Sống trong thời đại mỗi ngày mỗi đổi mới này, bất kể quốc gia nào, thì có lẽ ai cũng luôn hy vọng đất nước mình “phát triển” vượt bậc.
Trước đây, sự phát triển của quốc gia đều dựa vào việc xâm lược để bành trướng lãnh thổ; tuy nhiên, các quốc gia ngày nay sẽ không dám tùy tiện phát động chiến tranh, sử dụng chiến lược tằm ăn dâu1, hay cá lớn nuốt cá bé như thời xưa nữa, mà thay vào đó là chính sách lợi dụng sức mạnh kinh tế, thông qua cánh tay ngoại giao để phát triển đất nước.
1 Chiến lược tằm ăn dâu: Là một sách lược chính trị, bao gồm các biện pháp và hành động xâm lấn dài hạn đối với lãnh thổ và lãnh hải các nước láng giềng. Chiến lược này chia nhỏ các mục tiêu và xâm chiếm từng bước, từng phần nhỏ trong một thời gian dài theo kiểu gặm nhấm.
Ngày xưa, nếu con người muốn bản thân có cơ hội thăng tiến thì cần phải trải qua mười năm vất vả đèn sách, tích lũy kinh nghiệm để phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Nhưng ngày nay, phần lớn con người chia bè kết phái, thu hút cổ đông hùn tiền vốn mở công ty, những mong mượn sức của người khác để phát triển bản thân mình.
Tóm lại, xã hội hiện nay có hai hạng người: một là những người dùng tri thức, trí tuệ, sức sáng tạo, để phát triển một cách độc lập; và hai là, những người hợp lực cùng người nhà, họ hàng đoàn kết lại để phát triển. Trên thế giới, có nước phát triển khoa học vũ trụ, đơn cử như Mỹ, Nga đã đưa được người lên mặt trăng; có nước lại phát triển về lĩnh vực hải dương nên kỹ thuật lặn ngày càng tiến bộ. Các nước trên thế giới cũng dần dần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lực trên biển, phòng tuyến của vùng biển quốc gia. Bên cạnh đó, có nhiều nước lại phát triển đất liền như: lấp biển, xây cầu, mở đường, khai thác giao thông, để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Song, xét cho cùng, trái đất cũng có hạn và không thể chịu nổi sự khai thác quá mức. Sự khai thác thái quá kéo dài trong nhiều thập kỷ, đã để lại nhiều hệ quả nguy hại như: bão lũ, sạt lở, xói mòn, sụt đất. Những biến đổi môi trường nghiêm trọng này, cho chúng ta thấy rõ tác hại đáng báo động của việc lạm dụng khai thác.
Trên thực tế, ngoài việc phát triển kinh tế, mở rộng lãnh thổ ra, thì còn rất nhiều lĩnh vực mà con người có thể khai thác để phát triển như: khoa học kỹ thuật, sản phẩm kết nối tình cảm giữa người với người, bồi dưỡng đạo lý làm người, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều biến loạn như hiện nay. Thế giới hòa bình luôn là ước vọng của tất cả nhân loại, chúng ta nên thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới để người người đều được ấm no, hạnh phúc, và an lạc. Đây mới là lĩnh vực cấp bách nhất, mà con người chúng ta cần phát triển.
Bên cạnh đó, nếu những ngành khoa học, kỹ thuật, đang được con người đầu tư phát triển dùng vào mục đích không chính đáng, ví dụ như những nghiên cứu về gen nhằm nhân bản cừu, nhân bản trâu, thậm chí là nhân bản con người, thì những “phát triển” làm đảo ngược trật tự xã hội này đối với tương lai của con người là phúc hay họa, hẳn chúng ta phải tự định nghĩa lại giá trị một lần nữa. Tuy rằng Liên hợp quốc từng nhiều lần ra quyết định ngăn cấm việc nhân bản phôi người, nhưng có một số nhà khoa học vẫn cố tình nghiên cứu mà không cần quan tâm đến tương lai của thế giới. Việc phát triển như vậy, thực sự khiến người ta lo lắng.
Chúng ta tán thành việc xã hội cần phải phát triển, đặc biệt là quá trình làm mới thân tâm của mỗi cá nhân như phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực bản thân, mở rộng các mối quan hệ, v.v. Vì vậy, không nhất thiết là chúng ta phải phát triển ở thế giới bên ngoài, mà có thể tập trung phát triển thế giới nội tâm, thể hội được Chân như Phật tính, nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi, trí tuệ, đạo đức, nhân nghĩa, giữ gìn tâm tính thuần tịnh thuở ban đầu. Ánh sáng và nguồn năng lượng tỏa ra nơi mỗi người trong quá trình tự phát triển, soi rọi lẫn nhau như những ánh đèn LED, đèn trang trí, đèn huỳnh quang, đan xen phản chiếu khắp chốn, thế giới như vậy chẳng phải là vô cùng tươi đẹp hay sao!
Xã hội hiện nay nên đề cao tinh thần xây dựng, kiến thiết, nếu có thể mở “Công ty phát triển quan niệm mới”, “Công ty trách nhiệm vô hạn Từ bi hỷ xả”, “Hiệp hội Cộng sinh nhân loại trên thế giới”, “Tập đoàn phục vụ chí công vô tư”, “Đơn vị điều chỉnh tôi và bạn”, v.v. để con người trên toàn thế giới đều có thể định hướng cho mình phương châm sống “tôi vì bạn, bạn vì tôi”, “chế tạo” ra niềm vui, “sản xuất” ra tình thân ái, an hòa. Thế giới như vậy có phải là “dễ thương, dễ thở, và dễ sống” hơn rất nhiều so với một thế giới chìm dưới đầm lầy của những tranh giành, lừa dối hay không? Vậy thì, tại sao chúng ta lại không hoan hỷ bắt tay, cùng nhau phát triển?