Một thời nhiều gia đình ở Hà Nội dạy con "Học dốt thì sau này chỉ có đi đổ thùng". Đổ thùng là cụm từ thời Pháp thuộc chỉ những người chuyên lấy phân ở khu vực nội thành sau đó. Sau này người ta gọi bằng một cụm từ khác là công nhân vệ sinh. Quanh việc vệ sinh có nhiều chuyện bi hài...
Cuối thế kỷ XIX, khu vực phía đông thành Hà Nội (nay là khu phố cổ ) còn rất nhiều hồ ao và những khoảng đất trống. Trừ một vài phố như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Mã Mây... có nhiều nhà xây còn lại hầu hết các phố là nhà gạch xen kẽ với nhà lá. Tiếng là phố nhưng đường chỉ lát gạch rộng chừng một mét ở giữa, hai bên là đất và quanh năm bùn lầy nước đọng vì nước thải của các hộ không có chỗ tiêu thoát. Ở những phố phía sau còn ao, hồ thì các nhà bắc ván đi thẳng xuống nước, những khu vực không có ao hồ thì họ làm chỗ đi vệ sinh ở phía sau. Để đảm vệ sinh, năm 1901, Hội đồng thành phố đã ra nghị quyết cấm người dân không được đi vệ sinh xuống ao hồ và tất cả những nhà mới xây hay nhà cũ cải tạo lại phải có chỗ vệ sinh trong nhà. Trong cuốn Những năm tháng không quên của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Phan có đoạn viết về nhà vệ sinh ở khu phố cổ đầu thế kỷ XX: "Nhà vệ sinh được làm ở phía sau nhà bằng cách đào hố sau đó bắc 2 tấm ván làm chỗ ngồi. Khi phân nhiều lên thì thuê người đến lấy mang ra đổ ở hồ Gươm hay sông Hồng". Không chỉ vệ sinh trong các gia đình mà vệ sinh công cộng cũng có vấn đề, tiện đâu họ tè đấy, nên mới có câu chuyện "anh bắt đái" ở phố Tố Tịch. Phố Tố Tịch đầu thế kỷ XX vốn là phố vắng nên người đi đường mót là rẽ vào tè bậy. Con phố khai nồng đến mức trẻ con phát bệnh nên dân hàng phố phải góp tiền thuê anh chuyên ngồi đó để bắt kẻ đái bậy thế nên mới có "anh bắt đái". Còn ông Kỳ Dương cũng ở Tố Tịch còn nghĩ ra mưu, cho làm bàn thờ treo ở cạnh nhà, hàng ngày thắp hương, người ta tưởng đó là miếu thờ không dám vào đái hay ỉa vì sợ "ngài hành".
Sau khi chiếm hoàn toàn Hà Nội vào năm 1883 và sau đó dẹp được nạn cướp phá của quân Cờ đen, Công sứ Hà Nội là Bonnal đã cho làm đường quanh Bờ Hồ, xây nhà tòa đốc lý, bưu điện thì nhà vệ sinh hầm đã xuất hiện. Phân xuống bể và chảy theo đường thoát nước ra hồ Gươm. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và để bộ mặt thủ đô sạch sẽ, văn minh, Hội đồng thành phố đã ra quyết định đấu thầu đổ phân. Do số nhà dân ở khu vực phố cổ chỉ ngót nghét 5.000 căn nên lượng phân không nhiều nên chính quyền thành phố cho phép công ty trúng thầu được đổ phân ra ao hồ, đầm ở vùng ven cho cá ăn, một phần bán lại cho dân trồng rau. Và chiếc xe ba gác với một người kéo, một người đẩy là phương tiện chính chở các thùng phân. Rồi một loạt các tòa nhà công vụ như: Dinh Thống sứ, Bắc Bộ phủ, nhà băng...và khách sạn Chính quốc (Metropole) mọc lên ở phía đông hồ Gươm phục vụ cho viêc cai trị Đông Dương đều có hố xí tự hoại đầu tiên. Bên trên có bồn nước bằng gang, đi vệ sinh xong chỉ cần giật dây xích là nước ào xuống, phân trôi theo đường ống xuống bể ngầm, thế nên người ta gọi là hố xí máy. Thống kê cho thấy trước năm 1930, số hồ xí máy chủ yếu là ở các tòa nhà hành chính và công thự ở đường Phan Đình Phùng, Chu Văn An, hay tư gia của người Pháp ở các phố mới xây phía nam Hồ Gươm gồm: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Tràng Thi... Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi xây ga Hàng Cỏ, Long Biên và ga Vọng, chính quyền cũng đã cho làm nhà vệ sinh thùng. Sau đó, tại những khu vực nhiều khách vãng lai qua lại, chính quyền thành phố cũng cho xây nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh ở Cửa Nam. phố Phan Đình Phùng hay ngõ 29 hàng Khay... ban đầu là hố xí thùng, sau làm lại thành hố xí tự hoại. Thời bao cấp nhiều nhà vệ sinh công cộng thùng cũng được xây ở bến xe Kim Liên, Kim Mã, Bến Nứa...
Khoảng năm 1919 hoặc năm 1920, trúng thầu đổ thùng là ông Năm Diệm. Năm Diệm ở quê ra ban đầu làm công cho Sở Xe điện, sau đó chuyển sang làm đại lý gạch, ngói; khá lên ông này bỏ tiền mua đất ở đầu phố Giảng Võ khi đó khu vực này còn là ruộng xen lẫn hồ ao và nhà dân rất thưa thớt. Năm Diệm trúng thầu vì đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thành phố là có để làm nhà để xe và ao rửa thùng xa trung tâm. Công ty vệ sinh của Năm Diệm nằm ngay cạnh Nhà Tiền (nhà in Tiến Bộ hiện nay) và đầu Giảng Võ (bến xe Kim Mã hiện nay), chỗ để xe, thùng và bể chứa phân cũng ngay đó. Năm Diệm cũng cho xây nhà thấp lợp lá cho phu thuê với giá rẻ. Khi những người ngủ sớm đã làm được một giấc thì phu đẩy xe bò với những chiếc thùng gỗ kẽo kẹt bắt đầu đến phố. Sở dĩ công việc chỉ làm vào ban đêm vì chính quyền không cho phép đổi thùng ban ngày bởi mất vệ sinh. Do hầu hết nhà ở khu vực phố cổ không có cửa hậu nên phu phải đi từ cửa nhà ngoài vào bên trong và dù khuya khoắt cứ nghe đập cửa gọi đổi thùng là chủ nhà phải dậy. Để át mùi thối, chủ nhà phải thắp mấy nén hương, rồi còn phải ngồi ngoài cửa trông nhà vì sợ kẻ gian lợi dụng lẻn vào ăn trộm đồ đạc. Nhiều nhà chuẩn bị sẵn mấy xu lẻ cho phu để họ không làm dây ra nhà. Việc đổi thùng diễn ra cũng nhanh vì phu chỉ lấy thùng phân đầy ra rồi đặt thùng không vào là xong. Phân thu về một phần phu kéo thẳng đến các vùng trồng rau ngoại thành như: Canh, Diễn, Vòng hay làng Láng chuyên trồng rau húng theo thỏa thuận mua bán trước đó. Phần còn lại đổ vào bể xi măng, do có quy định phải dùng giấy bản nên chỉ thời gian ngắn là giấy ta trong nước. Khi Năm Diệm thôi thầu thì ông đã giầu có và lại chuyển sang xây nhà máy làm gạch, ngói trên chính bãi để xe và thùng (nay là khách sạn Horison ở cuối phố Cát Linh). Thay Năm Diệm là công ty vệ sinh của người Pháp tên là Darty. Ông này có đất cách công ty của Năm Diệm không xa (nay là khu vực để xe cứu hỏa trên đường Giảng Võ). Thùng được phu rửa ngay tại hồ Hào Nam. Darty cũng cho xây bể xi măng để chứa phân bán cho chủ đầm cá hay trại rau ở xa Hà Nội. Có một câu chuyện không biết hư thực thế nào do ông Lê Đức Trạch ở phường Phương Liệt kể, một nhóm cho rằng Tây ăn bánh mỳ với bơ sữa chắc phân họ phải khác phân người Việt, nhưng nhóm kia khẳng định, nó chẳng có gì khác lạ. Nhưng vì Tây ở trong phố đi vệ sinh ở hố xí máy nên không thể khẳng định phân của họ thế nào nên chẳng biết nhóm nào đúng,nhóm nào sai.
Đến năm 1939, một người Việt Nam trúng thầu và ông này có đất ở khu vực Ô Chợ Dừa ngay cạnh đầm Đơn, dân quanh vùng gọi là Trại Xia (nay là khu vực cây xăng đường Đê La Thành). Trên bờ đê, ông ta cho làm nhiều dãy nhà lợp tôn cho phu thuê. Giai đoạn này, phố xá được mở rộng, dân số khu vực nội thành đã lên đến 30 vạn nên chủ thầu mua lại những chiếc xe chở khách cũ cải tạo lại thành xe chở thùng. Ông ta cũng cho đóng thêm rơ móoc và những chiếc rơ móoc này được đặt ở các khoảng trống trong phố. Nếu trước đó phu hay lót đất vào đáy thùng để lúc đổ ra khỏi dính thì giai đoạn này chủ thầu dùng tro.
Ngoài các công ty vệ sinh trúng thầu được phép lấy phân thì các bà các cô ở một số làng vùng ven cũng làm công việc này. Cứ gà gáy canh một là mang theo quang gánh và chiếc móng sắt (hình chóp cán tre chừng hơn 1 mét) rủ nhau vào phố lấy phân ở các nhà vệ sinh công cộng hay những nhà không ký hợp đồng với chủ thầu. Đi đêm không sợ cảnh sát bắt. Họ lấy về để bón cho rau mầu nhà họ và để bán cho các hộ dân khác. Trước năm 1954, cách Cầu Giấy không xa có chợ phân, họp rải rác đến tận lối vào chùa Hà, trước bệnh viện E hiện nay. Chợ họp từ mờ sáng và muộn lắm thì 8 giờ là tan, ai "ế" thì gánh về. Chợ tồn tại đến cuối những năm 1980 thì chấm dứt vì hồ ao từ ngã ba chùa Hà đến Đại học Sư phạm bị lấp để xây nhà. Xung quanh việc các bà, các cô bán phân cũng có nhiều chuyện hư thực lẫn lộn. Ví dụ như chuyện họ dùng tay ngoáy lên rồi xuống ao rửa tay rồi thản nhiên ăn bánh mỳ hay chuyện vừa gánh phân vừa ăn mía nên sinh ra câu đố "Hai đầu thì thối, ở giữa thì ngọt". Không biết câu "Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế" có từ bao giờ.
Đất 5% ở huyện Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm... chủ yếu là trồng rau mầu nên rất cần phân bắc để bón xu hào, bắp cải, khoai tây, dưa gang... Vì thế nhiều người ở các huyện này mới sinh ra chuyện đi lấy phân vào ban đêm ở nội thành. Và trong các làng có đàn ông đi lấy phân phải kể đến thôn Hồng Châu (xã Tự Nhiên), Phương Quế (xã Liên Phương) ở huyện Thường Tín. Họ không sử dụng quang gánh mà dùng xe thồ. Xe để thồ là xe đạp hiệu Phượng Hoàng hay Vĩnh Cửu của Trung Quốc đã thay vành và nan hoa to. Chập tối họ lên đường và canh ba thì về đến nhà. Hôm nào canh năm mới về tức là đêm đó họ gặp "hạn", hoặc là bị dân gần nhà vệ sinh bắt làm sạch những chỗ rơi vãi, hoặc là bị ai đó vét trước. Vì thế mới có câu:
Thanh niên Thường Tín xin thề
Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương
(Có người thì nói là thanh niên Cổ Nhuế nhưng người lấy phân ở Cổ Nhuế chủ yếu là đàn bà con gái và họ không dùng xe thồ.)
Ngay sau ngày tiếp quản Thủ Đô, bộ đội và cán bộ ở chiến khu về Hà Nội quá nhiều và để có chỗ ở, nhà nước đã cấp tốc cho xây các khu tập thể thấp tầng lợp ngói ở ngoài bở sông Hồng. Tiếp đó là các khu tập thể cho dân lao động ở ngõ Mai Hương (quận Hai Bà Trưng), Phúc Xá, An Dương (quận Ba Đình)... Rồi các bộ, ngành cũng xây nhà cấp bốn phân cho cán bộ nhân viên không có nhà ở Hà Nội, diện tích một căn hộ chỉ trên dưới 20 mét vuông, bếp ở phía ngoài và cứ năm hay sáu dãy lại xây một nhà vệ sinh chung theo kiểu đặt thùng. Mặt hố xí là tấm bê tông có rãnh thoát nước tiểu, tất cả dẫn ra bể nhỏ đầu dãy. Ban đầu dân khu tập thể còn ý thức nhưng sau do dân đông lên, nhiều hộ đưa người thân ở quê ra, lại không được hướng dẫn nên có người còn đi lên cả bờ, chịu không nổi các bác biết tí chút thơ ca hò vè đã cho kẻ khẩu hiệu bằng:
Ỉa đúng lỗ, đái đúng dòng
Bỏ tro, đốt giấy làm xong mới về
Còn các nhà vệ sinh công cộng, người ta vẽ đủ thứ lên tường.Thậm chí còn làm cả thơ. Thời bao cấp, có câu chuyện hư thực không biết thế nào bắt đầu từ nhà vệ sinh số 8 phố Lê Thái Tổ. Chuyện rằng, một anh "đi xong" bước ra ngoài khoan khoái, anh ở ngoài chờ lâu hằm hằm nhìn anh mới ra. Thấy anh kia ị lên cả bờ, liền rút bút chì trong túi viết lên trên tường hai câu:
Ỉa cho đúng lỗ mới tài
Ỉa chệch ra ngoài trình độ còn non
Hôm sau anh kia lại đi trước.Thấy thơ chế diễu mình trên tường, sẵn bút chì anh ta trả lời:
Còn non thì mặc còn non
Một hòn ra ngoài nào đã chết ai
Anh đi sau thấy anh đi trước không tiếp thu lại còn họa lại, tức khí viết thêm:
Chết ai thì chẳng chết ai
Một hòn ra ngoài thì mất vệ sinh
Tiếp hôm sau, anh kia vẫn đi trước thấy có thơ chê mình thiếu văn hóa bèn cãi cùn:
Vệ sinh thì mặc vệ sinh
Kỹ thuật trung bình chỉ có thế thôi
Anh luôn phải đi sau vào thấy kẻ đi trước ngoan cố làm tiếp hai câu:
Thế thôi thì hãy ra đồi
Bao giờ tiến bộ thì ngồi vào đây
Thế là hôm sau không thấy anh kia họa lại nữa. Nhiều nhà vệ sinh chung ở các khu tập thể, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... bị long bản lề hay tung cửa nhưng xí nghiệp vệ sinh cũng mặc vì nhiệm vụ của họ không phải làm việc đó. Còn ban quản lý cho rằng dân ý thức kém nên mặc kệ và kết quả là đám phụ nữ đi vệ sinh phải mang theo tờ báo hay quạt giấy. Nghe tiếng chân người là đánh tiếng rồi vội vã lấy báo, quạt che mặt. Còn ở các nhà vệ sinh công cộng, tuy có bể nhưng không bao giờ có nước, chỗ có nước thì gầu cao su thủng đáy và thế là từ xa, không cần hỏi thăm, người cần đi cũng xác định được điểm họ đang tìm. Năm 1960, Xí nghiệp vệ sinh Hà Nội ra đời và đội xe chở phân vẫn đóng ở vị trí Trại Xia ngày trước. Thế nên một thời đi qua đây ai cũng có thể nhìn thấy giấy báo, giấy học trò mầu vàng đục phơi đầy bờ đê, đó chính là giấy mà người đi vệ sinh sử dụng. Không có quy định nên giấy gì cũng dùng, thậm chí cả giẻ và họ tống cả xuống thùng hay hố xí tự hoại. Những người buôn giấy vụn đã thầu loại giấy này ngay sau khi công nhân vớt lên từ các bể chứa phân ở đây. Khi giấy khô, họ bán lại cho những nhà máy giấy tái chế để làm ra vở viết cho học sinh hay dùng để in sách.
Dù xí nghiệp vệ sinh cố gắng, song dân số nội thành quá đông trong khi xí nghiệp lại không đủ phương tiện và nhân công dẫn đến ở nhiều khu phố, dân mong mỏi công nhân đến lấy thùng khi nó quá đầy và bốc mùi. Trước thực trạng này, sinh viên nhiều trường đại học, nhất là sinh viên thành phần gia đình là "tạch tạch xè " (tiểu tư sản) hay tư sản muốn gột một chút trong lý lịch đã hăng hái tự nguyện tham gia đổ thùng trong "Ngày thứ 7 lao động cộng sản chủ nghĩa ", trong khi sinh viên nông thôn chỉ khiêng từ nhà ra xe thì họ phải lao vào nhà xí hót từng tí mà không hề có khẩu trang vì đeo khẩu trang tức là anh chưa thực lòng muốn thay đổi thành phần.
Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ, đến năm 2002, vẫn còn tời gần 50% số hộ gia đình không có nhà vệ sinh riêng, nghĩa là nhiều nhà vẫn dùng chung hố xí thùng. Trước đó thì chuyện đi vệ sinh vào buổi sáng ở khu vực này thật bi hài. Sở dĩ hàng chục hộ phải đi chung vì trước năm 1954, một số nhà là của một chủ nhưng rồi vì nhiều lý do họ cho ở nhờ, cho thuê, từ một hộ thành ra nhiều hộ và con cái họ lấy vợ sinh con nên mới dẫn đến chuyện xếp hàng đi vệ sinh vào buổi sáng. Nhưng hàng đi vệ sinh không như mua gạo hay thực phẩm, người lớn, trẻ con bồn chồn đi ra đi vào vì cứ phải nín... và khi người ở trong ra mới hé cửa là kẻ đến lượt lao vào. Xếp hàng đi vệ sinh không ưu tiên cho những người có thẻ thương binh hay tiền lẻ. Cũng vì phải chờ đợi nhau nên bờ đê từ Trần Nhật Duật đến phố Trần Khánh Dư biến thành nhà vệ sinh ngoài trời trong nhiều năm thời kỳ bao cấp. Có khi năm, sáu đứa trẻ xếp hàng ngang trên mặt đê, vừa ị vừa nói chuyện râm ran. Thập niên 60 và đầu 70, ngoài bãi sông Hồng còn thưa dân và người ta trồng ngô, trồng khoai thì đây cũng là một đại hố xí của thành phố. Không chỉ bờ đê, một số góc phố vắng cũng trở thành nơi đi bậy, thế nên trên nhiều bức tường thường có dòng chữ ngệch ngoạc "Cấm đái bậy! Cấm ỉa bậy" hay "Cấm phóng uế". Năm 1988, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có viết trên báo Văn Nghệ một bài về hồ Hoàn Kiếm, đại ý bài báo nói nếu quanh hồ mà xây các công trình quá cao sẽ biến hồ Gươm thành ao tù. Bài báo cũng kiến nghị nên phá bỏ nhà vệ sinh mép hồ vì nó nằm trước mặt tòa thị chính của Thủ đô, mặt khác nó làm mất mỹ quan không gian hồ. Sau này cũng có rất nhiều ý kiến đề nghị phá bỏ song dường như những góp ý ấy không có tác dụng, nhà vệ sinh vẫn hiên ngang thách thức. Năm 2006 người ta chi khá nhiều tiền cải tạo nhà vệ sinh này nhưng sử dụng được một tháng lại ra quyết định phá bỏ. Tháng 7-2002, ngành giao thông công chính có dự án xây nhà vệ sinh ngầm hoành tráng như ga xe điện ngầm ở góc Hàng Khay-Lê Thái Tổ nhưng người dân không đồng tình. Năm 1989,người ta bắt đầu thu tiền ở các nhà vệ sinh công cộng. Bể thường xuyên có nước, thùng cao su được thay bằng sắt. Tình hình có vẻ được cải thiện, song vẫn thiếu mùi thơm, thừa mùi khó chịu.
Bây giờ, vệ sinh ở các hộ dân sống tại Hà Nội được cải thiện đáng kể.Họ ý thức được khu vệ sinh là quan trọng nên nó được đầu tư rất tử tế, đàng hoàng. Hố xí thùng bị xóa bỏ nên không còn cảnh các bà, các cô hay cánh xe thồ đi lấy phân đã trả lại văn minh cho thành phố. Tuy nhiên vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh tại không ít các trường học phổ thông khu vực ngoại thành vẫn rất tệ. Người ta chỉ tính đến số phòng học mà không quan tâm đến khu phụ cho hàng nghìn học sinh, có trẻ đi vệ sinh xong ngất xỉu bởi xú uế quá sức chịu đựng của nó. Còn các công ty lữ hành không biết giải thích thế nào khi khách du lịch nước ngoài phàn nàn, kêu ca về các nhà vệ sinh công cộng không đạt chuẩn trong khi người ta vẫn thu tiền..