Đ
ề thi: Có một cư dân của hành tinh ngẩn ngơ ngoài trái đất gửi lời mới kết bạn với em trên facebook! Em đã nhấn nút confirm và từ đó, chuyện gì của con người cũng làm nó tò mò vặn vẹo đủ kiểu. Vừa rồi, nó lượm đâu ra không biết một tấm hình về cái bếp Việt, có ba ông Táo và một nồi cơm đang sôi. Em sẽ kể gì với một kẻ không cần ăn uống, mỗi lần sạc năng lượng thì sống được 10 năm về cái bếp ám khói kia?
Bài làm:
1
Mình sẽ kể chuyện tình yêu!
Chuyện của bếp là chuyện tình yêu.
Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nọ rất mực yêu thương nhau, nhưng quê nhà nghèo khó, xoay qua trở lại không thấy được tương lai. Người chồng bèn bàn với vợ ra đi tìm kế mưu sinh. Vợ đòi theo quá chừng mà chồng không cho vì chẳng biết bước đường phía trước lành dữ thế nào. Thôi vợ ở nhà, ba năm sau mà chồng không về thì coi như… không về. Và, người chồng ấy không về thật, khiến vợ tưởng chồng đã chết, để tang chồng ba năm. Thời gian loay hoay ở một mình từ ngày chồng cất bước ra đi tính khoảng bảy năm trời. Trong bảy năm đó, có một người đàn ông chết vợ đem lòng thương nàng, muốn gá nghĩa cùng nàng, đã chờ đợi nàng hết tang chồng mới sắp xếp về ở với nhau. Ai dè chưa ở được bao lâu, ông chồng cũ quay về, bẽ bàng cho nhau hết cỡ, ngậm ngùi nhìn nhau mà không ai nói được câu gì dù chỉ một lời trách móc. Ai cũng chỉ biết tự trách mình nên người này cứ vì người kia mà giã từ cuộc sống. Ông chồng cũ tìm cách chết trước, bà vợ chịu không nổi chết theo. Ông sau cùng nghĩ chắc cũng tại mình mà hai người kia phải giã từ dương thế nên cũng chết quách cho khỏi bứt rứt. Câu chuyện tình yêu xúc động này khiến Ngọc hoàng rưng rưng lệ, bèn cho ba người làm chức Táo quân, canh giữ cái bếp trong mỗi gia đình. Chắc Ngọc hoàng hy vọng, câu chuyện tình yêu vong thân của họ sẽ luôn nhắc nhở loài người hãy sống và yêu thương nhau!
2
Mình vẫn nghĩ rằng, nếu như phòng khách chính là gương mặt của ngôi nhà thì gian bếp chính là trái tim. Bếp tắt thì nhà tan và nhà tan thì bếp tắt. Mới vài mươi năm thôi, bếp đã bước một bước rất dài về hình thức. Từ củi lửa tro bụi, mưa tạt gió lùa trở thành bếp hiện đại sáng choang, giải phóng sức người đáng kể.
Bếp đời mới là bếp gas, bếp hồng ngoại, bếp từ. Nồi niêu thế hệ mới chống dính không cần dùng xơ dừa chùi rửa hư móng tay. Màu sắc nồi thì tươi tắn cam xanh đỏ vàng sinh động chứ không đen thủi một màu lọ nghẹ. Bếp hiện đại còn gắn với bar nữa chứ. Quảng cáo trên tivi thấy hoài, bà nội trợ nào cũng xinh như hoa hậu, sạch sẽ thơm tho hân hoan hí hửng nhận một bó hoa giấu sau lưng ông chồng vừa thành đạt vừa đẹp trai vừa dịu dàng hết cỡ.
Nhưng, chỉ người trong nhà mới hiểu bếp ấy là bếp ấm hay “bếp có mặt” cho hoàn chỉnh ngôi nhà. Phụ nữ tinh ý sẽ biết, làm bếp tóc không thả dài suôn mượt thế đâu. Cơm ngon canh ngọt mà móng tay đỏ chót thế kia thì chắc chắn có giấu một cô giúp việc trong tủ lạnh rồi. Nhưng phụ nữ vẫn thích, nhà quảng cáo tin chắc. Phụ nữ nào cũng thích được yêu thương và bản thân thì đẹp đẽ khi xuất hiện trong “bối cảnh” bếp. Bếp, từ nguồn căn thuở xưa, là nơi trú ngụ của tình yêu sẽ bất kể độ phát triển của thiết bị. Nếu còn tình yêu thì bếp ám khói vẫn là bếp ấm, là bếp hạnh phúc của bất cứ người phụ nữ nào.
Mình có người chị, trước đây chỉ sống với bếp và vô cùng mãn nguyện về điều đó. Chị nói dù có cực nhọc bao nhiêu nhưng nghĩ đến chồng mình đang đói bụng trên đường về nhà, mọi thứ dường như tiêu tan hết. Chồng chị cũng vậy. Cơm Tàu cơm Tây sang trọng cỡ nào cũng không qua được nồi cá kho của vợ. Cho đến khi người thứ ba xuất hiện. Bếp nhà chị giờ cũng sạch sẽ tinh tươm, nhưng lạnh không chịu được. Chị cắm đầu vào việc cơ quan cho hết ngày giờ đợi lúc ra tòa, không cần kho cá nữa. Với chị, giường ngủ chiếu chăn hoang lạnh không khiến chị cay đắng bằng việc lui cui trong bếp mà không biết mặn nồng này ai sẽ thưởng thức cùng! Người ta nói, đàn ông là cái nhà đàn bà là cái bếp, người ta cũng nói, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm! Như hai tam giác đồng dạng, đàn bà và bếp thuộc cùng một góc, góc của yêu thương. Từ nơi ấy, sự sống lan tỏa, từ nơi ấy, ngọn lửa sưởi ấm cho cả ngôi nhà.
3
Nhà nội mình, bếp và trại mộc cùng chung một gian. Thứ gì thải ra của trại mộc đều được bà tận dụng hết. Gỗ thừa làm củi thì hiển nhiên, dăm bào làm mồi nhóm lửa cực kỳ hữu hiệu. Cả mạt cưa cũng không bỏ, bà đắp một cái bếp riêng chuyên đốt mạt cưa. Gian bếp ấy cũng là nơi tụ tập của đội quân cháu con. Trưa hè đang chơi mà đói bụng, thế nào cũng có đứa vô mở tủ lục cơm nguội hoặc nhón tay bốc một khúc cá chiên nội đậy bằng lồng bàn. Mà sao nhớ lại, ăn vụng của nội cái gì cũng ngon lạ lùng. Bếp của bà dường như không còn là bếp nữa mà là ổ thiên đường cho những đứa con nít ham chơi và mau đói bụng. Những cái bếp ngày xưa, mình nhớ nó luôn nằm ở bên chái hoặc sau nhà. Không được quy hoạch vị trí “ngon lành” như phòng khách phòng thờ nhưng tiếng cười của những ngôi nhà ấy xuất phát chủ yếu từ bếp chứ chẳng phải nơi nào khác đâu.
Rõ ràng, đời sống ngày một phát triển, bếp ám khói mỗi ngày một lùi dần vào kỷ niệm. Con trai mình sinh năm 2000, cháu không biết bếp củi là gì cả. Ngày Tết, nhìn bà kê gạch ngoài sân nhóm củi cho nồi bánh tét, nó thích thú vô cùng. Mình để nó tự do thoải mái đưa củi vào đốt, chỉ nhắc nhở cẩn thận tránh bị phỏng hay gây cháy đám lá dừa khô gần đó. Thằng bé mồ hôi nhễ nhại, mặt ửng đỏ vì sức nóng của lửa và tèm lem lọ nghẹ tỏ ra rất hào hứng. Với nó, đó thật sự là một trò chơi. Thằng bé không thể biết rằng, một gian bếp ám khói và đầy lọ nghẹ lại là một ám ảnh dài của đời người, nhất là những người phụ nữ thế hệ của bà và của mẹ nó.