Dưới triều Nhà Nguyễn, Thăng Long bị hạ cấp xuống Bắc thành rồi tỉnh nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm buôn bán của xứ Đàng ngoài. Tuy nhiên do chính sách khép kín và ít nhiều vẫn mang tư tưởng "trọng nông, ức thương" nên buôn bán ở Hà Nội vẫn chỉ là "Hơn mua, kém bán". Sản xuất thì vẫn nhỏ lẻ mang tính gia đình với các mặt hàng thủ công quen thuộc như: Giấy, tơ, lụa, đồ gỗ... Buôn bán với nước ngoài do Hoa kiều do nước ngoài nắm giữ.
Nhưng từ khi Thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai và chiếm trọn Hà Nội vào năm 1883 thì kinh tế, xã hội Hà Nội có sự thay đổi hoàn toàn. Ngay trong năm 1883, Công sứ Bonnal đã cho làm đường vòng quanh hồ Gươm, xây cất các công trình phục vụ cho bộ máy cai trị và đây là cơ hội tốt cho các công ty của người Pháp và thương nhân Hoa kiều chứ không phải người Việt Nam vì không có vốn, lại không có công nghệ. Các công ty đầu tiên về xây dựng, thương mại hầu hết chủ Pháp và Hoa kiều. Rồi Hà Nội trở thành nhượng địa theo đạo dụ vào ngày 1-10-1888, lại càng thúc đẩy kinh doanh sản xuất phát triển vì Hà Nội không còn bị chi phối bởi các chính sách của triều Nguyễn. Người Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội mở công ty thầu khoán có lẽ là cô Tư Hồng, một người đàn bà lấy chồng Tây. Cô Tư Hồng đã trúng thầu phá thành Hà Nội năm 1894, có lẽ vì thế mà trong suy nghĩ nhiều người cô Tư Hồng là kẻ theo Pháp, bán nước. Tuy nhiên bình tĩnh nhìn lại thì nếu Tư Hồng không trúng thầu thì cũng sẽ có công ty của Pháp hay Hoa kiều làm công việc này vì quyết định phá thành đã được Hội đồng thành phố thông qua. Tiếp theo là đến Hoàng Tăng Bí, cụ được đào tạo trong cái nôi Nho học đậm đặc. Tuy nhiên trong môi trường Nho gia đóng kín ấy, cụ đã nhận thấy cần thiết phải canh tân thông qua thương mại. Hoàng Tăng Bí cùng với các chiến hữu là Nguyễn Quyền lập Công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai, vừa bán hàng hóa, vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa đại đóa, ướp trà, rồi lại lập Quảng Nam Hiệp thương công ty để lấy tiền để duy trì ngôi trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Một nhà Nho khác tham gia buôn bán là Lương Văn Can. Năm 20 tuổi, Lương Văn Can đỗ cử nhân ở trường thi Hương Hà Nội. Năm sau, 1875, Lương Văn Can lại thi Hội, được triều đình bổ nhiệm làm quan nhưng từ chối, về nhà mở trường dạy học.
Với cụ Lương thì lánh xa quan trường lại là cơ hội tốt để đóng góp cho đời nhiều hơn và tích cực hơn. Căn nhà số 4 Hàng Đào của cụ từ lâu đã trở thành chốn vào ra của các bậc danh nhân Hà Thành và anh em bốn phương. Các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng coi nơi đây là nơi để bàn bạc thế sự. Và ngôi trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời chính là thành công của những cuộc hội đàm giữa những con người tâm huyết vì vận mệnh đất nước. Để duy trì trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gia đình cụ Lương Văn Can đã có những đóng góp to lớn về tài chính nhờ có tiệm buôn Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang.
Đông Kinh Nghĩa Thục thất bại vì bị thực dân Pháp ra sức đàn áp, Lương Văn Can bị đi đầy biệt xứ ở Nam Vang (Campuchia). Nhưng cũng chính tại đây, chí khí canh tân trong cụ được phát huy hết bao giờ hết khi cụ đã tạo dựng được một "đường dây" buôn bán từ Việt Nam sang Campuchia. Hiệu buôn Đại Thanh và Hưng Thạnh lần lượt ra đời và cũng chính trong những ngày tháng sống ở Campuchia, cụ đã cho ra đời cuốn sách Thương học phương châm, được coi là cuốn sách giáo khoa đầu tiên của giới thương nhân Việt Nam. Cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng tư tưởng lớn của một con người mong muốn đất nước phát triển. Song thành công sáng chói trong thương trường phải kể đến Bạch Thái Bưởi, người có đầu óc kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, khiến giới tư sản Pháp, các nhà buôn Hoa kiều, đối thủ với ông phải nể phục. Tiếp đó có nhiều người Việt làm giầu bằng nghề thầu khoán và buôn bán vật liệu như: Tư Hồng ở Cửa Đông, Trần Quanh Minh ở Hàng Bông, anh em Đinh Tráng, Đinh Hòe chuyên phân phối hàng của Pháp đến các tỉnh. Có người chung vốn hay đứng một mình mở công ty như Quảng Hưng Long ở Hàng Bồ, vừa sản xuất vừa buôn bán hàng nội; Quảng Hợp Ích, Đông Thành Xương (phố Hàng Gai), Đan Sơn nấu sơn, Hương Ký làm gạch, Mạc Đình Tư, Ngô Tử Hạ mở in ấn, Tiên Long, Đồng Lương sản xuất chè... Các công ty ở Hà Nội quá non trẻ so với các các công ty của Pháp và Hoa kiều, họ mới sinh ra đã phải chạy.
Không những phải chạy mà họ còn phải cố chạy thật nhanh nếu không muốn tụt lại đằng sau và rất nhiều doanh nhân Hà Nội đã vượt qua cả một số đối thủ. Các công ty thầu khoán Pháp hoành hành trong xây dựng, làm đường, khai thác vật liệu, nhập khẩu hàng hóa; doanh nhân Hoa kiều gần như độc chiếm xuất khẩu gạo sang Hương Cảng, Thượng Hải. Tháng 6-1896, Phòng Thương mại Hà Nội được thành lập gồm có 12 người trong đó tới 9 người Pháp 3 người Hoa nhưng không có người Việt Nam. Kéo dài cho đến năm 1902, người Việt vẫn không chưa có chân, không có chân nghĩa là các vụ làm ăn béo bở, dễ dàng bị tư sản Pháp và Hoa kiều chia nhau điều đó tạo cơ hội cho họ kiếm lời nhanh chóng.
Khi tham gia đấu thầu phá thành Hà Nội, cô Tư Hồng phải cạnh tranh với các nhà thầu Pháp, Hoa kiều, có tiềm lực tài chính và sẵn kinh nghiệm nhưng cuối cùng Tư Hồng thắng thầu bằng việc bỏ thầu giá thấp và để đảm bảo thời gian phá dỡ đúng cam kết, cô đã cho người về các vùng quê tìm lao động nông thôn, ai dẫn được người đến làm, Tư Hồng cho tiền vì thế cô thu hút hàng trăm lao động. Lúc cao điểm có tới 1000 lao động trên công trường. Bạch Thái Bưởi cũng không dễ dàng khi lao vào khai khoáng, kinh doanh vận tải đường sông. Ông phải mưu mẹo và quyết liệt với Công ty vận tải đường sông Bắc Kỳ (Messageries Fluviales du Tonkin) do thầu khoán Jules d'Abbadie làm chủ.
Đến đầu những năm 1920, doanh nhân Hà Nội tăng lên về số lượng và tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, họ trở thực sự trở thành tư sản dân tộc có hơi hướng yêu nước, làm giầu vì lòng tự tôn dân tộc. Để bảo vệ nhau, doanh nhân Hà Nội đã lập ra Hội Nông Công Thương Bắc Kỳ đồng nghiệp, và hội lập ra Hữu thư xã, xuất bản báo Hữu thanh và sau là báo Thực Nghiệp. Trong những nhà tư sản Hà Nội, có lẽ Bạch Thái Bưởi là người đi đầu, ông hùn vốn với một người Pháp, làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương. Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp miền Bắc, miền Trung để tìm kiếm các loại gỗ. Nhờ cách làm ăn uy tín, Bạch Thái Bưởi rất được lòng người Pháp. Làm việc lớn nhưng cũng không bỏ việc nhỏ ông lại nhận thêm việc thầu thuế chợ ở Vinh (1906–1913), ở Nam Định (1906–1909), ở Thanh Hóa (1907–1909).Năm 1909, Bạch Thái Bưởi lại thử sức mình khi bước vào kinh doanh trong một lĩnh vực mới mẻ là ngành vận tải thủy. Ông bắt đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Long, Phi Phụng và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp có tên là A.R.Marty, chạy trên tuyến Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy (Vinh). Năm 1915, có một sự kiện đáng lưu ý thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Bạch Thái Bưởi. Đó là việc ông quyết định mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của hãng A.R.Marty, một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở Hải Phòng. Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa và có các chi nhánh ở nhiều nơi. Ngày 7- 9-1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) tàu Bình Chuẩn do người Việt tự thiết kế và đóng. Bình Chuẩn dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ compound 450 mã lực, chạy bằng hơi nước có dung tích 8 mét khối, vận tốc đạt 8 hải lý/giờ. Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17- 9-1920, trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn. Sự việc này được xem là sự kiện tượng trưng cho "Phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp" của giới tư sản Việt Nam lúc đó.Năm 1928, ông lại dốc nhiều tiền vào khai mỏ, sau khi đã nhượng lại toàn bộ công ty tàu thủy cho hãng Sauvage. Và sau đó Bạch Thái Bưởi trở thành "Ông vua trong lĩnh vực khai mỏ". Ngày 22-7-1932, một cơn đau tim đã vật ngã doanh nhân bền chí, quả cảm bậc nhất của nước Việt đầu thế kỷ XX.
Một doanh nhân khác phải kể đến là ông Nguyễn Văn Vĩnh. Được cử sang Pháp dự hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8-1906 khi mới 25 tuổi, ông được tận mắt chứng kiến và choáng ngợp trước sự phát triển của nước Pháp. Ở lại thêm một tháng sau khi hội chợ kết thúc để tìm hiểu thêm và sau khi về nước, ông xin thôi ngạch quan chức và chuyển sang làm báo và kinh doanh nghề in cùng với Schneider, một kỹ sư ngành in. Nhà in đầu tiên ở miền Bắc (đặt tại phố Tràng Tiền do ông và Dufour cùng hợp tác thành lập. Nhà in này đã in rất nhiều tác phẩm có giá trị do ông dịch thuật từ chữ Pháp sang chữ quốc ngữ, hoặc ngược lại với quan niệm giao lưu giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Trong cuộc đời mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã hai lần từ chối nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng. Và ông cũng từng cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.
Trong ngành vật liệu xây dựng có ông Trần Văn Thành sản xuất gạch ngói với hiệu Hưng Ký. Từ khi mua lại hãng Briqueteries et Tuileries du Tonkin, một cơ sở sản xuất còn khá khiêm tốn vào năm 1921, Hưng Ký đã phát triển lên 3 lò liên hoàn, sản xuất gạch hai lỗ và ngói lợp loại 22 viên/m2. Tất cả các sản phẩm đều được dập tên Hưng Ký. Gạch, ngói Hưng Ký nổi tiếng trên toàn cõi Đông Dương và chỉ có gạch, ngói Hưng Ký mới đủ sức cạnh tranh với gạch Satic của Pháp. Sản phẩm của Hưng Ký đã in dấu trong nhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội, Bắc Kỳ, Lào, Campuchia, Singapore.
Xuất nhập khẩu có Công ty Quảng Hưng Long, công ty thương mại này thành lập năm 1907, ban quản trị lúc đầu có các ông Sơn Xuân Hoan, Hoàng Kim Bảng và Trần Giai Thụy với các nghề rèn sắt những vật dụng làm nhà, các vật dụng cho khai khoáng, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ khi ông Lê Thành Giai, một kiến trúc sư làm việc trong lĩnh vực thầu khoán và kiến trúc gia nhập Quảng Hưng Long thì công ty này tiến xa hơn. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Quảng Hưng Long hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc và được đánh giá là công ty xuất nhập khẩu lớn nhất Bắc Kỳ có vai trò quan trọng xuất khẩu của Hà Nội với hơn 100 nhân công. Còn lĩnh vực in ấn thành công phải nói đến Ngô Tử Hạ, từ những máy in đơn giản chỉ in nhãn hương, ông tiến tới mua đất tại phố Lý Quốc Sư xây dựng nhà máy mới và trang bị máy móc tiến tiến, nhờ đó mà chất lượng in ấn đảm bảo giải quyết các hợp đồng một cách chóng vánh.
Năm 1925, khi mới 29 tuổi, ông Vũ Đình Long bắt đầu chuyển sang kinh doanh với một hiệu sách mang tên Tân Dân thư quán ở số 93 Hàng Bông, đồng thời vẫn tiếp tục làm tại Sở học chính. Sau đó, ông xin thôi việc chuyển hẳn sang kinh doanh xuất bản và mở thêm nhà in, trở thành chủ nhà in Tân Dân. Ban đầu, nhà in chỉ in sách giáo khoa, truyện kiếm hiệp… Về sau, ông đã đứng ra tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, đặt hàng, cấp vốn cho họ để ra báo, tiểu thuyết như: Tiểu thuyết thứ Bảy 1934- 1935, Tuần báo Ích Hữu 1937- 1938, Tạp chí Tao đàn 1937- 1938 và Tuần báo Truyền bá 1941- 1942 và các tác phẩm của các nhà văn: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thanh Châu, Ngọc Giao, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Nam Cao, Vũ Ngọc Phan, Lưu Trọng Lư, Lê Văn Trương, Văn Cao. Bản thân Vũ Đình Lòng còn để lại trên 10 vở kịch có giá trị như: Chén thuốc độc, Tây Sương tân kịch (1922), Tòa án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1944), Tổ quốc trên hết (1949), Tình trong khói lửa (1953)... Ông còn viết sách giáo khoa, cũng như nhiều khảo luận văn học như Phê bình Truyện Kiều, Luận về nghề nghiệp... đã đăng trên các báo.
Năm 1933, vợ chồng ông bà Cự Doanh mở xưởng dệt kim lớn vào bậc nhất ở Hà Nội tại ở số 44 – 46 Hàng Quạt. Nhân công có lúc lên tới gần 200 người. Sản phẩm sản xuất ra có quầy giới thiệu sản phẩm ở Hàng Quạt, có xe ô tô giao hàng. Những mặt hàng dệt kim của hiệu Cự Doanh không chỉ được người Việt Nam ở thành thị, bà con thiểu số ưa chuộng mà tiếng tăm tới tận châu Phi. Dệt hàng tơ lụa còn có Trịnh Văn Bô, nhà máy dệt lụa của ông có hơn trăm công nhân. Lĩnh vực ăn uống khách sạn có Công Tu Nghiệp với nhà hàng Phú Gia nổi tiêng ở phố Hàng Trống. Thủy tinh Thanh Đức của doanh nhân Trịnh Đình Kính không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang các Angieria, Maroc,Turini. Và còn rất nhiều doanh nhân khác.
Giầu nhưng họ có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc mong muốn nước nhà độc lập thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Những năm 1932 – 1945, ông Đỗ Đình Thiện đã tham gia các hoạt động yêu nước như: phong trào Mặt trận bình dân, ủng hộ tiền cho báo Lao Động (Le Travail), tuyên truyền vận động người của Đảng cộng sản Việt Nam vào Viện dân biểu. Năm 1943, Nguyễn Lương Bằng vượt ngục ở nhà tù Sơn La, đến bắt liên lạc với vợ chồng ông bà tại nhà riêng ở số 54 Hàng Gai, được ông bà giúp cho 3 vạn đồng Đông Dương. Đầu năm 1945, ông bà lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng nữa. Đầu những năm 1940, ngôi nhà ở 54 Hàng Gai trở thành "nhà khách" của các nhà cách mạng. Ngày 1-9-1945, ông bà đã rút 10 triệu đồng để chính phủ mới chi dùng. Trong "Tuần lễ vàng" gia đình Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng. Không chỉ có vậy, ông bà còn mua bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sỹ Nguyễn Sáng vẽ với giá 1 triệu đồng Đông Dương rồi tặng cho Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội.
Ông Đỗ Đình Thiện còn là thư ký riêng tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp trong dịp Hội nghị Fontainebleau và ký tạm ước ngày 14-9-1946. Khi toàn quốc kháng chiến, đồn điền Chi Nê (nay là xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) của ông bà đã trở thành điểm dừng chân cho một số đơn vị giải phóng quân trên đường vào Nam chiến đấu.Riêng vụ lúa thu 1946 – 1947, ông bà ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc để nuôi quân. Ông bà Thiện đã mua lại nhà in Tô-panh rồi hiến cho chính phủ. Tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam (còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh" được in tại đồn điền Chi Nê khi nhà máy in chuyển lên đây). Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam Công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).
Ngày 23-8-1945, Hồ Chí Minh về đến thôn Gạ (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ ), Người nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Để đảm bảo bí mật, vợ ông Bô là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trực tiếp chăm sóc cho Hồ Chí Minh. Chính tại căn nhà này, Người đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau này ông bà Bô đã hiến tặng ngôi nhà cho nhà nước và hiện nhà 48 Hàng Ngang là di tích lịch sử-văn hóa. Không chỉ có vậy, toàn bộ quần áo của thành viên Chính phủ lâm thời hôm ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 đều do gia đình ông bà Bô may tặng, những đóng góp của ông bà cho cách mạng là vô cùng to lớn.
Không chỉ làm ăn giỏi, doanh nhân Ngô Tử Hạ còn sớm giác ngộ cách mạng. Ông được xem là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Nhà in của ông cũng ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho Cách mạng Tháng Tám. Những giọt mực cuối cùng ở nhà in Ngô Tử Hạ ở phố Lý Quốc Sư là để in những đồng bạc đầu tiên của chính phủ cụ Hồ, trước khi nhà in bị quân Pháp đốt cháy ngay trong đêm toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông Hạ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Đến trước khi mất, ông Ngô Tử Hạ vẫn còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh-Cựu binh (sau này là Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội).
Không chỉ góp phần làm rạng rỡ nền thương nghiệp nước nhà, Nhà máy gạch Hưng Ký ( ở Phúc Yên-nay thuộc huyện Sóc Sơn) của Trần Văn Thành còn là nơi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 8-1929. Cũng tại đây, đầu năm 1947, các chiến sĩ quân báo và du kích đã 2 lần treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh ống khói nhà máy khích lệ, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân địa phương. Một doanh nhân khác là bà Vương Thị Lai, ở tuổi 28 tuổi đã góa chồng nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp của mình bằng nghề buôn bán tơ lụa. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền mới ra đời gặp phải muôn vàn khó khăn, Bà đã mang tài sản mà mình ủng hộ Cách mạng. Bà đã đóng góp 109 lạng vàng trong "Tuần lễ vàng" ở Hà Nội mặc dù hai con đang học tập tại Pháp. Trước tình cảm của bà với cách mạng, ngày 10-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà Lai chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Đây là tấm huy chương đặc biệt là quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác. Sau này, Nhà máy Da giầy Thụy Khuê, Nhà máy dệt khăn mặt… cũng có công sức, tiền bạc của bà. Bà cũng đã tham gia Hội đồng đồng nhân dân thành phố, là Ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.Người con trai cả của bà là giáo sư, bác sỹ Mai Thế Trạch, đã trở về giúp Tố Quốc như bao trí thức người Việt yêu nước khác theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 9 năm kháng chiến. Người con trai thứ hai là ông Mai Thế Nguyên, một người Việt từng tham gia thiết kết hoàng cung Na Uy, đã phiên dịch tại Hội nghị 4 bên ở Paris năm 1968. Còn doanh nhân Đoàn Đức Ban chuyên sản xuất nước mắm nổi danh khắp Bắc Kỳ từng nuôi giấu cán bộ tại nhà của ông ở phố Trần Nhật Duật trong đó có ông Trần Duy Hưng, người sau này làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Gia đình ông đã nhiều lấn bí mật ủng hộ tiền, vàng cho cách mạng. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nhân khác đóng góp cho cách mạng.
Năm 1954, Pháp phải ký hiệp định Paris, họ bỏ miền Bắc, giới tư sản ở Hà Nội hoang mang, nhiều người đã bỏ đi Nam và số nhà giầu có cũng đi vãn, những cửa hiệu lớn không còn mấy. Do đường lối của chế độ mới chỉ có hai hình thức sở hữu tư liệu sản xuất là nhà nước và tập thể nên nhà nước đã tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Văn Uẩn trong bộ sách 3 tập Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX đã viết "Tiếp theo đó giới tư sản dân tộc ở Hà Nội bị bồi thêm một đòn nặng nữa. Cửa hàng tư nhân không thành quốc doanh thì cũng thành công tư hợp doanh, hình thức bước đầu của quốc doanh đối với những gì còn sót lại". Từ tháng 9-1958 đến tháng 6-1960 đã có 1057 cơ sở thương nghiệp tư bản thành công tư hợp doanh trong đó có 1000 nhà tư sản đã tham gia công tư hợp doanh. Một số bị cho là phân tán tài sản, "chống đối chính sách cải tạo của nhà nước" đã phải ra tòa và phiên tòa xử ông Phương Xuân Thực, tư sản thương nghiệp ở 23 Hàng Bồ, ngày 15-12-1959 như là lời cảnh cáo của chính quyền. Ông Thực bị tòa tuyên 16 năm tù giam và 5 năm mất quyền công dân đồng thời tịch thu một nửa tài sản. Tư sản như là kẻ có tội với nhân dân và con cái họ khó khăn khi vào học đại học và nếu có vào thì bị sinh viên xuất thân nông thôn móc máy trong các buổi sinh hoạt tập thể. Mang thành phần tư sản trong lý lịch nên con trai đến tuổi cũng không được đi bộ đội và nhiều nhưng bi kịch khác.
Sau một thời gian dài do quan niệm chưa đúng về các nhà tư sản nên những đóng góp dù là rất lớn của họ cho cách mạng ít được nhắc đến.Từ khi đổi mới và đặc biệt năm 2004, chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam thì họ được xã hội trân trọng ghi công. Bây giờ thì tầng lớp doanh nhân Hà Nội không chỉ đông về số lượng mà còn mạnh về tài chính, cùng với các thành phần kinh tế khác góp phần vào tăng trưởng kinh tế, họ còn tạo ra việc làm cho xã hội.