N
ỗi đau khi mất đi người thân luôn là một nỗi đau lớn, lớn đến nỗi tôi nghĩ ngôn từ chỉ có thể diễn tả được phần bề mặt, của một tảng băng giữa đại dương. Chỉ những ai đã từng trải qua rồi, mới biết nó đau đến thế nào. Nỗi đau mất vợ hay mất chồng cũng nằm trong số đó. Có người nói đó là nỗi đau đông cứng bởi vì không thể sẻ chia, không thể chảy tan ra được. Nỗi đau ấy, mãi mãi là một vết sẹo, một vết sẹo đông cứng trong tim.
Một bữa, bà tôi ngồi nhẩn nha nói như thế. Bữa sau nữa, thì bà chỉ cái dáng lưng khòng trên chiếc xe đạp cũ kỹ của ông Năm Cộng vừa lướt qua khỏi ngõ. Bà tôi nói, từ hôm chôn bà Năm đến giờ, chiều nào ông Năm cũng đạp xe xuống mộ, coi vậy mà sắp 100 ngày rồi. Mà cái lưng ông Năm, mỗi ngày như còng thêm một chút; và cô độc, cô độc đến rã rời.
Ông Năm Cộng là bảo vệ của ngôi trường tôi học thuở nhỏ. Thời ấy, đất đai rộng thênh thang, nhà trường dành một khoảnh đất rộng để ông Năm cất nhà ở luôn tại trường. Ông không phải là thầy giáo nhưng nhớ về ngôi trường thì hầu hết học sinh ra đi từ nơi ấy đều nói nhớ hình ảnh của ông. Ông là cái đồng hồ vì ông là người đánh trống báo giờ, ông là người chăm sóc cây cối của trường, cái bàn ghế lung lay tụi nó cũng gọi ông… Bà Năm thì lặng lẽ hơn, suốt ngày lui cui trong nhà và vườn rau, nhưng học sinh nhớ bà vì hễ khát nước thì đứa nào cũng chạy ù vô nhà bà, xin ca nước mà uống. Nước nhà ông bà Năm vừa mát vừa ngọt, xoa dịu cái khát khô sau những giờ ra chơi đổ mồ hôi của đám học sinh ở vùng quê nghèo.
Ngày đám tang bà Năm, nhiều nhóm học sinh về viếng, ai cũng nhìn ông Năm ái ngại. Bởi họ gắn bó với nhau quá, đã yêu thương khăng khít suốt một đời dài.
Sau giỗ 100 ngày của bà Năm, bà tôi không thấy ông Năm chiều chiều đạp xe xuống mộ nữa. Vài tháng sau thì ông cũng đi, nhẹ nhàng. Vậy là kết thúc một đời người, kết thúc một mối nhân duyên. Mọi người đến viếng ông, ai cũng nửa đùa nửa thật, rằng tới ngày ông hẹn bà rồi, thì đi thôi.
Người ta nói, tu mấy kiếp mới có duyên vợ chồng, hoặc tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới được nằm chung chăn. Nhiều lắm, nhiều lý thuyết được đưa ra để lý giải vì sao, trái đất có đến 6-7 tỷ người mà ta lại chọn đúng người ấy để yêu thương. Và dường như là biết có kiếp sau, nên nhiều đôi, thấy kiếp này yêu thương chưa thỏa, thì họ hẹn tiếp sẽ lại gặp nhau. Ở một nơi khác, có thể mơ hồ, mông lung và xa vắng. Có là con người nữa hay là một loại cỏ cây trong rừng vắng, họ cũng muốn được ở cùng nhau.
Ông bà tôi cũng là một cặp trời cho, yêu thương quấn quýt không rời dù họ lấy nhau hoàn toàn do cha mẹ đặt để. Nhưng mà, dẫu có yêu nhau đến mấy thì số kiếp của mỗi con người, dường như không ai định đoạt được hết. Bà nói, khi ông tôi mất vì bệnh, nỗi đau tưởng như có thể khiến bà chết đi được nhưng không hiểu sao, bà vẫn phải sống. Bà vẫn phải sống, dù mỗi buổi sáng không có người khởi động ngày mới chung một tách cà phê. Bà vẫn phải sống, với quá nhiều thứ phải làm một mình.
Khi người thân của mình mất đi, thì thế giới bên kia ấy, đã không còn có gì đáng sợ nữa. Vì giống như, người thân của mình đang làm một chuyến… tiền trạm vậy. Cái thế giới còn lại, thế giới hiện thực của người sống, mới là một nơi đáng sợ hơn cả. Sống mà hồn luôn hướng về người chết và thế giới sương khói của họ. Sống mà chỉ thấy cô đơn lạc lối, làm cái gì cũng thấy vô vị. Ngắm một cánh hoa, thấy một cánh chim trời bay qua cũng nghe lòng tan nát. Sống với nỗi nhớ là nhấp một ngụm trà, nghe thương yêu dường như ngấm vào mạch máu. Người chết thì cũng đã chết rồi, nhưng người sống bưng lên một bát cơm, cũng nghe lòng dậy lên từng cơn nhói buốt. Nhìn vật kỷ niệm nhớ người đã đành, nhưng hít thở cũng nhớ người, thức nhớ mà ngủ cũng nhớ, nhớ trong từng tế bào, trong từng ý nghĩ. Nỗi nhớ song hành với nỗi cô đơn, và liệu pháp tinh thần là không chấp nhận đó là cái chết, mà là người ấy nôn nóng quá, người ấy đến nơi hẹn trước. Mình ở lại nơi này, có thể chậm hơn một thời gian, nhưng trước sau thì mình cũng sẽ đến nơi. Và thì yêu thương lại sẽ tiếp tục, vĩnh hằng.
Bà tôi nói, được như ông Năm Cộng vậy là viên mãn. Hai mươi năm trước, bà tôi đã từng ước như thế, ước được nhẹ nhàng đi theo ông, như là đến một nơi hẹn mới. Giờ thì ông mày chắc không còn đợi được rồi, hai mươi năm trôi qua, biết đâu ông chính là con chim đang làm tổ trên ngọn cau sau nhà. Biết đâu ông đã hóa thành cây khế như lời ông thường nói khi còn sống. Còn bà, bà sống lừng chừng giữa hai thế giới, giữa nhớ nhung và trách nhiệm, giữa chấp nhận và đấu tranh… Cho nên, nếu đã quá thương nhau như thế, thì ra đi cùng nhau hoặc ra đi cách nhau… vài bữa, có khi là một điều hay, một sự tưởng thưởng lớn lao nhất của cái gọi là tình yêu và duyên kiếp.
Khi tôi ngồi viết những dòng này, cũng là lúc vừa hay tin người vợ của nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu, vừa nhắm mắt(13). Bà đã đi theo ông, tôi chắc thế, đến nơi hẹn mới. Và ông bà sẽ lại bắt đầu…, cùng nhau!
13 Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mất vào ngày 3/7/2015. Vào ngày 7/10/2015, một ngày sau khi làm đám 100 ngày cho chồng, vợ ông – bà Phạm Thị Vân cũng qua đời. Mối tình của vợ chồng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được nhiều người ngưỡng mộ. Cả hai đã gắn bó với nhau hơn 60 năm cuộc đời.