“Người ta lấy giới hạn tầm nhìn của mình làm giới hạn của thế giới.”
Arthur Shopenhauer
3.1: Sức Mạnh Của Tư Duy
“Không có gì là tốt hay xấu, ta nghĩ như thế nào thì nó ra như thế ấy.”
William Shakespeare Hamlet, màn II, cảnh II
Trong tác phẩm The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy của Douglas Adams, người ngoài hành tinh Ford Prefect đến thăm trái đất vào những ngày cuối cùng của hành tinh này và nhận định, “Thời gian là ảo ảnh. Thời gian ăn trưa lại còn ảo gấp đôi”. Anh còn mang theo mình một quyển sách với tựa đề “ĐỪNG HOẢNG SỢ” được viết bằng những “dòng chữ to và mềm mại” trên trang bìa.
Dĩ nhiên, Adams đã tung hứng với khái niệm của Einstein về không gian - thời gian và thuyết tương đối, nhưng cũng như mọi câu chuyện cười thâm thúy khác, nhận định của Adams có chứa một chút chân lý trong đó.
Theo tâm lý học, không chỉ thời gian mà tất cả những gì chúng ta cảm nhận, thật ra là mọi điều mà ta cho là có thực, đều có thể là một ảo ảnh - hoặc ít nhất là công trình sáng tạo của chúng ta dưới cách nhìn riêng của mình về vũ trụ.
Nhưng không có lý do gì phải hoảng sợ. Chính điều đó khiến chúng ta trở thành con người – độc bản.
Trong vai trò một nhà khoa học lý thuyết, Albert Einstein hiểu tường tận về tư duy tìm tòi. Ông nhấn mạnh, “Lý thuyết quyết định những điều có thể được quan sát”.
Nhà văn và nhà triết học Ralph Waldo Emerson cũng có cùng quan điểm. Ông viết, “Con người chỉ nhìn thấy những gì họ muốn nhìn thấy”.
Họa sĩ Pablo Picasso thì lại đưa ra một tuyên bố khác, “Mọi điều bạn có thể hình dung đều là thực”.
Và họ đều đúng - dĩ nhiên là từ những góc độ khác nhau.
Đối với nhà khoa học, mô hình thí nghiệm, các vấn đề được lựa chọn để suy ngẫm - ngay cả sự diễn giải dữ liệu thô - đều phải gắn liền với giả thuyết đang được kiểm tra. Trong khi đó, để có được sự sáng tạo đã giúp ông nổi danh thì một nghệ sĩ thiên tài như Picasso phải tin rằng, ở một mức độ nào đó, sự tưởng tượng và những hình ảnh mà nó tạo nên sẽ chạm đến một thực tại sâu sắc hơn. Ở mức độ đời thường hơn, Emerson đề cập tới đặc tính chính của ý thức nhân loại: Chúng ta nhìn thấy những gì chúng ta muốn nhìn thấy.
Mỗi chúng ta đều tạo ra một thực tế chủ quan riêng cho mình, dựa trên cơ sở nhận thức riêng của mỗi người về thế giới và vị trí của chúng ta trong đó - và những gì ta quan sát được thường khẳng định những kỳ vọng của ta. Hiện tượng này đôi khi được nhắc đến như “thiên kiến xác nhận”(*).
(*) Thiên kiến xác nhận: Được nghiên cứu lần đầu bởi P. C. Wason vào đầu những năm 1960, thuật ngữ thiên kiến xác nhận miêu tả xu hướng bẩm sinh của con người trong việc tìm kiếm hoặc diễn giải thông tin theo hướng khẳng định những định kiến hiện có. Đó là hiện tượng một người đưa ra quyết định liên tục tìm và nhấn mạnh các quan sát và bằng chứng xác định những điều họ muốn chứng minh, trong khi bỏ qua những bằng chứng đối lập. Các nghiên cứu sau này đã cho rằng thiên kiến xác nhận có thể là nguyên nhân của các niềm tin xã hội mang tính tự duy trì và tự ứng nghiệm, các định kiến và sự mê tín dị đoan - bao gồm cả niềm tin về “các tiên đoán” chiêm tinh.
Đây thực ra không phải là một hiện tượng mới. Ngài Francis Bacon đã viết vào cuối thế kỷ 16 rằng: “Sai lầm đặc trưng và cố hữu của trí tuệ loài người là dễ bị thuyết phục và phấn khích với lời khẳng định hơn là với lời phủ định”.
Tám mươi nghìn người có thể dự một trận chung kết bóng đá. Họ cùng ở trong một sân vận động và trận đấu trên sân cỏ chỉ có một, nhưng mỗi người trong đám đông đó – kể cả các cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên và các nhà chức trách khác - sẽ có trải nghiệm hết sức khác nhau về trận đấu.
Góc nhìn từ phía sau cầu môn sẽ khác với góc nhìn từ giữa sân. Hành vi, câu chuyện và biểu hiện của đám đông ở bất kỳ vị trí nào trong sân vận động cũng sẽ khác với những biểu hiện đó ở bất kỳ vị trí nào khác và tác động đến trải nghiệm. Thậm chí cảm giác đối với làn gió thoảng qua trên da cũng thay đổi tùy thuộc vào vị trí của mỗi người trong sân vận động.
Nhưng không phải chỉ có môi trường vật lý hoặc tầm nhìn thị giác khiến sự trải nghiệm của mỗi người đều khác nhau. Chính cách thức mà mỗi cá nhân nhìn nhận trong nội tâm mới tác động đến quan điểm của họ về trận đấu. Chúng ta gọi đó là Môi trường tư duy.
Nếu tôi là một cổ động viên cuồng nhiệt hoặc say mê một đội nào đó thì phản ứng của tôi đối với một bàn thắng hay cách xử trí của trọng tài (thật ra là đối với mọi điều xảy ra trong trận đấu) sẽ bị định kiến của tôi tác động. Đây có thể được xem như một phần quan trọng của lòng tin và của hệ thống giá trị của tôi - thậm chí của quá trình thưởng/phạt trong thâm tâm tôi.
Một chuyên gia bóng đá, một huấn luyện viên hoặc một cầu thủ chuyên nghiệp sẽ nắm bắt được ngay lập tức nhịp điệu của trận đấu, điều mà một “người mới” còn chẳng thể nhận ra.
Huấn luyện viên và cổ động viên cuồng nhiệt đều là chuyên gia về trận đấu - họ có kinh nghiệm dồi dào để chủ động hiểu được những gì diễn ra trên sân cỏ.
Dĩ nhiên những hiểu biết của họ có thể rất khác nhau. Đối với cả hai phía, định kiến và cảm xúc được lồng ghép vào ma trận những am hiểu riêng của họ. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng những cảm xúc này là một yếu tố trong thực tại của chúng ta, hệt như yếu tố logic và nhận thức vậy.
Đây là hệ quả trực tiếp của bộ não có cấu trúc ba tầng phức tạp mà chúng ta đã phần nào xem xét trong Chương 2 - một cấu trúc mà phần nhận thức đã phát triển và bao trùm phần cảm xúc.
Như vậy, quan điểm của tôi về trải nghiệm bóng đá sau cùng sẽ mang màu sắc của các yếu tố không hề - hoặc rất ít - liên quan tới những gì đang diễn ra trên sân cỏ, mà liên quan tới lối tư duy của tôi.
Tư duy của một người là nền tảng trí tuệ hiện có của người đó, và anh ta sẽ dựa vào đó để đánh giá mọi trải nghiệm mới.
Lúc chào đời, các yếu tố di truyền tạo nên nhận thức có sẵn. Đây là các tác động vật lý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy. Tuy nhiên, các loại thái độ và quá trình khái quát hóa vẫn chưa xuất hiện, mà đây chính là thứ sẽ có tác động rất lớn về sau.
Cách chúng ta học hỏi, nhận biết và phản ứng - có ý thức hoặc trong vô thức - với hàng triệu đơn vị dữ liệu cảm quan do bộ não và hệ thần kinh của chúng ta tiếp nhận và xử lý vào bất kỳ thời điểm nào đều hoàn toàn là một chức năng của trọng điểm sinh lý này.
Đó chính là phối cảnh mà chúng ta mang đến cho mỗi trải nghiệm mới, và nó có thể liên quan mật thiết với việc ta thành công đến mức nào khi đương đầu với trải nghiệm đó.
Đây là điều mà nhà tư bản công nghiệp và sáng chế Henry Ford đề cập tới trong nhận xét nổi tiếng của ông: “Dù bạn tin mình có thể hay không thể làm được thì bạn vẫn luôn đúng”.
3.2: Các Yếu Tố Của Tư Duy
“Điều chắc chắn là thế giới mà chúng ta đang sống cũng chính là thế giới sống trong chúng ta.”
Daisy Bates
Một cách để xem xét tư duy là xem nó như một hệ điều hành liên tục được nâng cấp của mạng lưới phức tạp mà chúng ta gọi là bộ não. Đó là cái nhìn tổng quát của chúng ta về thế giới, căn cứ vào các yếu tố sau đây của ta:
Và quan trọng nhất là:
Tư duy của mỗi người là khác nhau, và đó là điểm mấu chốt trong quá trình xây dựng sự phát triển trí tuệ và xã hội trong tương lai của chúng ta, cũng như cách chúng ta phát huy tiềm năng hết sức to lớn của bộ não mà chúng ta được thừa kế.
Chúng ta là những tạo vật của thói quen. Điều đó có nghĩa là với tư cách con người, chúng ta xử lý thông tin và tạo nên những khái niệm mới dựa trên tư duy hiện có của mình.
Về mặt di truyền, chúng ta không có một góc nhìn bẩm sinh nào đó về thế giới.
Tất nhiên, có một số xu hướng nhất định được quy định sẵn và tác động đến sự vận hành của bộ não hoặc các cơ quan thụ cảm nào đó của chúng ta. Tuy nhiên, về cơ bản thì tâm trí trẻ thơ là tabula rasa - tâm hồn trong sạch - một phiến đá trống trơn mà thế giới này và nhiều nhân vật quan trọng khác sẽ bắt đầu viết lên đó, ngay khi đôi mắt vừa hé mở đó có thể nhìn và đôi tai đó bắt đầu cảm nhận những âm thanh lạ lùng chung quanh.
Trải nghiệm sẽ định hình từng cấu trúc trong bộ não và các khuôn mẫu của chúng ta về thế giới chung quanh.
Mỗi trải nghiệm và dữ kiện chúng ta nhận được từ cha mẹ, gia đình, bạn bè đồng trang lứa - thậm chí từ những người hết sức xa lạ - mọi điều ta biết qua các phương tiện truyền thông và mọi suy tư hoặc cuộc độc thoại nội tâm mà ta tạo nên đều có tác động đến cách ta trải nghiệm thế giới từ giây phút đó trở đi.
Cho đến hiện tại, những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quan điểm mà chúng ta đang phát triển về thế giới chính là những ảnh hưởng từ cảm xúc.
Trải nghiệm cảm xúc tích cực (tình yêu, sự an tâm, hạnh phúc, sự tự tin,...) và tiêu cực (sợ hãi, bất an, giận dữ,...) có tác dụng củng cố và neo giữ các trải nghiệm, để ấn định cho mỗi sự kiện một ý nghĩa cảm xúc chủ quan.
Ý nghĩa này điều chỉnh hoặc củng cố các khuôn mẫu sẽ xác định phần lớn những phản ứng của chúng ta trong tương lai.
Ngay cả cách chúng ta làm cho ngôn ngữ có ý nghĩa cũng được xác định bởi những thiên kiến của riêng ta. Và dĩ nhiên, điều này có thể gây ra nhiều rạn nứt trong giao tiếp, như trong câu chuyện dưới đây.
Một người đàn ông hỏi vợ mình muốn được nhận quà gì nhân ngày sinh nhật.
Cô trả lời với vẻ tha thiết, “Em muốn được trở lại hồi còn nhỏ”.
Bầu trời trong xanh và rực nắng vào buổi sáng sinh nhật của cô. Anh dậy sớm và chuẩn bị cho cô một bữa sáng ngon lành, rồi họ lên đường đến công viên giải trí gần nhà.
Đó thật là một ngày đáng nhớ! Anh cùng cô chơi hết mọi trò chơi có ở đó: tàu lượn Kẻ hủy diệt, Con chuột gầm, tàu lượn siêu tốc - không chừa một trò nào.
Năm giờ đồng hồ sau, họ loạng choạng ra khỏi công viên. Đầu của cô đau nhói, còn bụng dạ thì nhộn nhạo. Họ lập tức ghé vào cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s gần nhất, nơi người chồng yêu quý của cô gọi cho cô một phần bánh mì kẹp phô-mai kèm khoai tây chiên và ly sinh tố dâu siêu lớn. Sau đó họ đi xem phần mới nhất của loạt phim Harry Potter, ăn một chiếc bánh mì kẹp xúc xích, bắp rang bơ, một ly Coca Cola khổng lồ và một túi kẹo đậu phộng M&M’s. Đúng là một chuyến du ngoạn hoành tráng!
Cuối cùng, họ cũng về đến nhà. Khi cô bám chặt lấy cánh tay anh và đổ sầm xuống giường trong trạng thái hoàn toàn kiệt sức, anh cúi xuống bên cô với một nụ cười rạng rỡ và âu yếm hỏi, “Nào em yêu quý, cảm giác được trở lại lúc nhỏ như thế nào?”.
Cô từ từ mở mắt ra và thay đổi biểu cảm: “Em nói về kích cỡ quần áo cơ mà, anh chồng ngốc!”.
Bài học rút ra: Ngay cả khi lắng nghe thì người ta cũng có thể hiểu sai hoàn toàn.
Không thể có sự cải thiện hiệu quả trên bất kỳ phương diện nào của hành vi con người (bao gồm cả hành vi học tập) nếu chúng ta không thừa nhận rằng tư duy tác động tới mọi điều ta làm.
Nếu chúng ta muốn tạo nên sự thay đổi tích cực và lâu dài thì phát triển “Tư duy nhà vô địch” tích cực và độc lập chính là khởi điểm.
3.3: ARAS: Cội nguồn đích thực của tính cách con người?
“Tư duy giống như một chiếc dù - nó chỉ hoạt động khi được mở ra.”
Frank Zappa
Như vậy, chúng ta đạt được bước ngoặt về trạng thái tâm thần này như thế nào? Tư duy của ta được định hình ra sao và tiến hóa như thế nào? Chúng ta có thể tác động một cách có ý thức lên sự phát triển của nó không?
Để trả lời cho những câu hỏi trên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về một hệ thống kỳ diệu của tư duy loài người - hệ thống lưới hoạt hóa hướng lên (Ascending Reticular Activating System - ARAS).
Nằm trong kết cấu lưới (Reticular Formation - RF), một vùng nhỏ nằm ở phần dưới của não có kích thước và hình dáng hơi giống ngón tay út của bạn, ARAS có vai trò điều phối phản ứng của cơ thể (và của não) đối với môi trường chung quanh.
Ngoài việc hoạt động như hệ thống “thức tỉnh” não - đánh thức chúng ta dậy sau khi ngủ và thúc ta đi ngủ khi cơ thể cần - thì theo lời của tác giả Eugene B. Shea trong tác phẩm How the Brain Works, ARAS đã tiến hóa để trở thành “trung tâm chỉ đạo và kiểm soát” của bộ não.
Hệ thống này ngày càng được nhắc đến như nơi trú ngụ đích thực của ý thức loài người chúng ta - như những gì Shea đã nhắc đến qua tựa đề quyển sách đáng suy ngẫm của ông, The Immortal I.
Nếu không có tập hợp các nơ-ron để tổ chức và điều hướng các thông tin tiếp nhận thì không thể có hoạt động ý thức. Trên thực tế, chỉ một tổn thương nhỏ trong kết cấu lưới RF cũng có thể gây ra tình trạng hôn mê - tình trạng hoàn toàn mất ý thức.
Chỉ mới đây thôi, ý thức - yếu tố giúp tôi trở thành độc bản - vẫn được xem là chức năng riêng của vỏ não, và dĩ nhiên nếu không có năng lực xử lý của vỏ não (đặc biệt là chức năng ra quyết định, nhận định và các chức năng liên hợp của vỏ não thùy trán) thì sẽ không có bất kỳ khái niệm nào về bản ngã.
Tuy nhiên, chỉ cần vài phút đánh giá vai trò mấu chốt của ARAS trong mọi phản ứng của con người - cả ý thức và vô thức - ta sẽ thấy rằng mặc dù chúng ta nghĩ chúng ta kiểm soát mọi suy nghĩ và quyết định của mình, nhưng hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ những suy nghĩ và quyết định đó đều được điều hướng và xác định bởi một nhóm nhỏ các nơ-ron. Các nơ-ron này không khu trú trong vỏ não hằng được tán dương của chúng ta, mà là ở một trong những vùng nguyên thủy nhất của não, ngay phía trên cuống não.
Một tổ chức phức tạp như cơ thể con người được cấu thành bởi rất nhiều hệ thống con, và vai trò của ARAS là điều phối hoạt động của các hệ thống này để mọi thứ diễn ra nhịp nhàng. ARAS thực hiện điều đó bằng cách xác định thứ tự ưu tiên, điều hướng, so sánh và đối chứng mọi chi tiết, đồng thời liên tục rút ra mô thức được tạo thành bởi các hành vi được lập trình sẵn về mặt di truyền và rất nhiều niềm tin có được qua học hỏi, các giá trị, ký ức và tiên đoán, những thứ không ngừng phát triển cùng với mỗi trải nghiệm mới.
3.4: Cách Thức ARAS Vận Hành
“Cuộc sống không chỉ bao gồm các dữ kiện và sự kiện. Cuộc sống chủ yếu bao gồm các luồng suy nghĩ không ngừng tuôn ra trong tâm trí con người.”
Mark Twain
Cứ mỗi giây đồng hồ, não lại tràn ngập với hơn 100 triệu xung điện, đại diện cho các thông tin tiếp nhận từ tất cả các giác quan của chúng ta, trạng thái vật lý, hóa học và điện học của mỗi tế bào trong cơ thể, và cả những phản hồi thần kinh từ ký ức hằn sâu của các trải nghiệm và trạng thái trong quá khứ.
Một lượng lớn dữ liệu thô như vậy có thể lập tức khiến ý thức bị quá tải nếu không được sàng lọc. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu nhận định sự vô thức - và một số trạng thái hôn mê - như phản ứng tự vệ của não đối với sự quá tải đột xuất, khi một chấn thương như một cú đập mạnh vào đầu hoặc cú sốc lớn về thể chất hay tinh thần vượt quá khả năng sàng lọc tự nhiên của não. Phản ứng này nhằm “giảm sốc” phần nào và kiểm soát tình trạng kích động đột ngột.
Theo ước tính, chưa tới 1% các tín hiệu cảm giác thật sự thâm nhập được vào ý thức của chúng ta, số còn lại đều bị chuyển hướng bởi hoạt động của ARAS qua đồi thị (tổng đài điều khiển của não) để đến các vùng vô thức của não và các hệ thần kinh tự động, nơi điều hòa các chức năng của cơ thể, kích thích các phản xạ,... ARAS chỉ cho phép những thông tin quan trọng và khẩn cấp được thông qua để đến với sự đánh giá của ý thức.
ARAS quyết định điều gì là quan trọng, thiết yếu và khẩn cấp bằng cách so sánh với dữ kiện lưu trữ các trải nghiệm trong quá khứ.
Giống với công cụ tìm kiếm trong máy vi tính của bạn, các mô thức được so sánh và đối chứng với tốc độ ánh sáng, và các phản ứng được lựa chọn từ “thư viện” kinh nghiệm của chúng ta. Một thư viện mà tư duy có ý thức cũng thường không ý thức được.
Thông thường, đáp án mà bạn hằng tìm kiếm bỗng xuất hiện trong một thời điểm bất ngờ nào đó - một hiện tượng mà các nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử khoa học thường gọi là khoảnh khắc “Eureka!” - nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Nhà khoa học và biểu tượng của ngành khoa học giả tưởng Isaac Asimov từng nhận xét, “Câu nói hào hứng nhất trong khoa học, câu nói báo hiệu những khám phá mới, không phải là ‘Eureka!’ (Tìm ra rồi!) mà là câu ‘Thật buồn cười...’”.
Cho dù đó là một ý tưởng chợt lóe lên hay là một quá trình từ từ nhận ra rằng bối cảnh của vấn đề đã thay đổi, thì bản thân quá trình tạo ra sự thay đổi đó đều như nhau.
Đó là quá trình được biết đến như sự sản sinh ý tưởng trong vô thức (hoặc suy nghĩ vô thức) - khả năng của sự vô thức trong việc tiếp tục huy động nguồn lực dồi dào của nó để giải quyết vấn đề, ngay cả khi ý thức đã chuyển sang mạch tư duy khác.
Hãy lấy ví dụ về câu chuyện của Alexander Fleming với phát minh thuốc penicillin – có lẽ là một phát minh y học vĩ đại nhất trong lịch sử.
Vào tháng 9 năm 1928, khi Fleming đi nghỉ về thì thấy mẻ vi khuẩn mà ông để cho phát triển trên đĩa cấy trong phòng thí nghiệm đã bị nhiễm mốc.
Đối với nhiều người - ngay cả đối với các nhà khoa học khác - điều này có ý nghĩa đơn giản là mẫu cấy đã bị hỏng và đĩa cấy sẽ bị vứt vào sọt rác.
Tuy nhiên, Fleming (hay nói cách khác là ARAS của Fleming - có nền tảng là mối bận tâm của ông về việc tìm ra phương pháp điều trị bệnh giang mai truyền nhiễm qua vi khuẩn) đã lưu ý đến một vành sáng trong suốt bao quanh đám mốc, nơi vi khuẩn không phát triển được.
Trong khoảnh khắc của sự suy luận xuất thần đó, ông nhận ra phương thuốc mà ông cất công tìm kiếm bấy lâu nay đang hiển hiện trước mắt, và thế là kỷ nguyên của thuốc kháng sinh được mở ra.
Đến đây, có thể chúng ta sẽ thắc mắc, “Điều gì khiến ông chú ý đến vành sáng đó, điều gì khiến ông suy luận được tầm quan trọng của nó?”.
ARAS của Fleming đã nhận định thông tin đó là quan trọng và điều hướng nó đến với sự chú ý có ý thức của ông. Ông lưu ý đến nó vì hàng giờ chú tâm vào công việc đã lập trình ARAS của ông nhận ra tầm quan trọng của một sự bất thường bé xíu.
Toàn bộ kinh nghiệm sống của tôi đã rèn cho ARAS của tôi nhận ra điều gì quan trọng đối với tôi, và đó chính là cội nguồn tính cách của tôi - cái Tôi duy nhất đã phát triển theo thời gian.
Không có trải nghiệm sống nào là giống nhau, do đó cũng không có hai tính cách nào y hệt nhau - ngay cả ở hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng.
Quá khứ liên tục tác động đến phản ứng của chúng ta đối với thực tại. Những lựa chọn ta đưa ra, cảm xúc ta có, cách ta phản ứng - ngay cả niềm tin của ta vào tương lai - đều gắn kết chặt chẽ với trải nghiệm trong quá khứ.
Như vậy, có vẻ như tư duy và thế giới quan của chúng ta phụ thuộc vào những yếu tố không nằm trong tầm kiểm soát có ý thức của ta. Những trải nghiệm mà chúng ta đã có sẽ định trước những phản ứng tương lai của ta.
Nhưng còn tự do ý chí thì sao? Rồi cả sự phát triển và cải thiện nữa? Bằng cách nào chúng ta có thể thay đổi tư duy, điều chỉnh các mô thức và học được cách thức tốt hơn?
Câu trả lời nằm ở tỷ lệ phần trăm nhỏ nhoi nhưng đáng giá của các hoạt động não mà chúng ta ít nhiều có khả năng kiểm soát bằng ý thức.
Nếu không có sự can thiệp y học hoặc hóa học thì chỉ với ý chí của mình, tôi không thể tác động đến nhịp mạch đập, sự cân bằng hóa chất trong máu hay phản xạ của mình.
Mà tôi cũng sẽ không có mong muốn đó.
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó thì tôi có khả năng tác động đến bất cứ thứ gì được phép đi vào nhận thức của mình.
Hãy xem ẩn dụ sau đây. Giả sử bạn đang trải nghiệm thế giới thông qua ống kính của một chiếc máy chụp ảnh kỹ thuật số xuất sắc. Chiếc máy này ghi nhận lại môi trường chung quanh bạn và đưa những hình ảnh chụp được lên một màn hình để tư duy có ý thức của bạn phân tích.
Giống với mọi chiếc máy chụp ảnh chất lượng cao khác, chiếc máy của bạn có cả chế độ tự động và chế độ thủ công. Tư duy vô thức của bạn, qua ảnh hưởng của ARAS, vận hành như chế độ chụp ảnh tự động. Nó có sẵn một lượng gần như vô hạn các loại lăng kính, bộ lọc và tiêu cự khác nhau, nhưng tất cả đều được lập trình sẵn, và nó chỉ cho bạn nắm rất ít quyền kiểm soát đối với “cú chụp” sau cùng.
Tư duy là quan điểm được lựa chọn bởi chức năng chụp tự động của chiếc máy chụp ảnh, và đối với đa số tình huống - với điều kiện đó là những trải nghiệm và hành vi thông thường - thì chức năng tự động này là tương đối đủ xài.
Chúng ta không muốn kiểm soát mọi phản xạ hay các chức năng của cơ thể (mặc dù đôi khi chúng ta nên kiểm soát chúng, vì phép lịch sự!) - và chúng ta cũng không muốn phải nghĩ quá nhiều về những thứ như đánh răng hoặc mọi thao tác lái xe.
Nhưng một cuộc đời thành công và trọn vẹn thường liên quan đến những thời điểm mấu chốt - và bất kỳ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào cũng sẽ nói với bạn rằng, khi chụp lại những khoảnh khắc đó, điều quan trọng là bạn có khả năng chuyển sang chế độ chụp thủ công và nắm toàn quyền kiểm soát.
Hãy thử chụp lại một ngày nắng đẹp qua bộ lọc màu xanh dương và bạn sẽ có một bức ảnh rất khác với khi chụp với bộ lọc không màu hoặc màu vàng.
Sử dụng ống kính mô phỏng tầm nhìn của mắt cá để làm biến dạng khung cảnh, hoặc chọn chế độ macro để chụp siêu cận cảnh, và bạn sẽ nhìn thấy một hiện thực rất khác.
Một cách khách quan thì thế giới mà bạn chụp lại vẫn như vậy qua các thời điểm, nhưng trải nghiệm chủ quan - thứ xuất hiện trên màn hình của ý thức - lại được thể hiện rất khác nhau.
Vỏ não thùy trán là vùng nhận thức phát triển nhất của não bộ, và vai trò của nó là đưa ra nhận định - nếu cần thì lấn át các lựa chọn, các đề xuất của vô thức để chọn nhìn sự việc với một góc độ khác.
“Tư duy nhà vô địch” là kết quả của những lựa chọn đã được cân nhắc - và những quyết định táo bạo - giúp tạo nên một cách nhìn tích cực, hiệu quả và hào hứng hơn về thế giới.
Chỉ vì chế độ tự động của máy ảnh thiết lập một cơ chế chụp riêng không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận thiết lập đó như lựa chọn duy nhất.
Một nhiếp ảnh gia tầm cỡ thế giới sẽ chủ động lựa chọn từng ống kính, bộ lọc hoặc chế độ có thể mang lại kết quả như mong muốn.
Hãy nhớ rằng chế độ vận hành tự động của bộ não chúng ta được thiết lập dựa vào các trung tâm xúc cảm thuộc hệ viền. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ý thức được tầm ảnh hưởng của các trạng thái cảm xúc lên khả năng đạt được các thành tựu trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Nếu sợ hãi và bất an là chế độ vận hành chính thì thế giới quan của người đó, cũng như tiềm năng thành công của họ, sẽ vô cùng hạn hẹp. Cảm xúc tiêu cực là một bộ lọc có thể phủ màu sắc của nó lên mọi hành động và mọi quyết định.
Là những bậc cha mẹ và thầy cô, vai trò của chúng ta không chỉ là lựa chọn cơ chế chụp ảnh riêng của mình nhằm “bắt” được những khoảnh khắc then chốt, mà ở một mức độ nào đó còn phải hướng dẫn những đứa trẻ mà chúng ta chăm sóc về các “chế độ chụp ảnh” - ngay cả khi trẻ đang vận hành theo chế độ tự động.
Với năng lực nhận định chưa phát triển, chương trình tự động của trẻ - thế giới quan của các em - dễ bị tấn công và bị tái lập trình bởi những ảnh hưởng xấu mà bản thân trẻ có rất ít khả năng kiểm soát một cách ý thức.
Điều này có nghĩa là trước khi cân nhắc bất kỳ một phương pháp học nào - mà thực chất là bất kỳ hoạt động nào - cho những đứa trẻ mà chúng ta đang chăm sóc, thì trước hết ta phải hiểu được phương pháp đó. Và nếu cần thiết, ta cần giúp trẻ điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, bất an và tự buộc tội vốn chỉ làm méo mó thế giới quan và ức chế việc học tập.
“Tư duy nhà vô địch” không tích cực một cách thiếu suy xét hay cố tình bỏ qua tất cả những gì không thích hợp với kết quả mong đợi, mà nó là một tâm trí đã học được cách thay thế bộ lọc sợ hãi bằng một ống kính góc rộng hơn, một tâm trí cho phép phân tích nhiều cách lý giải khác - bao gồm những lý giải tích cực hơn.
Trong quyển The Art of Communicating with Your Child, chúng ta sẽ xem xét sâu hơn các phương pháp thực tiễn nhằm đạt được kết quả quan trọng này. Còn bây giờ, chúng ta sẽ xét một ví dụ về nhà nhiếp ảnh có ý thức lựa chọn bộ lọc phù hợp nhất với công việc của mình.
Nhiều người hay nói tới sự căng thẳng - rằng công việc hoặc một khó khăn nào đó khiến họ cảm thấy căng thẳng hoặc quá sức chịu đựng. Vô số thí nghiệm đã chỉ ra rằng sự căng thẳng quá mức có thể liên quan trực tiếp với việc tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đó là hậu quả của việc gia tăng các mảng xơ vữa động mạch nhằm phản ứng với sự tăng lượng hóc-môn căng thẳng trong máu.
Dĩ nhiên, phần lớn những căng thẳng này gắn liền với sự tự nhận thức của chúng ta, chẳng hạn như suy nghĩ rằng tôi sẽ thất bại, tôi sẽ khiến bản thân xấu hổ, tôi không xứng đáng, tôi kém khả năng hoặc tôi không được trang bị đủ kỹ năng.
Những đòi hỏi mới hoặc không quen thuộc sẽ đẩy chúng ta ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình - vòng tròn những trải nghiệm và hành vi thông thường mà chúng ta cảm thấy mình có thể kiểm soát tốt.
Nhưng sự căng thẳng có phải là một hiện tượng khó chịu nhưng cần thiết - một kiểu phản ứng tự động của mỗi người khi bị đẩy ra khỏi vòng tròn thoải mái hay không? Có thể nhiều người sẽ trả lời có; rằng sự lạ lẫm sẽ kích hoạt các phản ứng bản năng và sinh học, từ đó tự động giải phóng hóc-môn gây căng thẳng, giúp cơ thể chuẩn bị cho tình huống “đánh hoặc chạy”.
Do đó câu hỏi đặt ra là: “Chúng ta có thể tìm cách để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu phản ứng đó hay không, để tập cho ARAS tiếp nhận một hoạt động nằm ngoài vòng tròn thoải mái mà không nhận định đó là một tình huống căng thẳng?”.
Tâm lý học của “Tư duy nhà vô địch” nói rằng chúng ta có thể làm được điều đó.
Từ kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng một sự thay đổi đơn giản trong bản chất của độc thoại nội tâm, thứ đi kèm với hoạt động nằm ngoài kinh nghiệm đã có, có thể tác động mạnh lên phản ứng cảm xúc của chúng ta - từ đó tác động đến phản ứng căng thẳng đi theo tình huống đó.
Điều này tương tự với việc một nhiếp ảnh gia sử dụng một bộ lọc khác.
Bí quyết là hãy có ý thức nhìn nhận thử thách mới đó là một cơ hội chứ không phải nguyên nhân gây căng thẳng. Hãy xem thử thách như một cơ hội để vượt qua những trải nghiệm cũ và mở rộng chân trời của chúng ta, để học hỏi và tiến bộ hơn nữa so với chính mình trước đây.
Và điều này có ý nghĩa rất khác với một bài động viên tinh thần sáo rỗng.
Khi nói theo cách này - khi dùng ngôn ngữ nội tâm để xác nhận cách tiếp cận này - chúng ta có ý thức tái lập trình cho ARAS đi tìm những cách thức mà trong đó tình huống mới này thật sự là cơ hội chứ không phải một mối đe dọa gây căng thẳng.
Khi sếp - hoặc giáo viên - giao cho chúng ta một nhiệm vụ mới hoặc yêu cầu ta tình nguyện làm việc gì đó, ta có thể chọn phản ứng tự động với câu hỏi, “Tại sao lại là tôi? Làm sao tôi có thể thực hiện việc đó được? Tại sao không chọn ai khác đi?”. Hoặc chúng ta có thể chọn cách chuyển đổi sang chế độ điều khiển thủ công và lắp vào một bộ lọc mới, “Tuyệt quá! Đây là cơ hội lý tưởng để học được điều gì đó mới mẻ/vượt qua những gì tôi đã đạt được/chứng minh bản thân”.
“Và nếu tôi không thành công trong lần thứ nhất (hoặc thậm chí là trong lần thứ hai) thì sao? Khi đó tôi vẫn vượt xa khỏi vị trí mà tôi vốn dĩ sẽ tiếp tục ở lại nếu không đón nhận cơ hội bước ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình/vẫn vượt trội hơn những người không xung phong nhận việc.”
Hãy tưởng tượng chúng ta là một nhóm các nhà tâm lý học đang nghiên cứu phản ứng của cá nhân đối với một trong bốn hoạt động được xem là gây ra nhiều căng thẳng nhất - hoạt động diễn thuyết trước đám đông.
Chúng ta biết rằng việc đứng trước một đám đông hơn 100 người - hoặc thậm chí là 100.000 người - không phải là một tình huống đe dọa đến tính mạng, cho dù ta có thể hiện tồi tệ đến thế nào. Tuy nhiên nhiều người vẫn có phản ứng căng thẳng quá mức - đến nỗi họ khiếp đảm nó như thể sợ bị mất người thân hoặc mất việc vậy.
Tại sao lại như vậy? Quá trình giáo dưỡng và lập trình của chúng ta có ảnh hưởng gì? Chúng ta có thể tái lập trình những phản ứng bản năng của mình theo cách thủ công để tình huống biểu hiện ít căng thẳng hơn không?
Trong vai trò nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ chọn hai đối tượng có ít kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông - hiển nhiên đây là một việc nằm ngoài vòng tròn thoải mái quen thuộc của họ. Hai đối tượng này có cùng mức độ tự tin và có nền tảng học vấn cùng kiến thức xã hội như nhau.
Chúng tôi sẽ giao cho họ nhiệm vụ trình bày một bài diễn văn quan trọng trước đám đông trong vòng 30 ngày nữa - một bài diễn văn có thể ảnh hưởng lớn đến thành công của họ trong tương lai.
Quan trọng nhất, cả hai người đều không biết đây chỉ là thử nghiệm, do đó phản ứng của họ sẽ xuất phát từ niềm tin vào tầm quan trọng của kết quả đạt được.
Nhằm đánh giá năng lực của bộ lọc tâm trí riêng biệt, chúng tôi bố trí chung quanh Đối tượng A những người cố vấn có vai trò nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của việc thất bại: mất cơ hội, mất địa vị xã hội, có trải nghiệm diễn thuyết tồi tệ - thậm chí cả các thống kê cho thấy mức độ căng thẳng mà đa số mọi người đều cảm thấy khi phải nói chuyện trước công chúng.
Đối tượng A cũng được hướng dẫn tỉ mỉ về cách chuẩn bị cũng như thực hành, nhằm tránh “biến bản thân thành trò cười”.
Cách tiếp cận này khiến Đối tượng A nhìn nhận trải nghiệm này thông qua bộ lọc “căng thẳng”.
Ngược lại, Đối tượng B được khuyến khích sử dụng bộ lọc “cơ hội”.
Những hướng dẫn tương tự cũng được cung cấp cho Đối tượng B, nhưng nó được diễn đạt lại theo kiểu “những phương pháp để tận dụng cơ hội tuyệt vời này”.
Chúng ta cũng sắp đặt chung quanh Đối tượng B những người với vai trò khẳng định sự dễ dàng của việc nói chuyện trước một nhóm người - “bởi vì những người đó thực sự muốn nghe những điều anh nói và họ đang tìm lý do để quý mến anh” - cũng như những thuận lợi mà đối tượng này sẽ có được “một khi anh nắm lấy thời cơ và cho mọi người thấy tiềm năng to lớn của anh”. Đồng thời họ cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân, về những gì họ đã đạt được khi nắm bắt cơ hội.
Sau một tháng, đã đến thời điểm thực hiện bài diễn thuyết, bạn hãy đoán xem đối tượng nào sẽ:
Câu trả lời rất rõ ràng. Mức độ căng thẳng cao tạo ra phản ứng lo lắng mà đa số mọi người đều bảo rằng họ cảm thấy khi phải nói trước đám đông. Và như ta thấy ở trên, sự lo lắng ảnh hưởng đến khả năng phát huy tối đa tiềm lực bản thân.
Như vậy, môi trường tiếp xúc trước khi chuẩn bị đối mặt với thử thách thật sự có ảnh hưởng lớn đến cách tiếp cận và sau đó là biểu hiện của mỗi đối tượng thí nghiệm.
Nếu lặp lại thí nghiệm trên cho một nhóm nhiều đối tượng hơn - thậm chí lập ra một nhóm được chuẩn bị trong môi trường trung tính với căng thẳng - chúng ta hoàn toàn tiên liệu được các mức độ căng thẳng khác nhau mà mỗi đối tượng cảm nhận, cũng như tầm ảnh hưởng của nó đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của họ.
Với việc các yếu tố khách quan có khả năng ảnh hưởng đến tư duy, và biết được cách những lựa chọn có ý thức có thể điều hướng tư duy như thế nào, nhà vô địch là người lựa chọn cơ chế phản hồi, người phát triển khả năng tập trung vào những thành công đạt được trong tương lai chứ không phải cứ mãi than vãn về thất bại có thể xảy ra.
Tại sao lại chọn sự căng thẳng trong khi bạn có thể học được cách lắp bộ lọc “cơ hội” trong mọi hoàn cảnh?
Phương pháp này không phải là một câu khẩu quyết sáo rỗng mà là một quyết định có ý thức, và đó là một thói quen có thể rèn luyện được - ngay cả (mà đặc biệt là) đối với trẻ nhỏ.
Bí quyết không phải chỉ đơn thuần là hình dung mục tiêu, mà là rèn luyện thứ được gọi là “phương pháp ngoại suy tích cực”. Ngoại suy là phương pháp suy luận hoặc suy diễn bằng cách mở rộng hoặc phóng chiếu những thông tin đã biết.
Ngoại suy tích cực bao gồm:
và
Trong trường hợp của người thực hiện buổi diễn thuyết (Đối tượng B trong ví dụ giả định trên), anh chỉ cần tưởng tượng ra cảnh buổi diễn thuyết thành công, và hòa mình vào thành công đó:
Hãy nhớ rằng sự khác biệt giữa vòng tròn thoải mái hạn hẹp và vòng tròn rộng lớn hơn chỉ đơn giản là trải nghiệm.
Chúng ta đều từng trải nghiệm cảm giác khó chịu trong ruột gan (căng thẳng) khi phải dấn thân vào một hoạt động lạ lẫm nào đó hoặc phải đối mặt với những chuyện không thể lường trước.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng sự vô thức không phân biệt được thực tại hiện hữu và thực tại tưởng tượng, vì nó vận hành dựa trên logic cảm xúc chứ không phải logic nhận thức.
Nó phản ứng một cách bản năng và không đòi hỏi một lý giải lý trí về quan hệ nhân-quả để hiểu các sự kiện.
Hãy nghĩ đến một cơn ác mộng.
Bạn đang trốn chạy một mối đe dọa mơ hồ nhưng khủng khiếp - có thể là một con quái vật hoặc “người đàn ông có đôi mắt đỏ” chẳng hạn. Bạn chạy thật nhanh và thật xa nhưng mối đe dọa đó vẫn bám sát, mặc dù nó không hề vội vã mà chỉ thong thả bước đi.
Cuối cùng, bạn bỗng thấy mình đứng sát bờ vực và chứng kiến nó đang tiến tới gần. Có thể bạn cảm nhận được ngọn gió rờn rợn đang thổi tung quần áo và mái tóc của mình, có thể bạn nghe thấy tiếng sóng vỗ dưới vực sâu hoặc nhìn thấy những con sóng vỗ vào bờ đá nhọn hoắt và tung bọt trắng xóa.
Thình lình mặt đất dưới chân nứt ra và bạn rơi xuống. Bạn cố vươn tay bám lấy vách đá nhưng cũng chẳng ích gì.
Rồi thì, ngay lúc sắp nát thân dưới đáy vực đầy đá lởm chởm, bạn tỉnh giấc.
Và trong một vài khoảnh khắc, ngay giữa căn phòng ngủ đang bị bóng tối bao trùm, ngay trên chiếc giường ngủ chăn êm nệm ấm của bạn, phần nào đó trong bạn - phần vẫn sống với mạch cảm xúc của bộ não loài hữu nhũ - vẫn đang phản ứng với mối nguy hiểm tưởng tượng kia.
Tư duy logic của bạn có thể tự an ủi rằng “Đó chỉ là giấc mơ thôi mà!” nhưng đối với các hệ thống nằm bên dưới phần logic đó, nỗi sợ hãi vẫn còn lẩn quẩn. Các chất hóa học kích hoạt phản ứng “đánh hay chạy” vẫn tiếp tục chảy rần rần trong mạch máu. Các phản xạ vẫn duy trì trong cơ chế ứng phó với hiểm nguy.
Mặc dù chúng ta có thể dần dần vượt qua cảm giác trên và thuyết phục được bản thân rằng mọi thứ đều ổn, nhưng đối với một phần quan trọng trong con người ta, trải nghiệm đó sống động như một điều gì đó có thể xảy ra ngay hôm nay tại văn phòng hay lớp học của mình.
Như vậy, khi đặt nền tảng cho sự vô thức tinh chỉnh một hoạt động trong tương lai, cụ thể là đối với việc phát triển một vòng tròn thoải mái mới, thì sự diễn tập có ý thức và đến nơi đến chốn của một ngoại suy tích cực cũng hiệu quả hệt như một trải nghiệm thực tế. Chẳng phải trải nghiệm chính là bí quyết để mở rộng vòng tròn thoải mái đấy sao?
Khi được trang bị sự hiểu biết này, vô thức sẽ tự động tập trung tìm kiếm trong môi trường hiện tại mọi yếu tố phù hợp với tương lai được hình dung đó.
Là người cha, người mẹ, người thầy, chúng ta có khả năng truyền đạt cho thế hệ trẻ một quy trình thói quen giúp trẻ tự động lựa chọn ngoại suy tích cực thay cho ngoại suy tiêu cực, thứ vốn đang thống trị trong văn hóa chúng ta (ví dụ như lối suy nghĩ lâu đời rằng hãy lường trước tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, với hy vọng mong manh rằng nó sẽ giúp ta tránh được tình huống đó. Trong khi nghịch lý là lối tiên đoán đó sẽ gần như đảm bảo rằng những gì ta tưởng tượng rồi sẽ trở thành sự thật). Như chúng tôi có đề cập trong các chương trước, đây chính là khởi nguồn của lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Có hai bước khá đơn giản mà chúng ta, những người dẫn dắt thế hệ trẻ, có thể ghi nhớ về tư duy hiệu quả:
Hãy hình dung một học sinh có điểm trung bình môn toán là 4/10.
Cách ngoại suy tích cực tạo nên một viễn cảnh mà học sinh đó đạt điểm cao trong kỳ thi kế tiếp, ví dụ như 9 điểm chẳng hạn.
Trên thực tế, kinh nghiệm cho thấy đó không phải là kịch bản bất khả thi. Nếu được dạy đúng cách và có lòng tin vào bản thân, khắc phục được một số trở ngại về thể chất hoặc di truyền thì phần đông học sinh có thể đạt kết quả học tập tốt hơn.
Sau khi được thuyết phục tin vào viễn cảnh tương lai chân thực này, học sinh được khuyến khích đứng từ viễn cảnh đó nhìn lại các phương pháp học tập đã sử dụng để đạt tới kết quả như vậy, rồi hình dung những cảm xúc mà thành công đó mang lại.
Khi vận dụng kỹ thuật ngoại suy tích cực, điều quan trọng là chúng ta phải liên kết chặt các mặt cấu trúc và cảm xúc. Trong các phần sau chúng ta sẽ thấy rằng sự liên kết này là bí quyết của sự sáng tạo.
Trong quá trình tạo nên cảm xúc tích cực được ghi nhớ, học sinh cần tập trung vào các chi tiết mấu chốt khiến thành tích đạt được trở nên đặc biệt - cảm giác đứng trên sân khấu lãnh thưởng, ánh mắt sung sướng của cha mẹ khi hay tin.
“Hãy nhắm mắt và nhớ lại cảm giác...” là một câu hướng dẫn hiệu quả khi tiến hành thiết lập hiện thực cảm xúc về “thành tựu”.
Một phương pháp khác là hãy liên kết cảm giác khi đạt được thành công này với các thành tích khác.
Nếu đứa trẻ là nhà vô địch thể thao hoặc một nghệ sĩ tài năng, thậm chí là ca sĩ, vận động viên đua ngựa, bóng rổ, lướt sóng,... thì câu hỏi “Cảm giác về kết quả của bài thi toán này như thế nào so với... (chiến thắng giải thưởng lớn, cuộc thi văn thơ, trận đua ngựa, cuộc thi nghệ thuật, giành chiến thắng nhờ ghi bàn trong hiệp phụ,...)” có thể giúp trẻ xây dựng bối cảnh cảm xúc cho thực trạng tương lai này.
Bối cảnh cấu trúc đó được tạo nên thông qua việc tập trung vào các phương pháp dẫn tới thành công “được ghi nhớ”. Theo một cách nào đó thì đây là một hình thức của quá trình động não.
Câu hỏi “Những bước nào đã được thực hiện để đạt được kết quả tuyệt vời này?” cho phép quá trình tư duy vô thức tìm ra các bước đó và tạc chúng vào trong nhận thức.
Ban đầu thì đây có vẻ như một công trình nhân tạo, nhưng hãy nhớ rằng phương pháp này không hề nhân tạo hơn việc dự đoán tình huống xấu nhất - mà nó lại hiệu quả hơn rất nhiều.
Đối với cậu học sinh trong tình huống giả định trên, bí quyết là nhận ra “điều tôi không biết” - sau đó thiết lập các phương pháp để khắc phục khó khăn. Khi bắt đầu hiểu rằng chương trình học môn toán là hoàn toàn có thể hiểu được (và vấn đề không phải là “Mình không thể học được môn toán”, mà là“Để trở thành học sinh giỏi toán thì mình cần phải nắm vững kiến thức cơ bản”), cảm giác vô vọng gắn liền với môn học đó sẽ bị xóa bỏ và được thay thế bằng một kịch bản ngoại suy tích cực.
Để trả lời cho câu hỏi “Những bước nào đã được thực hiện để đạt được kết quả tuyệt vời này?”, cậu học sinh có thể trả lời như sau (với sự gợi ý từ một người nhiều kinh nghiệm hơn):
1. Con nhận ra rằng nếu mình đạt 4 điểm thì chỉ còn 6 điểm nữa mà con chưa biết cách làm. Vậy thì tất cả những gì con phải làm là tìm hiểu và học từng điểm đó.
2. Con đã xem xét lại toàn bộ các bài thi và bài tập mà mình từng làm, rồi tập trung vào những bài con làm sai. Đầu tiên, con tìm những lỗi do sự cẩu thả của mình, nghĩa là con thật sự có thể làm được bài đó nếu cẩn thận hơn. Sau đó con tìm những bài mà con thật sự không hiểu, ghi ra và nhìn xem có bao nhiêu bài trong số đó có cùng vấn đề, từ đó con có thể thu hẹp đến mức tối thiểu phạm vi những điều mình cần học.
3. Con tìm lại các ví dụ trong sách giáo khoa để xem mình có thể giải được bao nhiêu bài trong đề thi bằng cách tham khảo các ví dụ đó. Con có thể giải được rất nhiều bài khi tiếp cận nó với thái độ tích cực.
4. Với những bài mà con không thể giải được, con đã nhờ thầy cô/gia sư/người lớn hướng dẫn con cách làm. Mọi người đều vui lòng giúp đỡ con, vì con đang thật sự nỗ lực, và vì con biết chính xác mình cần được giúp ở đâu.
5. Một khi đã hiểu các ví dụ, con lại luyện tập với những ví dụ mới cho đến khi con chắc chắn là mình đã nắm vững phương pháp.
Và đó là cách tôi đã trở thành học sinh xuất sắc trong môn toán!
Trong các ý trên, thì ý thứ tư – tìm sự trợ giúp của người có trình độ hơn (thầy giáo/gia sư/người lớn) - là bước then chốt, và nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào những điều cụ thể.
Cậu học sinh đó sẽ khó đạt được kết quả mong muốn nếu tìm đến thầy giáo và nói “Em không hiểu môn toán. Xin thầy hãy giúp em”. Đó là vì đề nghị của cậu bé quá mơ hồ và chung chung. Tuy nhiên, việc tập trung vào những câu hỏi cụ thể và các kỹ năng cơ bản sẽ giúp “chuyên gia” nắm bắt được nhu cầu cụ thể và mang đến sự giúp đỡ hiệu quả.
Kiểu ngoại suy tích cực này có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, khi trẻ cảm thấy quá sức chịu đựng - bao gồm những lĩnh vực liên quan tới tương tác xã hội và cảm xúc.
3.5: Siêu Nhận Thức - Tư Duy Về Tư Duy
Tôi là một người đầy sức mạnh và biết suy nghĩ. Tôi có thể xem xét các phản ứng của mình và phân tích những cảm xúc mà tôi đang có. Tôi có thể đánh giá các hành động khả thi để chọn ra hành động giúp tôi đạt được kết quả mong muốn.
Khả năng thiên phú độc đáo này của con người được gọi là siêu nhận thức. Đó là một phần thiết yếu của quá trình thích nghi với các điều kiện thay đổi, và đặc biệt là của quá trình phát triển một phương pháp học hiệu quả hơn.
Tôi có khả năng lựa chọn ngược lại với những đòi hỏi của tư duy, và do đó tôi có thể tạo nên một tư duy mới.
Trên thực tế, Giáo sư Allan Snyder đến từ Chương trình Centre for the Mind của Úc đề xuất rằng chúng ta nên phát triển nhiều lối tư duy khác nhau bằng cách chủ tâm thay đổi lĩnh vực chuyên môn của mình.
Ông nói, “Tại sao tôi lại đề nghị chúng ta tìm hiểu nhiều hơn, rồi trở nên cởi mở và sáng tạo hơn? Hiển nhiên là để có được nhiều lối tư duy hơn. Bởi vì càng thấm nhuần nhiều lối tư duy thì thế giới quan của chúng ta càng rộng mở. Do vậy, sau khi đã nắm vững một lĩnh vực, tốt nhất là chúng ta nên tiếp tục tìm hiểu và thành thạo một lĩnh vực nữa”.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này trong quyển The Art of Creative Thinking.
Dĩ nhiên, thay đổi không hề dễ. Khi càng nhiều tuổi thì tư duy của ta càng trở nên cứng nhắc vì nó được củng cố và mi-ê-lin hóa liên tục.
Như Emerson đã nói, vì ta chỉ thấy những gì mình muốn thấy nên các kỳ vọng của ta liên tục được củng cố bởi các trải nghiệm của mình về thế giới.
Các giả thuyết của tôi đã xác định những gì tôi quan sát, và ngược lại, những điều tôi quan sát được cũng khẳng định các giả thuyết của tôi.
Trích dẫn tiếp những nhận xét của Giáo sư Snyder:
“Không có cách hiểu nào đáng tin cậy đối với các thông tin thô đang tấn công dồn dập vào giác quan của chúng ta mỗi ngày. Bộ não của chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ xem xét hết mọi khả năng. Nhưng chúng ta cần gì tới mọi khả năng, chúng ta chỉ cần những khả năng có xác suất xảy ra cao nhất. Do vậy, chúng ta đã phát triển một biện pháp khéo léo để quyết định nhanh chóng. Ta tự đưa ra giả định về những khả năng dễ xảy ra nhất. Bộ não thực hiện điều đó bằng cách thiết lập các lối tư duy hoặc hình ảnh tưởng tượng về những điều quen thuộc và quan trọng. Khi đó các tư duy này sẽ vận hành như những mô thức mà ta dùng để quan sát thế giới.
“Tư duy là nền tảng cho việc đưa ra quyết định nhanh chóng. Chúng là những viên gạch xây dựng nên sự tinh thông.”
Thật là một sự thích nghi sinh tồn tuyệt diệu! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là một số nhà khoa học, gồm cả Giáo sư Snyder, nhìn nhận quá trình này như căn nguyên của định kiến.
Hãy xem xét câu đố quen thuộc sau đây:
Đáp chuyến tàu đến Luân Đôn, một người đàn ông gặp lại người bạn cũ sau 10 năm xa cách. Người bạn dắt theo một cô bé khoảng 8 tuổi và nói, “Anh không biết là tôi đã lập gia đình, phải không? Đây là con gái Elizabeth của tôi”.
Người đàn ông vừa bắt tay cô bé vừa nói, “Cháu thật xinh xắn và giống mẹ của cháu lắm”.
Hỏi: Làm sao người đàn ông biết cô bé trông rất giống mẹ?
Đáp: Vì người bạn đó là phụ nữ. Cô ấy là mẹ của Elizabeth.
Có nhiều người gặp khó khăn khi giải câu đố mẹo này. Họ đưa ra những đáp án như người đàn ông có quen biết mẹ cô bé nên mới nhận ra sự tương đồng giữa hai người. Đó là vì họ suy luận dựa trên giả định, và giả định này có thể bắt nguồn từ những kinh nghiệm mà họ đã trải qua trước đó - rằng bạn của một người đàn ông hẳn phải là đàn ông.
Về mặt trí tuệ, chúng ta biết bạn của người đàn ông có thể có cả nam lẫn nữ, nhưng ở góc độ tư duy thì đa số sẽ áp đảo và những gì được kỳ vọng sẽ nắm quyền chi phối.
Tất nhiên, giả định mà chúng ta đưa ra không phải lúc nào cũng dựa trên những điều ta tin tưởng. Đôi khi điều ta đang thấy trước mắt lại được quyết định bởi tác động của những trải nghiệm trong quá khứ mà tư duy của ta đang lưu giữ.
Hãy cùng xem xét ví dụ sau đây.
Các nhà thần kinh học thường dùng các bức ảnh trắng đen phức tạp để đánh giá những chức năng khác nhau của não phải và não trái. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong số đó là tấm ảnh mà thoạt nhìn thì người ta chỉ thấy các vết đen phân bố ngẫu nhiên trên nền trắng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bức ảnh này, đa số những người theo văn hóa châu Âu đều từ từ nhìn thấy một con chó đốm đang ngửi đám lá trên nền đất.
Ở Úc, Giáo sư Snyder mới đây đã thông báo rằng thay vì hình ảnh chó đốm, một tình nguyện viên mới đến từ Nam Phi đã nhìn thấy hình ảnh con linh cẩu trong tấm hình đó. Đây là ví dụ điển hình về việc vô thức lý giải hiện tượng bằng cách tham khảo các trải nghiệm trước đây.
Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí tình nguyện viên này.
Nếu bạn là người mới đến từ Nam Phi và chưa từng gặp qua con chó đốm thì từ những vết đen lộn xộn này, bạn có thể hình dung ra một sinh vật mà bạn chưa từng thấy hay không? Hay là mô thức của bạn sẽ nhận ra một điều quen thuộc hơn - một con linh cẩu chẳng hạn?
Đây cũng chính là cơ chế khiến nhiều người phán xét người khác qua chủng tộc, màu da, tôn giáo, tuổi tác hoặc giới tính.
Về lý trí, tôi có thể biết rằng mọi người đều có khả năng thực hiện đủ loại hành vi và phản ứng. Tuy nhiên, kinh nghiệm sẽ dẫn dắt tôi kỳ vọng rằng nhân vật này sẽ có một số hành vi hoặc phản ứng nào đó. Nói cách khác, tôi nhìn thấy những gì tư duy của tôi muốn nhìn thấy.
Và tất nhiên tôi sẽ nhìn thấy những hành vi hoặc phản ứng đó, vì tôi đã vô thức lập trình cho bản thân chỉ lưu ý những yếu tố phù hợp với kỳ vọng của mình.
May mắn thay, ARAS là một hệ thống năng động và phản ứng nhanh nhạy đến mức một khi tôi hiểu được sức ảnh hưởng của nó thì tôi có thể học cách rèn luyện nó. Không bao giờ là quá muộn để học hỏi những điều mới mẻ.
Hãy thử làm thí nghiệm nho nhỏ sau đây:
Hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến những vòng tròn. Bạn hãy dành một phút để tưởng tượng và ghi nhớ hình ảnh một hình tròn, sau đó hãy mở mắt và nhìn chung quanh. Hãy lưu ý xem chung quanh bạn có bao nhiêu hình tròn mà trước đó bạn không để ý tới?
Bây giờ hãy làm lại thí nghiệm tương tự với đường thẳng đứng, đường nằm ngang hoặc bất kỳ hình dạng nào bạn thích.
Bạn vừa mới chỉ dẫn ARAS lựa chọn một số yếu tố nhất định từ môi trường chung quanh bạn. Các yếu tố đó được đánh dấu là quan trọng, và hệ thống ARAS đã phản hồi ngay lập tức.
Có thể bạn đã nhận thấy hiệu ứng này trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Ví dụ, khi bạn vừa mua một chiếc xe mới (hoặc đã qua sử dụng) thì bỗng nhiên đi đến đâu bạn cũng nhìn thấy rất nhiều chiếc xe có kiểu dáng (thậm chí là màu sắc) giống với chiếc xe của mình - như thể số lượng xe đó được tăng lên theo cấp số nhân vậy.
Hiển nhiên đó không phải là sự thật mà chỉ là cảm giác của bạn mà thôi.
Những chiếc xe vẫn luôn hiện diện và bạn luôn nhìn thấy chúng. Bạn chỉ không ghi nhận dữ kiện đó vì tại thời điểm đó, ARAS của bạn không nhìn nhận chúng như một yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong môi trường chung quanh.
Đây là những gì đã diễn ra: Việc bạn mua chiếc xe và tập trung chú ý vào chiếc xe đó đã phát tín hiệu đến ARAS rằng tổ hợp những đường thẳng và đường cong như thế này là có ý nghĩa. Do đó, thay vì bị điều hướng đến phần vô thức của não thì các thông tin mà giác quan của bạn tiếp nhận về tổ hợp này lại được phép truyền đến vùng não có ý thức của bạn.
Bạn có thể học cách tận dụng ARAS như trợ lý riêng của mình để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn muốn. Trong quá trình đó bạn cũng có thể tái lập trình tư duy của bản thân.
Hãy nhớ rằng bạn là người bấm máy, người chịu trách nhiệm về những bức ảnh mà mình chụp được...
3.6: Phát Triển Tư Duy Chủ Động Học Hỏi Bằng Phương Pháp Tối Ưu Hóa Dòng Chảy TM
“Hãy cư xử với mọi người như thể họ vốn dĩ là như vậy và bạn giúp họ trở thành con người mà họ có khả năng trở thành.”
Johann Wolfgang von Goethe
Năm 1882, nhà văn Robert Louis Stevenson xứ Scotland đã viết, “Được là chính mình và được trở thành người mà ta có khả năng trở thành chính là mục đích duy nhất của cuộc đời”.
Chúng ta có thể diễn đạt lại ý kiến này như sau: “Việc nhìn nhận bản chất con người của trẻ và việc giúp trẻ trở thành con người mà trẻ có khả năng trở thành chính là mục đích duy nhất và đích thực của cha mẹ (hoặc thầy cô)”.
Đến đây thì chúng ta đã có cái nhìn sơ bộ về sự kỳ diệu và phức tạp của não người, cũng như về trí tuệ chứa đựng trong bộ não đó – một kho tàng năng lực sáng tạo mà phần lớn là chưa được khai phá. Đó là điều không thể phủ nhận. Thực tế này đặt ra những vấn đề trọng tâm được đề cập trong quyển sách này cũng như trong những quyển sách theo sau.
Làm sao chúng ta có thể phát huy tối đa tiềm năng kỳ diệu này?
Chúng ta phải sử dụng những kiến thức và hiểu biết được tích lũy từ hàng thế kỷ quan sát, từ hàng ngàn dự án nghiên cứu sáng tạo và hàng triệu giờ lao động như thế nào để cải thiện công cuộc giáo dục (theo nghĩa rộng nhất của từ này)?
Như đã đề cập trước đó, bước đầu tiên là tăng cường kiến thức của chúng ta về cơ chế của sự hiểu biết - những điểm then chốt của bộ não học tập. Bước thứ hai là tập trung toàn bộ các kiến thức đó lại với nhau và thiết kế những phương pháp dạy (và học) có thể tận dụng tốt nhất những cơ chế đó.
Trong quyển The Art of Learning How to Learn, chúng ta sẽ đề cập sâu hơn về các phương pháp học tập, bao gồm Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM. Tuy nhiên, việc giới thiệu khái niệm đó ở đây là rất quan trọng, vì ta sắp xem xét đến sự phát triển của “Tư duy nhà vô địch” tích cực, và thành tố chủ chốt của nó là sự tự tin.
Khi trẻ kiểm soát được quá trình học tập thì trẻ đã đi được nửa đoạn đường.
Đọc được đến đây thì hẳn bạn đã biết rằng theo ngôn ngữ của chúng ta, học tập là hướng đến sự kết nối những trải nghiệm mới với những trải nghiệm mà ta đã thông thạo, hiểu và lưu trữ, nhằm tạo nên sự hiểu biết mới và nâng cao hơn.
Giá trị cảm xúc mà người học gán cho quá trình học cũng rất quan trọng.
Kiến thức không nằm ở nơi nào xa xôi; kiến thức là một phần của ma trận các hiểu biết ngày càng phát triển vốn dần dần “lý giải” những điều chưa biết – và quá trình này hoạt động trên cả hai cấp độ trí tuệ và cảm xúc.
Quá trình nắm bắt và tổng hợp phức tạp này dựa vào ba yếu tố chủ chốt:
Vậy Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM là gì, và nó hỗ trợ quá trình học tập ra sao?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về một trong những khái niệm tâm lý có tầm ảnh hưởng nhất trong suốt 15 năm qua - định nghĩa của Mihaly Csikszentmihalyi về khái niệm “Dòng chảy”.
“Dòng chảy” có thể được miêu tả như một trạng thái tâm thần mà trong đó người ta hoàn toàn chìm đắm vào công việc đang thực hiện. Đặc trưng của trạng thái này là cảm giác toàn tâm toàn ý và sự tập trung năng lượng, từ đó khiến người ở trong trạng thái “dòng chảy” cảm thấy hợp nhất với quá trình thực hiện hoạt động này.
Những vận động viên trên sàn thi đấu, những nghệ sĩ đang trong quá trình sáng tạo, những người đang làm việc hoặc đang giải trí đều nói rằng có những lúc “thời gian như ngừng trôi”, khi mà họ bị “cuốn theo dòng chảy” của việc họ đang làm và không nhận thức được điều gì khác.
Csikszentmihalyi đã giới thiệu khái niệm “dòng chảy” trong quyển sách Flow: The Psychology of Optimal Experience (1990) của ông; từ đó, nó trở thành một trong những khái niệm được trích dẫn và nhắc đến nhiều nhất trong tâm lý học.
Csikszentmihalyi đã miêu tả về trạng thái “bị cuốn theo dòng chảy” trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên tạp chí Wired vào tháng 9 năm 1996:
“Ta hoàn toàn bị cuốn vào một hoạt động chỉ vì bản chất của hoạt động đó. Cái tôi biến mất. Thời gian vùn vụt trôi qua. Mỗi hành động, cử chỉ và suy nghĩ đều tự động nối tiếp nhau, giống như những nốt nhạc tuôn trào trong một điệu jazz. Toàn bộ con người của bạn đều bị cuốn vào hoạt động này, và bạn đang phát huy các kỹ năng của mình đến mức tối đa.”
Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn nhận Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM là một phương pháp áp dụng trực tiếp thuyết “dòng chảy” vào giáo dục.
Thay vào đó, nó là một hệ quả tất yếu định nghĩa của Csikszentmihalyi về “dòng chảy”, dựa trên hiểu biết của chúng ta về cách thức não bộ nhận dạng, kiểm soát và lưu trữ thông tin quan trọng.
Trong mô hình của Csikszentmihalyi, người “xuôi dòng” sẽ hợp nhất với hoạt động đang được thực hiện - mà trong trường hợp này là quá trình học tập. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu hoạt động đạt đến độ khó thích hợp, nếu người đó có khả năng tập trung, có mục tiêu rõ ràng và có thể nhận được sự phản hồi trực tiếp và tức thì về thành công hay thất bại của mình trong mục tiêu đề ra.
Tất cả những yếu tố này đều là thiết yếu. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu một điều mấu chốt: để duy trì trạng thái “dòng chảy”, người trong “dòng chảy” phải có sự kiểm soát đối với tình huống hoặc hoạt động đang diễn ra, còn hoạt động đó phải bổ ích từ trong bản chất. Như vậy thì mọi hành động liên quan đều được thực hiện trôi chảy mà không cần gắng sức.
Rõ ràng là nhiều môi trường giáo dục không có, hoặc không có đủ, các điều kiện cần thiết này.
Khi truyền cảm hứng “dòng chảy” vào môi trường giáo dục, chúng ta sẽ thấy một nghịch lý là đa số những đòi hỏi tiên quyết ở trên đều nhằm vào một người đang ở trong trạng thái “dòng chảy” và có kiến thức chuyên môn nhất định trong lĩnh vực hoặc hoạt động mà người đó đang thực hiện.
Xét theo đúng nghĩa đen thì đa số học sinh đều không nằm trong diện này. Nếu đã tinh thông đến mức chuyên gia thì các em hẳn không còn là học sinh nữa.
Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM tiếp cận tới vấn đề từ một góc độ khác. Mục đích tối hậu vẫn là đạt tới trạng thái tương tự như trạng thái “dòng chảy” của Csikszentmihalyi. Để đạt được điều đó, bước đầu tiên phải là tạo ra một mức độ thông hiểu nhất định.
Do đó, thay vì cố gắng khiến học sinh thích nghi với việc học, trước hết ta phải tinh chỉnh các bài học trở nên phù hợp với học sinh.
Nói cách khác, chúng ta phải tìm cách soạn ra các bài học, các tài liệu sao cho học sinh dễ dàng tiếp thu. Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM lưu ý đếncách thức bộ não học hỏi, sau đó tìm cách phát huy thế mạnh của não.
Trong quyển sách The Art of Learning How to Learn, chúng ta sẽ thấy rằng điều này mang đến những gợi ý vô cùng quan trọng cho việc soạn giáo trình. Đồng thời, trong một chừng mực nào đó, nó cũng xác định vai trò của người dẫn dắt - gồm cả cha mẹ và thầy cô.
Albert Einstein từng nói rằng thứ duy nhất cản trở quá trình học hỏi của ông chính là nền giáo dục mà ông đã trải qua.
Có một thực tế đáng buồn là mặc dù dành đến năm ngày mỗi tuần để học tại trường và rất nhiều giờ học thêm khác (đối với đa số học sinh), nhưng rất nhiều học sinh trong mọi nền giáo dục tại các quốc gia phát triển vẫn không thể học tốt những môn học chính; tệ hơn là các em trở nên ngán ngẩm hoặc thậm chí là sợ hãi những môn học đó.
Có phải nguyên nhân nằm ở chính các môn học đó không? Tất nhiên là không. Cũng có một số ngoại lệ, nhưng cơ bản thì đa số các môn học đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ rất lâu. Nội dung môn học không hề lạ lẫm hay mới mẻ, cũng chẳng nhàm chán hay đặc biệt khó tiếp thu.
Ví dụ như môn đại số chẳng hạn.
Suốt hàng thế kỷ, môn đại số không có cải biến gì lớn. Nó vẫn bao gồm những công thức mà ông bà của chúng ta (và ông bà của họ ) đã học. Vậy thì tại sao đối với nhiều thế hệ, việc học giỏi môn này vẫn là một thách thức?
Và tại sao những học sinh từng học môn này đều hiếm khi nhớ được các điểm mấu chốt sau khi ra trường?
Không khó để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng trên. Đó là một sự thật vừa đơn giản vừa phức tạp:
Đa số học sinh chỉ đơn giản là học mà không có bất kỳ sự kết nối hay sự chủ động tìm hiểu nào.
Lỗ hổng đó không nằm ở năng lực của người học - cũng chẳng phải do nội dung của giáo trình. Nếu một nhân vật được thừa nhận là thiên tài như Einstein cũng bị hệ thống giáo dục “bỏ rơi” thì rõ ràng là vấn đề nằm trong cách xây dựng và giảng dạy giáo trình. Nguyên nhân nằm ở phương pháp giảng dạy.
Trong một cuộc trò chuyện vào năm 2005, Giáo sư Snyder đã nói: “Chúng ta không hề thiếu những giáo trình hiệu quả. Nút thắt cổ chai nằm ở hệ thống truyền đạt. Giảng dạy là - hoặc nên là - một quá trình mang tính nghệ thuật sáng tạo chứ không phải chỉ mang tính học thuật”.
Như đã đề cập ở phần trước, các nghiên cứu cho thấy việc học sẽ hiệu quả hơn nhiều khi từng yếu tố trong nội dung được học đều liên kết một cách hiệu quả trong tâm trí người học.
Nền giáo dục truyền thống thường không đạt được điều kiện này. Các môn học, các yếu tố và toàn bộ bài học được dạy một cách riêng rẽ, và học sinh thì không có khả năng liên kết những mảnh nhỏ này thành một chỉnh thể liền mạch.
Điều này khá giống với việc bạn cố gắng ráp các mảnh ghép hình lại với nhau mà không có bức tranh gốc để tham khảo.
Vì mọi thứ không được liên kết với nhau nên sự tìm hiểu chủ động không xuất hiện và nhiều mảnh thông tin không được gắn kết, bởi lẽ khi không hiểu thì trí nhớ dài hạn không có khả năng sắp xếp và lưu giữ các thông tin đó.
Vậy là giờ đây bức tranh ghép của bạn thậm chí còn không có đủ toàn bộ các mảnh ghép.
Các em học sinh cảm thấy quá tải và rơi vào trạng thái căng thẳng - đồng nghĩa với việc các em sẽ càng suy nghĩ và học tập kém hiệu quả hơn nữa.
Những phương pháp giảng dạy và đào tạo chỉ biết nhồi nhét theo cùng một kiểu như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Nếu tôi đã bị quá tải bởi một đống mảnh ghép trên bàn thì việc mang thêm nhiều mảnh ghép nữa đến trước mặt tôi sẽ không có tác dụng gì - nhất là khi nhiều mảnh ghép mới đó lại y hệt những mảnh ghép hiện có.
Giải pháp là xây dựng một phương pháp học tập có thể liên kết toàn bộ các mảnh ghép với nhau và giúp tạo ra sự kết nối quan trọng giữa nhận thức và cảm xúc.
Quá trình giảng dạy và học tập hiệu quả sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh và sắp xếp các thông tin sao cho chúng có thể tạo ra một dòng chảy tự nhiên - và “thân thiện với não bộ”. Đây là nguyên tắc của Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM .
Làm sao để đạt được điều này?
Bí quyết là hãy gắn kết người học với việc học.
Học sinh phải kết nối với thông tin được học một cách chủ động và hiệu quả - và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào việc học sinh được trang bị nền tảng như thế nào.
Hãy hình dung việc xem một bộ phim nghệ thuật phức tạp mà không hề được chuẩn bị trước.
Đa số khán giả sẽ khó mà hiểu được ý nghĩa của bộ phim. Đối với họ, câu chuyện có thể rất rời rạc, còn các cảnh phim dường như rất kỳ lạ và chẳng liên quan gì với nhau.
Nhưng chỉ với vài phút giới thiệu bối cảnh chính của bộ phim, mối quan hệ giữa các nhân vật và ý nghĩa của những hình ảnh chủ đạo trong phim, đa số khán giả sẽ hiểu bộ phim hơn rất nhiều.
Họ sẽ hiểu được vai trò cũng như mối liên hệ giữa các cảnh phim, và bộ phim sẽ trở nên có nghĩa. Bạn không cần phải tiết lộ hay giải thích toàn bộ câu chuyện mà chỉ cần làm vậy với một vài liên kết trong phim, rồi tư duy của người xem sẽ hoàn toàn đủ khả năng thực hiện những việc còn lại.
Khi đó, phần não vô thức đã được “trang bị” để nhận ra và chủ động xử lý các mảnh thông tin mấu chốt vốn có thể bị bỏ qua.
Trong học tập cũng vậy. Quá trình học sẽ diễn ra hiệu quả khi tiềm thức được trang bị nền tảng - thông qua ARAS - để có thể nhận ra các mối liên kết then chốt trong thông tin mà nó tiếp nhận, tức là một câu chuyện gắn kết mọi dữ kiện với nhau.
Đây là thứ mà chúng tôi gọi là “tư duy kể chuyện” - một yếu tố mấu chốt trong việc nắm bắt nội dung học hoặc bất cứ thông tin mới nào khác.
Đây không phải là một khái niệm mới. Con người là những cỗ máy biết tạo ra câu chuyện, kể chuyện và cắt nghĩa câu chuyện. Trước khi có chữ viết, phương pháp chính để truyền đạt các khái niệm then chốt và giá trị xã hội là thông qua việc truyền miệng các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết về các anh hùng ở châu Á, châu Âu, khu vực Lưỡng Hà, vùng Địa Trung Hải, cũng như việc kể về các nền văn hóa bản địa.
Kịch nghệ ra đời từ thời Hy Lạp cổ đại như là một cách để khắc ghi các giá trị xã hội và tôn giáo, đồng thời truyền tải thông điệp chính trị theo cách mà các công dân của thời đại chưa có chữ viết có thể hiểu được.
Chuyến tham quan ngắn ngủi của chúng ta qua các cấu trúc chính của bộ não học tập, cùng với việc xem xét một vài nghiên cứu chủ đạo trong lĩnh vực xử lý thông tin đã cho thấy lý do tại sao tư duy kể chuyện và khả năng xử lý câu chuyện lại là yếu tố quan trọng đến vậy trong quá trình phát triển một phương pháp học tốt hơn.
Việc hiểu được câu chuyện, hay dòng chảy mà các dữ kiện mang lại - ngay cả trong những môn học như Toán, Anh văn hay Khoa học - sẽ giúp chúng ta có khả năng lĩnh hội nó, đặt nó vào bộ nhớ dài hạn để sử dụng trong tương lai, cũng như để liên kết nó với các kiến thức khác nhằm tạo nên những kết nối và kiến thức tổng hợp mới.
Đó là cách học của những người có khả năng học tập xuất sắc bẩm sinh - cũng là cách các thiên tài sáng tạo nảy ra ý tưởng mới.
Trong quyển sách The Art of Learning How to Learn, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về mối liên hệ giữa khái niệm tư duy kể chuyện và các học thuyết về giáo dục và học tập, đồng thời lý giải cụ thể hơn về việc nó có thể giúp ta khắc phục những hạn chế của trí nhớ ngắn hạn như thế nào.
Còn bây giờ, trong vai trò cha mẹ và thầy cô, chúng ta có thể vận dụng những hiểu biết này để giúp trẻ tự tin vào năng lực học tập của bản thân.
Trong việc học, bước đầu tiên là tìm kiếm những mối liên kết xuyên suốt, tức là cách thức mà các thông tin gắn kết với nhau. Đó là câu chuyện mà chúng ta cần chắt lọc ra nhằm kết nối các dữ kiện hoặc quá trình riêng lẻ lại với nhau, sao cho tư duy kể chuyện của trẻ có thể hiểu được.
Thông thường, cách thức tốt nhất để làm rõ những mối liên kết là xem xét chuỗi nguyên nhân - hệ quả của các dữ kiện.
Những phép toán trừu tượng sẽ trở nên rõ ràng và có ý nghĩa hơn nếu giáo trình Toán học được thiết kế sao cho người học có thể liên kết các công thức khác nhau với câu chuyện về lịch sử Toán học, cũng như hiểu được tại sao sự phát triển của những phép toán hoặc khái niệm nào đó lại là điều cần thiết. Theo cách này, thông tin được truyền đạt một cách hiệu quả hơn vào trong bộ nhớ dài hạn, từ đó giúp người học có thể tổng hợp hoặc chủ động tái hiện kiến thức đã học được.
Quá trình tương tự cũng có thể được áp dụng vào các môn học khác, ví dụ như Lịch sử, Khoa học, Địa lý và thậm chí là môn Ngữ pháp. Điều cốt lõi là hãy làm cho các dữ kiện có ý nghĩa cả về mặt trí tuệ và cảm xúc.
KHI PHÁT TRIỂN ĐƯỢC SỰ TỰ TIN ĐỐI VỚI KHẢ NĂNG HỌC CỦA MÌNH, CÁC EM ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ THAY ĐỔI LỚN TRONG TƯ DUY. KHI ĐÓ, CÁC EM SẼ NHÌN NHẬN NHỮNG THỬ THÁCH MỚI NHƯ CƠ HỘI ĐỂ TIẾN BỘ VÀ THÀNH CÔNG MÀ KHÔNG HỀ SỢ THẤT BẠI. VÀ ĐÓ CHÍNH LÀ MỘT TRONG NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA “TƯ DUY NHÀ VÔ ĐỊCH” MÀ CHÚNG TA SẼ TÌM HIỂU NGAY TRONG PHẦN SAU.