Ca dao có câu:
Lấy anh từ thủa mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con
Hay
Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Rồi câu thành ngữ "Gái thập tam,nam thập lục" đã cho thấy trai gái thời phong kiến lấy nhau rất sớm và hình như cũng không có quy định tuổi lấy chồng hay lấy vợ, ngủ với nhau khi còn trẻ con khiến giống nòi Việt Nam còi cọc. Đến khi Hà Nội thành nhượng địa thì chính quyền Pháp ấn định con gái 14 tuổi mới được lấy chồng và con trai 16 tuổi mới được lấy vợ, nhưng không quy định số con, nghĩa là muốn sinh bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên thì ở nông thôn vẫn diễn ra cảnh "Cái bống cõng chồng đi chơi".
Các lễ nghi, thủ tục cưới hỏi đã tồn tại trong chế độ phong kiến như luật bất thành văn và nó được truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông, nghi thức, nghi lễ cưới xin chính thức được đưa vào Quốc triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức), bộ luật đầu tiên của Việt Nam. Việc "luật hóa" các nghi thức, nghi lễ trong cưới hỏi chứng tỏ các nhà làm luật rất tôn trọng những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các nghi lễ, nghi thức ghi kết hôn ghi trong chương Hộ hôn bao gồm: Lễ nghị hôn (là lễ chạm mặt hay nôm na là dạm hỏi), Lễ định thân (hỏi tên tuổi cô gái, đã kết hôn lần nào chưa), Lễ nạp trưng (dẫn đồ cưới) và Lễ thân nghinh (tức là lễ đón dâu). Xa xưa hôn lễ thường diễn ra vào chiều muộn vì đó là khoảng thời gian dương qua âm lại, âm dương giao hòa là thuận theo lẽ đất trời.
Trải qua thời gian với những biến động của lịch sử về kinh tế,xã hội,đặc biệt là sự có mặt của các nhà truyền giáo Phương Tây vào thế kỷ XVII đưa Thiên chúa giáo vào Việt Nam cũng không làm thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống vốn cắm rễ trong đời sống người dân Việt Nam.Thậm chí ngay cả khi Hà Nội thành nhượng địa của Pháp năm 1888 dẫn đến các quy định của nhà Nguyễn không có giá trị với Hà Nội và văn hóa, văn minh Pháp hiện hữu dần trong đời sống đất Kẻ chợ cho đến năm 1954 thì quan niệm về cưới hỏi tuy có thay đổi nhưng những nghi lễ, nghi thức cơ bản vẫn không mất đi. Dù là sống ở nội thành hay ngoại thành, giầu hay nghèo, một đám bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ chạm ngõ (có nơi gọi là dạm ngõ). Sau chạm ngõ là lễ ăn hỏi. Dù là nhà giầu hay nhà nghèo cũng không thể thiếu được chè, chai rượu và quan trọng là cơi trầu vì "miếng trầu là đầu câu chuyện". Cuối thập kỷ 2 thế kỷ trước mới xuất hiện thuốc lá trong lễ vật ăn hỏi. Với người Hà Nội không thể thiếu cốm và hồng, gia đình khá giả thì ngoài cốm, hồng còn có thêm lợn sữa quay. Theo thời gian, đồ lễ ăn hỏi cũng có thay đổi, lễ vật là đặc sản của Hà Nội gồm: bánh cốm, mứt sen. Nhà giầu lễ to, nhà nghèo lễ nhỏ nhưng không thể thiếu bánh phu thê, biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Sau lễ ăn hỏi, tùy theo thỏa thuận giữa hai gia đình sẽ ấn định ngày cưới. Lễ đón dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có tục chăng dây ở đầu làng hoặc đầu phố, hai họ muốn đi qua phải đưa cho họ ít tiền (một dạng nộp cheo như các vùng quê Bắc Bộ).Tục chăng dây tồn tại đến tận đầu thế kỷ XX, sau đó mất hẳn.
Mời cưới cũng rất quan trọng, đại diện nhà trai hay nhà gái phải gặp được người cần mời có lời thưa, nếu mời qua người khác là không tôn trọng và người ta sẽ không đến. Văn hóa Pháp cũng ảnh hưởng đến mời đám cưới. Đám cưới đầu tiên dùng thiếp mời và kèm theo gói chè nhỏ và hạt sen là đám cưới con trai thứ của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi vào năm 1920 tổ chức tại Hotel de France (Khách sạn Pháp quốc- nay là khu vực rạp Kim Đồng phố hàng Bài). Trước khi trở thành khách sạn, nơi này là nhà nội trú của trường Cao đẳng Thương mại. Đám cưới này cũng là đám cưới đầu tiên ở Hà Nội không làm tại tư gia mà đặt cỗ ở khách sạn với số lượng lên đến 240 mâm. Mỗi mâm đặt chai vang Bordeaux cùng 5 chiếc cốc pha lê. Người in tấm thiếp cưới cho con trai ông Bạch Thái Bưởi là ông Ngô Tử Hạ, chủ nhà in ở phố Lý Quốc Sư. Và nhà in Ngô Tử Hạ cũng là nhà in đầu tiên ở Hà Nội in thiếp cưới. Sau gần một thế kỷ nội dung tấm thiếp cưới bây giờ cũng không khác gì thời đó. Tục đưa thiếp kèm theo gói chè, bánh cốm hay bánh phu thê vẫn còn đến hôm nay. Nếu là đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ) do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son. Tục mang lợn quay bị phê phán là phong kiến và mất hẳn vào năm 1946. Với gia đình trung lưu, rượu sâm banh với bánh săm pa là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới. Dù nhiếp ảnh xuất hiện ở Hà Nội từ 1865 nhưng phải đến đầu những năm 1930 mới xuất hiện chụp ảnh đám cưới và cũng chỉ những gia đình khá giả mới chụp ảnh ghi lại sự kiện trọng đại của con cái. Đưa dâu bằng xe ngựa mất dần thay vào đó đưa dâu bằng xe tay và sau đó là ô tô. Và thế là nghề kết hoa xe cưới ra đời bắt đầu ở làng Hữu Tiệp. Các bà, các cô ở làng này đi bán hoa thấy đám cưới Tây kết hoa quanh ô tô đã học mót và nhờ khéo tay, dân Hữu Tiệp đã biết tết các loại hoa theo nhiều kiểu khác nhau. Nhưng nổi tiếng về kết hoa ở làng lại là ông Lê Bá Phong và Tống Văn Ngữ. Hai ông tết đẹp đến nỗi khi có các sự kiện lớn của thành phố thì Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu bao giờ cũng cho gọi.
Có một đám cưới tai tiếng cả xứ Bắc Kỳ đó là đám cưới con gái Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức năm 1936. Cô Huguette đã chọn bốn cô gái Việt Nam phù dâu, trong đó có hai con gái ông Vi Văn Định. Đám cưới mời tất cả các quan hàng tỉnh, hàng phủ và huyện của Bắc Kỳ nên có tới hàng nghìn quan khách. Ai cũng phải có đồ mừng mà mừng cưới con quan Thống sứ thì không thể rẻ rúng được nên các vị phải đi tìm đồ có giá trị và cách khách sạn Metropole không xa phố Tràng Tiền có cửa hàng bán đồ nữ của Perroud. Hôm đó cửa hàng của Perroud sạch trơn. Ông này là Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Nội, ngoài bán đồ nữ trang còn làm đại lý đồng hồ Omega và cho vay nặng lãi. Sau ngày cưới những món đồ nữ trang đắt tiền ấy lại thấy bầy bán ở cửa hàng của Perroud.
Trong khi đón dâu, cô dâu, chú rể phải làm lễ gia tiên. Lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn và trong lúc cô dâu chú rể làm lễ thì hai họ ngồi uống nước chè, hút thuốc và đọc thơ ca ngợi người "nhà mình". Năm 1983 đám cưới anh Thực nhà ở ngõ Phan Chu Trinh và chị Diễm ở phố Bát Sứ quay lại tục này sau bao nhiêu năm bị lãng quên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ này hiện nay một số đám cưới bỏ qua, từ sau lễ lại mặt bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ). Cỗ cưới, đặc biệt là khu vực nội thành rất được chú trọng. Với nhà giàu, mâm cỗ bao giờ cũng phải đủ bốn bát, sáu đĩa. Theo quan niệm con số 10 tượng trưng cho đầy đặn và cũng là lời chúc hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới. Sáu đĩa bao gồm: Một đĩa thịt gà úp lật quân cờ da vàng rượi, một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế, thêm một đĩa xôi gấc, một đĩa nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là bốn bát canh gồm: một bát măng ninh chân giò, một bát mọc thả nấm, một bát chim bồ câu hầm hạt sen và bát mực nấu rối gồm: xu hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh. Nhà sang còn có thêm hoa quả tráng miệng hay đĩa chè kho. Mỗi mâm đặt 1 chai rượu trắng và 5 chiếc chén hạt mít cho khách uống rượu. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước, giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị hình thành ở Hà Nội thì xã hội có sự phân chia giai cấp, cỗ cưới nhà giàu không đơn giản là tiệc mà nó còn là sự phô trương của cải, mối quan hệ của chủ nhà. Đám cưới nào có khách là quan chức, nhà văn, nhà báo đi ô tô, xe tay riêng đến dự mới là sang trọng. Vì thế mới có chuyện nhà báo Tam Lang (nổi tiếng với phóng sự xã hội trong đó có "Tôi kéo xe") thường xuyên được mời ăn cưới cho dù ông không hề quen chủ nhà. Không những thế, người ta còn chuẩn bị sẵn cả tiền mừng. Và sáng hôm sau chuyện Tam Lang mừng bao nhiêu tiền lan ra hàng phố. Một lần Tam Lang đã nhận lời đám cưới ở Hàng Gai nhưng có việc đột xuất không đến được và chủ nhà thông báo cho quan khách là nhà báo Tam Lang không đến dự được nhưng ông vẫn gửi tiền mừng. Con gái nhà giầu ở các phố: Hàng Ðào, Hàng Bạc, HàngNgang, Hàng Bông, Hàng Gai... lấy chồng theo tiêu chuẩn "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" vì thế cỗ càng to. Nhà không khá giả vẫn có cỗ và tất nhiên là số bát và đĩa ít hơn nhưng không thể thiếu được thịt gà luộc và xôi gấc, hai món biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Tuy mời giờ giấc cụ thể nhưng bao giờ khách cũng đến muộn hơn vì đến đúng giờ sợ mang tiếng là "tham ăn". Khi khách đã tròn mâm, chủ nhà có lời thưa và lúc đó cỗ cưới bắt đầu. Trong mâm luôn có một người của gia đình hay họ hàng nhà đám ngồi cùng thay chủ nhà tiếp khách, rót rượu. Sau khi rời mâm, chủ nhà mời khách ra bàn uống chè mạn, ăn trầu, cắn hạt dưa, hút điếu thuốc lá và tiễn khách về mới là xong việc. Năm 1930, nhà tư sản lại tổ chức cưới cho con trai thứ. Chú rể du học ở Pháp về cưới con gái ông Cửu Nghi, một người giầu có ở phố Hàng Bồ. Chú rể không còn mặc áo lam, đeo thẻ ngà dón dâu bằng xe song mã mà mặc comple thắt cà vạt. Và lần đầu tiên ở Việt Nam, đám cưới này đón dâu bằng máy bay. Không những thế, người ta còn loan tin cô dâu chú rể trên máy bay sẽ thả hoa giấy bên trong có tiền trinh làm bà con từ Hưng Yên đến Hải Phòng ngong ngóng tiếng máy bay. Hoa thì có thật nhưng tiền thì không. Năm 1930, nhà Quảng Tín (119 Hàng Bông) mua chiếc Citroen cho thuê ăn hỏi và đưa dâu trở thành nhà đầu tiên ở Hà Nội mở dịch vụ này. Tiếp đến là Tự Vân ở Hàng Gai, Hoa Tường ở Khâm Thiên mua xe Ford mui trần chở cô dâu chú rể. Xe được trang trí hoa và kết dây băng bằng lụa mầu nổi bật trên phố. Họ hàng nhà trai đi đón dâu và nhà gái đi đưa dâu ngồi xe tay. Còn nhà bình dân thì đi bộ. Từ những năm 1920 đến năm 1940, Hà Nội có tập tục mừng đám cưới bằng đôi câu đối. Câu đối thì thuê các nhà Nho viết rồi mang ra thêu tay. Nhưng thêu tay rất đắt nên người ta nghĩ ra cách cắt chữ bằng vải hoặc dạ mầu rồi dán lên vài lụa đã trang trí, người có sáng kiến này là nhà Dịu Long ở phố Hàng Gà. Năm 1936, ở làng Nghi Tàm có đám cưới gây xôn xao Hà Nội và các báo lá cải được dịp tán chuyện gần một tháng. Đó là đám cưới con gái ông Hán Cẩn. Ông này là ký lục ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ, ăn mặc theo kiểu Tây, sinh hoạt cũng rất Tây thế nhưng khi nhà trai đến đón dâu, Hán Cẩn bắt con rể phải lạy sống mới cho đón. Chú rể vốn cũng dân du học ở Pháp về thấy vậy bỏ về luôn thế là đám cưới tan. Năm 1942, có đám cưới gây ầm ĩ Hà Nội, đó là đám cưới của bác sỹ Lộc. Anh này vốn là dân chơi có tiếng cùng với nhà báo Hoàng Tích Chu, chuyên nhẩy đầm, rượu Tây và sử dụng thuốc "cường dương xập xập dì" của nhà Đào Lập đã tống tiền vợ ngay trong đêm tân hôn lấy tiền chơi bời. Kết quả là người vợ không chịu nổi đã tự vẫn ở Hồ Gươm.
Sau năm 1954, miền Bắc sống trong hòa bình, chế độ mới có quan niệm khác trước dẫn đến cưới xin cũng phải thay đổi. Nghi lễ, nghi thức đơn giản hơn, nhất là đám cưới của cán bộ, bộ đội ở chiến khu hay Điện Biên Phủ trở về lấy các cô gái Hà Nội. Không còn chăng dây đầu phố, không có thách cưới, chú rể có khi vẫn quần áo bộ đội, đi dép cao su cho dù cô dâu áo dài thướt tha. Cưới hỏi thách to, mâm cao cỗ đầy, đón dâu bằng ô tô... bị cho là lối sống của chế độ thực dân, phong kiến phải loại bỏ ra khỏi đời sống. Khái niệm cưới đời sống mới ra đời rất đơn giản, nhiều nghi thức, nghi lễ bị lược bỏ, không có ăn mặn, chỉ có tiệc ngọt. Đón dâu xong vợ chồng dẫn nhau ra hiệu ảnh quốc tế ở Hàng Khay chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn tổ chức ăn mặn nhưng đến năm 1959, Hà Nội thực hiện cải tạo tư bản tư doanh, không ai dám làm cỗ vì sợ bị quy là tư sản hay tiểu tư sản thành thị.
Năm 1964 Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân, năm 1966 bắt đầu ném bom ở Hà Nội nên đã sinh ra cưới thời chiến. Nếu gia đình nào không sân dựng rạp thì thuê phòng cưới Trăm Hoa ở phố Bà Triệu (đối diện với Đài tiếng nói Việt Nam hiện nay) hay Hòa Bình ở phố Huế. Phòng cưới xuất hiện ban đầu ở Hà Nội vào năm 1932, không phải đáp ứng cho các gia đình có diện tích chật chội hay theo văn minh của Pháp mà nó xuất phát từ nhu cầu của người nông thôn ra Hà Nội làm thuê lấy nhau nhưng sợ về quê sinh tốn kém. Cưới ở nhà trọ theo tục xưa là "mèo mả gà đồng", cũng không dám nhờ nhà người quen vì người ta kiêng cô dâu chú rể động phòng. Người đầu tiên có sáng kiến này là nhà Cả Tròn ở 21 phố Phùng Hưng, phòng cho thuê cưới có gường, chiếu, chăn... được bầy biện rất lịch sự. Còn phòng cưới thời chống Mỹ không phải là chỗ cho cô dâu chú rể động phòng mà đó chỉ là nơi làm tổ chức tiệc ngọt theo kiểu cưới đời sống mới. Dù ở phòng cưới hay ở nhà, tại hội trường cơ quan, xí nghiệp thì phông (bằng vỏ chăn bông) đều có chữ lồng và không thể thiếu được đôi chim câu mớm mỏ nhau cắt bằng giấy. Băng rôn trên tường là khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Thắm tình Tổ quốc, đẹp tình ta" hay "Tất cả cho tiền tuyến" . Khăn trải bàn ở phòng cưới là miếng vải hoa thì cưới tại gia thường phủ tấm áo mưa, đủ các mầu. Phần lớn chú rể đều mặc quần Âu, áo sơ mi trắng "cắm thùng", đi dép xăng đan còn cô dâu có khi là áo dài, nhưng cũng có người quần lụa, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đi guốc sơn đen, trên đầu có cài nhành hoa. Song dù cưới thời chiến nhưng Hà Nội vẫn giữ nếp có phù dâu, phù rể, đốt pháo Trúc Bạch và khi cô dâu chú rể vào phòng cưới vẫn tung giấy mầu cắt vụn lên đầu hai người. Cũng giống cưới đời sống mới, cưới thời chiến cũng có văn nghệ "cây nhà, lá vườn". Những bài thường hát là các bài hát chống Mỹ như: Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Nổi lửa lên em, Bài ca 5 tấn, Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang... Ai hát xong được hội hôn tặng một tràng vỗ tay còn nhận được một chiếc kẹo mềm. Do kinh tế khó khăn và "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" nên tiêu chuẩn cho một đám cưới gồm: 2 cân kẹo,1 cân chè, 2 tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, một đôi chiếu và chiếc màn đôi bằng vải xô. Thuốc lá mang sang nhà gái còn nhà trai thì hút thuốc cuộn. Trừ một số ít người làm cơ quan, xí nghiệp có thể mượn ô tô để đón dâu, còn lại các đám cưới đều đón dâu bằng xe đạp. Nếu nhà không có xe tốt thì mượn họ hàng, được chiếc Peugeot cho chú rể đèo cô dâu thì nhất. Năm 1968, đám cưới anh Quang ở phố Bạch Mai đón dâu bằng xe đạp, nhưng chú rể không biết đi xe nên cô dâu phải đèo, đã thế chú rể sợ ngã lại ngồi hai chân hai bên, một tay bám vào yên xe còn tay kia nâng tà áo dài khiến cả phố buồn cười. Ở ngoại thành, cô dâu mặc quần lụa hay sa tanh đen, áo sơ mi trắng. Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn làm cỗ vì quan niệm "đứt ruột đẻ ra, nuôi lớn nên không thể cho không".
Cưới thời chiến kéo dài cho đến năm 1975, năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù cuộc sống còn rất khó khăn song cưới ở Hà Nội có xu hướng trở lại với nghi thức, nghi lễ cổ, dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và có 2 lễ gia tiên nội ngoại nhà cô dâu. Nhà khá giả vẫn có bánh phu thê, gói chè, quả cau khi đi mời cưới. Chuẩn bị cho một đám cưới khá vất vả, phải mua sẵn măng khô cho món măng, tích trữ gạo nếp để nấu món xôi và đặc biệt là đổi chác phiếu thịt, nước mắm để đến ngày cưới có số phiếu kha khá mua thịt hay chân giò. Do tiêu chuẩn đồ cưới quá ít, nhiều nhà mang bột mỳ, đường đến các cơ sở gia công làm bánh săm pa, quy gai. Dạm trước mượn bếp dầu, bàn ghế bát đựng cỗ, tấm trải bàn... của hàng xóm, họ hàng và bạn bè; xin phép chính quyền địa phương căng bạt ở chỗ đất trống, mang đăng ký đi thuê ô tô...
Đám cưới thời bao cấp thật vui vì huy động cả gia đình, họ hàng và bạn bè cô dâu chú rể. Vui nhất sau lễ ăn hỏi là chị em nhà gái xúm xít đóng gói mứt sen, chè, rồi tíu tít đi mời. Họ hàng ở quê lên làm giúp quá đông nên có nhà chật phải gửi ngủ ở hàng xóm. Đêm trước ngày đón dâu cả họ cùng thức, chị em thì thái su hào, cà rốt làm nộm, đồ xôi gấc, rửa bát đĩa... Cánh đàn ông thì làm gà, luộc thịt... còn thanh niên lo sửa sang lại phông và lo phần ăm ly, loa và băng nhạc. Một việc quan trọng mà nhà trai phải cắt cử hẳn một người "chăm sóc", nịnh nọt bác tài vì giờ đón dâu đã xem nên không thể chậm trễ được. Xe khách của Xí nghiệp xe khách Thống Nhất chỉ có 2 loại: Hải Âu và Ba Đình. Xe Hải Âu của Liên Xô khá lịch sự còn xe Ba Đình (do Việt Nam đóng, dùng máy IFA) vừa thô vừa xấu, lớp sơn ngoài vỏ thì lem nhem, song thuê được là may. Nếu làm cơ quan nhà nước thì tiện hơn vì công đoàn ủng hộ một chuyến xe đón dâu, và xe đưa đón nhân viên thường là xe Labob của Liên Xô đẹp và sang hơn xe Hải Âu. Áo dài cô dâu khá dễ dàng vì dễ mượn song quần áo chú rể mới là điều đáng nói. Ai có tiền mới may "củ" (tên dân dã gọi comple) còn lại đều phải mượn và có khi phải qua nhiều cầu mới mượn được bộ vừa người. May một bộ comple khá nhiều tiền nhưng thời bao cấp thẫm đẫm tình người nên không quen chú rể người ta vẫn sẵn sàng cho mượn. Xong comple lại lo giầy. Giầy xấu đẹp hay mầu gì cũng được miễn là phải vừa chân, nếu chật thì khốn khổ. Do ngày ấy hiếm xi nên có người lấy dầu lạc đánh cho bóng và lúc chuẩn bị quần áo giầy dép đi đón dâu mới biết kiến xơi hết phần dầu để lại các vết lỗ chỗ trên mặt da. Còn phù rể thì chỉ mặc "củ sếch" (không thắt cà vạt). Cô dâu mặc áo dài trong ngày cưới cài bông hoa trên tóc để phân biệt với các cô phù dâu. Đám cưới đầu tiên ở Hà Nội cô dâu mặc váy là năm 1974, cô dâu là con gái của một cán bộ cao cấp học ở nước ngoài về.
Sang thập niên 80 thế kỷ trước, dịch vụ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu xuất hiện ở Hà Nội. Chụp ảnh cưới quay trở lại và không chỉ ngày cưới, nhiều gia đình thuê chụp cả lễ ăn hỏi. Nhiều thợ ảnh còn in cô dâu chú rể trong hình quả tim, có khi là bao thuốc lá 3 số 5. Sinh viên Khoa quay phim trường Sân khấu- Điện ảnh cùng các phóng viên ảnh các báo cũng vác máy Zenit hay Pratika kiếm ăn. Những chiếc máy chạy băng cối hiệu AKAI nỉ non những "Chuyện tình Lan và Điệp" hay Boney ầm ĩ hàng xóm. Lại có đám cưới chơi cả nhạc sống, song phải là "dân chơi" mới dám bỏ tiền thuê ban nhạc. Ban nhạc thời kỳ này có Hà "Xồm", Hiếu "văn hóa", Vân "Hàng Bông"... Những bản nhạc được ưa chuộng có: Tình ca trên thảo nguyên, Đôi bờ, Chiều Matxcơva (Nga), Tuýt Sông Hồng và cả nhạc The Beatles... Một số sinh viên, người học nghề ở Đông Âu về khi tổ chức đám cưới đã bạo dạn tổ chức nhẩy đầm. Đạo diễn Phi Tiến Sơn học quay phim ở Cộng hòa dân chủ Đức về cưới vợ cũng đã tổ chức nhẩy đầm ầm ĩ ở phố Huế. Thời kỳ này có một đám cưới làm xôn xao Hà Nội, có người còn làm thơ châm biếm. Chú rể có một nhà thuốc Đông y, đã ngoài 70 tuổi còn cô dâu ngoài 30 (người ta còn đồn 18 tuổi).
Đất nước đổi mới, cuộc sống khá dần lên và đám cưới ở Hà Nội và các tỉnh thành khác có sự thay đổi, sự phô trương trong đám cưới xưa trở lại. Có nhà coi cưới của con cái là dịp "làm kinh tế" đã khiến đám cưới mất đi ít nhiều nét văn hóa. Còn cưới con "quan tham", họ cũng coi đó là một cơ hội để kiếm chác và họ phát giấy mời như bươm bướm. Cũng không thiếu kẻ chạy chức chạy quyền coi cưới con xếp là dịp để hối lộ. Không chỉ bằng tập đô la Mỹ, có người mừng cả đất đai hay căn hộ.