với canh: Múc canh lưng chừng chén, không múc quá đầy tránh tình trạng rơi đổ. Múc đầy đủ và cân bằng các nguyên liệu (rau, thịt,…) vào chén.
• Đối với đồ ăn: Lấy một lượng vừa đủ, khoảng 2/3 đĩa. Rau mùi và rau trang trí thì trang trí lên trên hoặc đặt một bên đĩa thức ăn.
• Đối với món cá: Phần đầu đặt quay về bên trái, phần đuôi quay về bên phải. Cá đã xẻ ra hai mặt rồi thì đặt phần da lên trên.
Trang trí món ăn thật ngon mắt để cả nhà thưởng thức.
Xếp các đĩa đồ ăn và cơm canh cân bằng, hài hòa màu sắc để tạo cảm giác ngon miệng khi ăn.
• DỌN RỬA CHÉN BÁT
Nếu biết cách dọn chén bát thì việc rửa chén cũng dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm hơn. Đó là cách rèn luyện cho con khả năng lên kế hoạch làm việc.
Bắt đầu từ chén bát của chính mình: “Tự rửa chén bát của mình” là một trong những việc con có thể làm giúp đỡ gia đình khi còn nhỏ. Việc tự dọn dẹp chén bát là công việc căn bản được giáo dục từ khi trẻ bước vào mẫu giáo. Nếu trẻ có thói quen biết rửa chén đĩa thì gia đình đã có một đứa con giỏi giang luôn có ý thức biết giúp đỡ cha mẹ rồi.
Khi con dọn dẹp chén đũa đồ ăn vặt, mẹ hãy nhờ con thật nhẹ nhàng “nhân tiện con rửa chén đũa giúp mẹ luôn nhé!”. Đối với trẻ trên dưới 3 tuổi, chắc chắn con sẽ vui vẻ muốn làm thử. Nếu lo lắng trẻ có thể làm vỡ chén đĩa, cha mẹ hãy chỉ dạy cẩn thận rồi để cho con tự làm chứ đừng chen ngang dù bằng lời hay bằng tay. Con có thể làm rơi đồ một hai lần, nhưng sau đó con sẽ dần dần quen việc và tự biết cách cầm nắm chén đĩa cho đúng cách.
Dù mất nhiều thời gian và làm việc với tinh thần vừa làm vừa chơi, nhưng chỉ cần con biết rửa ly, đĩa của mình thì con sẽ tự tin có thể đảm đương được nhiều việc khác nữa. Từ đó, con dần dần biết rửa chén đĩa cho cả nhà và còn có thể làm công việc khác như khi mẹ rửa chén thì cầm khăn đứng bên cạnh lau khô rồi cất vào tủ.
Cách dọn chén bát: Nguyên tắc cơ bản của việc rửa chén đĩa là không dây đồ dơ từ chỗ này qua chỗ khác. Thông thường, chỉ có mặt trên của chén đĩa là dính vết dơ, đừng để các vết dầu mỡ hay đồ ăn thừa dây xuống mặt dưới chén đĩa, sẽ tốn công sức và nước rửa nhiều hơn để rửa sạch.
Ở nhà hàng, vì yêu cầu dọn rửa nhanh để phục vụ khách hàng nên chén đĩa được chồng chất một hàng cao trước khi rửa, còn ở nhà thì không gian giữa bếp và bàn ăn rất gần nên cha mẹ hãy dạy con không chồng bát đĩa dơ lên nhau khi dọn bàn. Kể cả chén ăn cơm hay đĩa nhỏ đựng món ăn phụ không dính bẩn cũng không nên chồng cao lên nhau, tránh gây đổ bể khi dọn dẹp. Thà “chậm mà chắc” còn hơn “dục tốc bất đạt”.
Cách rửa: Lên kế hoạch tốt bao nhiêu thì tiết kiệm được nước và chất tẩy rửa bấy nhiêu.
• Đổ thức ăn thừa và dùng khăn giấy nhà bếp lau dầu mỡ còn sót lại trên chén đĩa.
• Rửa sơ qua chén đĩa dưới vòi nước chảy.
• Đánh bọt chất rửa chén trên miếng mút rồi rửa từng chiếc chén đĩa một.
• Xả sạch bọt nước rửa chén từng chiếc chén đĩa một.
• Xả trôi sạch bọt nước rửa chén trong bồn.
• Cẩn thận sắp xếp chén đĩa vào ngăn cất.
• LAU VÀ CẤT CHÉN ĐĨA
Nếu cùng dọn dẹp chén đĩa sau bữa ăn thì công việc sẽ hoàn thành nhanh hơn. Đó cũng là cơ hội giúp con trải nghiệm tinh thần “làm việc nhóm”.
Anh em cùng làm việc nhà: Đối với gia đình có nhiều anh chị em thì việc dọn dẹp sau bữa ăn là cơ hội tốt để mọi người cùng nhau làm việc. Tùy vào từng gia đình mà có nhiều kiểu chia nhóm làm việc khác nhau như: cha phụ trách rửa chén, anh lau, còn em thì sắp xếp vô tủ; hoặc chị làm nhiệm vụ rửa chén, em lau chén và mẹ sắp xếp.
Ngay cả khi gia đình đến thăm nhà họ hàng, hãy nhắc nhở con cùng phụ giúp một tay công việc nhà, ví dụ như chị lớn nhà mình rửa chén đĩa, em trai giúp lau chén, còn con trai nhà bác thì sắp xếp vào tủ,… Nhờ có cơ hội cùng nhau làm việc giúp thế này, anh chị em họ hàng có sự quan tâm qua lại, khi đó tình cảm sẽ khăng khít, thân thiết hơn.
Cách lau chén đĩa: Tay phải (tay thuận) cầm khăn lau, tay trái cầm chén đĩa. Tay phải kẹp cái khăn hờ lên chén đĩa, lấy tay trái xoay nhẹ chén đĩa, khi đó chén đĩa sẽ được lau sạch một cách tự nhiên. Vì dùng lực tay trái để xoay chuyển chén đĩa nên phải cân nhắc độ tuổi con có thể làm công việc lau chén bát. Nếu con không thể cầm chắc chắn và vừa tay chén đĩa, thì con chưa thích hợp làm công việc này. Ở độ tuổi mẫu giáo, con có thể cầm được cái ly hoặc cái đĩa cỡ nhỏ, và khoảng lớp 3 lớp 4, con đã có thể lau được loại tô đĩa cỡ lớn.
Cách sắp xếp chén đĩa: Nếu không cẩn thận, con có thể làm đổ vỡ chén đĩa khi sắp xếp số lượng nhiều. Vì thế, hãy dạy con biết:
• Cầm nắm bằng hai tay.
• Không chồng chén đĩa lên nhau quá nhiều, dù cùng chủng loại và kích thước.
• Sắp xếp chén đĩa về chỗ cũ (nếu không biết thì hỏi mẹ).
• Nếu cần xếp chén đĩa vào bên góc trong tủ, trước tiên lấy đồ đạc phía trong ra ngoài bằng hai tay, sau đó cất chén đĩa vào góc trong tủ rồi cầm hai tay trả đồ vừa lấy ra về chỗ cũ.
• Không nên xếp chồng cao quá trong tủ chén. Nếu cảm thấy chồng chén đĩa bị nghiêng hoặc kênh, hãy hạ xuống và xếp lại.
• Sắp xếp đũa và dao kéo xuôi cùng hướng với nhau.
• Hạn chế gây ra tiếng động loảng xoảng. Cha mẹ nhớ dặn dò con nên để chén dĩa ráo nước và lau thật khô trước khi cất vào tủ nếu không sẽ gây ra nấm mốc.
Cầm nắm chén đĩa một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng.
CÁCH NẤU ĂN
• THIẾT KẾ THỰC ĐƠN
Khi suy nghĩ về thực đơn, phải biết liên kết tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau để có một thực đơn phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình. Điều này cũng tập cho con khả năng quan sát cuộc sống xung quanh.
Thiết kế thực đơn là biết quan tâm, suy nghĩ cho gia đình: Lên thực đơn bữa ăn gia đình hoàn toàn khác với việc gọi món ăn khi đi nhà hàng. Việc thiết kế thực đơn không những dạy trẻ không chỉ biết nghĩ đến món ăn yêu thích của mình mà còn quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình và nhiều yếu tố khác nữa.
Ở bậc tiểu học, trẻ đã sớm được tiếp xúc với những bài học về dinh dưỡng. Có nhiều trẻ suy nghĩ theo khuynh hướng trực quan - thú vị, như: “Thực đơn hôm nay nhiều màu vàng (nhiều thành phần bột glu-xit)* nhỉ!”.
* Theo giáo trình dành cho học sinh ở Nhật, dinh dưỡng được phân thành ba nhóm: nhóm màu Vàng, nhóm màu Đỏ và nhóm màu Xanh, tương đương ba nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của cơ thể con người - dẫn theo Sách giáo khoa Khoa học về gia đình lớp 5 & 6, trang 40 - Nd.
Chính những lúc như thế nếu cha mẹ hỏi: “Chất dinh dưỡng là phần nhiều màu vàng hả con?'' hoặc “Con có thấy thực đơn hôm nay có gì đặc biệt không?”, v.v… thì chắc hẳn trẻ sẽ tự mình có những suy nghĩ liên quan như: “Ngày hôm qua món mình ăn là bí ngô”, hoặc “Cá Sama là loại cá chỉ có trong mùa thu mà thôi”, và “Cha không ăn được món nấm rơm cho nên không bỏ nấm rơm vào đĩa của cha”, v.v…
Giáo dục phương pháp tư duy: Thông thường mẹ luôn có sẵn những “thực đơn tủ” của riêng mình. Khi đó, hãy chia sẻ với con: “Mẹ đã thiết kế ra thực đơn như thế này, con xem được không?”. Việc lên thực đơn thường theo những tiêu chuẩn sau:
• Cân bằng dinh dưỡng. Thức ăn nên xoay quanh các món phổ biến nhất gồm: Thịt – cá – rau.
• Cân nhắc về yếu tố sức khỏe của gia đình: Ví dụ, nếu trong nhà có người bị cảm thì nấu món súp nóng,…
• Cân nhắc về món ăn yêu thích của cả nhà. Sắp xếp và chia đều các món ăn yêu thích của mỗi thành viên trong gia đình vào thực đơn mỗi ngày mỗi khác.
• Cân nhắc yếu tố thời tiết (thực đơn theo mùa): Không phải lúc nào con cũng chỉ nên chăm chăm việc học không thôi, mà hãy dạy con lối sống biết tận hưởng món ăn ngon theo mùa.
• Cân nhắc về thời gian chế biến món ăn: Có những ngày bận rộn, không có nhiều thời gian chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn thì hãy cân nhắc một thực đơn phù hợp.
Cùng bàn bạc với con: Cha mẹ hãy nhớ khi bàn bạc với con, phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Khi con đề xuất món ăn, nếu đó không phải món ăn phù hợp nhất, cha mẹ cũng không nên bác bỏ. Vì trẻ không suy nghĩ được mọi yếu tố một cách tổng quát, nên cha mẹ hãy đưa ra những sự lựa chọn cho con chọn, ví dụ như: “Mẹ thì đang cân nhắc giữa món lẩu và món cá nướng, con thấy thế nào?”.
• CHUẨN BỊ CHẾ BIẾN MÓN ĂN
Sử dụng dao là một việc vừa nguy hiểm vừa đầy thách thức. Nếu đã quen rồi thì học sinh tiểu học cũng có thể sử dụng dao được. Hãy tạo cơ hội cho trẻ trải qua cảm giác khoan khoái khi vượt qua một công việc thử thách.
Giúp đỡ mẹ nấu ăn: Hầu như mọi đứa trẻ đều có xu hướng thích sử dụng dao khi nghĩ đến việc phụ giúp mẹ nấu ăn. Dù cũng rất thích sử dụng kéo, con trẻ vẫn luôn bị thu hút bởi những công việc dùng dao để cắt, gọt…
Khi con muốn thử, cha mẹ hãy chuẩn bị mọi thứ thật an toàn, hướng dẫn con kỹ càng trước khi để con bắt tay vào việc sử dụng dao cắt rau củ. Cũng có những trường hợp con chỉ muốn đùa nghịch với đồ ăn, nên sau khi cắt vài đường chán chê rồi bỏ cuộc. Như vậy, không phải con đang giúp mẹ mà đang bày bừa thêm việc cho mẹ. Lúc đó, hãy nhẹ nhàng chỉ dẫn con cách cắt rau củ từng miếng nhỏ để phụ giúp công việc nấu ăn của mẹ được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nếu con biết lau rửa sắp xếp đồ dùng nhà bếp sau khi dùng xong thì thật đáng khen. Nếu con không muốn dừng dọn dẹp mọi thứ thì hãy nói với con: “Ngày mai chúng ta làm tiếp nhé” rồi bảo con dừng lại.
Con tự chuẩn bị: Nếu con hoàn thành công việc như trông đợi của cha mẹ thì con đã là một trợ thủ đắc lực cho cha mẹ trong công việc nhà bận rộn này rồi. Hãy khuyến khích con tiếp tục phát huy. Con có thể giúp chuẩn bị những việc sau:
• Gọt vỏ rau củ: Vào những năm đầu cấp tiểu học, con đã có thể thao tác với dao để gọt cà rốt hoặc khoai tây. Cha mẹ hãy hướng dẫn cho con cách cầm và sử dụng dao. Mới đầu, mẹ hãy cầm tay con vừa làm vừa chỉnh sửa, giải thích từ từ rồi giao hẳn cho con tự làm. Bàn tay nhỏ bé của con cũng rất hữu dụng với việc bóc vỏ củ hành hay tách vỏ đậu,… Trong khi nấu ăn, để không mất tập trung, tôi thường nhờ con giúp bóc tỏi.
• Cắt tỉa rau củ: Nếu con đã quen dùng dao rồi, cha mẹ có thể yên tâm giao cho con cắt cà rốt hay khoai tây thành từng miếng phù hợp với từng món ăn. Con cũng có thể cắt theo hình dài và mỏng. Khi đã thật sự quen việc, cha mẹ hãy cho con “thử thách” cảm giác cắt lát củ hành tây, hoặc thái quả dưa leo thành những miếng mỏng vừa miệng ăn.
• Mở bao/hộp đựng thức ăn: Nhờ con mở hộp sữa, hộp cà-ri, gói súp,… sẽ giúp ích rất nhiều cho cha mẹ vốn đang bận tay nấu ăn.
Dùng dao cẩn thận sẽ không gây nguy hiểm.
• NẤU CƠM
Nấu cơm là bước cơ bản và quan trọng nhất của công việc chuẩn bị bữa ăn. Việc tự con có thể chuẩn bị bữa ăn cho mình cũng giúp con thể hiện tính tự lập.
Việc biết nấu ăn và tính tự lập: Thử tưởng tượng một ngày con bạn sống xa gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập nhưng không biết nấu ăn thì sẽ khó khăn thế nào? Tuy rằng ngày nay nhiều người chọn ăn uống ở ngoài vì dễ dàng nhanh chóng tìm được các cửa hàng cơm hộp hay thức ăn nhanh khắp mọi nơi. Nhưng nếu ăn uống bên ngoài nhiều, cơ thể sẽ không đầy đủ chất dinh dưỡng và tinh thần cũng trở nên chán nản, mệt mỏi. Vì vậy, việc biết nấu ăn có liên quan mật thiết đến tính tự lập.
Nếu con không đủ khả năng để chuẩn bị hết một bữa ăn thì việc biết vo gạo nấu cơm phụ giúp khi mẹ đang bận rộn tay chân cũng giúp ích mẹ rất nhiều rồi. Khi cha mẹ có công việc đột xuất phải về nhà trễ, nếu con biết nấu cơm và lấy đồ hộp trong tủ lạnh ra ăn tạm một bữa, cha mẹ sẽ không cần quá lo lắng và yên tâm hoàn thành tốt công việc. Điều đó có ý nghĩa rất lớn với cha mẹ. Vì vậy, hãy dạy con biết cách nấu một nồi cơm ngon ngay từ khi con còn nhỏ.
Cách vo gạo và cân đo lượng nước khi nấu: Vo gạo giúp rửa sạch phần bột cám, bụi bẩn và làm cho nước thẩm thấu vào tim hạt gạo khi nấu. Ngay cả ở những gia đình không nấu cơm thì cũng nên lấy gạo sạch để luyện tập cho trẻ biết cách vo gạo nấu cơm. Vì cơm do tự mình nấu là cơm ngon hơn cả.
• Cách cân đong gạo khi nấu: Dùng ly để đong lượng gạo cần nấu. Dù nồi cơm điện có chức năng hâm nóng cơm nhưng hãy dặn dò con chỉ nên cân đong lượng gạo vừa đủ ăn trong một bữa. Như vậy, cả gia đình vừa được ăn cơm nóng hổi thơm ngon, vừa có thể tiết kiệm chi phí điện năng.
• Nhanh tay vo gạo trong hai nước đầu: Gạo khô nên rất hút nước, vì vậy hãy nhanh tay khuấy nhẹ trong khoảng thời gian ngắn sau đó gạn nước trắng đục đi.
• Qua lần thứ ba: Nếu dùng lòng bàn tay vo đều gạo để gạo xuất hiện những đường nứt nhỏ thì khi nấu gạo sẽ nở.
• Cài đặt nồi: Lau khô mặt ngoài nồi trước khi nấu, giúp nồi cơm sử dụng lâu bền hơn.
• Canh lượng nước khi nấu: Tùy vào khẩu vị mỗi gia đình thích cơm khô hay dẻo mà canh lượng nước khi nấu cơm.
Lần đầu nấu cơm:
• NẤU CANH MISO
Nấu canh Miso là bước sơ cấp của việc nấu ăn. Nếu không biết cách làm việc có kế hoạch, ta sẽ không thể nấu một chén canh Miso ngon.
Suy nghĩ lên kế hoạch: Canh Miso là một món bình dân nhưng là một bài học thực hành tốt cho việc chuẩn bị các bước làm việc theo đúng trình tự.
Vậy chuẩn bị theo một trình tự như thế nào để lên kế hoạch nấu món ăn ngon đây? Đầu tiên, trong lúc con giúp đỡ mẹ làm việc này, việc kia, cha mẹ phải giúp con ghi nhớ tổng thể các điều mẹ làm. Đồng thời dạy con biết đầy đủ các nhóm nguyên liệu thành phần như: rong biển, đậu phụ, gừng, v.v…
• Nấu tinh lọc súp: Canh đủ lượng nước cho vào nồi, cho cá mòi khô vào rồi mới mở bếp lên. Nên bỏ phần đầu và phần ruột của cá đi để khi nấu nước súp không bị đắng. Khi nồi nước bắt đầu sôi sủi tăm thì cho khô cá ngừ thái nhỏ vào, khi nước sôi sùng sục thì tắt lửa đợi cho khô cá ngừ lắng xuống, rồi lọc xác cá qua một cái rá, sau đó đổ lại nước súp vào nồi.
• Trong khi nấu tinh lọc súp thì chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu khác: Cắt sẵn các loại nguyên liệu, rau màu cắt nhỏ bỏ ra đĩa.
• Sau khi nấu tinh lọc nước súp xong rồi thì cho tất cả các thứ vào: Ninh nước súp thời gian dài và cho hết các nguyên liệu vào: Khoai và cà rốt thì cho vào sớm, đậu hủ và rong biển thì chỉ nấu nhanh qua lửa là vừa.
• Tắt lửa và khuấy súp: Nếu bỏ gói súp vô một lần mà đem ra dùng thì phần nhiều là sẽ bị mặn, còn nếu thêm nước vào cho nhạt bớt thì vị sẽ không ngon. Cho nên để vị súp ngon thì lần đầu vừa khuấy vừa nếm, nếu thấy còn nhạt thì cho thêm gói súp vô lần hai. Nhắc con rằng sau khi đã cho gói súp vô rồi thì không đun sôi sủi bọt nồi trên lửa nữa. Điều đó không những làm cho canh Miso mất mùi thơm mà còn làm vỡ đậu hủ, làm nhừ nát cà rốt, củ cải. Chỉ ngay trước khi múc ra bàn ăn thì đun cho sôi sủi bọt lại lần nữa, sau đó tắt lửa và cho rau mùi vào.
Thao tác liên quan đến lửa: Trong lần đầu tiên cho con làm, mẹ phải nhấc nồi ra khỏi bếp khi hòa tan gói súp hay khi múc canh ra, v.v… Cẩn thận chú ý an toàn thì sẽ không có nguy hiểm bị phỏng.
Trường hợp sử dụng bếp từ thì cứ để nồi trên bếp cũng không sao. Nếu dùng bếp ga thì các bộ phận cái kiềng làm bằng kim loại có thể gây ra phỏng nên phải chú ý cẩn thận. Đồng thời, vì con còn nhỏ nên trong trường hợp cần dùng đũa, muỗng múc thức ăn trong nồi thì hãy dạy con đứng trên ghế một cách an toàn.
Cùng nấu món canh Miso:
• LÀM MÓN TRỨNG CHIÊN
Tự mình nấu món ăn thông thường sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi bước chân ra cuộc sống bên ngoài.
Món ăn cơ bản: Trứng chiên là món ăn cơ bản thường ngày của mọi gia đình. Nếu trẻ làm tốt món trứng chiên thì việc giao cho trẻ tự lo buổi cơm chiều vào những ngày cha mẹ bận rộn không phải là việc xa vời. Cha mẹ hãy làm cùng con rồi dần dần giao cho con tự làm. Chắc chắn một ngày nào đó, con sẽ có thể chuẩn bị cho cả nhà một bữa ăn thật ngon. Những lúc cha mẹ bận rộn hay về nhà muộn, con cũng có thể xoay xở được. Một bữa ăn nhẹ gồm trứng chiên và xúc xích tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với việc cho vào bụng đói chỉ toàn bánh kẹo và bánh snack.
Bắt đầu từ việc đập trứng đúng cách: Trẻ rất thích đập trứng vào tô rồi đánh lên, giống như chơi đồ hàng. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi tự mình đập quả trứng vào tô hay khi thưởng thức món trứng chiên vàng rụm thơm ngon do chính tay mình làm. Đối với món trứng chiên, nếu con làm vỡ phần lòng đỏ khi đập trứng cũng không sao cả. Sau vài lần thực hành, con sẽ tự nhiên học được bí quyết canh lửa và nêm gia vị vừa đủ để nấu được món trứng chiên đẹp mắt và ngon miệng.
Cách làm trứng chiên:
• Đập quả trứng vào bát, cho gia vị và hành theo khẩu vị vào rồi đánh nhẹ. Ngừng tay khi phần lòng trắng và lòng đỏ tan đều vào nhau.
• Đặt chảo lên bếp, bật lửa lên và cho dầu vào, đợi dầu nóng thì cho trứng vào. Chiên đến khi trứng chín vàng, chú ý không để bị cháy dính chảo. Khi con bắt tay vào làm lần đầu tiên, cha mẹ đừng quá quan trọng vấn đề ngon hay dở, mà hãy chú ý đến vấn đề an toàn cho con.
• Khi lớp mỏng trên bề mặt bắt đầu đông lại, dùng đũa và xẻng lật để gập trứng lại làm hai hoặc làm ba. Khi con làm lần đầu tiên có thể chưa thành thạo thao tác này, nhưng điều này cũng không sao, tập cho con làm dần dần thành thói quen và dù trứng có bị bể một chút cũng không ảnh hưởng gì đến mùi vị thơm ngon của món ăn.
Chú ý để không bị bỏng: Nhắc nhở con xắn tay áo và mặc tạp dề gọn gàng để tránh việc bắt lửa. Trong trường hợp lửa cháy lan ra phạm vi rộng lên đầu, lên mặt, dặn con đừng cố cởi quần áo ra mà chạy nhanh đến vòi nước gần nhất xả nước vùng lửa bị lan và gọi cấp cứu.
Cùng thử làm món trứng chiên:
CHA MẸ NÊN QUAN SÁT NHƯ THẾ NÀO KHI CON GIÚP LÀM VIỆC NHÀ?
Quan sát khác với theo dõi: Có lẽ các bậc cha mẹ cũng đã biết phương pháp quan sát con đúng cách. Khi ở gần trông chừng con làm, cha mẹ không nên nói những câu mệnh lệnh, hối thúc mà hãy để con tự mình xử lý, hoàn thành công việc.
Vì lịch trình bận rộn nên cha mẹ không phải lúc nào cũng có thể sắp xếp thời gian để trông chừng con. Do đó, cha mẹ hẳn sẽ cảm thấy lo lắng, không yên tâm khi giao bất cứ công việc nhà nào cho con. Những lúc đó, cha mẹ hẳn sẽ có suy nghĩ “chắc con chưa làm được đâu” hoặc “mình làm còn nhanh và khỏe hơn”. Từ đó, có những trường hợp theo dõi con quá sát sao làm con không tự nhiên hoàn thành tốt công việc được giao.
Nếu cha mẹ có nhiều thời gian ở bên con cũng đừng nên can thiệp vào việc của con. Hãy tin tưởng và để con tự mình hoàn thành công việc.
Những câu nói “cấm kỵ” khi dạy con: Cha mẹ thường có khuynh hướng vô tình thốt ra những câu: “Thà để mẹ làm còn nhanh hơn”; “Mẹ làm thì không cần lo lắng thế này rồi”; “Mẹ không nỡ để con làm công việc nặng nhọc thế này”; “Con chưa làm được, con còn nhỏ lắm”; “Con còn con nít, chưa biết gì cả”; “Phải nói bao nhiêu lần con mới hiểu đây?”,…
Vì cha mẹ vừa bộn bề công việc vừa phải dạy con làm việc nhà nên sẽ có lúc mất bình tĩnh khi con làm không tốt. Nhưng ngay cả với người lớn, muốn làm việc gì thuần thục cũng cần nhiều thời gian làm quen và thực hành, vậy nên đối với con trẻ, cha mẹ càng cần kiên nhẫn. Nếu cha mẹ không muốn con mất đi sự tự tin và cảm hứng làm việc thì tuyệt đối đừng buông những lời trách móc, chỉ trích như vậy. Chỉ cần kiên nhẫn hướng dẫn con, khi con quen việc rồi thì cha mẹ không còn mất thời gian trông chừng nữa. Không những vậy, cha mẹ cũng đỡ vất vả hơn và cả gia đình có nhiều thời gian bên nhau hơn.