Bây giờ là "đi dọc"
Bạn đọc báo Hà nội mới lâu nay khá quen với cái tên Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả những phóng sự có xu hướng khảo cứu về Hà Nội. "Quen" kiểu "tay này chịu khó nhỉ", nhưng do tâm lý đọc báo hàng ngày, dò tìm thông tin là chính, và do văn Nguyễn Ngọc Tiến bình thản kiểu "kiến bò", không "nảy tưng", nên sự chú ý đó cũng có chừng.
Sự thể khác đi khi trong năm nay, Nguyễn Ngọc Tiến tập hợp những bài viết trên rồi viết lại cho phù hợp với sách, in trên hai tập sách liên tiếp. "Đi ngang Hà Nội" (Chibooks và Văn học) ra tháng 3, tái bản liên tục với số lượng lớn. Tháng 8, "Đi dọc Hà Nội" (Chibooks và Thời đại) ra, còn đương nóng sốt thì báo Thể thao – Văn hóa đã trao cho hai "đứa con" đẻ mắn của ông giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay, dành cho người đóng góp nhiều cho Hà Nội.
Từ "đi ngang" đến "đi dọc" có gì khác nhau? "Ngang" nghe có vẻ "ngang qua", lớt phớt hơn chăng, còn "dọc" lại là cách tiếp cận khác, phương pháp khác với cùng một chủ thể ấy? Về cơ bản tôi thấy không khác nhau lắm, nhưng bài trong "đi dọc" dài hơn chút ít, chứng tỏ tác giả ít bị nệ hơn vào số chữ. Và quan trọng hơn, sự khảo cứu nghiền ngẫm nhiều hơn, nhất là theo chiều về quá khứ. Công phu lặn ngụp trong thư tịch cổ, tư liệu, sách vở, mạng, ghi chép của dòng họ, hỏi han người biết chuyện… như thế rất dầy dặn. Nhưng thế mới chỉ là "đi chợ". Để "nấu" lại phải so sánh, loại bỏ phần này, đắp dày thêm phần kia, đặng cho ra một "món" ít ra là đủ tin cậy. Và có những chỗ Ngọc Tiến tỉnh táo, chả dại gì "ngược" lên mãi quá khứ. Nhiều sự vật ngắm nghía, ông ngưng ở thời cận đại, tài liệu Pháp để lại vẫn xác thực hơn. Sự thận trọng ấy là cần thiết. Những tục ngữ, phương ngôn vẫn được dùng nhiều, vừa sinh động, hùng hồn lại kiệm được lời. Thế hệ trẻ qua đây biết nhiều "sự" của quá khứ, người có tuổi được dịp nếm trải lại, đôi khi muốn tranh luận với tác giả.
Khảo cứu của Ngọc Tiến có độ dừng, như năm xây tháp Rùa hồ Gươm, Bí ẩn động Thông Thiền, ông chỉ hệ thống các cách lý giải rồi dừng lại, chả xông ra kết luận làm gì. Nhưng kẻ cắp chợ Đồng Xuân thì có tên có mặt. Ông đem tới những nhận thức mới: vua Minh Mạng quyết tâm chặn thuốc phiện, quân Cờ Đen không phải chỉ đánh Pháp mà còn giết lương dân. Cũng có chỗ làm tôi ngờ ngợ, như năm người Mông di sang Việt Nam, số lượng bê tông đổ lót móng Nhà hát lớn.
Về cơ bản, "đi dọc" không phải chỗ làm văn. Nhưng ta có thể gặp đây đó những đoạn, những câu trữ tình, hóm hỉnh hoặc rất gợi. "Ở Nhật Tân, những ngày giáp tết, mỗi nhà đều muốn có riêng một ông trời", "sấu chua khiến cả hàm răng đen như mặt cống", "dưới mỗi cột đèn là thân phận một con người, đa phần là cao tuổi". "Tiếng rao, món quà âm thanh miễn phí" là bài tôi thích nhất, chín cả phần thông tin và mềm mại trong cách thể hiện.
Từ báo sang sách là một thử thách không dễ. Có những cây bút nổi đùng đùng trên báo nhưng khi tập hợp, ra sách lại chả ai để ý. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tiến thì ngược lại. Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho những "ngang" và "dọc" chứng tỏ điều ấy. Mong là tới đây, báo Thể thao – Văn hóa để tâm đến cả những tên tuổi trầm lắng hơn như Vũ Tuân Sán, Nguyễn Thừa Hỷ, hoặc cả người đã khuất như Trần Quốc Vượng. Đấy đều là những người đã đào bới Hà Nội đến vỉa rất sâu.
Hoàng Định
(báo Hà Nội mới ngày 19-9-2012)