Mỗi ngày sau khi thức dậy, chúng ta quét dọn, sắp xếp lại nhà cửa, góp phần tô điểm làm cho không gian sống trở nên mới mẻ và tươi mát. Mặc quần áo chỉnh tề cũng giúp đem lại cảm giác dễ chịu, tươi mới. Hằng ngày, chúng ta xem ti vi hay đọc báo, cũng vì muốn biết hôm nay có những tin tức thời sự mới gì.
Thật ra, con người không nên hướng ngoại tìm cầu “ý tưởng mới”, mà cần phải sáng tạo những điều mới mẻ ngay trong thế giới nội tâm của chính mình. Ví như mỗi ngày đều cần phải làm mới tư tưởng, quan niệm, tinh thần phục vụ, và hạnh nguyện giúp đỡ người khác. Bởi vì, khi và chỉ khi, tinh thần bên trong tràn ngập luồng sinh khí hướng thiện và hướng thượng, thì cuộc sống này mới không ngừng thăng hoa, hoàn mỹ.
Đóa hoa nở dần theo thời gian, cây cối lớn lên cùng năm tháng, đời người cũng đang dần lặng lẽ trôi qua từng phút, từng giây. Vậy phải làm sao mới có thể làm cuộc sống mới mẻ hơn mỗi ngày? Giả như buổi sáng thức dậy, tinh thần phấn chấn, trong lòng muốn hoàn thành một việc tốt nào đó, đây chính là khởi đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng tích cực. Buổi tối, đến trước tượng Phật chắp tay thành kính lễ bái, sám hối những lầm lỗi của ngày hôm nay đã lỡ gây tạo, đây chính là đang làm mới bản thân mỗi ngày. Thế giới không ngừng tiến bộ, xã hội không ngừng đổi thay, cho đến khoa học và công nghệ cũng được nâng cấp mỗi ngày, đúng hơn là đổi mới không có điểm dừng. Ngày nay, người ta không ngừng nói về nhóm người trong thời đại mới của nhân loại, thậm chí còn nói về nhóm “mới nhất của nhân loại”, vậy tại sao chúng ta vẫn còn mãi bảo thủ, cố chấp với những quan niệm lạc hậu, không biết cải tiến đổi mới.
Tất nhiên, không phải cái gì mới cũng đều tốt, và tất cả đồ cũ đều là xấu. So với một bộ quần áo mới không phù hợp, thì thà mặc đồ cũ còn đẹp hơn. Mang một đôi dép mới mà không vừa chân, thì thà rằng đi dép cũ vẫn là hay nhất. Gặp gỡ thêm được người bạn mới, nhưng lại chẳng thể hiểu nhau, thì chơi với bạn cũ sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Có những thứ nên làm mới như: ý tưởng, phương pháp, quan niệm, v.v. thế nhưng cũng có những thứ cũ cần giữ lại như: đạo đức, mối quan hệ, thành tựu. Cho nên nói, không bắt buộc phải đổi mới tất cả. Giữa một xã hội hiện đại hóa nhanh đến chóng mặt, đôi khi khiến con người ta thiếu đi cảm giác an toàn, bởi vì khi ý thức đạo đức mới vẫn chưa được tạo lập, mà nền đạo đức cũ lại không ngừng bị xói mòn, điều này không thể gọi là “làm mới mỗi ngày”, ngược lại, đó chính là “tàn phá mỗi ngày”.
Chúng ta tìm cầu cái mới, có nghĩa là hy vọng bản thân không bị rơi vào tình trạng “nhất thành bất biến” tức là đã hình thành thì không thay đổi, không nên quá bảo thủ, cố chấp, ích kỷ, trái quen thành phải. Cái gọi là “làm mới mỗi ngày”, có nghĩa là muốn chúng ta biết hồi đầu hướng thiện, nhiệt tình giúp đỡ tha nhân, dũng cảm vượt qua thử thách, hy sinh cái riêng, vì lợi ích chung. Ví như, nếu không dám cất những bước đầu tiên, thì làm sao chúng ta có thể đi xa vạn dặm tiến về phía ánh sáng mặt trời rực rỡ.
Đất nước Nhật Bản sau khi thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã thức tỉnh chuyển đổi từ một quân đội hiếu chiến sang hướng không ngừng nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp mới, cũng như các sản phẩm với chất lượng vượt trội, đơn cử như hãng xe Toyota, chẳng phải đã chinh phục được nước Mỹ rồi đó sao? Chúng ta đều không muốn, các quốc gia hùng mạnh trên thế giới sử dụng vũ khí hạng nặng và chiến tranh xâm lược để đối xử với các nước láng giềng. Tôi mong rằng, loài người hãy sử dụng những ý tưởng mới, khái niệm mới, phong cách mới, sản phẩm mới, phương pháp mới, cho đến nền đạo đức mới, nhằm tác động tích cực và thúc đẩy việc thiết lập một thế giới hòa bình, an lạc.
Trước đây, chúng ta đều sùng bái những cửa hàng thế kỷ, nhưng nếu cửa hàng này không tiếp thêm “máu” mới, dinh dưỡng mới, tinh thần mới, và phương pháp mới, thì một cửa hàng lay lắt như vậy có thể tồn tại được bao lâu? Ví như những chân lý: “Tam pháp ấn”, “Tứ diệu đế”, “Tính Không” trong nhà Phật sẽ luôn là bất biến; thế nhưng, nếu cứ mãi cố chấp về: quy chế, giới luật, nghi lễ, pháp khí, phương thức hoằng pháp, công trình kiến trúc, di tích văn hóa, v.v. mà không chịu đổi mới, thì việc phát triển Phật giáo trong tương lai nhất định sẽ vấp phải rất nhiều trở ngại.
Nhiều người sợ “cái mới”, vì cái mới vừa khó hiểu, lại vừa không dễ thích nghi. Lịch sử giống như một tấm gương, chúng ta không thể chỉ nhìn vào quá khứ, vì thế con người phải có khả năng nhìn thấy tương lai. Dù cho “mỗi ngày xuân” chỉ là một đóa hoa bé nhỏ, nhưng nó sẽ nở mỗi ngày và đem đến cho con người một điều bất ngờ mới lạ, thế thì “làm mới mỗi ngày” có gì là không tốt?