“Suy cho cùng, tôi tin rằng điều làm nên một Nhà Vô Địch chính là Tư Duy Nhà Vô Địch... Tư duy nhà vô địch, chứ không phải kỹ năng, là thứ có thể truyền thụ được.”
Allan Snyder, Viện sĩ Hội Hoàng gia Anh quốc
“Chưa từng có kẻ bi quan nào có thể khám phá được bí ẩn của những vì sao, dong buồm đến vùng đất chưa được khai phá, hay mở ra một lối đi mới vào trong tâm hồn con người.”
Helen Keller
1.1: Từ Gia Đình Đến Quốc Gia
“Chúng ta vĩnh viễn là tay mơ trong vai trò làm cha mẹ.”
Alvin Toffler
Để có thể sống một cuộc đời hiệu quả thì các quy tắc trong gia đình (và trong trường học) của ta phải luôn phù hợp và thích ứng với bối cảnh thế giới rộng lớn hơn, nơi mà những quy tắc này tồn tại.
Điều này có nghĩa là trong vai trò cha mẹ và thầy cô, nhiệm vụ của chúng ta là liên tục tìm hiểu và đánh giá lại những nguyên tắc được áp dụng vào quá trình dẫn dắt thế hệ trẻ.
Là con người, chúng ta sống mỗi ngày theo những quy tắc quản lý có cấp bậc. Đó là các luật lệ - dù là được áp đặt hay mang tính bản năng - giúp kiến tạo nên mọi khía cạnh trong sự tồn tại của ta.
Đó là “cơ quan quản lý” của cuộc đời chúng ta - đa số chúng ta tuân thủ những mệnh lệnh và hướng dẫn từ nó. Việc thích ứng với nó thì dễ dàng và giúp ta ít phải đối đầu - mà đối đầu là một thứ áp lực ta thường không muốn có.
“Cơ quan quản lý” là một phần cần thiết để vận hành hiệu quả mọi cộng đồng người - từ gia đình đến quốc gia. Đó là sự cân bằng - nguyên trạng - mà khi được phát huy thì sẽ giữ cho mọi yếu tố của tổ chức xã hội phức tạp này phối hợp trong sự hài hòa. Tất nhiên là khi yếu tố này được phát huy.
Đương nhiên, xuyên suốt lịch sử luôn có những giai đoạn cải cách - những bước ngoặt mà các “quy tắc” thống trị một thời nay lại trở nên cứng nhắc, lạc hậu và không còn phù hợp với môi trường xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
Với tư cách cá nhân, hoặc những gia đình đơn lẻ, chúng ta chỉ có tác động rất hạn chế đến cách tự cơ cấu của xã hội rộng lớn ngoài kia, nhưng “sự quản lý” diễn ra đồng thời ở nhiều cấp độ trong cuộc sống và trong mọi gia đình.
Có bao nhiêu người bị cầm tù trong chính cuộc đời của mình vì đang bị kiểm soát bởi một “tư duy độc tài” không cho phép bất kỳ sự thay đổi nào diễn ra?
“Tôi không thể thay đổi...”, “Đó là cách mọi thứ hoạt động từ trước đến nay...” và “Nếu cách này đủ hiệu quả đối với cha mẹ tôi...” là những cụm từ mang tính chủ bại, và trong giai đoạn có những sự thay đổi nhanh chóng thì đó cũng là những câu thể hiện sự bạc nhược.
Nỗi sợ thay đổi là một hiện tượng mang tính đối phó - một sự phản ánh gắn liền với những cấp độ cơ bản nhất trong cơ cấu cảm xúc của chúng ta - nhưng cũng như nhiều nỗi sợ khác (mà điều thú vị là những nỗi sợ này bắt nguồn từ hệ viền phi tư duy của con người), nó hiếm khi, có thể là không bao giờ, mang tính lý trí. Ngay cả nếu chúng ta có thể “ngụy trang” cho nó bằng những “chứng cứ” và những cái cớ sau khi sự kiện diễn ra.
“Tư duy nhà vô địch” nhìn nhận giá trị của những quá trình truyền thống, nhưng nó cũng sáng tạo và chủ động phản ứng khi đối mặt với môi trường có sự thay đổi nhanh.
Nửa thế kỷ vừa qua đã mang đến những thay đổi nhanh chóng nhất trong lịch sử nhân loại - cả về xã hội lẫn tri thức - và không có dấu hiệu nào cho thấy tốc độ thay đổi đang giảm xuống.
Thế giới của Internet và công nghệ thông tin, những tiến bộ y học và vật lý, cùng những hiểu biết về hoạt động nội tại của tâm trí lẫn tâm lý con người đã sản sinh ra nhiều khám phá mới mỗi ngày, từ đó mang đến sự thay đổi trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.
Sự toàn cầu hóa và tầm với không biên giới của Internet đồng nghĩa với việc các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đang phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, từ đó đòi hỏi các chính phủ trên toàn thế giới phải cởi mở đón nhận những bước tiến và sự thay đổi không ngừng.
Trước những con sóng của sự thay đổi đang ập đến, ngay cả những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ cũng sẽ bị “nhấn chìm” nếu không có sự thích ứng và linh hoạt trong cơ cấu tổ chức và đường lối tư duy của mình - trong khi hệ thống giáo dục cứng nhắc của đa số các quốc gia đang vất vả đáp ứng những nhu cầu của “các nền kinh tế mới” trong Cuộc cách mạng Thông tin.
Trong nhà (hoặc thậm chí là trong lớp học), các nguyên tắc quản lý được dùng để sắp xếp trật tự có thể - và buộc phải - thay đổi, có khi là phải tiến hóa, nếu nó không còn phục vụ cho nhu cầu của những cá nhân sinh sống trong tầm ảnh hưởng của nó.
Nếu các luật lệ không còn mang đến kết quả - hoặc mang đến sự cân bằng thích hợp giữa sự tự do và kiểm soát, thì việc tạo ra những bộ quy tắc hữu hiệu hơn là điều mà ai cũng mong muốn.
Việc tạo dựng một “lãnh địa gia đình” hòa hợp với môi trường rộng lớn hơn của một thế giới đang đổi thay đồng nghĩa với việc thiết lập các quy tắc tương tác - giữa từng thành viên trong mỗi gia đình và cả đối với các nhu cầu bắt buộc của thế giới bên ngoài.
Nếu muốn truyền sức mạnh cho con cái chúng ta trong cuộc sống của thế kỷ 21, ta phải đảm bảo các hành vi - về mặt cảm xúc, xã hội và giáo dục - mà ta khắc sâu trong phạm vi gia đình là những hành vi hiệu quả và cân bằng nhất có thể. Chúng ta phải quyết tâm thay thế nỗi sợ phi lý trí đối với thất bại và sự kháng cự thay đổi bằng những chiến lược tích cực để dự đoán, lên kế hoạch và thực thi - những hành vi mà trong chừng mực nào đó giúp ta thích ứng và kiểm soát môi trường của sự thay đổi.
1.2: Khoảng Cách Giữa “Tốt” và “Xuất Sắc”
“Giờ đây là lúc chúng ta phải giáo dục con người về những điều mà hôm qua không ai biết và trang bị cho trường học về những điều ta chưa biết nhưng sẽ phải biết vào ngày mai.”
Margaret Mead
Năm 1597, ngài Francis Bacon đã viết ra một trong những câu tiếng Anh nổi tiếng nhất, “Kiến thức là Sức mạnh”.
Về cơ bản thì Bacon đã viết những lời đó bằng tiếng Latin - “ Ipsa Scientia Potestas Est ” - nhưng vì ông là người Anh và Đế chế La Mã chỉ còn trong lịch sử, thế nên chúng ta sẽ tuyên bố chủ quyền ý tưởng này trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của ông.
Rõ ràng là suốt hơn 400 năm kể từ khi những lời này được viết ra, chẳng ai từng nghiêm túc chất vấn tuyên bố của nhân vật vĩ đại đó. Tại sao phải chất vấn? Kiến thức là sức mạnh. Khó khăn là ở chỗ khiến người ta thống nhất về việc “kiến thức” là gì.
Vậy thì kiến thức là gì và làm thế nào chúng ta có thể sử dụng nó để truyền sức mạnh cho bản thân và con cái chúng ta? Hai câu hỏi trên là tâm điểm của quyển sách này và những quyển theo sau, The Art of Communicating with Your Child, The Art of Learning How to Learn và The Art of Creative Thinking.
Có lẽ nhà khoa học và bậc thầy khoa học viễn tưởng người Anh Arthur C. Clarke đã diễn đạt điều này hay nhất trong một cuộc phỏng vấn năm 1993.
Ông phát biểu, “Hãy để tôi nhắc nhở các bạn rằng thông tin - dưới hình thức dữ liệu thô - không phải là kiến thức, kiến thức không phải là sự thông thái và sự thông thái không phải là tầm nhìn xa trông rộng. Mỗi yếu tố đều phát triển riêng rẽ với nhau, và chúng ta cần tất cả những yếu tố đó”.
Vài năm sau, tác giả Roland Barth - một nhà giáo dục tận tâm người Mỹ - đã viết trong quyển sách Learning by Heart (2001) của ông rằng 50 năm trước, khi tốt nghiệp trung học, các học sinh biết được “khoảng 75%” tất cả những điều mình cần biết để thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ông nói tiếp rằng ngày nay, việc tốt nghiệp trung học mang đến cho chúng ta khoảng 2% hiểu biết cần thiết - và rằng “98% vẫn chưa được truyền đạt”.
Chín mươi tám phần trăm vẫn chưa được truyền đạt... Thật là một hồi chuông thức tỉnh.
Nhưng chính xác thì điều này có ý nghĩa gì đối với các bậc phụ huynh, giáo viên và những người trẻ tuổi đang vất vả đương đầu với cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số?
Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là những luật lệ cũ không còn áp dụng được nữa, rằng nền giáo dục thế kỷ 21 đòi hỏi nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là học hỏi, lưu trữ và lặp đi lặp lại những mảng thông tin lớn. Vì vậy mà trong thời đại của Google và Mạng Toàn Cầu World Wide Web (tuân theo quy tắc cung-cầu) thì thông tin là món hàng gần như vô giá trị - độ quý hiếm của nó tương đương với cát trong sa mạc.
Nếu đúng như Clarke đã chỉ ra, “thông tin không phải là kiến thức”, thì nó cũng không phải là “sức mạnh” (ít nhất là theo ngài Francis Bacon).
Ngày nay, sức mạnh nằm trong tay những người chủ động học hỏi, như Eric Hoffer từng viết: “Trong các giai đoạn có sự thay đổi nhanh chóng, người tiếp tục học hỏi là những người thừa kế hành tinh, còn những người ngừng học bỗng nhiên phát hiện mình được trang bị kỹ lưỡng để ứng phó với một thế giới không còn nữa”.
Năm mươi năm trước, tôi được trả công cho những điều tôi biết. Ngày nay, tôi được trả công cho khả năng phát huy tốt nhất những gì tôi biết - và cho những gì tôi có thể tìm ra khi cần thiết.
Một người có tri thức của thế kỷ 21 sẽ không phải là người biết mọi thứ (đây luôn là một ước muốn bất khả thi!) mà là một người có thể tìm hiểu mọi thứ - rồi sử dụng nó một cách hiệu quả.
Trong thời đại mà sự tiếp cận thông tin là vô cùng khó khăn và chậm chạp, khi mà sách là thứ đắt đỏ, thư viện không phải lúc nào cũng đủ đầy, còn hoạt động kinh doanh và các ngành công nghiệp thì trông cậy vào những điều mà nhân viên của họ được đào tạo và ghi nhớ, thì một hệ thống giáo dục nhồi nhét càng nhiều thông tin hữu dụng càng tốt vào đầu những người trẻ tuổi có vẻ hoàn toàn hợp lý. Về cơ bản, thông tin và kiến thức là những thuật ngữ có thể thay thế cho nhau.
Thế nhưng giờ đây điều đó không còn đúng nữa. Ngày nay, sự khác biệt giữa thông tin và kiến thức được nói đến như khoảng cách giữa “tốt” và “xuất sắc”. Hoặc là như “có việc làm” và “thất nghiệp”.
Đương nhiên, ngay cả từ thời của Socrates, Plato và Aristotle, người tư duy luôn nhìn nhận giáo dục to lớn hơn là việc chỉ đơn giản tiếp thu dữ kiện. Socrates từng nói, “Tôi không thể dạy người khác bất kỳ điều gì. Tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ”.
Những người tư duy hiệu quả không phải là “những cỗ máy xử lý thông tin”. Thay vào đó, họ chủ động khám phá thế giới thông qua vô số các lĩnh vực riêng biệt, rồi dệt những sợi kiến thức lại với nhau để tạo thành một bức tranh mới của sự hiểu biết; sự hiểu biết thay đổi tư duy - và cả những cuộc đời.
Theo nhà thơ vĩ đại người Ireland William Butler Yates (thể theo lời của nhà sử học Hy Lạp Plutarch gần 2.000 năm trước), giáo dục “không phải là đổ đầy cái xô, mà là thắp lên một ngọn lửa”. Trong khi đó, Johann Wolfgang von Goethe - nhà văn vĩ đại nhất của nước Đức - khuyên chúng ta rằng, “Hiểu thôi là chưa đủ; chúng ta cần phải áp dụng. Nguyện ý thôi là chưa đủ; chúng ta còn cần phải thực hành”.
Yates và Goethe là văn sĩ chứ không phải những nhà giáo dục chính quy, nhưng họ hiểu rõ quá trình sáng tạo.
Họ biết làm thế nào để biến nguyên liệu thô của cuộc đời trở thành một điều hoàn toàn mới mẻ, một điều gì đó mà thế giới công nhận là xuất sắc và có giá trị. Cũng giống như Khổng Tử, Aristotle, Da Vinci, Newton, Picasso, Einstein, Hawking và hàng trăm ngàn cá nhân kiệt xuất khác trong lịch sử, họ được thế giới thừa nhận là những nhà vô địch trong lĩnh vực mà họ chọn theo đuổi.
Và tinh thần của nhà vô địch không bao giờ được tìm thấy trong sự tiếp thu cứng nhắc các dữ kiện và số liệu. Tinh thần nhà vô địch nằm trong sự tự tin và sáng tạo. Thế kỷ 21 - “Thế kỷ của Tư duy” - sẽ đòi hỏi các công dân của nó phải có sự sáng tạo. Nó sẽ đòi hỏi những nhà vô địch.
Dạy Con Tư Duy sẽ tập trung vào các phương pháp giúp con cái chúng ta phát triển “Tư duy nhà vô địch” - một cách nhìn nhận thế giới cân bằng và tinh tế, khuyến khích óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và phương pháp chủ động lĩnh hội nguồn kiến thức đích thực.
Và bên dưới phương thức đào tạo “những nhà vô địch tương lai” của chúng ta là một triết lý phát triển đơn giản tập trung vào các nhu cầu của con người, chứ không chỉ là những mục tiêu hạn hẹp về thành tựu học thuật và sự giàu có vật chất - cả hai điều này sẽ đến vào thời điểm thích hợp, nếu những nền tảng cơ bản được đặt đúng chỗ. Nhưng nếu thiếu căn cơ vững vàng thì rõ ràng là ngay cả thành công và sự giàu có đều sẽ không mang đến niềm hạnh phúc hay sự thỏa mãn trong đời.
Những nền tảng cơ bản mà chúng ta đang nói đến là tập hợp một niềm tin về vẻ đẹp và sức mạnh mà ai trong chúng ta cũng có, cùng sự tiếp nhận các công cụ và kỹ thuật cần thiết để giải phóng niềm tin đó và khám phá tiềm năng đích thực của bản thân.
Vai trò phụ huynh và nhà giáo dục của chúng ta có thể được tóm gọn lại trong 5 mục tiêu sau:
1.3: “Cỗ Máy Siêu Việt” Của Con
“Chúng ta là những gì mà chúng ta thực hiện lặp đi lặp lại. Do đó, sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen.”
Aristotle
Hãy nghĩ về chiếc máy vi tính cá nhân (PC).
Trong công việc, hay thậm chí là trong gia đình, có bao nhiêu người sẽ sử dụng một chiếc máy vi tính hơn 5 năm? Không nhiều. Chúng ta liên tục nâng cấp chiếc máy tính của mình.
Mà tại sao lại như vậy? Không như điện thoại di động, PC không hẳn là một món phụ kiện thời trang - bất chấp nỗ lực của một số nhà quảng cáo nhằm biến nó thành một món đồ thời trang. Nếu nó vẫn hoạt động hiệu quả, tại sao lại phải chi ra chừng đó tiền để thay mới?
Đáp án nằm ở việc những phần mềm mới nhất đòi hỏi phần cứng phải có tốc độ xử lý cao hơn, dung lượng nhiều hơn và linh hoạt hơn. Phần mềm hiệu quả giúp chúng ta duy trì hoạt động. Phần mềm đẳng cấp mang đến cho chúng ta ưu thế cạnh tranh. Và phần mềm mới nhất được phát triển trên những chiếc máy vi tính tân tiến nhất, rồi chúng ta cần cỗ máy hiện đại nhất để vận hành nó.
Mặt khác, một chiếc máy vi tính, dù có mới và đắt đỏ đến thế nào đi nữa, cũng chỉ hiệu quả như mức độ hiệu quả của hệ điều hành và những chương trình mà ta chọn để hoạt động trên chiếc máy đó.
Ngay từ buổi ban sơ của Cuộc cách mạng Thông tin, những lập trình viên máy tính đã cho ra đời một cụm từ viết tắt vẫn được sử dụng đến ngày nay. Họ dùng cụm từ đó như một mật mã khi muốn ám chỉ một người xa rời thực tại. Đó là cụm từ bắt nguồn từ những hiểu biết cơ bản về chương trình cũng như tiện ích của máy vi tính.
Cụm từ viết tắt đó là G.I.G.O. - “Garbage In, Garbage Out”, tạm dịch là “nhận vào rác thì cũng thải ra rác”. Nghĩa là chất lượng đầu ra sẽ được quyết định bởi chất lượng đầu vào.
Nếu tôi mua cỗ máy tân tiến nhất, mạnh mẽ nhất (và đắt tiền nhất), rồi cài vào đó một chương trình được phát hành cách đây 5 năm (hay 10 năm!), hoặc chép vào đó những dữ liệu không chính xác hay lạc hậu, thì tôi không hề phát huy được tiềm năng của chiếc máy đó, một chút cũng không.
Tin tốt lành là, không giống chiếc PC đáng tin cậy của mình, chúng ta sẽ không bao giờ phải “nâng cấp” bộ não của các con. Bộ não là những “cỗ máy tính siêu việt” đích thực của vũ trụ, và nó có khả năng xử lý bất kỳ điều gì chúng ta mang đến cho nó. Điều mà ta cần làm là suy nghĩ về phần mềm mà ta dùng để “lập trình” nó.
Việc tiếp tục sử dụng những phương pháp giáo dục lỗi thời cho các con - một “phần mềm não bộ” được vận hành từ trước thời của ông bà chúng ta - cũng giống với việc cung cấp cho trẻ một chiếc PC siêu cấp rồi yêu cầu chúng chỉ được dùng các phần mềm chạy nền tảng DOS, hoặc tranh đua bằng cách dùng bút lông ngỗng hoặc máy đánh chữ.
Quá trình học hỏi - dưới mọi hình thức - chính là phần mềm vận hành bộ não chúng ta.
Những gì chúng tôi trình bày trong quyển sách này, cũng như bản vẽ kỹ thuật để xây dựng “Tư duy nhà vô địch”, là kiểu mẫu cho “Phần mềm não bộ mới” - một thói quen tư duy tinh tế mang đến nhiều tự do hơn cho quá trình chuyển đổi hiệu quả thông tin và dữ liệu thành những mô thức mới và phù hợp hơn, đồng thời tăng đáng kể hiệu quả của cỗ máy xử lý thông tin mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể sở hữu.
1.4: Hướng Đến “Phần Mềm Não Bộ Mới”
“Nếu đã thực hiện mọi điều mà mình có khả năng thực hiện, chúng ta sẽ thật sự khiến bản thân phải sửng sốt.”
Thomas Alva Edison
Gần 20 năm trước, Alvin Toffler, tác giả có tầm nhìn xa trông rộng của tác phẩm Future Shock đã phát biểu: “Những kẻ mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không thể đọc và viết, mà là những người không thể học hỏi, xóa bỏ và học lại”.
Ngày nay, chúng ta là những người thừa kế tương lai mà Toffler đã tiên đoán, và đó là một bài học mà lẽ ra chúng ta, những bậc phụ huynh và nhà giáo dục, phải lưu tâm từ rất lâu.
Trong thế giới của chúng ta, thông tin, công nghệ và sự liên lạc đang được cải tiến từng ngày.
Vậy thì tại sao thói quen và phương pháp giáo dục của ta lại bị ràng buộc trong những hệ thống phù hợp hơn với thế kỷ 18 và 19? Đó chỉ đơn giản là do tính trì trệ, hay vì xã hội chúng ta không nhận thức được những khả năng trước mắt mình, những khả năng đang nằm trên những con đường “chẳng mấy ai đi”?
Có phải chúng ta đang mắc kẹt dưới đáy Kim tự tháp Thông tin, bị níu kéo bởi lượng “thông tin thô” khổng lồ chung quanh mình, bị quá tải bởi những lựa chọn và đòi hỏi mà môi trường hiện đại đang đặt nặng lên chúng ta? Hay chỉ đơn giản là những công cụ mà chúng ta đang sử dụng để lèo lái thế giới chung quanh mình không phù hợp cho nhiệm vụ đó, không phù hợp với thế giới của thế kỷ 21?
Nếu chỉ đơn thuần là cần phải phát triển một “bộ công cụ” hiệu quả hơn thì chúng ta phải hiểu được bản chất của nhiệm vụ mà ta đang làm, để có thể xác định những công cụ hữu hiệu nhất cho công việc đó. Điều này có nghĩa là hiểu được sự khác biệt mà Clarke đưa ra giữa những tầng cấp độ trên Kim tự tháp Thông tin.
Khi chúng ta tiến lên những nấc thang mà Clarke đề xuất, thông tin được biến đổi thành kiến thức, kiến thức tiến hóa thành sự thông thái, và sự thông thái cuối cùng sẽ mang đến tầm nhìn xa trông rộng.
Thế nhưng điều này diễn ra như thế nào? Mối quan hệ giữa những nấc thang khác nhau trên Kim tự tháp Thông tin là gì? Làm sao để leo từ thông tin thô sơ, thông qua kiến thức, để đến với tầm cao tinh tế của sự thông thái và tầm nhìn xa trộng rộng?
Một trong những mục tiêu mà chúng tôi tự đặt ra cho bản thân trong quyển sách này là vạch ra đáp án cho những câu hỏi đó.
Chúng tôi sẽ trình bày cách sự hiểu biết chủ động biến đổi thông tin thành kiến thức; cách thức mà khả năng “thuyên chuyển” (tức là khả năng áp dụng kiến thức vào những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của nó) có thể nâng tầm kiến thức thành sự thông thái, cũng như tại sao khả năng đặt ra câu hỏi đúng chính là bí quyết biến sự thông thái thành tầm nhìn xa trông rộng.
Sự thông thái và tầm nhìn xa nằm trong cốt lõi của sự sáng tạo.
Nhưng sự sáng tạo xuất phát từ trực giác mà, đúng không? Một món quà của Tạo hóa. Hẳn rồi, óc sáng tạo là bẩm sinh. Bạn không thể truyền dạy sự sáng tạo được, đúng không?
Hay là bạn thật sự có thể?
Có lẽ sự sáng tạo không bí ẩn như những gì đa số mọi người vẫn nghĩ. Có lẽ nó chỉ là vấn đề nhìn nhận tỉ mỉ hơn một chút về quá trình tư duy mà óc sáng tạo sẽ vận dụng.
Hiển nhiên, trong bối cảnh giáo dục (ít ra là bên ngoài lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc và kịch nghệ), sự sáng tạo luôn là một khái niệm khá mù mờ.
Suy cho cùng, khi mục đích của các bài tập là “rót” nhiều thông tin “hữu ích” nhất có thể vào trong “chiếc xô rỗng” của tâm trí trẻ thơ, chẳng còn mấy thời gian để theo đuổi những mục tiêu thâm thúy hơn.
Điều này dẫn đến hiện tượng “sự phân chia giữa chính trị và tôn giáo” kinh điển - xu hướng tạo ra sự phân biệt giữa những thứ mang tính sáng tạo và nghệ thuật với những thứ mang tính khoa học và giáo dục - đặc biệt là khi lượng thông tin đang tăng lên quá nhanh.
Sự phân chia nhân tạo này gây ra sự phân cực của hai trụ cột trong trí tuệ nhân loại - một bên là khả năng cấu trúc và sắp xếp trật tự thông tin, và bên còn lại là khả năng kết hợp tự do, hay còn được biết đến như trí tưởng tượng.
Nói theo cách bây giờ - và hơi thiếu chính xác một chút - thì hai khả năng này được biết đến như tư duy “não trái” và “não phải” - như thể một mạng lưới nhanh nhạy và phức tạp như bộ não con người có thể được định nghĩa đơn giản như thế.
Với sự chú trọng quá thiên lệch vào khả năng sắp xếp trật tự, lưu trữ thông tin và đưa ra “đáp án đúng” cuối cùng của bộ não, xu hướng này đã bỏ qua tầm quan trọng tương đương của chức năng kết hợp thông tin - trí tưởng tượng, khả năng có vai trò chủ đạo là tạo ra vô số khả năng mới.
1.5: Làm Sáng Tỏ Khái Niệm Sáng Tạo
“Trực giác là một đặc ân, còn lý trí là một người hầu trung thành. Chúng ta đã tạo nên một xã hội tôn vinh người hầu và bỏ quên đặc ân.”
Albert Einstein
Pablo Picasso được xem là một trong những thiên tài có tầm ảnh hưởng sâu rộng của nền nghệ thuật thế kỷ 20. Trong quá trình phát triển với tư cách nghệ sĩ, ông nói, “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để duy trì tố chất nghệ sĩ đó khi đứa trẻ trưởng thành”.
Điều mà Picasso đang nhắc đến, thứ mà ông tin là bí quyết của sự sáng tạo và nghệ thuật, chính là khả năng và sự nguyện ý của trẻ trong việc sử dụng năng lực vô hạn của trí tưởng tượng con người.
Đối với Picasso, truyền thống và cơ cấu của hàng thế kỷ đã định hướng và dập tắt trí tưởng tượng của nghệ sĩ.
Ông nói, “Có những họa sĩ biến Mặt trời thành một đốm màu vàng, nhưng cũng có những người khác, với sự giúp đỡ của nghệ thuật và trí tuệ của bản thân, có thể biến một đốm màu vàng thành Mặt trời”.
Trẻ em không bị định hướng bởi tính lệ thuộc thái quá vào truyền thống và cơ cấu, còn người trưởng thành thì bị nhồi nhét đầy những phản ứng có điều kiện và các quy tắc mà xã hội áp chế lên mình. Do đó, trẻ em được tự do tiếp cận sức mạnh của óc tưởng tượng theo cách mà người trưởng thành khó có thể làm được.
Trường phái nghệ thuật trừu tượng của Picasso được truyền động lực từ khát vọng phá vỡ gông cùm của truyền thống, để “được trẻ lại” lần nữa.
Khi phát triển qua giai đoạn thơ bé và tuổi dậy thì để trở thành người trưởng thành, sự kiềm chế những hành vi “phản xã hội” chiếm một phần quan trọng trong quá trình hòa nhập xã hội của ta. “Phản xã hội” là những hành vi không nằm trong mức “được chấp nhận” hoặc “bình thường”. Con người là sinh vật bầy đàn, chúng ta cần sự chấp nhận của hội nhóm và thường chùn bước trước sự cô lập và từ chối.
Vì lý do này, “người gác cổng” sẵn có bên trong ta - một khuôn mẫu trong tiềm thức về những thói quen và hành vi đạo đức được chấp nhận - sẽ “cắt gọt” hành vi, lời nói và thậm chí là suy nghĩ của ta để đảm bảo ta là một phần của nguyên trạng.
Tuy nhiên, theo định nghĩa thì sự sáng tạo sẽ tìm cách thay đổi nguyên trạng , vì vậy nói theo một cách nào đó thì nó phải liên tục đấu tranh chống lại sự ảnh hưởng của “người gác cổng”.
Đa số những phương pháp được vạch ra trong loạt sách này - đặc biệt là trong quyển A Sacred Gift - hướng đến việc thiết lập một giai đoạn trong quá trình sáng tạo, nơi mà sự hình thành ý tưởng có thể được tự do diễn ra mà không bị tác động bởi “người gác cổng”.
Đương nhiên, đối với đa số những thứ trong cuộc sống, sự cân bằng là mục tiêu chính. Cơ cấu mà không có sự tưởng tượng thì hoài phí, còn trí tưởng tượng mà không có cơ cấu thì hỗn loạn. Trong hình thức thuần khiết nhất của nó, sự sáng tạo là tổng hòa của trí tưởng tượng, trải nghiệm và cơ cấu - và chính đặc điểm này mang đến cho sự sáng tạo một vai trò trọng yếu trong quá trình thiết lập “Tư duy nhà vô địch”.
Như đã nói trước đó, sự sáng tạo là quá trình xử lý và tạo ra sự thay đổi. Nhưng bất kể những khó khăn mà nhiều người gặp phải khi ứng phó và khuyến khích sự sáng tạo trong bối cảnh giáo dục, nó không phải là một hiện tượng kỳ bí.
Đương nhiên, sự sáng tạo đòi hỏi một trí tuệ chủ động và biết kết hợp, nhưng kỹ năng kết hợp đó có thể được dạy - hay nói đúng hơn là được đào tạo - mà thành, và sự sáng tạo cũng vậy.
Rõ ràng sự sáng tạo mang chứng cứ của một tư duy được đào tạo kỹ lưỡng, đồng thời cũng là một mục tiêu.
Khi tạo nên một học viên thế kỷ 21, mục tiêu thật sự của quá trình này là thiết lập những phương pháp học hiệu quả và sử dụng trọn vẹn não bộ. Suy cho cùng, những thói quen của người sáng tạo cũng là thói quen của những người tư duy bằng cả bán cầu não trái và não phải - vượt qua sự phân chia của cả hai bán cầu này, và hình thành những mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa vùng nhận thức và vùng “vô thức” bí ẩn của bộ não.
Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu khái niệm Optimal Flow MethodTM - Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM - phương pháp sử dụng khả năng độc đáo của não người để kết hợp tư duy có tổ chức (hoặc có kết cấu) với dòng chảy của các liên kết, từ đó giúp ta lý giải được thế giới đầy phức tạp này.
Phương pháp này giúp ta hiểu được bản chất của việc “sử dụng cả hai bán cầu não”, tránh được những quy trình hạn chế và những cách thức nhiều quy tắc của “não trái” cũng như những lý thuyết kỳ lạ (và ảo tưởng) của “não phải”.
Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM xem xét thông tin và học hỏi từ một quan điểm rộng lớn hơn, kết nối người học và việc học ở một mức độ cảm xúc sâu sắc hơn và nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của sự hiểu biết “chủ động”.
Đó là một mô hình được xây dựng dựa trên những hiểu biết mới nhất về khả năng học hỏi của bộ não.
Phương pháp tiếp cận có vẻ đơn giản này về cơ bản sẽ quen thuộc với những bậc phụ huynh và giáo viên thành công, và hy vọng rằng nó sẽ gợi ý những phương hướng mới cho quá trình giáo dục trẻ em, cũng như quá trình soạn giáo trình tương lai.
Một trong những quy tắc chủ đạo của Phương pháp tối ưu hóa dòng chảy TM là phát triển nguồn lực đã bị bỏ quên suốt một thời gian dài trong trí tưởng tượng và sáng tạo của mọi đứa trẻ.
Nghiên cứu thần kinh học chứng tỏ rằng bộ não con người có những khả năng gần như vô hạn - nếu chúng ta có thể giải phóng tiềm năng đích thực của nó. Không có gì phải nghi ngờ, chúng ta đang có trang thiết bị phần cứng thích hợp cho sự vận hành siêu việt. Vậy điều gì đang kiềm chân chúng ta?
1.6: “Hướng Dẫn Sử Dụng” Não Bộ
“Kiến thức có hai dạng. Chúng ta hiểu biết về chủ đề đó, hoặc chúng ta biết cách tìm thông tin về chủ đề đó.”
Samuel Johnson
Một chiếc lò vi sóng hiện đại thì ít phức tạp hơn nhiều so với chiếc máy vi tính đơn giản nhất, và những tiến bộ công nghệ kỹ thuật trong 15 hay 20 năm qua đã giảm giá thành của một chiếc lò vi sóng cơ bản xuống còn chưa đến 100 đô-la. Điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi ngôi nhà ở tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới đều có một chiếc lò vi sóng.
Và khi trả tiền thì bạn nhận được gì? Lò vi sóng, hẳn nhiên rồi, và cả bao bì nữa, thứ mà bạn có thể vứt bỏ hoặc tái chế. Nhưng với số tiền chưa tới 100 đô-la mà bạn bỏ ra, chẳng phải bạn cũng kỳ vọng rằng mình sẽ nhận được một bản hướng dẫn sử dụng sao?
Tâm trí của một đứa trẻ thì chắc chắn phức tạp hơn một thiết bị nhà bếp, nhưng hãy dành chút thời gian nghĩ xem nó thật sự có giá trị như thế nào.
Hãy tưởng tượng bạn mở cửa và đối mặt với một người đàn ông mặc áo choàng màu trắng của phòng thí nghiệm. Anh ta tự giới thiệu là một nhà nghiên cứu về trí tuệ con người, và rằng anh ta đã được ủy quyền để trả cho bạn một số tiền lớn nhằm đổi lấy bộ não lành lặn của con bạn. Anh ta cam đoan rằng đứa trẻ sẽ không bị tổn thương dưới bất kỳ hình thức nào, vì họ có công nghệ để giữ cho đứa bé còn sống - chỉ là nó sẽ không còn khả năng suy nghĩ, mơ mộng, lên kế hoạch hay phản ứng gì nữa.
Bạn sẽ chấp nhận đánh đổi bộ não của con mình với mức giá nào? Năm trăm ngàn đô-la? Một triệu đô-la? Một tỷ đô-la?
Một câu hỏi thật buồn cười, tôi biết chứ. Bởi vì bộ não của con là vô giá, khá đúng với nghĩa đen luôn.
Điều này làm dấy lên một điểm đáng chú ý.
Ví dụ, bạn mua chiếc lò vi sóng trị giá 100 đô-la, nhưng khi mở bao bì ra thì bạn không tìm thấy bản hướng dẫn sử dụng. Nếu giống như đa số mọi người thì bạn sẽ hành động theo một trong những cách sau:
Toàn bộ công sức bỏ ra chỉ vì một chiếc máy đơn giản và khá rẻ tiền. Thế nhưng khi đứa con của chúng ta được sinh ra, bên trong chiếc đầu nhỏ của con mang theo một tổ chức hữu cơ phức tạp và vô giá nhất vũ trụ, ta lại không hề nhận được một bản hướng dẫn sử dụng nào.
Chúng ta được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn - để giúp trẻ học cách vận hành điều kỳ diệu của tự nhiên này - mà không có bất kỳ hướng dẫn nào.
Có gì ngạc nhiên không khi mọi ông bố bà mẹ đều có những lúc cảm thấy bị quá tải?
Với một chiếc máy đơn giản như lò vi sóng, chúng ta vẫn có thể sử dụng nó mà không cần hiểu cơ chế điện tử hay vật lý đằng sau sự vận hành của nó.
Tất cả chúng ta đều có khát vọng bẩm sinh - một xu hướng tự nhiên - đối với việc học hỏi, nhưng đáng buồn là đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 tiểu học, nhiều người đã đánh mất tình yêu đó. Đối với một số người, tình yêu đó sẽ không bao giờ trở lại.
Cách thức học hỏi của chúng ta là một sự kết hợp của bản chất tự nhiên và sự nuôi dạy. Tất cả chúng ta đều có cách học riêng của mình - sự kết hợp đặc biệt giữa ý niệm và quá trình, vốn cũng thuộc sở hữu của riêng chúng ta hệt như dấu vân tay hay DNA - và nếu cực kỳ may mắn thì cách thức đó tương thích với hệ thống đang giáo dục chúng ta.
Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn đến thế.
Trong một hệ thống coi trọng những cái đầu tư duy có tổ chức truyền thống, đánh giá cao những người học hỏi qua thị giác và những đứa trẻ có khả năng nhận biết tốt qua thính giác, thì một học viên xử lý thông tin qua các giác quan và cảm xúc của mình, hoặc phản ứng một cách bản năng với những nhiệm vụ học tập có tổ chức sẽ vô cùng bất lợi trong cuộc đua giành thứ hạng cao và sự công nhận trong lĩnh vực học thuật.
Tuy nhiên, khi được nuôi dưỡng và khuyến khích thì chính những đặc trưng này có thể được tận dụng để xây dựng một cuộc sống thành công và thỏa mãn về tinh thần - như những gì các nhà vô địch có thành tựu to lớn đã chứng minh.
Bí quyết chính là việc nhận ra ưu và khuyết điểm trong cách học của trẻ - cách trẻ xử lý thông tin một cách tự nhiên và những phương thức học khiến trẻ gặp trở ngại.
Trong một thời gian dài, những đứa trẻ thuận tay trái bị buộc phải học cách viết bằng tay phải. Ngành khoa học thần kinh và tâm lý học nhận thức đã chứng minh tác hại về lâu về dài thường đi kèm với hành động này, cũng như những khó khăn trong việc học mà nó có thể gây ra cho đứa trẻ bị ép buộc sử dụng bên “không thuận” của mình - các vấn đề như chứng khó đọc và khó viết (xem Phụ lục 3 ).
Ngoài những khó khăn về thể chất cùng các vấn đề có liên quan đến chức năng vận động, nghiên cứu cũng cho thấy rằng tình trạng này có thể gây ra tác động vô cùng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, cụ thể là trạng thái cảm xúc của trẻ đối với bài tập trong trường.
Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau, cảm xúc là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển những học viên vô địch. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận một sự thật rằng, cũng như việc đứa trẻ thuận tay trái bị buộc phải dùng tay phải để viết sẽ tác động đến cả mặt giáo dục và tinh thần, một đứa trẻ có cách học không bằng đường thị giác hay thính giác cũng có thể gặp phải bất lợi vô cùng lớn trong một hệ thống mà đa số thông tin đều được truyền đạt theo hai hình thức đó.
Cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan là người thuận tay phải, còn một cựu vận động viên vĩ đại khác của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, David Robinson, là người thuận tay trái. Thế nhưng hãy xem một đoạn video ghi lại trận đấu của họ và bạn sẽ thấy được một điều đáng ngạc nhiên.
Cả hai nhà vô địch này đều dùng cả tay trái và tay phải để ném bóng, rê bóng và chuyền bóng - thậm chí là chặn bóng - tùy vào yêu cầu của mỗi tình huống.
Bất kỳ vận động viên bóng rổ nào muốn leo lên đỉnh thành công cũng phải phát triển cả những mặt mạnh và yếu của mình để có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả trong trận đấu.
Tương tự đối với các cầu thủ bóng đá thuận chân trái hoặc chân phải. Khi được lựa chọn thì các cầu thủ luôn thích sử dụng bên thuận của mình - nhưng thường thì tình huống sẽ không cho họ lựa chọn, và thế là cầu thủ nào biết rèn luyện bản thân để vượt ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình sẽ là người thành công.
Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho phương thức học.
Tất cả chúng ta đều có khả năng cải thiện điểm yếu trong lúc phát huy tối đa các thế mạnh của bản thân.
Vai trò của cha mẹ và thầy cô là nhận ra những ưu và khuyết điểm đó, đồng thời tìm cách nuôi dưỡng ưu điểm và cải thiện khuyết điểm.
Một người học biết cân bằng là một người học hiệu quả, nhưng sự cân bằng không phải tự nhiên mà có, mà nó đòi hỏi sự quan sát, rèn luyện và lên kế hoạch. Và một trong những cách hữu hiệu nhất để đạt được điều này là tập trung vào sự liên kết cảm xúc mà chúng ta đang nỗ lực tạo ra giữa đứa trẻ và thông tin mà trẻ sẽ học.
Để được xử lý hiệu quả - được chủ động tiếp thu - chủ đề phải có sự liên quan và kết nối với những cảm xúc tích cực và để lại một ấn tượng lâu dài.
Điều chúng ta học sẽ quyết định chúng ta là ai - từ những thành tựu học thuật cho đến sự tự nhận thức và những giá trị của bản thân.
Bậc cha mẹ nào cũng muốn giúp con cái xây dựng tương lai thông qua giáo dục và hình mẫu cá nhân, nhưng đa số lại không thể dành nhiều năm trời cho việc tìm hiểu cũng như tổng hợp các nghiên cứu trong các lĩnh vực đa dạng như tâm lý giáo dục và hành vi, thần kinh học, học thuyết giáo dục và sinh lý học.
Các bậc phụ huynh và những người trưởng thành khác “nằm ngoài” hệ thống giáo dục rất thường cảm thấy bất lực vì phải đương đầu với những thuật ngữ và hàng đống thông tin liên quan đến trải nghiệm học tập của con.
Ngay cả các giáo viên - những chuyên gia giáo dục tận tâm - cũng thấy vô cùng mệt nhọc để theo kịp những nghiên cứu mới nhất. Vậy làm sao chúng ta có thể kỳ vọng các bậc phụ huynh tận tụy có thể làm được điều đó?
Giống như mọi chế độ quan liêu khác, hệ thống giáo dục có thể gần như quay lưng lại với chính những người mà nó phải phục vụ.
Đây không phải là lỗi của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà chỉ là bản chất của “con quái vật”. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cha mẹ và các bên quan tâm khác sẽ thấy rằng họ gần như không thể có được thông tin mà họ cần để giúp họ thực hiện vai trò hỗ trợ cho tương lai của các con về mặt trí tuệ và cảm xúc.
Dạy Con Tư Duy được thiết lập để lấp đầy khoảng trống này - để vượt qua cảm giác quá tải và mang đến sự hướng dẫn cũng như thông tin có thể tiếp thu được, cùng với một vài biện pháp thiết thực cho những thử thách thực tế mà nhiều người trẻ và cha mẹ của họ phải đối mặt hôm nay. Chúng tôi biết rằng thay đổi là một quá trình chậm đến mệt mỏi, đặc biệt là trong giáo dục, nhưng nó sẽ diễn ra nhanh hơn nếu cha mẹ và thầy cô ý thức được nhiều hơn về vô vàn khả năng mà khoa học đang bày ra trước mắt chúng ta - nếu ta có thể đạt được “điểm bùng phát” trong nhận thức, thứ sẽ buộc sự thay đổi phải xảy ra.
Ngạn ngữ Pháp có câu “Chúa luôn đứng bên phía binh đoàn mạnh”, hay “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Càng ngày chúng ta càng biết nhiều hơn về cơ chế làm việc của bộ não con người, và mỗi một điều được khám phá sẽ xây đắp dần cho quan niệm, hiểu biết của chúng ta về tư duy và quá trình học tập. Tuy nhiên, bất chấp những sự tiến bộ vượt trội này, chúng ta chỉ mới biết được một ít bề nổi của vấn đề.
Một trong những mục tiêu chính của cha mẹ là thành tích học tập của con – “một khởi đầu tốt đẹp” trên đường đời. Nhưng bản thân thành tích học tập chỉ, và nên, là một phần trong một mục tiêu to lớn và tham vọng hơn nhiều.
“Tư duy nhà vô địch” là điều kiện tiên quyết cho sự thành công đích thực. Đặc điểm của nó là sự linh hoạt và tháo vát trong việc giải quyết các vấn đề không thể lường trước, đồng thời mang đến sự hiểu biết thấu đáo, cảm thông cũng như tinh thần trách nhiệm khi đối mặt với những xung đột không thể tránh được trong cuộc đời.
1.7: Những Hướng Đi Mới
“Chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng. Không phải ai lang thang cũng là người lạc lối.”
J. R. R. Tolkien
Khi có ý định viết những quyển sách này, chúng tôi từng nghĩ đến việc chỉ đơn giản sử dụng vốn kinh nghiệm tương tác lâu năm với người trẻ tuổi và gia đình họ, rồi sản xuất - như kiểu sản xuất ra một lò vi sóng vậy - một quyển sách về những điều nên làm và những điều không nên làm, những phương pháp ứng dụng mà chúng tôi biết là có hiệu quả cùng với những chỉ dẫn đơn giản dễ áp dụng.
Tuy nhiên, mặc dù những điều đó đúng là một phần trong cấu trúc của loạt sách này, chúng tôi đã phải cưỡng lại cám dỗ giới hạn nội dung quyển sách theo cách đó, bởi lẽ nhiều năm kinh nghiệm đã cho chúng tôi biết rằng đối với trẻ em hay người lớn, việc được chỉ bảo những điều nên làm là chưa đủ. Đối với hầu hết chúng ta, ít nhất thì “lý do” cũng quan trọng như “cách thức”.
Để đạt được những thay đổi bền vững và ý nghĩa trong cách làm (hoặc nhìn nhận) sự việc, chúng ta phải có khả năng đưa sự thay đổi đó vào một bối cảnh rộng lớn hơn.
Với mục tiêu đó, các phương pháp thực hành không thể được trình bày rời rạc mà nhất định phải là một phần trong kiến thức tổng thể về cách học của chúng ta.
Cuộc đời là một hành trình dài và đòi hỏi nhiều thứ - nhất là đối với lớp trẻ hiện nay. Và việc chuẩn bị cho một cuộc sống ý nghĩa thì bao gồm nhiều thứ hơn chứ không chỉ gói gọn trong chương trình giáo dục cơ bản.
Trong vai trò cha mẹ và thầy cô, nhiệm vụ của chúng ta là dẫn dắt và hướng đạo ngay cho các con trong những chặng đường đầu tiên của cuộc hành trình đó. Khi đặt chân lên con đường đó, đôi lúc ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có trong tay bảng chỉ dẫn hay một tấm bản đồ giúp ta đoán được chặng đường phía trước.
Dạy Con Tư Duy có thể không dự tính hết được những thay đổi hay bước ngoặt của con đường, nhưng nó có thể gợi mở một phương hướng. Nếu có thể giúp người lữ khách tránh được vài chỗ rẽ sai và những ngõ cụt phía trước, vậy thì quyển sách này đã đạt được mục đích của nó.
Đối với những độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn về một số vấn đề trọng yếu, chúng tôi có đưa vào phần phụ lục ở cuối sách một số thông tin chi tiết hơn về những khám phá mới nhất hoặc các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục, thần kinh và tâm lý học hành vi/nhận thức.
Chúc bạn may mắn và hãy tận hưởng cuộc hành trình...