Trong những vật dụng sinh hoạt thời kỳ văn hóa Đông Sơn, trâm cài đầu, kẹp tóc, khuyên tai làm bằng đồng. Hóa ra từ thời xa xưa, dù là chế độ mẫu hệ nhưng đàn bà Việt đã biết làm duyên, chắc là để quyến rũ nhiều đàn ông hơn (?). Không chỉ làm duyên, đồ trang sức còn phân biệt tầng lớp trong xã hội. Trong suốt chiều dài của chế độ quân chủ Việt Nam, từ Lý đến Lê, vua với quan, quan với dân được phân biệt rõ ràng, không chỉ qua kiểu cách và mầu sắc quần áo mà còn phân biệt ở cả giầy dép. Thường dân khi ra đường không được phép đi giầy dép. Chỉ có quan lại, binh lính và những nhà Nho mới có quyền này. Tuy nhiên thật là buồn cười khi triều đình lại không cấm thường dân đi giầy dép trong nhà. Loại dép này không có đế và quai chỉ xỏ vào ngón cái còn phía dưới có dây buộc vào cổ chân. Về tóc, cả đàn ông lẫn đàn bà bắt buộc phải để tóc dài. Đàn ông và đàn bà thường búi tóc cao và gắn vào đó một cái nơ ở phía sau đầu. Nhưng khi xuất hiện trước bề trên, đàn ông xõa tóc ra và phụ nữ cũng để phủ một phần khuôn mặt đó là biểu hiện của sự tôn kính. Những người lính khi thực hiện nhiệm vụ, những người thợ thủ công khi đang làm việc, tóc họ phải búi cao dưới mũ hoặc buộc chúng lên phía trên đầu. Với hàm răng, trai hay gái đến độ tuổi 16 hay 17 đều phải nhuộm đen. Răng đen mới là đẹp và không có gì đáng xấu hổ hơn nếu ai đó có bộ răng trắng nhởn như "răng chó luộc". Con gái và vợ quan đều để móng tay dài và được nhuộm mầu đỏ (bằng lá móng). Chỉ có vợ con quan mới được quyền đeo khuyên tai và vòng xuyến bằng vàng hay bạc. Con gái dân thường thì đeo loại làm bằng thủy tinh. Phụ nữ ở tầng lớp trên đều có những chiếc vòng vàng hoặc bạc rất lớn được đính những hạt ngọc trai nhỏ to bằng hạt đậu. Có khi người ta xâu những viên ngọc này tạo thành sợi dài và quấn nhiều vòng quanh cổ. Chiếc nón của phụ nữ Bắc Kỳ rất đồ sộ. Nó có hình tròn giống như cái nia, đường kính từ 60-70 cm. Hai bên quai có tua rua cùng quả bông làm bằng lụa hay vải thô rủ xuống, ngoài làm duyên, nó cũng là biểu trưng của sự giầu sang. Có loại được làm rất cầu kỳ bằng lá cọ, có thể gập được, phía trước có mạng che bằng tơ. Nếu được trang trí thêm 2 khuy bạc thì chiếc nón có giá rất đắt và dĩ nhiên nó chỉ có ở Thăng Long. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ kể ra sự phong phú của nón. Nào là "nón mền giải" hay "nón tam giang" dành cho ông già, "nón lá" cho con nhà giàu, học trò, "nón dâu" cho họ hàng nhà quan, "nón lá sen" nhỏ khuôn cho trẻ con, "nón sọ nhỏ" cho nhà nông, "nón chèo vành" cho binh lính, "nón khua" cho người hầu, vợ con binh lính, "nón mặt lờ" cho thầy tu, "nón cạp" cho người có tang. Nón được trang trí cầu kỳ ở bộ quai thao, sản phẩm đặc biệt của làng dệt Triều Khúc (nay là Tân Triều, huyện Thanh Trì). Ca dao Hà Nội mô tả về nón:
Hà Nội thì kết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
Tứ bề nghiêng nón nghiêng vành
Ở giữa con bướm là hình ông trăng
Nón này em sắm đáng trăm
Ai trông cái nón Ba tầm cũng ưa
Đến triều Nguyễn, phụ nữ cho dán vào đáy một chiếc gương nhỏ để liếc chiếc khăn của họ khi ra đường. Quy định dân thường không được đi dép ra đường bị xóa bỏ và những lúc không đi đất, họ đi loại dép làm bằng da có hai dây buộc vào cổ chân, quai hình chữ V (như dép Thái Lan bây giờ). Với vợ và con gái quan, phụ nữ gia đình giầu có đi guốc gỗ sơn đen vểnh lên phía mũi phần uốn cong được trang trí hoa văn. Chính nhờ đôi guốc này, phụ nữ có điệu bộ nhún nhẩy khi đi bộ. Dân Hà Nội và quan đi dép hoặc giầy không cổ của Tầu, loại giầy đế to, mũi nhọn thậm chí cả những đôi giầy không cổ của châu Âu. Thế kỷ XIX, nhờ giao thương với các nước, phụ nữ giầu có đi giầy hài hở mũi rất nhọn và cong kiểu dáng đó gọi là giầy Mã Lai hoặc giầy Cao Miên. Mùa đông họ quấn xà cạp bằng vải, nhưng để chừa các ngón chân.
Nước hoa là sản phẩm của phương Tây, không biết vào Việt Nam từ khi nào, nhưng tại Hà Nội, người ta thấy nước hoa được bầy bán ở phố Bát Sứ cùng với gương soi, vải ka ki của Anh vào năm 1883. Hocquard, viên bác sỹ theo quân Pháp chiếm Hà Nội, trong một cuốn sách đã viết: "Người An Nam phát điên lên vì nước hoa. Họ tưới đẫm lên quần áo và tóc tai của mình, mùi nước hoa càng đậm lại càng hợp với sở thích của họ".
Sự làm đẹp của phụ nữ Việt Nam thay đổi theo thời gian và có thay đổi lớn khi người Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội vào năm 1883. Chỉ hai năm sau, tháng 7-1885, một phòng sửa tóc và trang điểm theo kiểu Paris (salon parisien) đầu tiên ở Hà Nội đã khai trương ở phố Tràng Tiền. Chủ nhân là người đàn bà Pháp trung tuổi. Salon này chỉ phục vụ vợ, con gái các quan chức chính quyền và sĩ quan Pháp đóng ở Đồn Thủy. Đầu thế kỷ XX, con gái Hà Nội được cho là sang:
Khăn nhung vấn tóc cho vừa
Đi giầy món nhái, đeo hoa cánh bèo
Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang
Mỹ viện của cô Jacqueline Tạ Quang Cát ở phố Hàng Khay xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, có lẽ đây là mỹ viện đầu tiên của người Việt. Jacqueline Tạ Quang Cát bán mỹ phẩm nhập khẩu và cô đã chế ra là phấn và nước bôi da dựa theo các bài cổ truyền được các bà các cô ưa thích. Còn số nhà 16A phố Hàng Trống là mỹ viện Keva chuyên sửa sang sắc đẹp và xoa mặt cho phụ nữ. Thời kỳ này, các công tử nhà giàu thị dân chạy theo mốt :
Thấy anh áo lượt xênh xang
Đồng hồ quả quít, nhẫn vàng tay đeo
Cái ô lục soạn cầm tay
Cái khăn xếp nếp, cái dây lưng điều
Hay:
Giầy ban bóng láng nuột nà
Khăn xếp chữ nhất, quần là nếp tư
Ở phố Nguyễn Trường Tộ có Cát Long chuyên đóng giầy cho sĩ quan và lính Pháp trong thành và ông này nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc là nhờ đóng giầy cho toàn quyền Decoux. Cát Long đóng khéo và đẹp đến mức ở Decoux không cần mua giầy ở Pháp. Đầu những năm 1930, giá một đôi giầy nhung thêu là 5 đồng, giầy da kiểu Tây giá 3,5 đồng trong khi giá một thúng cái gạo chỉ có 1,5 đồng.
Theo thời gian, các kiểu tóc của phụ nữ nông thôn không thay đổi nhưng với con gái Hà Nội thì dần bị ảnh hưởng các kiểu tóc của phụ nữ phương Tây. Con gái nhà lành không bao giờ dám nghĩ đến uốn tóc, song các cô đã gia nhập "làng Tây" bắt đầu phi-dê. Thập niên 30,40 của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ Hà Nội con nhà nề nếp vẫn bỏ tóc đuôi gà. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp những năm này làm báo Annam Nouveau ở Hà Nội, ông thầm yêu trộm nhớ người đẹp có tên là Đỗ Thị Bính, một trong "Hà Thành tứ mỹ nhân" gồm cô Bính Hàng Đẫy, cô Nga Hàng Gai, cô Síu Cột Cờ và cô Phượng Hàng Ngang. Sự thực còn có những cô đạt danh hiệu hoa khôi qua các hội chợ nhưng "Hà Thành tứ mỹ nhân" được nhắc đến cho tận ngày nay. Đỗ Thị Bính, sinh năm 1915, và bao giờ cũng mặc áo đen nên Nguyễn Nhược Pháp gọi thầm là "người phụ nữ áo đen". Cô cũng thường ra vườn tưới cây, tưới gốc tầm xuân sum suê cành lá vì thế còn có biệt danh khác là "Cô gái dưới giàn tầm xuân". Ngày nay, vẫn còn một phần dấu tích của khu vườn có giàn tầm xuân ở số nhà 30 Nguyễn Thái Học. Người ta đồ rằng cô Bính là mẫu hình để Nguyễn Nhược Pháp viết bài Chùa Hương
Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thấy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Nho nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo cái dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao
Chân em đi đôi guốc cao cao
Từ cuối thập niên 30 cho đến cuối thập niên 50, kiểu bới tóc của phụ nữ Hà Nội gần như không đổi, người có tuổi thì búi, trẻ hơn thì chải hất ngược và kẹp hai bên mái, kiểu này để lộ toàn bộ khuôn mặt tạo nên vẻ đàng hoàng. Trước năm 1945, Hà Nội có rất ít các tiệm uốn tóc nữ và hầu hết chủ tiệm là người Hoa.
Đầu thế kỷ XX, đàn ông Hà Nội vẫn để tóc dài và búi tó, nên thợ cắt tóc chỉ có con dao cạo sắc để xén tóc. Khi Tây có mặt ở Hà Nội thì xuất hiện hai hiệu ở cạnh đình Đông Hương (phố Hàng Trống) và ở phố Tràng Tiền. Song đông khách nhất là hiệu "Tây già Tràng Tiền", đến mức ông Tây già không cắt không kịp đã phải tìm thanh niên nhanh nhẹn rồi đào tạo gấp để có thợ cắt cho khách. Làng Kim Liên có nghề cắt tóc nhưng theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Văn Uẩn chắc chắn không sớm hơn năm 1910. Khi có phong trào đàn ông Việt cắt tóc ngắn thì ban đầu vẫn chỉ là cắt búi và tóc còn lại bỏ xõa dưới cổ. Rồi sau đó mới đến cắt theo kiểu của Tây có dao cạo mặt có tông đơ. Ở phố Chả Cá có ông chủ tiệm trước đó chuyên nhuộm vải vóc, quần áo tên là Phạm Tá đã bỏ tiền thuê nhà ông Trần Phềnh (người chuyên vẽ pa nô cho các vở diễn sân khấu) đặt 8 ghế cắt tóc nam tạo việc làm cho các thanh niên nghèo. Ông Quang ở 2C phố Quang Trung, người có 68 năm làm nghề cắt tóc kể rằng, để nhuộm tóc mầu hung hung cho mấy bà đầm, người ta ủ tóc bằng lá móng (một loại lá để nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ con vào tết mồng 5 tháng 5 âm lịch, có mầu đỏ nhạt). Thời Pháp tạm chiếm, các tiệm uốn tóc đã nhiều hơn song đa phần chủ tiệm là người Hoa. Thời kỳ này bắt đầu có thuốc nhuộm tóc mầu đen nhưng khách nhuộm chỉ là người Pháp, còn người Việt không cần nhuộm vì vốn dĩ là tóc đen sẵn rồi. Một số người tóc bạc sớm do "xấu máu" cũng không ai dám nhuộm. Tiệm uốn tóc nữ nổi tiếng nhất Hà Nội thời tạm chiếm là Miwaco ở phố Hàng Trống do một nữ Hoa kiều làm chủ. Khách đến đây là các quý bà, quý cô và các "bà đầm". Tiệm đông khách từ lúc mở đến lúc đóng cửa. Mốt tóc được ưa thích nhất là cuốn từng búp rất cầu kỳ. Người thợ cuốn tóc vào kẹp sắt nóng đủ làm tóc quăn nhưng không nóng tới mức cháy tóc. Thời bao cấp, nhà số 15 phố Hàng Khay là hợp tác xã cắt tóc nam. Cửa hàng này có từ thời kỳ Pháp tạm chiếm và là hiệu cắt tóc tư nhân. Năm 1960 theo chủ trương "hợp tác hóa", các bác thợ cắt tóc phải "góp gạo thổi cơm chung". Dù tông đơ, dao hay kéo là của Trung Quốc nhưng ghế cho khách ngồi tất cả đều là ghế xoay sản xuất ở Pháp. Cửa hàng còn có những bình xịt nước bằng quả bóng cao su. Khách hàng hầu hết là trí thức hay những người lịch lãm. Đến đầu năm 1990, hệ thống các hợp tác xã tan rã, cửa hàng này chuyển về đầu phố Tràng Thi. Vì là khu trung tâm nên Hàng Khay và Tràng Tiền ngoài các cửa hàng kinh doanh thì hai phố này còn khá nhiều các cửa hàng làm đẹp. Suốt thời gian dài, từ 1954 đến đầu thập niên 80 thế kỷ 20, ít người bạc tóc muốn nhuộm thành đen phần vì định kiến xã hội, phần vì không có thuốc. Khoảng năm 1984, thuốc nhuộm tóc đen từ Thái Lan được nhập vào Việt Nam do một số người đi công tác mua về đã cho những người bạc tóc sớm có cơ hội "lợp ngói". Năm 1987, một số chị em nghệ sỹ và dân "chịu chơi" đã tiên phong thay mầu tóc đen nhánh bằng mốt tóc nâu. Do chưa có thuốc nhuộm mầu, các tiệm lấy nước ô xy già (một loại thuốc sát trùng dùng trong y tế) hòa với thuốc nhuộm tóc mầu đen rồi chải lên tóc. Muốn tóc có màu nâu, phải ủ chừng 15 phút, còn muốn hơi ngả sang mầu lông bò thì để lâu hơn. Tuy nhiên nhuộm bằng cách này tóc rất cứng. Năm 1990, Hà Nội bắt đầu xuất hiện thuốc nhuộm mầu do cán bộ đi công tác châu Âu mang về, họ bán cho các tiệm uốn tóc. Khoảng năm 1994, thuốc nhuộm mầu từ Thái Lan tràn qua Việt Nam tạo ra sự thay đổi lớn cho mái tóc phụ nữ. Song nhuộm tóc mầu thực sự trở thành trào lưu trong giới trẻ khi Truyền hình Việt Nam chiếu các phim Hàn Quốc, các diễn viên nam hay nữ đều nhuộm tóc vàng hay nâu. Bây giờ thì để tóc đen tự nhiên lại trở thành mốt. Trước năm 1982, con gái nhà có điều kiện mới gội bằng xà phòng thơm, còn lại chủ yếu gội bằng bồ kết và chanh. Năm 1983, Hà Nội bắt đầu xuất hiện kem gội đầu. Nguồn vẫn từ Thái Lan và người đi công tác nước ngoài mang về. Năm 1987, có một xí nghiệp bột giặt ở TP Hồ Chí Minh sản xuất được dầu gội đầu, tuy nhiên mùi không thơm như dầu Thái, nên chỉ người ít tiền mới dùng loại này. Đến năm 1990 dầu gội trở nên phổ biến hơn và để trở thành thứ nước gội thay thế bồ kết và xà phòng thơm thì phải vào khoảng năm 1993.
Với những người không cam chịu mái tóc trời cho, nếu thích tóc quăn (còn gọi là phi-dê, một từ phiên âm từ tiếng Pháp, nghĩa là làm cho tóc quăn) thì chỉ có cách là uốn nóng. Người thợ cuốn tóc thành từng búi nhỏ vào lõi sắt. Các lõi này thực chất là dây mai-so, khi có điện, lõi sắt nóng đến một nhiệt độ nhất định làm cho tóc quăn như ý muốn. Tuy nhiên, mỗi lần uốn tóc phải mất cả buổi ngồi yên trên ghế với mớ dây điện lằng nhằng trên đầu. Đến khoảng năm 1987 bắt đầu có thuốc uốn nguội. Thợ bôi thứ thuốc có mùi thôi thối lên đầu sau đó dùng lô cuốn, tùy theo kiểu tóc mà số lô nhiều hay ít. Rồi người ta chụp lên đầu một mũ bằng ni lông, ủ chừng 1 tiếng thì gội và cho đầu vào trong nồi sấy điện (giống như mũ của phi hành gia) để giữ nếp. Lại có chị em cắt ngắn nhưng không muốn để tóc thẳng đơ, họ mua lô (bằng nhựa) và sáng ra từ trên gường xuống chưa đánh răng rửa mặt đã cuốn, thế mới có mái tóc ôm lấy đầu để đến công sở.
Nói về chạy theo mốt của chị em cũng lắm chuyện. Sau năm 1975, mốt tóc Cẩm Vân rộ lên. Hầu như đám trẻ theo mốt này. Tóc trán cắt bằng rồi tỉa đuổi hai bên mái. Tiếp đó xuất hiện mốt "ôxy", tóc được cắt ngắn ngang tai, sau đó uốn từ chân tóc lên đến tận đỉnh đầu. Hết mốt "ôxy" lại chuyển sang mốt "chiến hạm nổ tung" (bắt chước một nhân vật trong bộ phim Chiến hạm nổ tung ở cảng). Tóc cắt ngắn ngang vai và rẽ ngôi. Sau khi xem Khi đàn sếu bay qua (phim Liên Xô), nhiều cô bắt chước kiểu tóc của nhân vật nữ du kích trong phim để tóc thề, lòa xòa mấy sợi trước trán. Rồi mốt "Mai-ca" (một nhân vật trong phim Mai-ca, cô bé từ trên trời rơi xuống), tóc tỉa đuổi hình oval. Chưa hết các cô lại chạy theo mốt Mariana (nhân vật trong phim Người giầu cũng khóc) để tóc ngang lưng và sấy nhẹ. Năm 1987, chị em đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc về mang theo mốt tóc Xuri (ca sĩ nổi tiếng thập niên 80 của Tiệp Khắc, để tóc xù). Thế là cả Hà Nội tràn ngập kiểu Xuri. Không biết ảnh hưởng từ đâu đã xuất hiện mốt như chổi lúa. Bà Kim Quý, người nổi tiếng trong giới tạo mốt tóc kể có hôm 11 giờ đêm, cửa hàng đã đóng cửa nhưng vẫn còn người gõ cửa nì nèo làm cho kiểu này để sáng hôm sau chính thức nhận lời yêu.
Thập niên 70 thế kỷ trước, đa phần nữ sinh để tóc dài, cắt tóc ngang vai hay để quá hai vai rồi buộc thành hai bím. Ai "bôn" (bolsevik, tiếng Nga chỉ người cách mạng) thì dùng cặp ba lá cặp lại hoặc tết tóc đuôi sam. Nữ sinh "đua đòi" thì để đuôi gà (buộc chổng ngược ) nhưng cả trường cấp III hàng nghìn học sinh cũng chỉ có dăm người. Thời bao cấp, chạy theo mốt bị xã hội phê phán là đua đòi, lai căng. Tranh châm biếm rồi thơ phê phán đăng trên báo:
Oxy, Tây Đức, Cuốn thừng (các mốt tóc của nữ)
Mai rìu (tóc mai tõe ra hình lưới rìu), xoáy ốc (tóc xoáy theo một chiều từ trái qua phải, nở tung gáy bằng (gáy cạo bằng).
Ăn chơi như thế được chăng...
Về xăm thẩm mỹ thì có một thanh niên tên là Long ở Sài Gòn ra Hà Nội mở tiệm đầu tiên vào năm 1989. Tại Hà Nội, tiệm tóc của Bình "rồng" (dốc Bà Triệu) mở màn cho dịch vụ này, sau đó là Kim Quý. Năm 1993, ở Hà Nội xuất hiện nhuộm móng chân móng tay. Thuốc nhuộm chỉ có một mầu. Năm 2004, phát triển hơn, người ta còn vẽ cả hình lên móng tay. Thời Pháp thuộc, chỉ các quý bà, quý ông mới dùng nước hoa. Trong thời gian cải tạo tư bản tư doanh, không ai dám dùng, nếu dùng ra đường, nhẹ là cái bĩu môi, nặng là bịt mũi và nhổ nước bọt. Qua cái đận đó tình hình khá hơn, nhưng cũng chỉ dùng vào dịp Tết, cưới xin. Hà Nội cũng có Xí nghiệp Hóa mỹ phẩm sản xuất ra nước hoa hiệu Ỷ Lan hay Hoa Nhài. Hai nhãn hiệu này có mùi thơm tự nhiên nhưng chất lượng rất tồi vì không thơm lâu.
Thời bao cấp, phụ nữ ngoài dép lê bằng nhựa chỉ còn có đi guốc. Guốc làm bằng gỗ và nguồn nguyên liệu này sẵn có trong nước. Quai bằng nhựa trắng hay nhựa mầu nên cũng dễ coi. Thập niên 70, các hợp tác xã nhựa cho ra guốc cao gót, đế nhọn bằng nhựa. Gọi là cao gót nhưng tối đa cũng chỉ cao đến 3 phân và cũng chỉ có các cô "đua đòi" mới đi loại guốc này. Bình thường thì guốc là guốc, nhưng khi cần đánh ghen, ẩu đả ngoài đường, guốc nhựa trở thành vũ khí nguy hiểm vì cái gót nhọn và cứng. Có cô nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi lỗ sâu hoắm trên đỉnh đầu khi bị tình địch bổ guốc. Guốc cổ nhất được cho là loại guốc đẽo bằng gộc tre, mũi liền với đế rất bền. Sau đến guốc đế gỗ, quai bằng da mộc và rồi da thuộc. Hình thức cũng thay đổi theo thời gian, từ chỗ đế thấp dần dần tiến đến đế cao tới nửa gang tay. Có loại để mộc, có loại sơn then, sơn mài, quang dầu vẽ hoa lá. Quai guốc cũng có nhiều loại: quai ngang, quai chéo, quai đan, quai lệch... với đủ các chất liệu khác nhau như: vải, da, cao su... Ở Hà Nội ngày nay, guốc chỉ còn dùng cho phụ nữ. Nam giới rất ít người đi, hoặc chỉ đi trong nhà. Dép cổ nhất là dép quai ngang, đế bằng da mộc, có quai nhỏ để sâu ngón chân cái, phía dưới có dây buộc. Nhà giầu và con gái nhà quan đã đội nón quai thao thì phải đi dép cong mới hợp thời trang. Đế dép bồi nhiều lớp, tạo ra chiếc mũi cong đứng hình lá đề. Cuối thế kỷ XIX, đầu XX, đàn ông chuộng giầy Gia Định, mũ bằng da láng đen mượt, bóng mềm. Học trò hay đi giầy da lợn. Ai mặc Âu phục phải đi giầy Tây mới đúng kiểu. Khi Tràng Tiền đã trở thành trung tâm thương mại vào đầu thế kỷ XX, phố này có vài cửa hàng bán giầy nhập từ Pháp: Lamothe (số nhà 52 B) hay ở nhà hàng Goddard. Đi giầy Tây chỉ có người Việt làm công chức, dân vào làng Tây và thanh niên du học ở Pháp về. Sau năm 1954 và kéo dài cho đến những năm 1970, ra phố vẫn thấy người đứng tuổi đội mũ cát. Mũ này trước phải nhập từ nước ngoài nhưng thập niên 1920, nhà Hai Chinh ở Cầu Gỗ đã làm được do tìm thấy cây rút ở ven Hồ Tây mềm và nhẹ như bấc. Mũ cát không chỉ người Pháp ưa dùng mà còn là mốt của giới công chức, thanh niên, trung niên Hà Nội. Trước đó, chính Hai Chinh đã nghĩ ra khăn xếp, với các cỡ khác nhau và khăn xếp không thể thiếu được với người cao tuổi Việt Nam và cho đến hôm nay, nó vẫn được đội trong dịp lễ tết. Hai Chinh quê Hưng Yên xuất thân là nghề thầu chuyên cung cấp mũ cho lính Pháp ở Đông Dương. Năm 1947, Pháp cho quân nhẩy dù xuống Bắc Cạn. Có chuyện một anh bộ đội nhà ở phố Hàng Chĩnh vì quá mê giầy nhà binh của tên lính Pháp bị chết nên mặc cấp trên ra lệnh rút lui, anh lính trẻ vẫn gan lì cõng xác tên lính Pháp vào bụi rậm cởi lấy đôi giầy, mặc cho lính Pháp bắn như rắc thóc, may mà anh chỉ bị thương. Sau này trở thành sĩ quan trong quân đội, ông vẫn giữ đôi giầy làm kỷ niệm; khi ông mất, gia đình đã thả đôi giầy xuống sông Hồng.
Dép nhựa trắng của Xí nghiệp nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) là mốt của rất nhiều thanh niên các thành phố miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội. Dân chơi gọi là "gò" và giá khá đắt nên không phải ai cũng mua được. Dân đua đòi ít tiền chỉ dám mua dép tái sinh (làm bằng nhựa phế liệu) mầu tiết luộc hay nước cống. Dép Tiền Phong cũng không có gì đặc biệt, được làm từ hạt nhựa nguyên chất không pha mầu. Người ta không đúc liền mà đúc đế riêng, quai riêng, sau đó lồng quai vào đế qua hàng lỗ. Lần đầu đi chắc chắn ai cũng bị xây sát ngón cái và ngón út do quai dép cọ vào. Đi gần hết một đời dép thì chân có chai. Dép nhựa có ưu điểm bám đường và cho cảm giác thật. Nhưng vào ngày mưa thì... khốn khổ bởi đất bám đầy vào phần rỗng dưới đế dép. Mới đi, dép còn mềm giữ được mầu trắng nhưng lâu dần sẽ ngả sang mầu vàng và cứng vì nhựa bị lão hóa, lúc này dép rất dễ vỡ. Bỏ thì tiếc, muốn tiếp tục sử dụng chỉ còn có cách mang đi hàn. Thợ hàn dép nhựa ngồi đầy các cổng chợ, xó xỉnh quanh hồ Hoàn Kiếm. Nếu không muốn hàn, đôi dép mòn vẹt vá víu nhằng nhịt vẫn có thể bán cho mấy bà chuyên mua đồ cũ ngồi cuối phố Mai Hắc Đế, ga Hà Nội hay ở đầu phố Khâm Thiên.