“Hai con đường cùng dẫn đến một cánh rừng, và tôi…
Tôi đã chọn con đường chẳng mấy ai đi,
Và điều đó đã tạo nên mọi điều khác biệt.”
Robert Frost
Con đường chẳng mấy ai đi
Một buổi sớm mai, một người đàn ông đứng đơn độc trên ngọn đồi. Dưới tầm mắt anh là thảm cây xanh rờn của vùng ngoại ô đang trải dài, cùng mái vòm bất tận của bầu trời phía trên. Xa xa nơi chân trời, một con diều hâu đang bay lượn thư thả và đầy kiêu hãnh giữa nền trời xanh thẳm.
Gió nhẹ nhàng mơn man trên đôi gò má anh. Mọi vật thật bình yên. Nhắm mắt, anh tưởng tượng mình đang tung cánh cùng chú chim và cả thế giới đang cuộn mình dưới chân anh. Anh cảm thấy cơ thể mình nhẹ bẫng như mây, và giây phút ấy anh chẳng bận tâm điều gì.
Bên trong, trái tim anh đang chậm rãi đập từng nhịp. Hóa chất tăng giảm đều đặn, giúp điều hòa vũ trụ bên trong cơ thể anh, mang đến cho não một hỗn hợp cốc-tai phức tạp của các chất dẫn truyền thần kinh - dopamine, serotonin, endorphin, acetylcholine và noradrenaline - để xoa dịu anh, lắng đọng những suy nghĩ của anh, xóa đi những áp lực của cuộc sống thường nhật đè nặng trên các bó cơ của anh.
Bên trong não của anh, nhịp alpha chi phối các bước sóng dài và ổn định mang đến sự an tĩnh.
Và khi cho phép tâm trí được tự do bay nhảy, anh nhớ lại...
Những ngón tay bé nhỏ dịu dàng nắm lấy tay anh. Có lẽ là một nụ hôn nữa. Bước đi chập chững đầu tiên của con trai anh. Một dòng trong bài hát mà anh yêu thích...
Điều gì khiến trí tưởng tượng bay bổng, hướng dẫn trái tim phải đập và giúp hồi ức tuôn trào?
Bây giờ hãy đặt nhân vật của chúng ta trên cùng ngọn núi đó, nhưng vào giữa một cơn bão tuyết mùa đông, khi mà không gian u tối với những tia sấm chớp vang lên từ bầu trời vần vũ. Hãy giội xuống đầu anh thêm một cơn mưa đá, hãy khiến trái tim anh ngừng đập bằng một tiếng sấm rền vang.
Bên trong cơ thể anh, những sự thay đổi diễn ra trong một nhịp tim. Được kích hoạt bởi những tín hiệu từ hạch hạnh nhân và hệ viền, adrenaline dâng trào trong mạch máu của anh.Trái tim anh đập liên hồi và cơ bắp thì căng ra cho phản ứng “đánh hay chạy”. Bộ não của anh chìm đắm trong nhịp điệu beta, giúp anh sẵn sàng ứng phó với những hiểm nguy mà anh tưởng tượng đang diễn ra xung quanh mình.
Và những hình ảnh trào dâng trong tâm trí anh, u ám hệt như đám mây vần vũ trên cao...
Một tương lai đen tối không thể tránh khỏi của một vụ sét đánh, chiếc xe tang chậm rãi lăn bánh, và vợ anh cô quạnh trong tang phục ảm đạm.
Điều gì đã bao trùm sự u ám này lên trí tưởng tượng của anh – thứ đang khiến cơ thể anh nhộn nhạo vì một điềm báo khủng khiếp và phủ kín tương lai anh bằng nỗi tang thương?
Câu trả lời rõ ràng là đây: phản ứng của con người chúng ta là một tổ hợp của suy nghĩ, cảm xúc, quá trình hóa sinh và trí nhớ. Tất cả đều phối hợp hoạt động với nhau theo một cách nào đó.
Có lẽ câu trả lời đã khá rõ ràng. Nhưng cũng như bao câu trả lời rõ ràng khác, nó đặt ra nhiều thắc mắc hơn là lời giải.
Chúng ta là tạo vật của tư duy nhưng cũng biết cảm nhận, hay là tạo vật của cảm xúc nguyên sơ nhưng cũng biết tư duy? Sự khác biệt giữa hai điều đó là rất lớn.
Chính xác thì suy nghĩ là gì? Cảm xúc là gì? Ký ức là gì?
Có phải nhận thức của chúng ta về bản thân và về mục đích - bản tính chân thật nhất của ta - chẳng có gì hơn là sự tương tác của các chất hóa sinh nhất định nào đó, những mạch điện sinh học ngắn và “hệ thống mạch phản hồi hữu cơ” tinh vi?
Tất cả chúng ta đều có khái niệm về cách ta tư duy, cảm nhận, ghi nhớ, nhưng quá trình thật sự diễn ra bên trong cơ thể ta để tạo ra những hiện tượng trên có tương ứng với trải nghiệm chủ quan của ta chút nào hay không?
Trong suốt vài thập kỷ qua, chúng ta đang tiến gần hơn một chút đến việc trả lời những câu hỏi trên và hàng triệu câu hỏi khác về tâm trí con người. Thế nhưng, trước đại dương sâu thẳm vô tận của tri thức đang trải dài đến đường chân trời và vượt xa hơn nữa, chúng ta chỉ đang đứng trên bờ biển, với những ngón chân khẽ chạm đến làn nước đại dương.
Đương nhiên, là con người, chúng ta khao khát được biết nhiều hơn, và là con người, chúng ta sẽ dong buồm tiến vào lòng đại dương đó, để học hỏi thêm một chút và thêm một chút nữa, để hiểu sâu hơn, để hướng đến đường chân trời bằng từng bước chân khám phá. Đó là vai trò của các nhà nghiên cứu và nhà khoa học: tìm ra những hạt mầm chân lý bé nhỏ giúp thắp lên những ý tưởng mới, những giả thuyết mới, từ đó truyền cảm hứng cho những nghiên cứu mới.
Tuy nhiên, còn có những phương thức khác để nhìn thấy bên kia đường chân trời...