Nếu nhìn vào cuộc chiến giữa giới tư bản và lực lượng lao động đang diễn ra rất dữ dội ngày nay, chúng ta có thể thấy được lợi ích của triết học. Hãy lấy John L. Lewis làm ví dụ và xem xét con người lẫn hành động của ông ấy. Rõ ràng, mục đích của ông ấy là giành quyền kiểm soát cả nền công nghiệp và chính phủ, và cho đến lúc này, có vẻ như ông ấy đang trên đà chiến thắng. Dường như tất cả mọi lợi thế đều nghiêng về phía ông ấy. Ngay cả những người lãnh đạo chính phủ cũng tạm thời nghiêng về phía Lewis. Nhưng những sự việc này chỉ dễ dàng đánh lừa những ai không đi sâu nghiên cứu về nguyên nhân và kết quả.
“Gieo nhân nào, gặt quả nấy.(42)”
(42) Văn bản gốc: ‘‘Whatsoever a man soweth that shall he also reap.’’ – trích trong Kinh thánh Galatians, câu 7, chương 6.
Từ câu nói ngắn gọn đó, bạn có thể tìm ra câu trả lời cho những gì sẽ xảy ra với Lewis và tất cả những ai khuyến khích hay ủng hộ ông ta. Bạn không cần phải là một triết gia tài giỏi hay một nhà tiên tri để có thể đoán trước những gì sẽ xảy ra với Lewis. Rồi ông ấy nhất định cũng sẽ bị đào thải, bởi tác động của một quy luật bất di bất dịch, tựa như quy luật của cái chết.
Và nguyên do của vấn đề này đó là có nhiều nhà lãnh đạo phá hủy thay vì xây dựng. Thời gian là kẻ thù không đội trời chung của những kẻ chỉ biết phá hoại nhưng là người bạn thân thiết của những người muốn xây dựng. Không ai trên đời có thể thay đổi quy luật này. Không một tổng thống hay chính trị gia nào có thể giúp Lewis chặn đứng quy luật này. Hãy đánh dấu và ghi nhớ câu nói này: khi thời điểm kết thúc sự nghiệp chính trị của ông ấy đến, nó sẽ đến như là kết quả của những hành động của chính ông, còn sức mạnh dẫn đến hồi kết của ông sẽ đến từ những người mà hiện tại ông gọi là người ủng hộ mình.
Nhân công Mỹ có thể không được đào tạo bài bản nhưng họ có lương tri chất phác. Khi hồi tỉnh, bởi họ luôn như vậy khi đối mặt với khủng hoảng quốc gia, ho dường như biết nên làm gì và có dũng khí để làm điều đó.
Trong khi nhắc đến Lewis, chúng ta cũng hãy chú ý đến những người phản đối ông. Lewis đã định đoạt cho số phận của mình, thế nên chẳng ai có thể làm điều gì khác cho ông.
Đối với những chủ lao động mà Lewis đấu tranh quyết liệt, tình hình sẽ khác. Mặc dù, đa số họ đã phạm những sai lầm chết người trong cách đối xử với người lao động, nhưng họ vẫn còn thời gian để tự cứu lấy chính mình. Bất kỳ người chủ lao động nào chọn làm thế có thể thiết lập – ngay lập tức và vĩnh cửu - hàng rào chống lại Lewis và triết lý của ông ấy, một hàng rào mà cả những nhà lãnh đạo của chính phủ Hoa Kỳ lẫn Lewis đều không thể tháo dỡ được.
Cách đây hơn 20 năm, Henry Ford gần như đã nhận ra hàng rào đó khi ông trả lương cho nhân viên với mức tối thiểu là 5 đô la một ngày. Walter Chrysler(43) cũng tin vào điều này khi ông tình nguyện tăng lương cho nhân viên của mình với tổng giá trị hơn 50 triệu đô la. Nhưng hành động của cả hai quý ông này đều chưa đủ.
(43) Walter Chrysler (2/4/1875- 18/8/1940): Ông là người khai sinh ra dòng xe Chrysler danh tiếng một thời.
Có một giải pháp khả thi cho những người chủ lao động và cho cả Lewis về vấn đề này, đó chính là một đạo luật mà không một tòa án tối cao nào có thể lật ngược hay tuyên bố là trái hiến pháp. Đó chính là Nguyên tắc Vàng - nguyên tắc kết hợp và áp dụng đa dạng những điều tôi đã cố gắng trình bày.
Nếu Walter Chrysler qua mặt L. Lewis và thỏa thuận trực tiếp với nhân viên khi ông tuyên bố tăng lương 50 triệu đô la và thẳng thắn nói với họ là từ nay về sau, họ là đối tác kinh doanh của ông, và như thế họ sẽ được chia lợi nhuận giống như những cổ đông (những người mua cổ phần hưởng lợi nhuận ứng với tiền đầu tư) thì Walter Chrysler đã ngăn chặn Lewis mãi mãi.
Tất nhiên, cần phải có những điều kiện gắn với đặc quyền được mở rộng đến những người được chia sẻ lợi ích, một trong số chúng là họ phải thay đổi thái độ tinh thần và dành cho công việc không chỉ là khoản thời gian nhất định mà phải là một tinh thần luôn sẵn sàng làm việc hết mình. Kèm theo yêu cầu là một danh sách hoàn chỉnh các điều kiện mà theo đó, nhân viên sẽ được chia sẻ lợi nhuận. Những điều kiện là “Dịch vụ của Nguyên tắc Vàng đổi lấy sự thanh toán của Nguyên tắc Vàng”.
Khi khước từ quan điểm này dựa trên cơ sở đó chỉ là một học thuyết hoặc vì nó quá duy tâm, chúng ta hãy xem xét một khía cạnh khác. Nếu người chủ tình nguyện chia sẻ lợi nhuận cơ bản trong kinh doanh cho nhân viên, thì ông ấy sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn so với việc chỉ đơn thuần trả lương cho họ theo cơ chế cũ. Lợi ích trước hết chính là người lao động sẽ mang lại nhiều giá trị hơn, với chất lượng cao hơn. Theo lối cư xử của Nguyên tắc Vàng, người chủ sẽ trả thêm một khoản tiền cho nhân viên, chưa kể đến khoản tiền tiết kiệm được trong cuộc đình công và thiệt hại tài sản. Arthur Nash đã chứng minh rằng quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa, số tiền hiện đang được nhiều chủ lao động dùng để chống lại Lewis và các nhà lãnh đạo lao động khác, nếu được chuyển trực tiếp đến người lao động theo một kế hoạch làm việc thực tế nào đó dựa trên Nguyên tắc Vàng, sẽ đủ để trả phí cổ tức cho nhân viên.
Trong tất cả các cuộc xung đột giữa tư bản và lực lượng lao động này, các bên tranh đấu và hầu hết mọi người dường như không hiểu hết ý nghĩa của từ tư bản. Tư bản và lao động gồm ba yếu tố, cụ thể là:
1. Người lao động sử dụng cơ bắp của họ để làm việc.
2. Tiền hoặc tài sản tương đương của nó dưới hình thức tín dụng.
3. Trí tuệ để quản lý và hướng dẫn việc sử dụng lao động và tiền bạc.
Trong ba mục trên, yếu tố cuối cùng là quan trọng nhất bởi hiếm có trí tuệ nào có thể quản lý và điều khiển nỗ lực của con người, cũng như tiết kiệm và sử dụng tiền một cách thông minh. Trong hàng ngũ lao động, có rất ít những người có trí tuệ như thế, kể cả những người được gọi là nhà lãnh đạo lao động. Trong 10.000 người lao động không một ai có thể hoặc sẽ quan tâm đến việc đảm nhận trách nhiệm quản lý nếu cơ hội đó được trao cho anh ta dễ dàng mà không đòi hỏi bất kỳ nỗ lực nào. Sự thật này đã quá rõ ràng đến nỗi không cần bằng chứng để chứng minh.
Trí tuệ để quản lý tư bản không chỉ dẫn dắt và điều khiển hiệu quả nỗ lực của con người mà còn tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm làm ra. Trí tuệ đó cũng đòi hỏi khả năng tinh thông ở kiến thức và tay nghề mà chúng ta không thể tìm thấy trong các hàng ngũ lao động, trừ những trường hợp hiếm hoi.
Sản phẩm của người lao động phải được phân phối từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Điều đó đòi hỏi sự quản lý chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực phân phối.
Quả thật có vẻ kỳ lạ khi người lao động lầm lẫn tin rằng vấn đề của họ sẽ được giải quyết khi bổ nhiệm Lewis làm người đại diện phát ngôn cho họ. Điều lớn nhất mà một nhà lãnh đạo lao động có thể làm là thu phí thành viên công đoàn và gây khó khăn cho người chủ lao động bằng cách ràng buộc công việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết vấn đề của người lao động, mà chỉ khiến nó thêm phức tạp thôi.
Thực tế không một trí tuệ đơn lẻ nào tự nó là hoàn thiện cả. Những người thành công trong cuộc sống khi đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào cũng đều thông qua sự liên minh với các trí tuệ khác, ở một mức độ nhất định. Xung quanh Carnegie là những nhà khoa học, hóa học, kỹ thuật và cố vấn kinh doanh có trình độ chuyên môn cao và ông trả lương rất cao cho họ.
Nếu không có sự hợp tác nhiệt tình từ họ, có lẽ Carnegie đã không tích lũy được tài sản lên đến hàng triệu đô la. Điều cần ghi nhớ là, ông ấy đã trả lương cho họ rất cao.
Giả sử rằng một số nhà lãnh đạo lao động dưới sự viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ khiến những nhà máy thép lâm vào tình trạng khó khăn và dẫn đến phá sản, sau đó họ tiếp quản chúng.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Ai sẽ điều hành những nhà máy đó?
Ai sẽ bỏ tiền ra để chúng hoạt động trở lại? Ai sẽ bán sản phẩm của nhà máy? Ai sẽ vận chuyển nguyên liệu đến nơi cần thiết?
Liệu Lewis có thể điều hành nhà máy thép hoạt động hiệu quả như Charles M. Schwab hay Girdler hay Myron Taylor chăng?
Liệu có một ai trong toàn tầng lớp lao động có thể làm được như thế? Cá nhân tôi nghi ngờ về điều đó!
Đây là một vài câu hỏi mà cả giới tư bản và lực lượng lao động nên hỏi và trả lời trước khi sẵn sàng triệt tiêu lẫn nhau.
Cha chung không ai khóc! Vì thế, bên thích hợp để chủ động giải quyết xung đột dĩ nhiên là những người kiểm soát tư bản.
Thực tế, chỉ có họ mới có thể chấm dứt xung đột vì họ có khả năng điều khiển cơ cấu kinh tế, tài chính, công nghiệp to lớn của một quốc gia. Tổ chức người lao động rõ ràng là một chính nghĩa đáng được xem xét. Thực tế, đó là một chính nghĩa lớn lao đến mức nó được quyền và cần phải có những người lãnh đạo như Lincoln, những người có ý thức về công lý, tính cách điềm đạm và trên hết là một trái tim chân thành. Ngày nay không ai được quần chúng biết đến trong hàng ngũ lãnh đạo lao động có thể đáp ứng được những yêu cầu này. Hơn nữa, hầu hết những nhà lãnh đạo lao động bị quần chúng và cả những người ủng hộ họ coi là thiếu khả năng đàm phán theo kiểu thương nghiệp với những người thuộc cấp quản lý tư bản.
Điều này nghe chẳng hay ho tí nào nhưng nó có một đặc trưng để bù trừ: đó là sự thật.
Tất cả những điều trên chỉ là một lý do khác nữa giải thích tại sao trách nhiệm trong việc chủ động giải quyết tranh chấp lao động lại đổ lên vai các nhà tư bản. Sức mạnh và trí thông minh vượt trội, dẫu có được tìm thấy ở đâu đi nữa, đều gắn liền với trách nhiệm củ a nghĩa vụ và sự khôn ngoan trong việc sử dụng chúng.
Mỗi vấn đề đều có một giải pháp. Thông thường, người thích hợp nhất để giải quyết vấn đề là người không liên quan hay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vấn đề đó.
Vâng, có một giải pháp cho mánh lới lao động này! Và chúng ta hãy gọi nó bằng đúng cái tên của nó bởi vì nó là một mánh lới rõ ràng, thảm khốc và hạ thấp giá trị. Có hai nhóm người chịu tổn thất lớn nhất từ sự mánh lới này. Một nhóm là nạn nhân bất hạnh, bị ép buộc hay lừa gạt để nộp phí thành viên, nhóm còn lại là cộng đồng, họ sẽ chịu mọi hậu quả khi mánh lới này kết thúc.
Đã đến lúc hai nhóm người này ngồi lại bàn bạc với nhau và chấm dứt mánh lới trên. Do đó, chúng tôi đề xuất rằng mỗi người chủ lao động nên tuyên bố ngay lập tức, rằng từ nay việc kinh doanh của anh ta sẽ được điều hành bởi ban quản lý đại diện cho cổ đông và người lao động, phân chia lợi nhuận công bằng theo Nguyên tắc Vàng. Chúng tôi cũng đề xuất rằng mỗi người chủ nên bổ nhiệm một ban cố vấn gồm những người có uy tín và không vụ lợi của cộng đồng để ngồi lại cùng hai nhóm người đại diện cho tư bản và lao động, nhằm tạo nên nhóm đại diện cho bên thứ ba, đó là cộng đồng.
Nếu bất kỳ nhà tư bản công nghiệp nào đã tuyên bố như thế và thực hiện nó bằng hành động thì tất cả những nhà lãnh đạo lao động sẽ được chào đón trong hàng ngũ nhân viên của doanh nghiệp.
Tư bản có sức mạnh trí tuệ lớn lao! Vậy thì tại sao không ai trong nhóm người đó nhận ra cơ hội này, trở nên thông minh thực sự và chấm dứt mãi mãi những kẻ cướp đã gây ra mất mát to lớn cho tư bản và lao động mỗi năm?
Giờ là cơ hội cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp khiến bản thân và doanh nghiệp của mình trở thành bất tử, bằng cách bán ý tưởng này cho các nhà tư bản công nghiệp và cộng đồng. Điều này chỉ mang lại hiệu quả cao nhất thông qua hành động chứ không phải lời nói.