A
nh P.V vừa cất xong cái nhà, mời bạn bè cùng cơ quan đến chơi cho biết. Ai cũng được anh dắt đi một vòng, giới thiệu phòng con gái, con trai, phòng vợ chồng anh, giới thiệu tầng thượng với nhiều cây hoa đẹp. Rồi mười người như một, ai cũng hỏi vậy thì cái phòng dưới trệt dành cho ai mà anh cũng trang bị đầy đủ không thiếu tiện nghi gì? À, phòng của ông bà già!
Thực tế, ba mẹ anh P.V hiện vẫn sống ở quê. Anh có bốn anh em, tất cả đều sinh sống và làm việc rất ổn định ở thành phố, ai cũng đủ điều kiện và muốn đón ba mẹ về ở nhưng ông bà không chịu. Mỗi lần khơi ra chuyện này, mẹ anh nói cho qua truông, thôi thì ba mẹ còn lo cho nhau được thì cứ sống ở đây, khi nào chết đi một người hãy tính. Trước sau gì cũng có lúc nương tựa các con. Anh P.V hiểu tâm lý người già, cố gắng độc lập được chừng nào hay chừng đó. Nuôi con từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ nào cũng miệt mài cho đi chứ ít khi mong ngày hái quả. Nhưng nghĩ cảnh hai thân già đỡ đần, chăm sóc nhau ở miền quê gió cát, anh lại thấy không an lòng, nhất là khoản trái gió trở trời, chuyện chăm sóc y tế không thể nào như ở phố được. Giờ cất nhà mới, dù biết thuyết phục ông bà vào ở chung là khó, vợ chồng anh vẫn quyết định chuẩn bị sẵn sàng hết để ba mẹ anh ấm lòng và mỗi khi vào thăm con cháu, ông bà luôn có một không gian riêng, thuận lợi và thoải mái. Vì là dân kiến trúc, căn phòng đó quả thực là niềm mơ ước của không ít người. Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong kiến trúc cho người già, phòng ba mẹ anh ở ngay tầng trệt, mở cửa ra là gặp phòng khách để dễ dàng gặp gỡ bất cứ ai trong nhà; bàn thờ tổ tiên cũng gần đấy, ông bà tha hồ mà hương hỏa; toilet riêng trong phòng lát gạch chống trơn trợt. Trong phòng, anh bố trí hai cái giường riêng, cách nhau một cái tủ đầu giường, một cái radio và cả một cái chuông nội bộ.
Còn cha mẹ già để lo lắng phụng dưỡng là một cái phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để dành sẵn phòng riêng với đầy đủ tiện nghi cho cha mẹ mình như anh P.V. Sau khi thăm nhà anh P.V về, chị Nh. càng ngậm ngùi thương người cha già đang sống cùng gia đình mình. Không có nhiều tiền, vợ chồng chị cùng vợ chồng cậu em ruột hùn tiền nhau mua một căn hộ lầu 4 chia lại từ dân tái định cư kênh Nhiêu Lộc để ở. Sau khi mẹ mất, không thể để ông già một mình trơ trọi ở quê, hai chị em chị nhất định “bắt cóc” bố mình là ông Tư về phố ở cùng con cháu. Thời gian đầu tạm ổn vì ông còn khỏe, tự lên xuống cầu thang nên cũng có bạn bè, cũng tập thể dục rồi tán gẫu với mấy người bạn già trong khu phố nên tinh thần ông cũng có phần tươi mới. Lúc đó, bốn đứa cháu còn nhỏ, rúc vô ngủ chung phòng với bố mẹ chúng ở hai phòng riêng, còn ông Tư thì khăng khăng đòi ngủ ở phòng khách trên cái giường chiếc cho nó thoáng. Bây giờ, bốn đứa cháu bắt đầu lớn, tràn hết ra phòng khách học hành, sinh hoạt rồi ngủ la liệt dưới chân ông. Căn hộ 55m2 cho hai cặp vợ chồng, bốn đứa cháu vừa nội vừa ngoại đang sức học sức lớn cùng một ông già đã không còn khả năng ra ngoài giao tiếp với bạn già. Những bất tiện trong sinh hoạt mỗi ngày một lớn. Điều may mắn duy nhất còn lại trong ngôi nhà này là, lòng yêu thương và nhường nhịn đã khiến cho không gian đỡ bức bối hơn. Đã sống ở đồng ruộng khoảng khoát một thời gian dài, giờ nhốt mình ở một căn hộ bé tí ở “trên trời” và không còn bất cứ “chốn lùi” nào nữa, nhiều khi ông Tư thấy ngột ngạt không chịu nổi. Nhưng, nén hết mọi bất tiện lại, ông Tư nhủ mình phải tỏ ra thoải mái, để không làm vướng bận tâm trí mấy đứa con không mấy khá giả còn đang mưu sinh mướt mồ hôi từng ngày ngoài phố.
Trong kiến trúc, liệu có thật có một không gian gọi là không gian cho chữ hiếu và một người già, khi đi lại, hít thở trong không gian đó sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn không? Người ta có thể gạch đầu dòng cho những điều khoản rất cụ thể trong tiêu chí xây dựng, thiết kế kiến trúc. Kiến trúc sư chuyên nghiệp sẽ biết phòng của người già nên đặt ở đâu, phải thế này cần thế nọ, màu sắc, vật liệu phải ra sao, vân vân. Nhưng, kiến trúc sư không thể biết được vô số thứ thuộc về sở thích mà chỉ những đứa con đủ yêu thương và tinh tế mới hiểu được cha mẹ mình. Có thể chủ quan theo lối nghĩ Á Đông, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, người già, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, thì cái nệm êm ái nhất để họ ngả lưng chính là sự thành đạt của con cháu, là không khí đầm ấm ngọt ngào riêng của từng gia cảnh. Một người già, ngủ rồi ra đi mãi mãi trong căn nhà mênh mông của mình và phải đợi đến bảy tám ngày sau mới có hàng xóm phát hiện là một nỗi ám ảnh. Có thể chật chội một chút, có thể nóng nực và bất tiện đủ điều, nhưng ra đi trong vòng tay yêu thương của con cái thì các cụ mới mỉm cười được.
Theo xu hướng của nước ngoài, nhất là Âu, Mỹ, đã có nhiều nhà dưỡng lão cao cấp được xây dựng lên ở Việt Nam, nhưng có vẻ tình hình kinh doanh không được khả quan lắm. Điều đó cho thấy, sự khác biệt trong tư tưởng vẫn tồn tại và hình như, với người Việt chúng ta, chuyện con cái mang cha mẹ gửi vào viện dưỡng lão, dù là cao cấp cỡ nào cũng là chuyện chẳng đặng đừng; thậm chí, có người xem đó như là một nỗi đau, một sự xấu hổ. Không gian cho chữ hiếu đôi khi không cần phải bỏ nhiều tiền để xây dựng. Cái đáng xây dựng hơn là không gian của tình thân. Dĩ nhiên, nếu có điều kiện để tổ chức một không gian sống dễ chịu, thoải mái thì đâu chỉ người già mà cả người chưa già cũng cần, cũng thích. Hạnh phúc của người già, đôi khi chỉ đến từ cảm giác được quan tâm và yêu thương của con cái. Liều thuốc này phải chăng chính là thứ mà người già cần nhất?