Những chiều khác của Hà Nội
Là phóng viên ban Phóng sự báo Hà Nội mới, Nguyễn Ngọc Tiến phải "đẻ" ra những bài báo có liên quan đến Hà Nội. Thật không ngờ, sự bắt buộc ấy trở thành đắc địa, phát tiết cho con người lọ mọ, mang trong mình sự si mê với đô thị có nhiều vỉa truyền thống nhất nước. Sau "5678 bước chân quanh Hồ Gươm" 2008, cuốn mới ra "Đi ngang Hà Nội" của anh, cũng NXB Văn học, đang được giới đọc tìm mua.
Hà Nội là cái mỏ lớn, có những "thực thể" đã định hình, lắng lại, để dần dần lui vào ký ức như: tem phiếu, tàu điện, xẩm chợ, cô đầu… Lại có những thứ còn đang "phàm ăn" phừng phừng đổi thay như: ô tô, sân khấu, nhảy đầm… Đấy đều là những đặc trưng đô thị, chọn lựa chúng để viết là sáng suốt rồi. Nhưng cái làm nên chiều sâu, sức sống lâu bền hơn vô số bài báo cùng đề tài là ở sự tiếp cận của tác giả. Cái gì anh cũng để tâm tìm hiểu nguồn gốc, từ khi xuất hiện đến các giai đoạn khác nhau tùy hoàn cảnh xã hội của nó. Công phu vô cùng trong giai đoạn tìm tư liệu: lục báo cũ, hỏi người biết, lang thang trên mạng, nhất là đối chiếu những mảnh mẩu nhặt được để sàng ra thứ thiệt. "Đi chợ" về, Ngọc Tiến không cao vọng làm "đặc sản". Đơn giản nhất là kể lại, theo ngọn ngành, tiết chế "vị" chủ quan, ít phẩm bình hay cao giọng "phản biện" như cách nói đương thời. Thái độ xử lý tư liệu có vẻ khiêm nhường ấy làm nên sự tin cậy, nhất là chiều sâu lịch đại. Những bài ngắn hay dài kỳ của anh trên trang phóng sự Hà Nội mới được nhiều người đọc, bàn thảo. Thấp thoáng trên mạng, các nhà báo có lương tâm "xào" lại chúng với chữ chua "theo Nguyễn Ngọc Tiến".
Nói vậy thì Tiến "thuần tư liệu" à? Không hẳn. Sự lựa chọn từ đề tài, cách thể hiện, bỏ cái gì, làm rõ cái gì mang dấu ấn cá nhân lắm chứ. Có điều phải kín đáo một chút, Hà Nội mới dầu gì cũng là tờ "chính thống" của địa phương, "trần" không rộng không cao như các báo "trung ương" được. "Ở bầu thì tròn", đây cũng là điều đáng tiếc cho công phu tác giả, nhiều khi phải ghìm mình lại, không thể đưa lên những chi tiết mà "máu thịt còn tươi ròng ròng"; phần nào tạo nên cái giọng khá phẳng, đều đều kể. Có thể thấy sự tiết chế ấy ở những đề tài còn "nhạy cảm" như "Tư sản Hà Nội", "Điếm xưa, điếm nay". Nhưng ở đây, anh cố gắng đưa vào những "nhánh ngang" làm nên nét "trữ tình ngoại đề", như chuyện cô "phò" gốc Hoa ở Hàng Buồm, trước khi phải về nước năm 1978 đã "chiều" tất cả đám đàn ông đã "cùng vui vẻ" không lấy một xu, coi như "để lại kỉ niệm". Ở bài "Đổ thùng hay chuyện về… phân", anh đưa một loạt "ca dao" vào, "dậy mùi" vô tả. Đụng đến những thứ này dễ thành tục tĩu hay "vi phạm" thuần phong lắm, may là tác giả "thoát" được, và cách đọc của người đời nay cũng đã khác lắm.
Người đọc, tùy theo lứa tuổi, tâm thế, tìm thấy trong "Đi ngang Hà Nội" những cảm thức khác nhau. Ông bà có tuổi có chút ngậm ngùi cùng "Xe đạp ơi!", "Thời tem phiếu", "Phở có người lái và phở không người lái", "Cô đầu Khâm Thiên"… Thanh niên háo hức với "Ô tô, biểu trưng quyền lực", "Bia hơi"…, hoặc tò mò trong một địa hạt có vẻ quá bắc bậc: "Chơi đĩa than", "Nhảy đầm"... Có lẽ bài viết ít bị tiết chế nhất là "Bừng bừng sân khấu thập kỷ 80". Những gì anh kể đều đã thành quá khứ, nhưng nhiều thứ cứ như đang nhắc đến tương lai, như gợi lên một quy luật "chúng tôi có thể còn quay lại, biết đâu đấy".
"Đi ngang Hà Nội" là đầu sách thành công của năm nay, đang được nhiều người tìm đọc. Đô thị Thủ đô còn bao nhiêu vỉa để Nguyễn Ngọc Tiến đào bới, mong lắm những cuốn sách tiếp theo.
Trần Chiến
(Báo văn Nghệ ngày 23-6-2012)