Con người sống cần có “thủ đoạn”, thì mới dễ dàng nhận được sự chào đón của gia đình và xã hội - quan niệm này liệu có đúng?
Vậy thì, có “thủ đoạn” là tốt hay xấu? Có một bộ phận người không dùng lòng chân thành để đối xử với nhau mà luôn tính toán thiệt hơn, ức hiếp kẻ yếu, lừa dối, giở những mánh khóe lừa gạt để chiếm lợi. Hay có những tập đoàn thương mại, vì cạnh tranh trên thương trường mà sử dụng các loại mưu kế để khiến đối thủ phải chịu tổn thất nặng nề. Rồi cho đến các quốc gia trên thế giới chia bè kết phái, khủng bố, chèn ép, uy hiếp, dụ dỗ, v.v. sử dụng mọi âm mưu để kéo thêm nhiều đồng minh về “phe” họ, v.v. Đối với những thủ đoạn kể trên, thật sự chúng ta không thể nào chấp nhận được.
Nhưng liệu có phải tất cả “thủ đoạn” đều xấu xa không? Trong một số trường hợp bất đắc dĩ mà ta phải sử dụng một số “mánh khóe” để giải quyết những chuyện khó khăn, như trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, sẽ không quá đáng nếu cô con dâu “giở” một vài “chiêu” như thường xuyên khen mẹ chồng để làm bà vui lòng; hay cha mẹ muốn những đứa con của mình chăm chỉ học tập nên dùng một vài “chiêu thức” nhằm cổ vũ, gợi mở giúp chúng cố gắng phấn đấu hơn. Rồi như câu chuyện Tay không dụ trẻ của Đức Phật, viên kẹo bọc đường tuy rằng không có thực nhưng giúp giáo hóa chúng sinh, đồng thời mang lợi ích đến cho họ. Vậy nên, quyền xảo giáo hóa vốn là một phương tiện hữu dụng để độ chúng sinh, và nó không hề xấu một chút nào.
Thuở xưa, có một bà mẹ có đứa con vừa mới qua đời, bà ấy đau đớn khóc lóc thảm thiết đến chết đi sống lại, một lòng xin Phật Đà nghĩ cách để cứu sống con trai mình. Đức Phật hiểu nỗi bi thống của người mẹ mất con, trong nhất thời không thể tỉnh ngộ ngay được, bèn nói với người phụ nữ ấy rằng chỉ cần tìm được một gốc cỏ cát tường thì sẽ có cách cứu sống con trai bà ấy. Với một điều kiện, bà phải xin gốc cỏ này ở gia đình nào mà chưa từng có ai qua đời.
Người mẹ ôm lấy tia hy vọng mong manh duy nhất, thất thểu chạy khắp thành, tới hỏi xin từng nhà, nhưng làm sao bà có thể tìm được một gia đình nào mà chưa từng có ai chết. Để rồi cuối cùng, bà cũng ngộ ra đạo lý: “Sinh tử vô thường là sự thật, là bản chất của thế giới này”. Đây chính là “thủ đoạn”, để giáo hóa chúng sinh của Đức Phật vậy.
Trên đường đi hành hóa, Thiền sư Tiên Nhai gặp một đôi vợ chồng đang cãi nhau kịch liệt. Khi người chồng mắng mỏ, muốn đánh, muốn giết người vợ, thì vợ anh ta không hề sợ hãi mà còn thách thức người chồng rằng:
- Anh đánh đi! Anh giết tôi đi!
Thiền sư Tiên Nhai thấy vậy, liền lại gần hô lớn:
- Mọi người mau mau tới xem này! Sắp đánh người rồi! Sắp giết người rồi!
Người đứng hóng chuyện ở bên cạnh không chịu nổi, bèn tức giận nạt:
- Này ông Hòa thượng! Vợ chồng người ta đang cãi nhau mà ông kêu gào ầm ĩ gì vậy?
- Cậu không nghe thấy họ nói là sắp giết người rồi à?
- Giết người thì liên quan gì đến ông?
- Ai bảo không liên quan? Có người chết, thì phải mời tôi đến tụng kinh, sao lại không liên quan cơ chứ?
Đôi vợ chồng đang cãi nhau, khi thấy một thầy tu đang tranh luận gay cấn với một người, thì liền dừng lại. Lúc này, thiền sư Tiên Nhai mới hướng về phía đôi vợ chồng bảo rằng:
- Vở kịch của hai vị kết thúc chưa? Vợ chồng ấy mà, nên như mặt trời tỏa ánh nắng sưởi ấm đối phương, nên như gió mà vỗ về lẫn nhau; nếu cứ đánh, cứ giết nhau, thì chẳng phải mái ấm gia đình sẽ trở thành chiến trường hay sao?
Cuối cùng, “thủ đoạn” khuyên can khác thường của thiền sư Tiên Nhai, đã giải quyết triệt để được cuộc tranh cãi nảy lửa trong gia đình người ta.
Vậy thì, “thủ đoạn” là tốt hay xấu? Nếu những “thủ đoạn” mà được dùng để lừa bịp người khác thì đương nhiên là không tốt lành gì. Hành động sử dụng “thủ đoạn” để lên được ngôi vua như Tào Phi, Dương Quảng, Ung Chính, đâu đáng để người đời sau học tập. Nhưng nếu người ta sử dụng “thủ đoạn” để giải quyết những chuyện tranh chấp, như Thiền sư Phi Tích hiện phép thần thông để hóa giải cuộc chiến tranh giữa hai nước, hay như Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân thành một thiếu nữ xinh đẹp để phương tiện giáo hóa người đời, nếu sử dụng những “thủ đoạn” như vậy vào mục đích làm lợi ích, an lạc cho tha nhân thì có gì là không được. Song, nó còn phải phụ thuộc vào bản lĩnh ứng biến của chúng ta đến đâu nữa.