“Bộ não của con người được xem là kết cấu có tổ chức phức tạp nhất trong vũ trụ... Số lượng hoán vị và tổ hợp có thể có trong hoạt động của não, hay nói cách khác là số lượng trạng thái của não (chỉ trong một bộ não) cũng vượt quá số lượng các phân tử cơ bản được biết đến trong vũ trụ.”
V. S. Ramachandran (Phantoms in the Brain)
“Não bộ tự điều chỉnh để phản ứng với thế giới và với cách mà nó được kích thích; nó tinh chỉnh các mạch thần kinh, quyết định xem kết nối nào được củng cố và kết nối nào cần bỏ đi.”
Susan McConnell
NÃO VÀ TƯ DUY
“Nơi cư ngụ của tâm hồn và sự kiểm soát các vận động có chủ ý - đúng hơn là chức năng thần kinh nói chung - là ở trong tim. Bộ não chỉ là một cơ quan có tầm quan trọng nhỏ nhoi.”
Aristotle
“Tôi xem thường những người hồ hởi bước vào một cuộc chiến tranh. Thật sai lầm khi họ được trao cho một bộ não lớn, vì đối với họ thì dây tủy sống cũng hoàn toàn đủ dùng rồi.”
Albert Einstein
2.1: Mối Quan Hệ Giữa Bộ Não Và Tư Duy
“Bánh nào cũng do bột nặn ra nhưng không phải được nướng trong cùng một lò.”
Ngạn ngữ Do Thái
Aristotle được công nhận là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây, thế nhưng câu trích dẫn ở trang bên cho thấy ông đã tin vào một điều mà bây giờ chúng ta biết là hoàn toàn không có cơ sở.
Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào những giới hạn của công nghệ và sự hiểu biết đương thời. Đối với những người Athens cổ thời Aristotle, dựa vào những “bằng chứng” của cảm quan thể xác, thì trái tim được thừa nhận là nơi cư ngụ của mọi cảm quan – mọi cảm xúc. Đây chính là khởi nguồn cho mối quan hệ lãng mạn giữa tình yêu và trái tim.
Ngày nay chúng ta biết nhiều hơn về nguồn gốc của tư duy và cảm giác, nhưng còn nhiều thứ chúng ta vẫn cần khám phá thêm. Điều mà ta cần phải đề phòng chính là lối tư duy cứng nhắc vốn luôn mặc định mọi thứ liên quan đến não bộ và tư duy mà không cần bất kỳ bằng chứng xác đáng nào.
Vậy chính xác thì sự khác biệt giữa não bộ và tư duy là gì?
Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã khám phá rất nhiều điều về quá trình học hỏi của bộ não. Giờ đây ta hiểu rằng hành vi học hỏi tạo ra những thay đổi về cấu trúc vật lý của não, khi những kết nối và mạng lưới mới được hình thành giữa hàng tỷ tế bào não - còn được gọi là nơ-ron.
Chúng ta cũng biết rằng những thay đổi thể chất này làm tăng khả năng tư duy thực tế của bộ não.
Về cơ bản, “não” là từ dùng để chỉ một cấu trúc vật chất của bộ phận nằm trong đầu chúng ta - các tế bào, mô liên kết, dịch và chất hóa học cho phép thông tin có thể được tiếp nhận, chia sẻ và lưu trữ.
Với kỹ thuật chụp cắt lớp hiện đại, chúng ta có thể thấy các mối liên kết được tạo ra như thế nào và “dòng điện” được truyền dẫn ra sao bên trong não - thậm chí chúng ta cũng có căn cứ chắc chắn để nhận định phần nào của não được kích hoạt trong những hoạt động nhất định.
Thế còn “tư duy” là gì?
Một hình ảnh ẩn dụ dễ hiểu để phân biệt tư duy với não bộ là xem não như chiếc xe còn tư duy là tài xế.
Không có chiếc xe thì không có hành trình nào có thể diễn ra, nhưng nếu không có tài xế quyết định các hành động - để nổ máy, vào số - thì chiếc xe không thể đi tới đâu và cũng chẳng thể làm được gì.
Tư duy chính là thứ tạo ra những cái mới và lên kế hoạch. Tư duy chính là thứ sẽ học hỏi và vận dụng những kỹ thuật hiệu quả hơn để vượt qua giới hạn và tiến tới những thành tựu trong tương lai.
Có một điều mỉa mai là càng tìm hiểu cách cải thiện các công cụ mà tư duy sử dụng để phát huy tối đa tiềm năng của nó, chúng ta càng nhận ra rằng đáp án nằm trong việc phải hiểu hơn về các quy trình vật lý trong não - ngôi nhà và nguồn cội trí tuệ của con người.
Điều gì giúp chúng ta ý thức được môi trường chung quanh? Nhờ đâu mà ta có khả năng phán xét, hình thành các ý kiến, dự báo và lập kế hoạch chiến lược?
Suốt nhiều thế kỷ, các nhà khoa học đã gặp nhiều trở ngại trong việc khám phá sự tồn tại của tư duy - bởi lẽ không có một lý giải khoa học nào giải thích thỏa đáng về sự tồn tại của nó. Chúng ta có thể thấy tác động của quá trình học tập lên năng lực tư duy, nhưng không thể tìm thấy mối liên hệ thể chất nào giữa nó với hoạt động mà nó tạo ra trong não.
Đôi khi tư duy bị đánh đồng với tâm hồn hoặc linh hồn, thứ tồn tại độc lập mà không cần tới bất kỳ điều kiện vật lý trực tiếp nào - theo lời một nhà triết học thì đó là “hồn ma bên trong cỗ máy”. Nhưng đối với các nhà khoa học và những người quan tâm đến việc cải thiện quá trình học tập và phát triển của tư duy thì ý tưởng này vẫn chưa thỏa đáng.
Sau cùng, chúng ta biết rằng khi não càng đạt tới độ phức tạp hơn về thể chất thì năng lực suy nghĩ, biện giải và hành vi sáng tạo của tư duy càng được tăng cường một cách rõ rệt.
Chắc chắn phải có một sự liên kết nào đó, nhưng nền khoa học bấy giờ - vốn chỉ dựa vào hóa học và vật lý kinh điển - thì không thể giải thích nổi.
Tuy nhiên, những tiến bộ mới đây trong lĩnh vực vật lý lượng tử và thuyết hỗn mang đang hứa hẹn soi sáng cho vấn đề nan giải lâu năm này, từ đó mang đến cho chúng ta hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa, ta có thể tìm ra một mô hình thỏa mãn về mặt khoa học nhằm lý giải mối liên hệ giữa tư duy và não bộ.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này thì trong phần Phụ lục 1 chúng tôi có giới thiệu một số quan điểm mấu chốt cùng một số nhà nghiên cứu hàng đầu trong cuộc tranh luận về tư duy và não bộ.
Cho dù có quan điểm như thế nào về sự tồn tại một ý thức độc lập đi nữa thì các bên liên quan đều nhất trí một điều: chính đặc điểm thần kinh phức tạp của não đã cho chúng ta khả năng sáng tạo - một tiềm năng gần như vô hạn.
Với cương vị người cha, người mẹ, người thầy, khi nắm bắt được điểm này thì chúng ta có thể sử dụng kiến thức của mình để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ về mặt trí tuệ và cảm xúc. Chúng ta sẽ làm được điều đó nếu hiểu rõ những ưu thế của bộ não, những hạn chế về cấu trúc của nó, cũng như các nhu cầu mà nó có, từ đó học cách vận dụng các khả năng đó.
2.2: Cấu Trúc Của Bộ Não Học Tập
“Mọi kiến trúc xuất sắc đều có những điểm không hoàn hảo.”
John Ruskin
“ Tại sao con lại mất công giải thích mọi thứ với mẹ cơ chứ? Mẹ có hiểu con đâu. Thậm chí mẹ còn chẳng muốn hiểu con nữa mà... Con ghét mẹ!” Peter ném mạnh mấy quyển sách lên bàn và đùng đùng bước ra khỏi nhà bếp. Từng quyển sách rơi xuống nền gạch tạo thành một đống hỗn độn.
Phía sau, Claire Symonds chết lặng. Cô đứng đó, nhìn chằm chằm cánh cửa đang ngăn cách phía trước và nghĩ đến những lời giải đáp khác nhau. Thế nhưng không câu trả lời nào có thể làm cho đứa con trai của cô bình tĩnh. Không có câu trả lời nào có thể làm cho thằng bé bình tâm để trao đổi vụ việc một cách thỏa đáng.
Mình đã khiến con thất vọng đến vậy sao?
Suy nghĩ đó hiện lên trong đầu người mẹ trẻ khi cô bắt đầu thu dọn mấy quyển sách. Từng quyển một được nhặt lên và xếp ngay ngắn trên mặt bàn, cả những bộ dao nĩa đang vương vãi.
Mình đã khiến con tức giận đến vậy sao?
Lần nào cũng là những câu hỏi đó. Các cuộc cãi vã bắt nguồn từ những chuyện không đâu vào đâu, rồi bùng nổ chẳng vì một nguyên do cụ thể nào. Giận dữ và thất vọng...
Bạn thấy cảnh này quen không? Với rất nhiều bậc cha mẹ có con đang ở độ tuổi dậy thì, hẳn là rất quen.
Có bao nhiêu người trong chúng ta, cũng giống như Claire, từng cảm thấy bất lực và phải đặt ra một câu hỏi không thể tránh được, “ Tại sao chuyện này lại xảy ra? Chắc chắn đó không phải là đứa trẻ mà mình nuôi dạy. Thằng bé từng tâm sự với mình mọi chuyện. Mình từng có thể nói chuyện được với nhau cơ mà... ”.
Trước khi tự kết tội bản thân hoặc lùng sục tìm chuyên gia giúp đỡ, bạn nên biết rằng những hành vi thất thường đó là rất phổ biến ở trẻ vị thành niên - con của bạn không hề bất thường hay kỳ lạ.
Trên thực tế, hành vi đó hoàn toàn có thể được lý giải một khi chúng ta hiểu một chút về cấu trúc cơ bản của não, cũng như biết rằng không phải mọi thứ đều phát triển với tốc độ như nhau.
Nếu không thể hiểu được tại sao đứa con tuổi dậy thì của mình lại quá xốc nổi, tâm tính quá thất thường và quá dễ kích động như vậy, thì việc tìm hiểu nhanh về quá trình phát triển não bộ của trẻ - và của bạn - sẽ là một xuất phát điểm tuyệt vời.
Việc có kiến thức nền tảng về bất cứ vấn đề nào chính là bước đầu tiên để tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ có thể sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng ít nhất thì một phần những hành vi khiến họ lo lắng ở trẻ đều có thể được lý giải theo sự phát triển tự nhiên của bộ não.
Điều này cũng dẫn đến sự phát triển các phương pháp ứng phó với các hành vi đó.
Trong chương này, chúng ta chưa xem xét riêng hành vi của trẻ hoặc cách thức giải quyết xung đột. Điều mà ta sẽ tìm hiểu là cấu trúc của não bộ và cơ cấu học tập của não có ảnh hưởng gì đến các chức năng của nó - cả trên các phương diện cảm xúc và trí tuệ.
Dựa vào những kiến thức này, trong quyển sách The Art of Communicating with Your Child, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương pháp mà mọi bậc phụ huynh (và giáo viên) có thể áp dụng để làm cho giai đoạn khó khăn này được suôn sẻ nhất có thể. Đây cũng là giai đoạn có thể làm thay đổi mối quan hệ của họ với đứa trẻ mà họ chăm sóc.
Tuy nhiên, bây giờ thì chúng ta cần hiểu về nền tảng cơ bản hơn, và để làm được điều đó, ta cần bắt đầu từ khởi điểm.
Chính xác là từ 450 triệu năm trước...
(a) Sự Tiến Hóa Phân Tầng
Tất nhiên, 450 triệu năm trước con người chưa hề có mặt trên hành tinh này.
Đối với thế giới cổ đại này, chúng ta chỉ là những kẻ mới đến - một giống loài “ăn nhờ ở đậu” hiện diện trong một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi - khi được so sánh với dòng chảy của lịch sử hành tinh.
Loài người hiện đại cư ngụ trên trái đất này chưa đến hai triệu năm, tức là chỉ chiếm chưa được nửa phần trăm quãng thời gian sự sống bắt đầu xuất hiện trên hành tinh này. Tuy vậy, có những phần trong bộ não của chúng ta - cấu trúc và cơ cấu cơ bản của nó - đã có mặt từ trước đó rất lâu. Hành vi không phải phép mà đứa con tuổi dậy thì của bạn gây ra trong đám cưới của dì nó, hoặc những cuộc tranh cãi chán chường mà bạn chẳng biết nguyên nhân do đâu, có thể là hậu quả trực tiếp của dữ kiện lịch sử thú vị này.
Trong thuật ngữ của ngành tiến hóa, sự phát triển của não người là đối tượng của một quá trình mà các nhà khoa học gọi là phylogenesis - quá trình tiến hóa và phát sinh giống loài - nhưng chúng tôi thì thích gọi nó là “sự tiến hóa phân tầng”. Chúng tôi cũng thấy vết tích của thứ mà các nhà sinh học gọi là cấu trúc “ba phần”.
Thuyết tiến hóa hiện đại nhìn nhận sự tiến hóa như quá trình “nâng cấp” dần các cấu trúc hiện có.
Cũng như các thành phố mới được xây dựng trên tàn tích của hạ tầng cơ sở cũ và chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc cũ do các cư dân đời trước tạo ra, đa số các cấu trúc vật lý của một sinh vật - bao gồm cả cấu trúc và chức năng não - vẫn còn lưu giữ đặc điểm vật lý của các “phiên bản” cũ trong suốt quá trình tiến hóa dần dần.
Thuyết tiến hóa hiện đại xem sự thích nghi (hoặc thay đổi) như một quá trình xảy ra dựa vào những hiệu ứng ngẫu nhiên của biến dị di truyền.
Biến dị cá thể gây ra những thay đổi nhỏ về hình thái hoặc chức năng của cá thể sinh vật đó, và nếu trong một môi trường nhất định, những thay đổi này mang đến cho sinh vật một lợi thế sống còn nào đó - chẳng hạn như chạy nhanh hơn, nhìn được xa hơn và ngụy trang tốt hơn... - thì sinh vật đó có khả năng sống sót và duy trì nòi giống cao hơn, từ đó chúng tiếp tục truyền lại lợi thế đó cho các thế hệ sau. Rồi những thế hệ này lại có những thích nghi nho nhỏ khác.
Nguyên lý này còn được gọi là “kẻ thích nghi tốt nhất thì mới sống sót” và đã được Charles Darwin đề ra lần đầu tiên trong công trình “Nguồn gốc muôn loài” nổi tiếng của mình vào năm 1872.
Dĩ nhiên, quá trình tiến hóa diễn ra qua nhiều bước tiến nhỏ, vì xác suất xảy ra một sự biến dị lớn - và hàng loạt - đồng thời sản sinh ra một sự thay đổi khả thi và vượt trội là vô cùng thấp; và nhìn chung thì những thay đổi không có lợi cũng không có khả năng được duy trì để truyền lại cho thế hệ sau.
Điều này có nghĩa là những cấu trúc hiện có thường sẽ không bị thay thế trong quá trình tiến hóa. Thay vào đó, chúng sẽ tiếp tục tồn tại - và vận hành - trong khi những cấu trúc mới phát triển như phần mở rộng của một công trình đang có sẵn.
Đây chính là quá trình mà các nhà khoa học tin rằng đã tạo nên cấu trúc ba tầng của não người hiện nay.
Vậy thì tại sao chúng ta lại bàn về quá trình tiến hóa trong quyển sách này? Nó giúp ích gì cho chúng ta trong việc xây dựng phương pháp học tập, rèn luyện và phát triển “Tư duy nhà vô địch” cho trẻ?
Xuyên suốt quyển sách này, cùng với các quyển sách theo sau, chúng ta sẽ đề cập tới sự tương tác giữa ba tầng của bộ não học tập:
Hiểu được sự tiến hóa theo tầng của cấu trúc phức tạp này - biết được cách thức (và thời điểm) các yếu tố khác nhau tham dự vào quá trình phát triển não bộ - sẽ giúp chúng ta dễ dàng hiểu được về các phương pháp học tập được trình bày trong những phần tiếp theo.
Việc hiểu vai trò của vỏ não thùy trán đối với quá trình kiểm soát hành vi, đánh giá và tư duy phản biện có quan trọng không khi ta đương đầu với hành vi thất thường thường thấy ở trẻ vị thành niên?
Chúng ta có hiểu hơn về hành vi của trẻ vị thành niên khi biết rằng những đứa trẻ này thường sử dụng một phần não khác (nguyên thủy hơn và cảm tính hơn) so với phần não mà người trưởng thành sử dụng để xử lý những thông tin then chốt?
Các nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu về nhận thức tin là có.
Nói cho cùng, nếu muốn trở thành người chỉ dẫn cho trẻ, chúng ta nhất thiết phải hiểu được tại sao ta làm điều mà ta đang làm.
Ai cũng có thể học lái xe, nhưng một người lái xe thực sự chuyên nghiệp sẽ không bao giờ hài lòng với việc chỉ biết cách đạp chân ga, chân thắng, cách bẻ lái hay đổi số.
Việc hiểu biết về quy trình sản xuất ra một chiếc xe và biết chuyện gì sẽ xảy ra - ví dụ như khi đạp chân ga hoặc bộ ly hợp – giúp người tài xế chuyên nghiệp có thể gọt giũa kỹ năng và kỹ thuật lái xe của mình một cách đáng kể. Kiến thức về các đặc điểm của chiếc xe giúp tài xế có thể điều chỉnh kỹ thuật của mình một cách tinh tế để tránh những hỏng hóc tốn kém hoặc các sai sót kỹ thuật nguy hiểm - và nếu có sai sót xảy ra thì những kiến thức đó có thể được sử dụng để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn.
Nếu chúng ta có thể bỏ chừng đó công sức để hiểu được một cỗ máy khá đơn giản như thế, việc hiểu được “cỗ máy” của con cái chúng ta sẽ quan trọng đến mức nào?
(b) Bộ Não Ba Tầng – Ba Giai Đoạn Tiến Hóa Thần Kinh
Trong quyển The Ghost in the Machine (1967), Arthur Koestler tranh luận rằng chính cấu trúc vật lý của não, hình thành từ quá trình tiến hóa dần dần, là cội nguồn của nhiều hành vi bất hợp lý và thiếu suy nghĩ của chúng ta, khi những yếu tố vô thức trội hơn so với yếu tố lý trí - và rằng khi không được kiểm soát thì sự ảnh hưởng này sẽ gây ra xu hướng tự hủy diệt - nhất là trong thời đại hạt nhân ngày nay.
Về cơ bản thì cấu trúc ba tầng, hay ba phần, của não người chính là tấm bản đồ phản ánh sự tiến hóa của bản thân nó.
Với trí tuệ ưu việt của mình, đôi khi chúng ta khó mà nhớ rằng mình có chung tới 95% chất liệu di truyền với loài lợn, chó và loài lười khổng lồ ba ngón (và chung tới 99% với loài tinh tinh - “họ hàng” gần nhất của chúng ta).
Bản chất độc đáo của phần trăm bé xíu còn lại đó chính là thứ xác định “tính người” của chúng ta, và phần lớn của chất liệu di truyền độc đáo đó có liên quan với quá trình xây dựng bộ não biết tư duy, cảm nhận, tưởng tượng và liên kết dữ liệu.
Các nhà khoa học đã lần theo quá trình phát triển dần dần của cỗ máy phức tạp và kỳ diệu trong đầu chúng ta, ngược về những loài có xương sống xuất hiện sớm nhất - loài cá cổ đại Kỷ Silur tồn tại khoảng 450 triệu năm trước. Những bó dây thần kinh nguyên thủy của chúng chính là tiền thân cho tất cả sự phát triển thần kinh sau này.
Trong đại dương thuở ban sơ, loài cá cổ đại này đã phát triển được tủy sống, nơi tập hợp các sợi dây thần kinh từ khắp các phần khác nhau của cơ thể, rồi chuyển chúng vào một tâm điểm, khá giống với cuống não ngày nay.
Các tế bào thụ cảm dần biệt hóa thành các loại tế bào chuyên về khứu giác, vị giác, xúc giác, thị giác và sau đó là thính giác - đây chính là cơ sở cho quá trình hình thành các giác quan bên ngoài. Sau đó, các tế bào chuyên biệt này kết nối với nhau để hình thành một cấu trúc kiểm soát vận động và phản ứng, thứ đang hiện hữu trong bộ não con người ngày nay với tên gọi “tiểu não”.
Vì giống với bộ não của loài bò sát hiện nay nên phần cấu trúc cơ bản của cuống não và tiểu não này được biết đến như phần não bò sát.
Cấu trúc này đảm nhiệm những phản ứng hoàn toàn vô thức và lập tức đối với sự thay đổi của môi trường bên ngoài.
Dĩ nhiên, tiến hóa là một quá trình diễn ra hết sức chậm chạp. Sự chuyển biến từ loài cá cổ đại cho tới loài khủng long máu nóng và bò sát máu lạnh ở cuối Kỷ Trias và Jura kéo dài hơn 200 triệu năm.
Sau đó, quá trình tiến hóa của loài động vật có vú ngày nay kéo dài trong khoảng 150 triệu năm nữa, diễn ra từ giữa Kỷ Trias cho đến cuối Kỷ Creta.
Các động vật giống động vật có vú xuất hiện đầu tiên vào kỷ Trias (245 - 202 triệu năm trước) và có nguồn gốc từ Dimetrodon - một loài bò sát có những đặc tính giống động vật có vú. Theo các hóa thạch thì loài động vật có vú thực sự đầu tiên xuất hiện vào khoảng 180 triệu năm trước trong Kỷ Jura, nhưng chúng chỉ trở thành động vật có vú đích thực sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng vào khởi đầu của Kỷ Đệ Tam (khoảng 65 triệu năm trước).
Qua hàng triệu năm, động vật có vú dần phát triển bộ não của chúng - hệ thống lưu trữ ký ức và điều phối thông tin đầu vào từ các giác quan khác nhau, nhằm phản ứng hiệu quả hơn trước những biến đổi của môi trường chung quanh. Bên trong bộ não người, hạch hạnh nhân (vị trí của cảm xúc), hồi hải mã (vị trí của trí nhớ), đồi thị (“tổng đài” của não) và vùng dưới đồi (điều hòa hoạt động của các cơ quan nội tạng, theo dõi thông tin từ hệ thần kinh phó giao cảm và kiểm soát quá trình sản xuất một số chất hóa học) và hệ kết cấu lưới (chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cấu trúc nhỏ bé nhưng mang tính sống còn này) cùng tạo thành hệ viền - hệ này cùng với cuống não và tiểu não được biết đến với tên não hữu nhũ.
Tuy nhiên, tất cả những chức năng này đã và vẫn đang là những chức năng vô thức.
Để cho ý thức phát triển thì cần có một quá trình tiến hóa khác nữa. Vỏ não - một ma trận phức tạp của các tế bào kết nối - trông giống như một lớp màng mỏng (với bề dày chỉ có 2 - 4 mm ở người, còn ở các động vật khác thì mỏng hơn) bao phủ toàn bộ não và đảm bảo cho hàng triệu (và sau đó là hàng tỷ và hàng tỷ tỷ) kết nối thần kinh được thực hiện giữa các hệ thống và mạng lưới thần kinh khác nhau, từ đó cho phép các chức năng tích hợp hơn và tinh tế hơn được diễn ra.
Dữ liệu khảo cổ học (từ những mảnh sọ não hóa thạch) và học thuyết tiến hóa cho rằng ở những động vật có vú cao cấp hơn, ở loài linh trưởng (xuất hiện đầu tiên, khoảng 60 triệu năm trước), khỉ (35 triệu năm trước), khỉ không đuôi (20 triệu năm trước), Tông Người (5 triệu năm trước) và sau đó là người tinh khôn (homo sapiens), khi kích thước và độ dày của vỏ não và lớp vỏ não mới tăng vọt thì kéo theo sự phát triển của ý thức, tiếp đến là nhận thức và cuối cùng là trí tuệ loài người và sự tự nhận thức.
Cần phải nhấn mạnh rằng không phải mọi người - thậm chí không phải tất cả các nhà khoa học - đều chấp nhận quá trình tiến hóa như một sự giải thích tuyệt đối cho nguồn gốc và sự phát triển của các loài trên trái đất, cho dù hiện đã có rất nhiều bằng chứng thuyết phục. Đây là bản chất của tư duy khoa học. Về cơ bản, một học thuyết không bao giờ có thể được chứng minh là đúng hoàn toàn - nó chỉ có thể chưa bị phủ nhận mà thôi.
Cũng có nhiều người hoài nghi về việc chúng ta có thể khai thác được bao nhiêu từ những vật liệu hóa thạch, vì hóa thạch chỉ ghi nhận được hình dạng của các cấu trúc rắn như hộp sọ hoặc các loại xương khác chứ không ghi nhận được những cấu trúc mềm như mô não. Mặc dù chúng ta có thể rút ra kết luận từ hình dạng hóa thạch xương sọ của các loài sinh vật, nhưng có tranh luận cho rằng đó không phải là bằng chứng vững chắc về cấu trúc não của loài sinh vật đó.
Tuy đây là luận điểm hợp lý về mặt khoa học, nhưng những dữ kiện của hàng thập kỷ nghiên cứu khoa học thần kinh, sinh học đối chứng và bản đồ hóa bộ gien của các hậu duệ hiện đại của nhiều loài sinh vật nói trên đều cung cấp các chứng cứ tương đương, phản ánh sự giống nhau về thể chất, di truyền và đặc biệt là chức năng - trong nhiều phương diện - của bộ não người được nhắc đến trong phần này và bộ não của những sinh vật tiền sử.
(c) Não Người - Khối Cảm Xúc Biết Tư Duy
Ở phần sau chúng ta sẽ biết rằng, quá trình tiến hóa dẫn tới sự hình thành cấu trúc ba phần của bộ não đã trao cho chúng ta một khả năng xử lý tư duy tinh tế và tuyệt vời.
Tuy nhiên, do được xây dựng trên nền tảng của sự tiến hóa trước đây nên cấu trúc thần kinh này có ý nghĩa rằng ở mức độ cơ bản nhất, hành vi sơ khai của chúng ta là phản ứng và cảm tính - không phải là logic và trí tuệ.
Trong những phần tiếp theo chúng ta sẽ biết kiến thức này tác động như thế nào tới cách ta phát triển tư duy của trẻ, đồng thời nó cũng chỉ dẫn chúng ta biết cách tiếp cận trong những mối tương tác khác với trẻ - cả trong mối quan hệ cá nhân và trong phạm vi giáo dục.
Để trả lời cho câu hỏi đưa ra trong phần mở đầu: về thực chất, chúng ta là tạo vật của cảm xúc nguyên sơ biết tư duy, chứ không phải là một tạo vật tư duy có cảm xúc.
Là một tạo vật của cảm xúc, một trong những nhu cầu cơ bản của trẻ nhỏ (như nhà tâm lý học tiên phong Abraham Maslow đã xác định cách đây 60 năm) là “sự kết nối” an toàn - và đây là một lĩnh vực khác mà hiểu biết mới nhất về khoa học thần kinh sẽ củng cố những ý tưởng được các nhà tâm lý học tranh luận suốt hàng chục năm.
Các nhà tâm lý học từ lâu đã thừa nhận rằng nỗi sợ là thứ gây ức chế mạnh nhất đối với việc học.
Nỗi sợ dập tắt mọi động lực học hỏi, cũng như ngăn chặn sự tiếp thu và xử lý thông tin.
Sự thận trọng cao độ trước các yếu tố kích thích, các sự kiện hoặc cảm giác gây sợ hãi sẽ hướng sự nhận thức tới nỗi sợ và bỏ qua dữ kiện tương phản với nó.
Và không chỉ có nỗi sợ trước sự đe dọa về thể chất mới ảnh hưởng đến chúng ta như vậy, mà nỗi bất an về tinh thần cũng gây ra tác động tương tự.
Từ góc độ thần kinh học, người ta đã có thể chỉ ra rõ ràng cách mà nỗi sợ hãi và bất an tác động tới những cấu trúc nguyên thủy trong não (nhất là hệ viền - nơi có chức năng bảo vệ cơ thể trước những gì không quen thuộc bằng cách vận dụng những trải nghiệm gắn liền với cảm xúc và ký ức nằm trong hạch hạnh nhân và hồi hải mã).
Phản ứng sợ hãi/bất an lấn át khả năng tập trung của vỏ não nhận thức vào những hiểu biết mới, bởi lẽ sự tập trung bây giờ phải hướng vào mối nguy hiểm hiện tại, chứ không phải vào một mục tiêu tưởng tượng nào đó trong tương lai.
Điều đó có nghĩa là một cách tiếp cận cân bằng trong việc giúp trẻ tự xây dựng hình ảnh bản thân có tầm quan trọng mấu chốt trong việc tạo nên một người học tập hiệu quả.
Những nhận thức như “Mình không học được tiếng Anh” hoặc “Mình là đứa ngu nhất lớp” đều gây ra nỗi sợ thất bại - thứ sẽ kích hoạt các phản ứng và hành vi biến nỗi sợ hãi thiếu suy nghĩ trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm, bằng cách ức chế mọi khả năng thành công - cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chúng ta sẽ thảo luận về tháp nhu cầu của Maslow và cách thức tạo dựng môi trường cảm xúc thuận lợi một cách chi tiết hơn trong quyển The Art of Communicating with Your Child. Còn ngay lúc này, khi đang xem xét sự vận hành của cấu trúc tư duy học hỏi, chúng ta cần lưu ý một điều rất thú vị mà các bậc cha mẹ và giáo viên thành công đều biết:
Nếu thiếu an toàn về cảm xúc - thiếu sự kết nối - thì nỗ lực “giáo dục” đứa trẻ của chúng ta sẽ thất bại, hoặc giả khá hơn chút thì chỉ là sự nhại lại một cách hời hợt những thông tin “cần có”.
Mặt khác, tại sao chúng ta cần những người thầy người cô? Chẳng phải một người máy (hoặc phần mềm tương tác trên máy tính) là đủ để cung cấp thông tin thuần túy rồi sao?
Đời sống tình cảm của chúng ta, vốn được sàng lọc qua các quy trình cao cấp hơn, chính là thứ khiến chúng ta trở thành những con người đích thực.
Đây là thông điệp thật sự của tác phẩm Trí Tuệ Nhân Tạo - A.I.: Artificial Intelligence - phiên bản phim khoa học giả tưởng của câu chuyện cậu bé người gỗ Pinocchio – bộ phim đôi khi bị hiểu lầm và thường bị đánh giá thấp của đạo diễn Steven Spielberg.
Trong phim, một đứa trẻ người máy được tạo ra với khả năng cảm nhận – không phải là những cảm xúc được mô phỏng, mà là có cảm xúc thật sự, gồm cả biết yêu thương. Từ đó, một câu hỏi được đặt ra: sự kết hợp giữa logic và cảm xúc này có mang ý nghĩa rằng ở một mức độ nhận thức nào đó, sinh vật nhân tạo này có thể được xem là đang sống thật sự hay không - một cậu bé thật sự?
Khi trải nghiệm cách cư xử mà đứa trẻ này phải nhận lấy từ một xã hội không ý thức được nhu cầu tình cảm của nó, và khi chứng kiến những bi kịch mà lối cư xử đó có thể gây ra, chúng ta có nghe hồi chuông báo động vang lên đối với những đứa trẻ chung quanh mà ta biết?
Hay đó chỉ là một bộ phim điện ảnh kỹ thuật cao với đủ loại hiệu ứng đặc biệt khác mà ta sẽ lãng quên cùng với hạt bắp rang bơ cuối cùng?
Bất kể chúng ta phản ứng như thế nào trước nhân vật giả tưởng đó thì nó cũng khơi dậy một điều đáng để suy ngẫm.
“Logic” của cảm xúc hoàn toàn khác với kiểu “logic máy móc” đang thống trị nhiều môn học và lĩnh vực trong chương trình giảng dạy của nhiều trường học trên khắp thế giới này.
“Logic máy móc” nhắm đến sự đồng nhất - những phản ứng có thể tiên lượng và đo đạc được, những ô vuông để đánh dấu, những lưu ý tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, những yếu tố được sắp xếp kỹ lưỡng để đạt được kết quả thi cử đạt chuẩn. Thế nhưng không phải điều gì cũng có thể - hoặc nên - được sắp đặt tỉ mỉ.
Như thường lệ, Albert Einstein hoàn toàn có lý khi chỉ ra rằng: “Không phải mọi thứ tính toán được đều có giá trị, và không phải mọi thứ có giá trị đều có thể tính toán được”.
Với tư cách là những bậc cha mẹ và thầy cô, đặc quyền - và cũng là trách nhiệm - của chúng ta là biết được điều gì đó trong đời sống tình cảm của trẻ. Suy cho cùng, đó là suối nguồn cho lối tư duy độc đáo của trẻ.
Và hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó, trong môi trường cảm xúc nhiều đòi hỏi mà chúng ta đã giúp tạo ra, trẻ cần có nhiều người hướng dẫn hơn nữa - những người có thể hiểu được trẻ, một sinh vật của cảm xúc mang trong mình tiềm năng trí tuệ vô hạn.
(d) Hai Bán Cầu - Một Chỉnh Thể
Phần lớn chúng ta đều khá quen thuộc với hình ảnh về bộ não người - có hình dáng giống một quả óc chó ẩm ướt khổng lồ, với một rãnh sâu ở giữa kéo dài từ trước ra sau.
Rãnh này chia não thành hai bán cầu riêng biệt, thường được gọi là não phải và não trái.
Mặc dù hai bán cầu não giống như hình chiếu của nhau qua gương, nhưng chức năng của chúng không hoàn toàn giống nhau. Đây là một điểm quan trọng cần được lưu ý khi rèn luyện một tư duy phát triển.
Hai bán cầu này kết nối với nhau bằng một dải dày các mô màu trắng, được tạo nên bởi hàng trăm triệu sợi trục thần kinh axon. Khối vật chất dày đặc mô kết nối này (lưu ý là độ dày ở phụ nữ lớn hơn 30% so với ở nam giới) được gọi là thể chai .
Các kết nối thần kinh qua thể chai càng mạnh mẽ thì sự truyền thông giữa hai bán cầu não càng tốt, và quá trình tổ chức xử lý tư duy cùng các chức năng khác của não sẽ càng hiệu quả hơn.
Sự phát triển cân đối của cả hai bán cầu não - và củng cố những kết nối giữa chúng với nhau - là thiết yếu đối với việc tạo nên một người học hiệu quả và tự chủ. Do đó, những lựa chọn của chúng ta về các loại hoạt động dành cho trẻ - nhất là ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển - là hết sức cần thiết.
Việc chúng ta làm điều đó như thế nào phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của chúng ta về những gì diễn ra trong não khi con người học tập.
Về cơ bản, thể chai giống như một chiếc cầu thần kinh nối hai tư duy tách bạch lại với nhau - theo đúng nghĩa đen.
Điểm thú vị là độ dày của thể chai không phải là sự khác biệt duy nhất giữa cách phát triển của bộ não nam và nữ, và giới khoa học vẫn tranh luận kịch liệt về việc sự khác biệt này có bao nhiêu phần trăm là do di truyền (não nam và nữ thật sự hình thành theo cách khác nhau) và bao nhiêu là do các ảnh hưởng xã hội (rằng đó là một phản ứng có điều kiện, một lời tiên tri tự ứng nghiệm). Hãy đọc thêm Phụ lục 2 để hiểu thêm về cuộc tranh luận “bẩm sinh hay do nuôi dưỡng” này.
Như hai nửa của một thành phố được ngăn cách bởi một bến cảng hay một dòng sông, mỗi bán cầu tạo nên một phần của chỉnh thể nhưng vẫn duy trì những đặc tính riêng - cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Tất cả tùy thuộc vào “hội đồng thành phố”, một liên minh của tư duy có ý thức và vô ý thức, để tận dụng tốt nhất các nguồn lực riêng nhằm phân bổ nhiệm vụ cho những phân khu phù hợp nhất để đạt được kết quả tối ưu.
Chúng ta thường hiểu về sự phân chia nhiệm vụ giữa bán cầu não trái và phải là não trái chịu trách nhiệm về tư duy logic, trình tự và có cấu trúc, cũng như về những chức năng ngôn ngữ chủ chốt; còn não phải, vì có mối liên hệ gần gũi hơn với phần vô thức, cảm xúc và đặc biệt là trí tưởng tượng, nên được xem như đảm nhiệm phần sáng tạo của não.
Để thuận tiện, trong quyển sách này và các quyển sách chung bộ, đôi khi chúng tôi dùng tư duy “não phải” và tư duy “não trái”. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng mặc dù đây là cách gọi thuận tiện, giống như mọi cách lý giải ngắn gọn khác, nhưng nếu bị hiểu theo đúng nghĩa đen hoặc theo cách mù quáng thì có thể gây ra những sai lầm nghiêm trọng.
Trên thực tế, không có tư duy hay hành động nào thuần túy thuộc về não phải hay não trái.
Nhà văn chuyên viết tiểu thuyết - một trong những nghề nghiệp có tính sáng tạo nhất - sử dụng tư duy cấu trúc và trình tự trong mỗi bước sáng tác. Cả hai bán cầu não đều có khả năng thực hiện một số chức năng nhất định, vốn vẫn bị gán cho riêng bán cầu còn lại.
Khoa học hiện đại ít cứng nhắc hơn trong quan điểm về sự phân quyền này. Đặc biệt khi những nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp não tân tiến nhất cho thấy các nhiệm vụ vốn được xem là do não phải thực hiện đã “đổi bên” khi não trái nhận trách nhiệm.
Điều này có ý nghĩa gì?
Nhiều nhà khoa học đang điều chỉnh mô hình não trái/phải thành một mô hình như sau:
Một vấn đề, một hoạt động hay một kinh nghiệm mới thường có xu hướng được xử lý ban đầu bởi não phải - vốn mang tính trực giác và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, một khi nó đã trở nên quen thuộc, khi việc học tập đã diễn ra và quá trình xử lý đã được thiết lập, thì trách nhiệm lúc này lại được trao về bên não trái - vốn thiên về cấu trúc và trình tự. Não trái sẽ khái quát hóa và thu gọn nó thành một quy trình ứng xử - một trong những đặc điểm tạo nên sự thành thạo.
Việc chuyển đổi trách nhiệm này giúp não phải được giải phóng và sẵn sàng ứng phó với trải nghiệm mới - hoặc mối đe dọa mới.
Hãy nghĩ đến một người học lái xe. Trong giai đoạn mới học lái, người này sẽ tập trung vào từng động tác, chăm chú vào bàn đạp, bánh lái, gương chiếu hậu và các chỉ số trên mặt đồng hồ - mọi hành động và chỉ dẫn - và không thể chú ý đến bất kỳ điều gì khác ngoài các thao tác lái xe phức tạp.
Tuy nhiên, sau nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm, người này đã có kinh nghiệm và có thể vừa nghe đài vừa tính toán lộ trình vào giờ cao điểm, trò chuyện hoặc nghĩ tới những chuyện mới xảy ra ở trường hay ở cơ quan. Hành động lái xe đã trở thành một thói quen tự động của não trái - giống như các thao tác đánh răng hay cột dây giày vậy.
Xét trên quan điểm tiến hóa thì việc phân chia trách nhiệm như vậy là hiệu quả hơn, vì sự sinh tồn đòi hỏi phần não giỏi ứng phó với những điều xa lạ phải được tự do hoạt động nhằm phát huy chức năng đó trong tình huống khẩn cấp.
Mỗi khu vực thực hiện nhiệm vụ được phân như thế nào - và cái gì sẽ xảy ra khi những vùng này bị tổn thương hoặc nhiệm vụ bị gán nhầm chỗ - là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật chụp cắt lớp hiện đại ngày nay, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), đã phát hiện rằng trong một số hoàn cảnh, nhất là đối với trẻ nhỏ, bộ não dường như có khả năng chuyển giao những chức năng của vùng bị tổn thương sang vùng não vốn đảm nhiệm chức năng khác.
Hiện tượng này được biết đến với tên gọi tính khả biến thần kinh (neuroplasticity) và có nhiều nghiên cứu lý thú đang tập trung vào lĩnh vực này.
(e) Nơ-ron - Những Viên Gạch Dựng Nên Trí Tuệ
“Trí tuệ không phải là một cấu trúc tĩnh, mà là một hệ thống mở và năng động có thể tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời.”
Reuven Feuerstein
Ở mức độ tế bào, não được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào, nhưng để cho đơn giản thì chúng ta sẽ tập trung vào nơ-ron - các tế bào lưu trữ và chia sẻ thông tin.
Quá trình học tập diễn ra khi các liên kết được hình thành và thông tin được chuyển giao giữa hai hoặc nhiều nơ-ron.
Theo thuật ngữ máy tính, các xi-náp và các chất dẫn truyền thần kinh thích hợp là yếu tố để tế bào có được sự kết nối chính xác giữa sợi trục và sợi nhánh. Nếu không có chất dẫn truyền thần kinh thích hợp thì thông tin không thể được truyền đạt qua lại giữa các tế bào - giống như đem một dây cáp USB cắm vào cổng mạng LAN. Đây là cách thức mà não đảm bảo truyền đúng tín hiệu đến đúng nơi vào đúng thời điểm.
Nơ-ron là những “viên gạch nền tảng” của não bộ, và chúng nhỏ xíu - bạn có thể nhét tới 30.000 nơ-ron vào một đầu tăm.
Tuy nhiên, các nơ-ron không phải là như nhau. Có nhiều loại nơ-ron được chuyên biệt hóa trong não, và trước khi con người chào đời thì “công cuộc xây dựng não bộ” kỳ diệu đã diễn ra. Trong quá trình đó, mỗi nơ-ron riêng lẻ du hành qua bộ não đang phát triển để lưu lại tại đúng vị trí mà nó có thể thực hiện chức năng của mình trong bộ não trưởng thành.
Nơ-ron là cơ sở cho mọi điều diễn ra bên trong bộ não của chúng ta. Thông qua mạng lưới phức tạp đáng kinh ngạc gồm các kết nối thần kinh do nơ-ron tạo nên, bộ não của chúng ta hình thành nên kiểu mô hình nội sinh phản ánh thế giới và thực tại.
Thực sự thì mỗi nơ-ron có công suất mạnh mẽ như chiếc máy vi tính trong văn phòng bạn. Do đó, bạn đang mang trong đầu một mạng lưới mạnh hơn nhiều so với toàn bộ hệ thống mạng toàn cầu (World Wide Web - www) hiện nay.
Máy vi tính có thể xử lý hàng tỷ bit thông tin, nhưng cho dù bạn có kết nối bao nhiêu chiếc máy vi tính với nhau đi nữa thì chúng cũng không thể tư duy.
Không có chiếc máy vi tính nào từng sáng tác ra những vần thơ, sáng tạo được một tác phẩm nghệ thuật, hoặc từng đặt ra câu hỏi “tôi là ai và tại sao tôi lại ở đây?”. Chỉ có bộ não tư duy - được tạo nên bởi các nơ-ron tương tác - mới có thể làm được mọi điều nói trên.
(f) Sự Sinh Sôi Và Loại Thải
Từ lúc trẻ mới chào đời cho đến khoảng 6 tuổi, có một quá trình sinh sôi hoặc phát triển về số lượng các kết nối thần kinh mới diễn ra bên trong bộ não của trẻ. Quá trình này được gọi là quá trình sinh xi-náp (synaptogenesis), tức là sự hình thành các kết nối thần kinh.
Trước 10 tuổi, trẻ em có số kết nối thần kinh trong não nhiều hơn cả số lượng kết nối thần kinh mà chúng sẽ có trong suốt quãng đời còn lại.
Mỗi khi một kết nối thần kinh được kích hoạt, não sẽ bao bọc kết nối đó bằng một chất mỡ trắng gọi là mi-ê-lin (myelin) . Quá trình này được gọi là mi-ê-lin hóa.
Mi-ê-lin hoạt động như một chất cách điện, cho phép các xung điện thần kinh di chuyển hiệu quả hơn trong các kết nối đã được mi-ê-lin hóa. Các kết nối mi-ê-lin hóa trở thành những “xa lộ” trong não, phục vụ cho những hành vi riêng biệt hoặc các hoạt động trí óc mà chúng có liên quan - theo một vài giả thuyết thì đó là lý do một số thói quen của chúng ta lại khó bị phá vỡ như vậy.
Các kết nối thường xuyên được sử dụng và được bọc kỹ bằng mi-ê-lin trở thành những “siêu xa lộ”, còn những con đường (hành vi) thay thế thì có xu hướng bị gạt bỏ khỏi quy trình xử lý của não. Phương thức này được lặp lại trong các loại hành vi và trải nghiệm khác nhau và được xem như cơ chế tạo nên tư duy. (Chúng ta sẽ bàn luận kỹ hơn về tư duy trong Chương 3).
Trong khoảng độ tuổi từ 10 đến 20, có một quá trình được gọi là loại thải kết nối thần kinh diễn ra trong não. Quá trình này giúp giảm bớt số lượng kết nối thần kinh cho đến khi đạt tới một số lượng ổn định về cơ bản trong suốt cuộc đời của một cá nhân.
Cơ chế loại thải trong não được thực hiện theo cách thức hóa học và có xu hướng loại bỏ những kết nối không được mi-ê-lin hóa. Như vậy tức là, đến khi não đạt độ trưởng thành thì nó sẽ có số lượng kết nối ít hơn nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Đây còn được gọi là cơ chế “dùng hoặc mất”.
Các kết nối mới được tạo ra và bị loại thải trong suốt cuộc đời, nhưng chắc chắn không thể bì được với tốc độ của giai đoạn tăng sinh của trẻ nhỏ và giai đoạn loại thải mạnh của tuổi dậy thì.
Quá trình mi-ê-lin hóa vẫn tiếp diễn, mặc dù có những chỉ số cho thấy quá trình này chậm đi rõ rệt từ khoảng sau độ tuổi 35.
Sự hiểu biết chưa đầy đủ về các cơ chế phát triển và loại thải này dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tuyên bố về chương trình giáo dục “dựa trên não bộ” mà không hề có cơ sở khoa học.
Điều chúng ta biết và điều một số người khác nghiên cứu về thứ chúng ta biết thường rất khác nhau, và trong giai đoạn giáo dục tuổi ấu thơ thì đây là điểm đặc biệt quan trọng.
Nhiều người từng nghe nói rằng trong khoảng 4 đến 10 tuổi, có sự sinh sôi hoặc phát triển về số lượng các kết nối thần kinh trong não của trẻ - rằng trên thực tế, đứa trẻ 8 tuổi có số lượng kết nối thần kinh nhiều hơn 50% so với số lượng kết nối trẻ sẽ có khi trưởng thành, sau khi giai đoạn loại thải diễn ra trong độ tuổi vị thành niên.
Đó là sự thật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ em có khả năng học nhanh hơn và hiệu quả hơn người lớn, hay sự phát triển số lượng tế bào thần kinh là kết quả của quá trình học tập.
Đây là lúc chúng ta phải vô cùng cẩn thận để phân biệt giữa niềm tin sai lầm và thực tế - giữa khoa học thần kinh và khoa học thần kinh viễn tưởng.
Điều này có nghĩa gì đối với những nhà giáo dục và các bậc phụ huynh - đặc biệt là những người đang chăm sóc những đứa trẻ dưới 10 tuổi?
Trái với một số quan điểm được đưa ra, việc có nhiều kết nối thần kinh không có nghĩa là trẻ em hoàn toàn có khả năng học bất kỳ điều gì mà người lớn ép chúng học.
Như một nhà bình luận từng nói, điều đó không có nghĩa là “mọi môn học đều có thể được truyền dạy một cách hiệu quả dưới hình thức hợp lý nào đó cho mọi đứa trẻ vào mọi giai đoạn phát triển”(*).
(*) Trích trong bài luận của J.T. Bruer, “Education and the Brain: A Bridge Too Far” (1997)
Sự phát triển các kết nối thần kinh là một quá trình thể chất và nhìn chung là được kiểm soát về mặt di truyền học, chứ không phải một quá trình học tập. Nó tạo ra tiềm năng, và chỉ thế mà thôi.
Nếu không có kinh nghiệm mà năm tháng mang lại (và nếu thiếu sự phát triển xi-náp vốn vẫn chưa diễn ra ở thùy trán), trẻ nhỏ chưa thể phát triển cơ sở cho tư duy trừu tượng. Do đó, nhiều đòi hỏi về tư duy trừu tượng được thể hiện qua các chương trình giảng dạy căng thẳng và không phù hợp với độ tuổi là hoàn toàn không có hoặc có rất ít giá trị về lâu về dài. Bởi vì ngay cả nếu được học vẹt thì quá trình học đó vẫn không đi kèm với sự tìm hiểu chủ động, do đó nó không được chuyển tải một cách có ý nghĩa.
Sự phát triển số lượng kết nối thần kinh và quá trình loại thải sau đó là một hiện tượng sinh học bắt buộc, và nó vẫn xảy ra cho dù trẻ nhỏ học tập theo cách nào đi nữa. Điểm mấu chốt là cách thức bộ não lựa chọn kết nối nào để duy trì và loại thải.
Hẳn là không cần đi sâu vào chi tiết khoa học để hiểu rằng sự phát triển số lượng kết nối thần kinh đại diện cho tiềm năng; và nếu xây dựng được các phương pháp để phát huy tiềm năng đó, chúng ta có thể tạo dựng được nền tảng cho quá trình học tập trong tương lai.
Có lẽ một phép ẩn dụ có thể giải thích điều này rõ nhất.
Hãy hình dung bộ não giống như tòa nhà chọc trời khổng lồ với hàng triệu văn phòng làm việc.
Khi xây dựng tòa nhà, người thợ lắp đặt hàng triệu đường dây điện thoại và cáp quang khắp tòa nhà đó với nhiều điểm kết nối cho mỗi văn phòng.
Đó là các đường dây kết nối khả dụng. Chúng vẫn tồn tại cho dù văn phòng có được sử dụng hay không, nhưng nếu không có ai gắn điện thoại hoặc máy vi tính vào điểm kết nối thì nó vẫn chỉ là một kết nối tiềm năng.
Khi tòa nhà được đưa vào hoạt động, điện thoại và máy vi tính được lắp đặt thì các kết nối tiềm năng sẽ được sử dụng, từ đó giúp văn phòng có thể tương tác với bất kỳ văn phòng nào khác đang hoạt động - nói cách khác, với bất kỳ kết nối đang hoạt động nào trên thế giới.
Trong lĩnh vực phát triển não bộ, quá trình kích hoạt này được thực hiện thông qua học tập và trải nghiệm.
Nếu chúng ta gắn vào đó một tổng đài điều khiển hoặc kết nối Internet, công suất của quá trình kết nối chủ động để tương tác sẽ tăng lên gấp nhiều lần, bởi vì tổng đài hoặc mạng Internet có thể liên kết với nhiều đầu vào và giao tiếp hiệu quả hơn rất nhiều.
Trên phương diện học tập thì tổng đài điều khiển hiệu quả hơn chính là một phương pháp học tập tối ưu hơn.
Bây giờ bạn hãy tưởng tượng tiếp rằng sau khi vận hành được một thời gian, để tiết kiệm thì công ty viễn thông quyết định ngắt kết nối vĩnh viễn 35% cổng điện thoại của tòa nhà.
Công ty viễn thông xác định những cổng kết nối nên gỡ bỏ bằng cách nào? Theo logic thì đó sẽ là những cổng không được sử dụng, hoặc hiếm khi được sử dụng. Và đây là yếu tố then chốt: một khi kết nối đã bị hủy thì việc tái kết nối là vô cùng vất vả.
Bởi vậy, đứng ở cương vị chủ tòa nhà thì việc quyết định kết nối nào sẽ được sử dụng trong tương lai phải diễn ra trước quá trình ngắt kết nối. Nếu không nhận thức được tác động của quá trình này đối với tiềm năng của mình - nếu không lưu tâm kiểm soát quá trình này - thì bạn có thể sẽ nuối tiếc vì đánh mất những kết nối chủ chốt sau này.
Trong lĩnh vực phát triển não bộ, điều này có nghĩa là những năm tháng trước và trong độ tuổi dậy thì là vô cùng quan trọng đối với tiềm năng học tập tương lai của bộ não.
Rõ ràng học tập là quá trình diễn ra suốt đời, nhưng nền tảng của quá trình học tập lại được xác định vào giai đoạn đầu và giữa thời thơ ấu. Đó là lý do tại sao những phương pháp mà chúng ta lựa chọn thực hiện vào giai đoạn đầu đời lại quan trọng đến thế đối với thành công trong tương lai.
Đứa trẻ trải qua quá trình giáo dục chú trọng não trái - học vẹt, học tủ, học thuộc lòng - sẽ phát triển mạnh quá trình mi-ê-lin hóa trong mạng lưới thần kinh củng cố loại hành vi này, nhưng lại ít mi-ê-lin hóa trong những mạng lưới thiên về sáng tạo và phương pháp giải quyết vấn đề.
Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ phải học thêm dưới hình thức tham gia vào các “lò luyện thi” - một thực trạng diễn ra trong nhiều xã hội trên khắp thế giới - trong khoảng thời gian mà những đứa trẻ khác được chơi đùa hoặc tham gia nhiều hoạt động tìm tòi khám phá khác.
Đây là nguyên nhân gốc rễ của một hiện tượng xảy ra ở những quốc gia như Singapore và Nhật Bản, nơi nổi tiếng là có các em học sinh, sinh viên đứng đầu trong các kỳ thi quốc tế các môn toán và khoa học, nhưng lại ít khi đạt được kết quả xuất sắc trong các kỳ thi đòi hỏi sự tổng hợp thông tin và hình thức tư duy tự do hơn.
Nếu bạn quan tâm tới mối quan hệ giữa nghiên cứu và học tập, Phụ lục 3 sẽ trình bày một ví dụ về cách các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh và tâm lý học có thể hỗ trợ chúng ta tìm hiểu về quá trình học tập và chỉ ra con đường đột phá trong tương lai.
Mặc dù là một lĩnh vực cực kỳ thú vị xét theo nhiều nghĩa, nhưng ngành khoa học thần kinh vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Chúng ta đã biết rất nhiều so với 15 năm trước đây, nhưng chúng ta biết quá ít so với những gì chúng ta sẽ biết trong khoảng thời gian 15 năm tới.
Một điều mấu chốt cần ghi nhớ là để mang lại những phương pháp học tập vượt bậc thì mỗi tiến bộ trong ngành khoa học thần kinh phải được phân tích qua lăng kính của các kiến thức mà chúng ta đã biết từ lĩnh vực tâm lý học hành vi và nhận thức - những ngành đã có nền tảng vững chắc.
Chúng ta có cơ sở dữ liệu và học thuyết được xây dựng qua nhiều thập kỷ về cách cư xử của con người trong một loạt các hoàn cảnh và tình huống đa dạng. Khoa học thần kinh giúp giải thích tại sao chúng ta lại cư xử theo kiểu này hay kiểu khác, nhưng việc đưa ra dự đoán chỉ dựa trên các nghiên cứu mới là một trò chơi hết sức nguy hiểm.
Việc đó giống như miêu tả vẻ đẹp kỳ vĩ của một bức ảnh phong cảnh mà chỉ xem xét một vài trong số hàng triệu điểm ảnh của nó.
Đương nhiên, với mỗi một khám phá mới sẽ có một số người đưa ra nhận định thiếu cơ sở về ý nghĩa của khám phá đó đối với phương pháp học của chúng ta, và một số khác thì sẽ tuyên bố những điều sai lệch và không xác thực (chẳng hạn các chương trình học chuyên về não phải, hứa hẹn mọi điều từ củng cố trí nhớ hình ảnh đến phát triển trực giác và năng lực siêu nhiên, tiên đoán tương lai, kỹ năng học ngoại ngữ siêu cấp và khả năng chữa bệnh chỉ bằng quyền năng kỳ diệu của não phải - tất cả đều không có cơ sở khoa học).
Một vài tuyên bố trên có thể là có thiện chí, nhưng số khác chỉ để trục lợi và do háo danh.
Cách thức duy nhất để phân định tiến bộ chính thống với khoa học giả hiệu núp bóng kỹ thuật đột phá là phải trang bị cho bản thân kiến thức về khoa học để biết đặt đúng câu hỏi.
Thông tin trong quyển sách này và trong các quyển tiếp theo, cùng với tư liệu tham khảo và phần phụ lục ở cuối sách sẽ cung cấp nền tảng để từ đó bạn có thể có sự hoài nghi lành mạnh và sự cởi mở lạc quan đối với các khả năng học tập đang bày ra trước mắt chúng ta.
Khi đánh giá những tuyên bố về các kỹ thuật hoặc chương trình giáo dục “kỳ diệu” mới lạ nào đó (nhất là những chương trình đòi hỏi bạn phải chi một khoản tiền lớn để mang lại “tương lai tươi sáng” cho các con), hãy luôn cẩn trọng:
HỌC TẬP LÀ MỘT QUÁ TRÌNH TRỌN ĐỜI, VÀ ĐỂ NÓ PHÁT HUY HIỆU QUẢ SUỐT CẢ ĐỜI, CHÚNG TA PHẢI NHẬN THỨC ĐƯỢC CŨNG NHƯ PHẢI NHẠY CẢM VỚI PHẦN CỨNG CÙNG PHẦN MỀM HỖ TRỢ VÀ LƯU TRỮ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP ĐÓ. CHƯƠNG NÀY LÀ KHỞI ĐẦU CHO CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA CHÚNG TA VÀO TRUNG TÂM CỦA BỘ NÃO HỌC TẬP. GIỜ ĐÂY CHÚNG TA SẼ ĐẶT CHÂN LÊN CHẶNG ĐƯỜNG KẾ TIẾP TRONG CHUYẾN ĐI NÀY - HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ NHỮNG BÍ ẨN CỦA MỘT THỨ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG: TƯ DUY...