T
ôi đã quen với chuyện người chết thì xuống đồng mả nằm, ngổn ngang giữa um tùm cỏ cây và gió thổi. Mỗi năm con cháu sẽ đến dọn dẹp một lần vào dịp gần Tết. Có hư hỏng sụt lún gì thì sửa sơn lại. Hoặc có khi, đi chôn một người quen nào đó ở cái nghĩa địa làng này, thì cha con tôi sẽ ghé lại thăm khoảng chục ngôi mộ của ông bà mình, thắp một cây nhang, rồi về. Người chết ở yên trong thế giới - địa phận của họ. Người sống tiếp tục sống cuộc đời bất định.
Nhưng nghĩa địa làng tôi mỗi ngày mỗi chật chội. Hàng trăm năm qua không có một quy hoạch nào, người dân cứ tự phát chọn chỗ chôn tạo nên một tổng thể vô cùng lộn xộn. Nhìn thấy được viễn cảnh hết hẳn đất chôn, người giàu ở làng đã bắt đầu đi mua đất riêng để làm nghĩa trang gia tộc. Vài người chọn cách thiêu rồi mang hũ cốt gửi vô chùa. Vậy là nhà tôi cũng thỉnh thoảng lấy chuyện đó ra bàn... chơi. Ba tôi, ổng tính theo cách của ổng.
Là thiêu, rồi cho tro vô hũ, hũ đặt trên một tấm đan bê tông nằm ngang mặt đất. Phần núm phía trên tấm đan… Ba tôi bắt đầu tưởng tượng… Mình làm một cái bông sen bằng xi măng, sen nở chúm chím thôi cho nó đẹp và cảm giác nó… thơm. Hay lấy một khúc gỗ to, mình làm một cây bút chì cao một mét, cắm lên cái núm xi măng là xong. Hay con kêu thợ hồ làm một cuốn sách đang mở ra cũng được. Thằng Kiến cũng tham gia, hay là mình làm một thằng siêu nhân Gao đi ông ngoại. Ba tôi ừ luôn, siêu nhân cũng được, mà trái banh hay cái cùi bắp cũng được luôn, miễn sao nhìn vô là thấy vui, thấy dễ chịu… Bà nội hứ cái cóc, “làm đồ chơi cả đời rồi không đã, tới chết cũng còn muốn làm đồ chơi”. Ba tôi cười cái khì, gắp miếng thịt bỏ vô chén nội, không nói nữa. Tôi loi nhoi con có ý kiến, bà cứ nằm với ông cho có cặp, còn ba thì con ở đâu, cái hũ ba ở đó nhen. Con để ở bệ cửa sổ phòng khách, hứa có một dây trầu bà thòng xuống xanh um, cho vui? Bà nội lại lườm một cái, người sống và người chết không ở chung, nhen!
Ba tôi là một ông thầy giáo khéo tay. Đồ chơi của chị em tôi toàn tự tay ba làm, tới mấy đứa cháu sau này cũng được ông làm cho chơi. Từ cái lồng đèn, chiếc xe hơi, cái cửu liên hoàn, cây cà khêu, miếng gỗ xếp hình Trí Uẩn(14)... rồi cả áo giáp con rùa, siêu nhân Gao, người nhện gì ba cũng làm được hết. Cũng nhờ cái tính thích chơi, ông đã từng lấy xuống cho tôi được nguyên vầng trăng nữa đó. Tôi nhớ hôm ấy trăng thật tròn, sáng vằng vặc, ông chỉ tay lên trời hỏi con muốn lấy nó xuống chơi không, ba lấy cho. Dĩ nhiên là tôi nhảy tưng tưng con muốn con muốn. Vậy là ông lấy cái thau giặt đồ, chế vô hai gàu nước rồi mang ra giữa sân, đưa tôi cái ca, kêu múc ông trăng lên chơi đi.
14 Trò chơi này ra đời vào những năm 1940-1950, với bảy miếng ghép đơn giản gồm hai hình tam giác, bốn hình thang và một hình ngũ giác, người chơi có thể sắp xếp thành 1.000 hình ảnh khác nhau.
Vậy đó, ba đã chơi chung với chị em tôi suốt tuổi thơ, mãi đến sau này khi có cháu thì chơi tiếp với cháu. Và cái thứ tưởng là quan trọng nhất đời người là chuyện mả mồ chôn cất, ông cũng muốn làm “đồ chơi”. Tôi ủng hộ, tôi thấy vui mà.
Khoảng 10 năm trước, khi đọc cuốn sách Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng, tôi nhớ có chi tiết người vợ để hũ tro của chồng mình trên bệ cửa sổ nhà bếp. Trời bên ngoài lạnh, và mù sương. Tôi cảm nhận được nỗi đau mênh mông nhưng lại bình thản đến lạ kỳ. Hay là nhờ hũ tro đang nằm đó, chứ không phải ngoài đồng, hay trong chùa. Cuốn sách ấy tôi toàn đọc bằng cảm giác. Lâu quá rồi chỉ nhớ cảm giác vô định mông lung và độc một chi tiết hũ tro được giữ ở trong nhà. Cái chi tiết ấy đã là một gợi ý tuyệt vời.
Bởi xét cho cùng, cả cái hũ tro cũng chỉ là một ý niệm. Hũ tro là một cái cớ để nhắc nhớ. Như một tấm hình, một dòng chữ để lại. Con người chỉ thực sự chết, khi trần gian không còn ai nhớ mình. Người ta có lý do riêng để làm mồ mả hoành tráng như vua chúa cho nên tôi không dám lạm bàn về chuyện đã thành phong tục (hay phong trào?). Tôi chỉ nghĩ rằng, mình đến trần gian giản dị bằng một xác thân bé nhỏ, thì khi chết đi rồi, cũng giản dị mà đi. Đi là đi, đúng nghĩa cát bụi trở về cát bụi. Người ở lại “xử lý” càng sạch sẽ càng tốt. Sao cũng được, miễn sao không thấy ngoắc ngoải trong lòng. Đất đai bây giờ chật chội, một nấm xi măng hay gạch đá bê tông cũng chỉ là cái neo của nhớ thương. Anh bạn thân còn hóm hỉnh nói thêm, nếu chẳng may cả đời mình vô ích không giúp được gì ai, thì khi chết đi, dặn con cháu thiêu cho sạch, ít nhất cũng đừng làm ô nhiễm môi trường!