1
Cái thảm chùi chân trước cửa toilet nhà chị làm nhiệm vụ thấm nước nên thường chỉ bị ướt chứ ít khi dơ vì những lý do khác. Nhưng hôm đó, vì quá buồn tiểu nên khi đi làm về, anh xông thẳng vào toilet trước rồi mới bước ra tháo giày cất sau. Có một nhúm cát nhỏ rớt ra thảm. Chúng nằm im đó chờ cơ hội.
Chị tắm xong bước ra cằn nhằn, nhà mới quét xong sao mà đi vẫn sạm chân thế này. Rồi lấy cây chổi đi quét nhà lần nữa. Thằng nhỏ cũng vậy, nghe cát dính chân cứ nghĩ nhà dơ nên hy sinh một cái áo cũ để trước cửa phòng mình. Anh thì lẳng lặng đi lau nhà chứ không than phiền hay sai bảo ai. Cả ba cách đối phó chỉ giải quyết phần ngọn, không triệt tiêu được những khó chịu giống nhau cứ nối tiếp sau đó.
Nhúm cát nằm trên thảm lệch qua một bên cho nên không phải lần nào nó cũng bị giẫm lên rồi có cơ hội lảo rảo trong nhà gieo rắc sự khó chịu. Nhưng cứ vài lần trong ngày, chị lại thấy đầy cát dưới chân rồi nghĩ do nhà dơ. Rồi tự trách mình, lúc này sao mình quét nhà ẩu quá. Đến ngày thứ ba thì chị cũng phát hiện ra được nguyên nhân. Xử lý một nhúm cát thì đâu có khó. Nhưng tánh chị hay nghĩ ngợi, nhà mình còn mấy nhúm cát kiểu này nữa anh nhỉ?
Nhiều, nhà nào cũng đầy nhúm cát kiểu ấy. Từ từ vô tình đến hữu ý. Chúng ta đã và đang sống cùng những nhúm cát ẩn mình. Và nghệ thuật sống, xét cho cùng cũng chỉ là biết hay phát hiện để xử lý hoặc chấp nhận sống cùng với chúng mà thôi.
Thế là anh kể chuyện nhà mình cho chị nghe.
Hồi đó, anh trai dắt chị dâu về ra mắt. Ăn cơm xong, chị giành phần rửa chén (dĩ nhiên, cô gái nào cũng vậy, dù trong lòng nhiều khi ớn gần chết). Mẹ anh cũng muốn “xem xét” một tí nên cũng không khách sáo. Rổ chén sạch bà đã phơi ráo và cất vào tủ. Còn cái rổ trống bà để hờ hững trên bệ bếp cạnh bồn rửa. Chị dâu rửa chén không mấy khó khăn, rồi chẳng do dự úp chén vào rổ. Khi chị hoàn tất, nước cũng từ rổ chén loang ra bệ bếp, rồi từ bệ bếp chảy te te xuống sàn.
Chị về rồi bà mới nói với con trai, nếu ý tứ một chút, bạn gái con sẽ biết tìm một cái thau, cái khay để hứng nước, chứ có cái chén nào vừa rửa xong đã khô ráo hẳn đâu. Đàn bà vén khéo phải tính cả phần nước nhiễu ra. Chứ không, chẳng lẽ mỗi lần vợ con rửa chén là mỗi lần con phải xách cây đi… lau sàn?
Anh nhớ mẹ anh thở dài nhưng cuối cùng cũng đi cưới cô vợ đoảng ấy cho con trai. “Chứ ổng thương quá trời rồi, có lau nhà cả đời chắc ổng cũng vui”.
Chuyện nhúm cát trong nhà đã khiến anh nhớ đến chuyện cũ xì đó. Nhúm cát của anh chị là do vô tình. Còn “nhúm cát” sau mỗi lần rửa chén của chị dâu là do tính cách nên nó sẽ xuất hiện hoài, bằng kiểu này hay kiểu khác. Chỉ cần anh trai anh còn yêu vợ, thì ổng còn chịu được.
2
Vừa rồi, anh thăm một người bạn thân vừa mua được “nhà mới”. Khi anh về, chị hồ hởi hỏi thăm nhà mới “đã” thế nào. Anh lại thở dài.
Do mua lại nhà cũ với số tiền ít ỏi nên ngoài chuyện sơn và lót gạch lại, anh bạn này không còn khả năng sửa sang thêm gì nữa. Bước vào nhà gặp ngay phòng vệ sinh là anh đã thấy kỳ kỳ. Tới khi có nhu cầu thì lại thấy kỳ hơn nữa khi phải xin phép “bà bếp” né ra một bên mới mở cửa toilet được. Nhà có một cái gác gỗ, nhưng cầu thang lại bị đụng đầu. Dòng chữ cắt dán bằng decal ngay tầm trán dù có màu xanh chói nhưng không tác dụng mấy vì chỗ đó hơi bị tối… Chưa hết, bậc cầu thang cũng cao hơn bình thường gấp rưỡi, có chỗ còn phải né nguyên cái tủ điện to đùng.
Nói chung là, căn nhà khiến anh, vốn là một kiến trúc sư, phải “khóc ròng” cho bạn. Những lỗi xây dựng lẫn kiến trúc như thế, cái nào sửa lại cũng khó và cần nhiều tiền. Trong mắt anh, chúng chẳng còn là một nhúm cát gây khó chịu mà chính là một núi cát choán gần hết ngôi nhà. Nhìn đâu cũng thấy bất tiện, thấy phi thẩm mỹ. Tại nhà bạn mình, anh không dám nói gì, chỉ biết chúc mừng bạn có nhà mới mà thôi.
Nhưng anh chị thực ra đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng. Yếu tố này lý giải vì sao dọn về sống trong ngôi nhà “tệ” như thế mà vợ chồng bạn anh vẫn hân hoan vô cùng, sung sướng vô cùng khi dẫn anh đi xem nhà một vòng. Đơn giản vì đây là ngôi nhà đầu tiên mà họ có. Kể từ bây giờ, họ không phải ở nhờ nhà vợ chật hẹp, dột nát ở khu lao động. Không phải lo cảnh anh vợ xỉn lên thì lấy quần áo, sách vở của con cái họ quăng ra ngoài. Không còn nước ngập triều cường. Không lo nửa đêm vợ chồng đang “tâm sự” lại có đứa vén màn đứng coi. Nhiêu đó thôi cũng đủ khỏa lấp hết những “lỗi phải” của căn nhà mới mua này.
Vậy đó, khi hiểu những bức bách của người bạn thân thì “núi cát” trong mắt anh đã nhanh chóng xẹp xuống thành một nhúm cát mà thôi. Những bất tiện “tày trời” trong căn nhà cũ kỹ bất ngờ chỉ còn tương đương với nhúm cát mà anh mang vào chiếc thảm chùi chân nhà mình trong cơn buồn tiểu.
Chuyện nhà hay chuyện đời, mãi mãi đúng là chuyện chủ quan. Xẹp xuống hết đi những núi cát cho đời nhẹ nhàng phải không nào, bạn đọc thân yêu của tôi.