Cái váy đàn bà Việt Nam xuất hiện trong văn hóa dân gian vô cùng phong phú và thú vị. Váy là thứ để che phần dưới cho phụ nữ nhưng có khi cái váy cũng là phụ nữ. "Đừng dạy đĩ vén váy", có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng theo nghĩa tục nhất thì đĩ mặc váy nên chuyện kéo lên thả xuống là việc hàng ngày, có gì mà phải dạy? Đàn ông đớn hèn, yếu đuối thì có câu "núp váy vợ", đàn bà nanh nọc có câu "vén váy dạy chồng". Còn câu "Chó có váy lĩnh" hay "Chó mặc váy lĩnh" theo giải thích của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì "chó được dùng theo ẩn ý hàm chỉ người có hình thức xấu nói chung, bất kể trai hay gái. Như vậy, trước hết thành ngữ "chó mặc váy lĩnh" được dân gian dùng để hàm chỉ một cách khinh bỉ những người xấu lại muốn đua đòi một cách lố lăng, kệch cỡm". Lại có một cách giải thích khác "Váy lĩnh biểu trưng cho thứ đắt tiền, quý hiếm và cao sang. Chó được hiểu theo nghĩa thông thường là con vật nuôi và cũng là đại diện cho cái thấp hèn. Với váy lĩnh thì người dân cũng không đủ điều kiện để ăn vận nữa là làm sao chó có thể hưởng được cái vinh hoa phú quý đó. Đã là chó thì làm gì có chuyện ăn vận quần áo mà phải chịu kiếp mình trần da thịt với bộ lông che thân, nói chi đến váy xống lại càng không thể có chuyện mặc váy lĩnh nữa. Thế là câu chuyện chó mặc váy lĩnh đã trở thành chuyện hoang đường, chuyện ngược đời và không bao giờ có được". Câu "váy xắn quai cồng" là cách nói trong văn chương ám chỉ những người phụ nữ đanh đá có xuất xứ từ khẩu ngữ "bà xắn váy để chửi nhau với mày đây". Tranh dân gian có hai bức rất nổi tiếng về giá trị về nghệ thuật và giá trị xã hội là "Hứng dừa" và "Đánh ghen". Cả hai bức đều vẽ người đàn bà tay kéo váy lên ở tư thế rất đanh đá mà cũng rất gợi cảm. Nhưng ở góc độ lịch sử thời trang thì lại thêm một khẳng định, đàn bà Việt Nam mặc váy.
Lại có một câu chuyện truyền miệng về cái ô đen nhưng liên quan đến cái váy, nó làm cho ta liên tưởng thành ngữ "đội váy lên đầu ". Với các nhà Nho, váy là thứ "ô uế" nên bao giờ nó cũng phải phơi ở góc khuất và không bao giờ họ sờ vào váy đàn bà. Cái váy có liên quan đến cái ô thế nào? Ô xuất hiện ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, khi lớp thông ngôn đầu tiên mở tại Hà Nội vào năm 1886 thì cả 100 học sinh khóa đầu tiên mặc áo the,đi guốc nghĩa là ăn mặc theo kiểu đàn ông Việt thời đó nhưng để khỏi mang tiếng là không thức thời,ai cũng gương chiếc ô đen Lyon che nắng che mưa. Sang thế kỷ XX, ô trở thành mốt của các ông lý ở nông thôn và nhóm "Tự lực văn đoàn" đã có nhiều tranh vẽ chế nhạo Lý Toét cắp ô đen. Và dân gian cũng không bỏ lỡ cơ hội diễu cợt cái ô đen trên đầu ông lý với cái xống thâm (váy may bằng vải thô nhuộm đen) của các bà nông thôn. Chuyện rằng ông lý làng nọ mới tậu được cái ô đen, đi đâu ông cũng cắp theo. Một hôm ông trời không nắng không mưa nhưng ông lý vẫn gương ô, khi đi qua chỗ các cô đang đang làm cỏ lúa, một cô thấy cảnh gai mắt đó liền cất tiếng hát chèo châm chọc:
Hôm qua i i... tôi mất xống thâm
Hôm nay i i... tôi gặp người cầm ô đen
Một cô khác tiếp bằng nói đế:
- Nói thế thì bảo người ta ăn cắp cái xống thâm của nhà chị về may ô à! Em nhớ cái xống của chị tươi hơn cái ô kia cơ mà. Để em lên mượn người ta cho chị xem cho kỹ nhé!
Ông lý nghe ức tận cổ nhưng không làm gì được đành cụp ô đi cho nhanh
Vì cái váy của các cô ở nông thôn rất ngắn nên nhiều anh chàng không bỏ lỡ để chọc ghẹo.
Cô kia cắt cỏ ven sông
Cái váy thì ngắn, cái lông thì dài
Thuyền chài đến giả trăm hai
Lắc đầu không bán để dài quét sân
Còn con gái khi lấy chồng, có con thì:
Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con váy vặn cạp sang
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Sáu con vú quặt, yếm dù vặn dây
Hoặc giãi bầy của các cô nhưng nhằm chế giễu lại cánh đàn ông:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như món chó chém cha sự đời
Chỉ có mặc váy và khi ngồi các cô vén cao lên thì mới có thể thấy cái "sự đời", còn mặc quần có vén cao đến mấy cũng chỉ là cái đùi mà thôi. Thời nay cũng có nhiều câu thành ngữ chỉ đàn ông nhỏ nhặt người ta nói "đồ mặc váy", đàn ông thất bại trong sự nghiệp vì đàn bà họ nói "chết vì cái váy". Sợ vợ có câu "đội váy lên đầu"...
Trong văn chương xưa và nay có nhiều bài thơ về cái váy. Bài Đánh đu của thi sỹ Hồ Xuân Hương rất thú vị:
Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh hồng quần bay phấp phới
Hai hàng chân ngọ duỗi song song
Theo giải thích của ông Nguyễn Dư trong bài luận Cái váy và cái quần của đàn bà thì: "bốn mảnh hồng quần" ở đây tức là hai vạt trước của áo tứ thân với vạt sau và thêm chiếc váy là thành 'bốn mảnh". Người Nghệ Tĩnh gọi cái váy là mấn. Cuốn Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh do Nguyễn Đổng Chi chủ biên có đoạn nói về bài thơ của Nguyễn Công Trứ về chiếc váy:
Thằng cha con bợm thật là ghê
Cắp mấn nhà ai đã độc hề
Bữa trước ra đi còn có bận
Bây giờ ngồi ngó có gì che
Thương thay lạnh lẽo ba mùa rét
Tội nhỉ trần truồng một nố tê
Của mất người còn còn có của
Thôi thôi đừng chưởi xóm giềng nghe
Trong Chỗ lội làng Ngang, Nguyễn Khuyến có nói đến cái váy đàn bà:
Đàu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vợi
Đàn bà đến đây vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liền thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội...
Chữ quần mà Nguyễn Khuyến dùng chính là cái váy vì mặc quần có vén thế nào cũng không thể hở "con cúi" trăng trắng được. Trong bài Lá diêu bông, thi sỹ Hoàng Cầm viết:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị đi tìm
Đồng chiều
Cuống dạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng...
Hay Đêm 30 tết, viết năm 1941 của nữ sĩ Anh Thơ thật ấm áp và hạnh phúc đâu có gì là cao siêu:
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
Ca dao Việt Nam có câu:
Bằng cái thúng thủng hai đầu
Bên ta thì có bên Tầu thì không
Câu đố dưới hình thức ca dao cũng là sự sáng tạo của dân gian, dễ thuộc, dễ nhớ. Cái thúng thủng hai đầu chính cái váy của phụ nữ và cái váy không có ở bên Tầu mà chỉ có ở Việt Nam. Nhưng váy có từ bao giờ? Theo sách Thời đại Hùng Vương (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1976) thời kỳ này đàn ông Việt đóng khố còn đàn bà mặc váy, thế tức là cái váy có từ mấy nghìn năm nay. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca về Hai Bà Trưng viết:
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành
Cũng theo ông Nguyễn Dư, hồng quần là cái váy có mầu đỏ sau khi ông đã tra cứu sách của học giả Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn và của hai nhà nghiên cứu lịch sử Chu Thiên, Đinh Xuân Lâm. Một số sách có liên quan đến Phật giáo gọi cái váy là "hạ y" nghĩa là " áo mặc ở dưới."
Trên thế giới, đàn bà, con gái thuộc nhiều dân tộc mặc váy và phân biệt giữa phụ nữ dân tộc này với dân tộc khác là ở mầu sắc, hoa văn, chất liệu, ngắn dài... Thậm chí có dân tộc còn thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh qua các họa tiết dưới gấu váy, và đôi khi mầu sắc cái váy còn là thông báo tình dục, ví dụ hôm nào các cô "treo đèn" thì mặc váy đen, vì nhỡ có lấm ra cũng không ai biết. Đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài theo kiểu phương Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài theo phong tục phương Bắc." Thế nhưng "Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác", khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đếntriều vua Lê Thần Tông, vị quân vương này đã định phép ăn mặc cho dân. Theo Đất lề quê thói (Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu): "Vua Lê Huyền Tông còn cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân", nghĩa là buộc phải mặc váy. Cái váy ngỡ tưởng chỉ là "hạ y" che phần dưới của đàn bà thế nhưng nó lại bị sử dụng cho mục đích chính trị. Để tách biệt với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), đã xưng vương gọi là Võ Vương, cho đúc ấn quốc vương, định ra các nghi thức triều đình và đưa ra một số cải cách. Về ăn mặc của người Kẻ Chợ, cuốn Về vương quốc Đàng Ngoài và Kinh thành Kẻ Chợ (xuất bản năm 1695, đang lại trên tạp chí L.Cadiere) có đoạn "Trang phục người ta mặc ở xứ này là chiếc áo dài khoác ngoài, chiếc khăn chít trên đầu mầu đen cao và tròn. Đàn bà cũng mặc kiểu áo ấy nhưng dài đến tận chân, bên trong họ mặc chiếc váy đen, tóc để xõa tự nhiên, hở mặt. Họ khá đẹp tuy nước da có hơi rám nắng." Trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh viết: "Vào khoảng năm 1744, chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sỹ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo người Tầu. Có lẽ từ bấy giờ đàn bà Đàng Trong mới mặc quần và áo cài khuy mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người Đàng Ngoài nữa." Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh xưng vương và lập ra nhà Nguyễn, đến đời Minh Mạng (1820-1841) ông vua này đã ra chỉ dụ bắt đàn bà con gái từ sông Gianh trở ra mặc quần. Quốc triều chính biên toát sử chép: "Tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh ra Bắc", dân Đàng Ngoài chế giễu chỉ dụ của Minh Mạng.
Tháng 8 có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan
Tuy nhiên 10 năm sau, đàn bà từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc váy bất chấp lệnh vua. Đại Nam thực lục chính biên" ghi lại sự bực tức của Minh Mạng "Đàn ông, con trai đóng khố, đàn bà con gái mặc áo khép vạt vào nhau, dưới thì mặc váy... Một số nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh trẫm. Nay truyền cho viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý trẫm. Lại ban hạn trong năm nay (1837) tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn kẻ nào ngoan cố quần áo phải trị tội thất nặng."
Sự bực tức của Minh Mạng cũng chỉ gây nỗi sợ hãi cho đàn bà con gái thuộc tầng lớp khá giả hay vợ con các quan ở Hà Nội, họ buộc phải thay váy bằng quần nhưng còn với dân thì chỉ dụ không làm họ sợ vì họ không nghĩ ra cái váy, đẻ ra là giống đái ngồi tất phải mặc váy để phân biệt với bọn đái đứng. Quan niệm của Minh Mạng "Ngày nay nước nhà cương thổ đã hiệp nhất thì chính trị, phong tục lẽ nào khác biệt "không sai nhưng dùng quyền để cưỡng bức phong tục đã khiến chỉ dụ về ăn mặc thất bại. Cuối thế kỷ XIX, vợ con quan chỉ mặc quần mỗi khi vua ra Bắc nhưng ngày thường hay tết nhất họ vẫn mặc váy. Chợt nhớ sau 1975 cũng có khoảng một vài năm cấm quần ống loe dù bị rạch nhưng vẫn có thanh niên vẫn cứ diện ra đường.
Theo bài Năm mới của Tú Xương (1870-1907) thì phụ nữ Hà Nội giầu có vẫn mặc váy:
Khéo báo nhau rằng mới với me
Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tầy rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè
...
Các bức ảnh do người Pháp Defieufil chụp Hà Nội và Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX vẫn thấy đàn bà, con trẻ mặc váy. Trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam (xuất bản năm 1909), về cái váy, tác giả Henry Oger vẽ một người đàn bà mặc váy và chú bằng chữ Hán "dã phụ y thử quần,tục danh quần đúm" (váy của đàn bà nhà quê, tục gọi là váy đùm.)
Váy xưa về cơ bản là có cạp, bằng vải hay bằng tơ tằm nhuộm, và có váy ngắn váy dài. Đi kèm với váy là áo thắt hai vạt trước với nhau. Do công việc đồng áng vất vả nên chiều dài và chất liệu váy ở quê cũng khác Thăng Long-Hà Nội, nơi tập trung nhiều thành phần trong đó có vợ con quan, gia đình khá giả, vợ con các nhà Nho...không chân lấm tay bùn. Kẻ sang ở Thăng Long-Hà Nội mặc váy lĩnh đen hay mầu tam giang (giữa mầu đen và mầu nâu), bậc trung thì mặc mầu đen và dân lao động thì cũng mặc mầu thâm. Váy lĩnh cạp điều, nhưng phải là lĩnh dệt ở làng Bưởi, mặc với áo the được cho là nhã nhặn nhất, đó cũng là mơ ước của nhiều chị em. Song dùng váy giết giặc ngoại xâm thì chỉ Thăng Long mới có. Ở phố Hàng Trống hiện vẫn còn một ngôi đình Đông Hương, thờ đào nương. Chuyện về đào nương này trong dân gian có 3 cách kể khác nhau trong đó có hai cách kể khá giống nhau. Cách kể thứ nhất là vào năm 1414, lúc đó quân Minh đô hộ nước ta, chúng nghêng ngang đi lại ở Thăng Long khiến lòng dân căm hờn. Có một cô đào tên Hoa, đào Hoa múa đẹp hát hay những nghĩ mình phận nữ nhi không thể cầm gươm ra trận nên Hoa cùng các đào nương khác mở quán rượu ngay gần hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm hiện nay) để dụ quân Minh vào. Tối tối, các đào mặc váy lĩnh xếp ly, đeo yếm đào múa hát, đám giặc thấy các cô đào trẻ đẹp lại mặc váy và yếm, hai thứ chúng chưa thấy bao giờ ở phương Bắc nên vào quán uống rượu và xem hát múa. Chúng bị mê hoặc khi các cô quay tròn khiến chiếc váy lĩnh cũng quay theo để lộ cặp chân trắng nõn. Khi đám giặc say mềm, các cô nhét vào bao buộc chặt lại rồi cho đám đàn ông khuân bờ đê ném xuống sông Cái. Tướng giặc thấy không đánh trận mà quân lính cứ mất dần đã bí mật cho theo dõi và chúng đã phát hiện ra việc làm của đào Hoa. Chúng bắt đào Hoa rồi treo cổ trên cây ven hồ. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, nhớ công ơn của đào Hoa, Lê Lợi đã cho xây đền và gọi là Đông Hương với ý nghĩa là hương thơm ở phía đông thành. Dân trong vùng phong cô là "Phúc thần dân thôn Tự Tháp" và đổi đền thành đình. Cách kể thứ hai là theo cuốn Việt Nam thần tích của Phượng Nam, in tại Hà Nội năm 1938, hiện đang được lưu giữ tại Thư viện của Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO), Paris trong đó có ghi "Đình Hàng Trống thờ cô Phạm Thị Huệ là một cô đầu danh ca thuở xưa, quê ở làng Đào Đặng thuộc huyện Tiên Lữ, Hưng Yên ra Thăng Long...". Câu chuyện cũng giống như đào Hoa giết giặc Minh. Dù có truyền thuyết hóa lịch sử hay lịch sử hóa truyền thuyết thì cả hai cách kể trên vẫn có cái nhân sự thật: đàn bà dùng váy đánh giặc. Cuối thế kỷ XIX, chính quyền cho cải tạo phố Hàng Trống, mở rộng đường nên đình bị cắt xén chỉ còn lại một hậu cung bé nhỏ như ngày nay. Hiện đình còn bức hoành phi có bốn chữ "Khiển Thiên chi muội" (em gái của Trời). Cuối những năm 1930, vào ngày rằm và mồng một rất đông người đi lễ, xe tay, ô tô đỗ chật lối vào và phần đông trong đó là các cô đầu ở phố Khâm Thiên, ngã Tư Sở, ngã Tư Mơ, Vạn Thái... Dù thời kỳ này phụ nữ Hà Nội không còn mặc váy lĩnh nhưng để nhớ một ca nương có công với nước, các cô mặc váy lĩnh và yếm đào vào đình. Sau 1954, không còn hát cô đầu nhưng các bà các cô ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường... đến lễ đình rất đông vì ai cũng thấy đình rất thiêng.
Khi kinh đô chuyển vào Huế, Thăng Long bị hạ cấp xuống Bắc thành, trấn thành rồi tỉnh nhưng Hà Nội vẫn là đô thị sầm uất nhất Việt Nam. Thời vua Tự Đức, đặc biệt là sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, lối ăn mặc của phụ nữ Nam Kỳ với áo cánh quần lụa bắt đầu lan ra Hà Nội nhưng theo lối đó chỉ là số ít vợ con quan và các bà các cô buôn bán giầu có. Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882) và chiếm trọn năm 1883, sau đó trở thành nhượng địa nên luật triều Nguyễn không có giá trị tại Hà Nội. Trong con mắt các nhà Nho, xã hội khi đó là thứ nhố nhăng, luân lý mấy ngàn năm bị tháo khoán, liêm sỉ phải lùi vào trong nhà.
Tam tài cờ (cờ Pháp) cắm ngọn thành cao
Giầy Tầu thẳng gót, Ngô (chỉ người Trung Quốc) đi bãi
Quần lĩnh phơi chôn đĩ rửa hào
...
Lĩnh Bưởi trước kia dùng để may váy thì bây giờ đã dùng để may quần. Đầu thập niên 30, phong trào vui vẻ trẻ trung ở Hà Nội đã gây ra chuyển biến lớn trong ăn mặc của phụ nữ Hà Thành. Các cô đua nhau ăn mặc tân thời và báo chí hồi đó chê bai, chế riễu:
Tân thời chẳng đáng là bao
Hai xu đôi guốc, một hào đôi hoa
Cái quần lĩnh tía hào ba
Cái áo hào rưỡi thế ra tân thời.
Nó lan sang cả các cô gái quê, Chân quê được Nguyễn Bính viết năm 1936:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Nào đâu cái áo lụa sồi
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen
...
Mặc cho các nhà văn chế riễu, xã hội lầu bầu các cô vẫn cứ mê "tân thời", vì "Ở đời này cứ ăn mặc theo lối cổ thì bất quá lấy được anh giáo học là cùng. Những thằng cao đẳng nó chỉ ưa tân thời thôi." Thậm chí các cô gái tân tiến còn mặc quần sooc đi bộ. Ăn mặc tân thời có nhiều thứ, nhiều kiểu nhưng cái chính là quần trắng, áo màu, giày cao gót, cạo răng trắng, rẽ ngôi lệch. Ăn mặc tân thời nhưng các cô không hề mặc cái váy kiểu châu Âu, nhưng không thấy nhà văn nhìn vào khía cạnh này.
Sau phong trào ăn mặc tân thời, cái váy truyền thống của phụ nữ Việt gần như không thấy ở Hà Nội dù rằng vẫn thấy ở các miền quê. Kể ra cũng hơi tiêng tiếc.