Ngôn ngữ là công cụ tốt nhất để giao tiếp giữa người với người, đặc biệt, những lời “khen ngợi” giống như chất bôi trơn không thể thiếu giúp cho mối quan hệ được vận hành một cách hài hòa. Trước đây, khi người Trung Quốc giao tiếp qua thư từ hay nói chuyện trực tiếp, đều hay mở đầu bằng những lời khen ngợi hoặc một vài lời hỏi thăm sức khỏe để thể hiện sự thân thiện, sau đó mới đi vào chủ đề chính.
Ca ngợi cũng chính là lời khen, nghĩa là nói những điều khiến mọi người vui vẻ. Ví dụ, khi gặp trưởng bối, mọi người thường nói: Cụ thực là người “đức cao vọng trọng”, “thấy nhiều biết rộng”, hoặc “càng già càng dẻo dai”. Còn như khi gặp một phụ nữ trẻ, hãy khen cô ấy là người “tinh tế và thông minh”, “khí chất thanh lịch”, “đoan trang hiền thục”. Nếu người bạn gặp là một quý ông trung niên, hãy khen ngợi ông ấy “phong thái hiên ngang”, “nhân phẩm cao thượng ”, “rộng rãi hào phóng”. Giả sử đối phương là người có học, thì hãy khen họ “học vấn uyên thâm”, “tài đức vẹn toàn”, “kiến thức phong phú”. Còn nếu gặp thanh thiếu niên, hãy khen họ “tuổi trẻ tài cao”, “tài không đợi tuổi”, “ngôn hành chuẩn mực”1. Ngoài ra, đối với một số nhà lãnh đạo quân sự, chính trị hay tài phiệt, bạn cũng cần có những lời lẽ tán dương, ca ngợi phù hợp để giúp bản thân thuận lợi hơn trong giao tiếp và công việc.
1 Lời nói với việc làm hợp nhất và chuẩn mực.
Nói một cách thẳng thắn, thì trong lời khen đã chứa đựng hàm ý tâng bốc. Chúng ta thấy trong xã hội ngày nay, đặc biệt là các nhà ngoại giao, có ai không biết nói lời khen ngợi hay dùng ngôn ngữ xã giao, cho đến những lời ứng đối ngoại giao lịch sự? Không học được cách khen ngợi người khác, đôi khi bạn phải chịu thiệt thòi mà vẫn không biết lý do hay vấn đề nằm ở đâu? Và tất nhiên là rất khó để chu toàn trong các tình huống giao tiếp.
Khi khen ngợi người khác, cũng cần thể hiện một cách hợp lý, khéo léo, và chân thành. Hơn thế nữa, cần chú ý đến các yếu tố thời gian, địa điểm, tính cách của đối tượng nghe, để họ có thể cảm nhận được tấm chân tình của ta.
Trung Quốc có bậc thầy về hội họa tên Trương Đại Thiên, ông thường nhận lời mời tham dự nhiều sự kiện, và mỗi lần như thế mọi người thường khen bộ râu của ông ấy rất đẹp, Trương Đại Thiên rất không hài lòng về điều này. Có lần trong buổi lễ, ai cũng hết lời khen ngợi bộ râu của ông, ông ấy đã khéo léo kể một câu chuyện: “Vào thời Tam Quốc, sau khi Quan Công và Trương Phi hy sinh, Gia Cát Lượng chuẩn bị chinh phạt Tào Ngụy1 đã trưng cầu ý kiến các đại tướng, ai có thể đảm nhận nhiệm vụ đi tiên phong? Con trai của Trương Phi là Trương Bao nói: “Tôi xin được đi”, con trai Quan Công là Quan Hưng cũng nói: “Tôi xin được đi”, hai người không ai chịu nhường ai. Gia Cát Lượng bèn nói: “Các ngươi đều là hậu nhân nhà tướng soái, nếu ai nói được tuyệt chiêu võ công cái thế của cha mình, người ấy sẽ được làm tiên phong”. Trương Bao nói: “Phụ thân tôi trong tay cầm trường thương bằng thép tám điểm, uốn gãy cầu Phách Vương, bắt Hoàng Trung một cách tài trí, rất đúng đắn khi thả Nghiêm Nhan, trước nghìn vạn quân địch, lấy đầu tướng giặc dễ như trở bàn tay. Tôi may mắn được gia đình giáo dục tốt, là người tiên phong của ngày hôm nay, trừ tôi ra thì còn ai có thể nữa?”. Đến lượt Quan Hưng, anh ta vì có tật nói lắp nên lắp bắp một hồi cũng chỉ nói được mấy từ: “Cha, cha,... cha tôi..., cha tôi... râu rất dài”. Lúc này, Quan Công ở trên mây nói lớn: “Tiểu tử thối, cha ngươi lúc còn sống, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao, qua năm cửa, chém sáu tướng, giết Nghiêm Lương, chém Văn Quỷ, lên ngựa ra vàng, xuống ngựa ra bạc, v.v. bao nhiêu thứ đáng nói như vậy thì ngươi không nói, lại chỉ nói râu ta rất dài”.
1 Do vì sáu lần chinh phạt Tào Ngụy (228 - 234), Gia Cát Lượng đều dẫn quân đi qua núi Kỳ Sơn, vì vậy gọi là Lục xuất Kỳ Sơn (六出祁山).
Trương Đại Thiên nói xong, mọi người đều vô cùng bất ngờ. Cho nên, lời khen dù có hay đến đâu, nhưng nói ra không phù hợp sẽ khiến người khác không muốn nghe, và đôi khi còn biến lời lẽ của mình trở nên vụng về, dư thừa.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu là người có đủ phẩm hạnh thì chúng ta nên biết cách ca ngợi người đi trước, lãnh đạo cũng nên khen cấp dưới, giữa người với người phải biết tán dương những ưu điểm của nhau. Ví dụ như, nếu anh chồng thường xuyên khen vợ mình đảm đang, khéo léo, hẳn mỗi ngày đều sẽ nhận được những bữa ăn tuyệt vời cùng với sự yêu thương, chăm sóc tận tình từ phía vợ mình. Vậy bạn còn có thể cho rằng, lời khen ngợi không quan trọng hay chăng?