Từ lúc trưởng thành, phần lớn thời gian làm việc của tôi đều dành cho những trẻ em bị rối loạn cảm xúc. Mùa thu năm thứ nhất đại học, tôi đã tình nguyện tham gia vào một chương trình dành cho trẻ em chưa đến tuổi đến trường bị rối loạn và khiếm khuyết về mặt tâm thần. Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào những khía cạnh đa dạng của chứng rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ. Từ đó đến nay, tôi đã đạt được ba tấm bằng, dành ra mấy năm làm giáo viên trợ giảng, rồi làm giáo viên, rồi trở thành giáo viên hướng dẫn cho sinh viên đồng thời nghiên cứu về tâm thần. Tôi đã từng sống ở năm tiểu bang khác nhau, làm việc trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân, trường học công lập, phân khoa thần kinh biệt lập và những học viện của tiểu bang… trong khi vẫn luôn theo đuổi một đáp án mơ hồ về những đứa trẻ ấy - một chiếc chìa khóa thần kỳ sẽ khiến chúng cởi mở hơn, giúp tôi có thể hiểu được chúng. Tuy vậy, tận trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn biết rằng không hề có chiếc chìa khóa nào tồn tại, và đối với một số trẻ, ngay cả tình yêu cũng không bao giờ đủ. Thế nhưng niềm tin vĩnh hằng trong tâm khảm con người vượt qua tất cả những lý lẽ, vươn xa khỏi tầm với hạn hẹp của những tri thức thông thường.
Mọi người vẫn thường hỏi thăm tôi về công việc tôi đang làm. Và tôi thường nghe những câu hỏi đại loại như "Có chán lắm không?", "Có thấy nản không khi ngày ngày phải đối mặt với tình trạng bạo hành, những cảnh thiếu thốn, tình trạng nghiện ngập, rượu chè, lạm dụng thể xác, sự thiếu quan tâm chăm sóc và cả kỳ thị chủng tộc?". Một giáo viên từng hỏi tôi: "Cô có thấy nản lòng không khi phải làm việc cật lực mà chẳng nhận được gì?". Một số người thân thì lại hỏi: "Cô có thấy nản lòng không khi biết rằng dù mình có cố gắng thế nào đi nữa thì những đứa trẻ đó cũng đã bị xã hội nhìn nhận là sẽ phải sống một cuộc đời – mà theo tiêu chuẩn của chúng ta – không bao giờ mang lại lợi ích và đóng góp cho xã hội, hay thậm chí chỉ là một cuộc sống bình thường? Có thấy nản lòng không?".
Không. Hoàn toàn không. Chúng chỉ là những đứa trẻ, đôi lúc cũng khiến mình cảm thấy bực bội như bao đứa trẻ khác, nhưng chúng cũng có lòng trắc ẩn và sự tinh tế như mọi người. Vấn đề là dường như mọi người chỉ nhận thấy những cơn nổi loạn điên cuồng của chúng mà thôi, và thế là họ cứ cho rằng bọn trẻ chỉ biết có vậy.
Nhưng thật ra những đứa trẻ ấy đâu phải hoàn toàn như thế. Chúng rất can đảm. Nhưng không may, lòng dũng cảm của chúng lại bị những sự kiện bên ngoài khác làm cho lu mờ. Một số trẻ sống với những cơn ác mộng ám ảnh thường trực đến nỗi bất kỳ hành động nào của chúng cũng hàm chứa nỗi kinh hoàng mơ hồ. Có trẻ sống trong bạo lực và hoàn cảnh éo le không thể tả thành lời. Số khác bị đối xử còn thua cả súc vật. Một số sống không có tình thương, số khác sống không hy vọng. Nhưng chúng vẫn chịu đựng và chấp nhận, bởi chúng không còn cách nào khác.
Cuốn sách này chỉ nói về một đứa trẻ. Cuốn sách không dùng để kêu gọi lòng thương hại; cũng không có ý định ca ngợi một cô giáo. Cũng không chỉ trích những người sống thản nhiên không để tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Thật ra, đây chỉ là một đáp án cho câu hỏi liệu người ta có chán ngán không khi cứ phải tiếp xúc và làm việc với các bệnh nhân tâm thần. Đây là một bài ca về nhân tâm, bởi đứa trẻ này cũng như con cái chúng ta, như tất cả chúng ta - Cô bé là một con người.