Không biết, chúng ta sẽ để lại những gì cho cuộc đời khi ngừng thở? Chúng ta thấy, có những bậc cha mẹ lúc từ giã cuộc đời, đã để lại cho con cái khối tài sản lớn; cũng có cha mẹ để lại cho con mình một đống nợ nần. Có người ra đi, để lại cho đời những điều hay tiếng tốt, nên được lưu hương muôn thuở. Trái lại, có người từng gây ra bao lầm than nỗi oán cho nhân thế, và thứ mà họ để lại trên trần gian này là tiếng xấu nghìn năm không thể rửa. Lập công, lập đức, lập ngôn, đây chính là ghi dấu những điều tốt đẹp vào từng trang sử sách; ngược lại, việc làm hại nước, hại dân, lại khắc vào phiến đá nhân sinh những điều xấu ác không thể mờ phai.
Trên đời này, có bao nhiêu người lưu lại những điều tốt đẹp cho chúng ta? Ngoại trừ tài sản hay đức hạnh của người thân quá cố, tri thức của các bậc tiền nhân, những phát minh của các nhà khoa học, hay những công trình công cộng của xã hội, thì chúng ta cũng cần hỏi lại chính mình, ta có thể lưu lại được gì cho mọi người không?
Cho dù, một người không làm được gì lớn lao, vĩ đại, nhưng họ cũng có thể để lại một vài điều nhỏ bé có ý nghĩa cho đời, một vài hành động hay một số việc làm tốt, hoặc chừa lại một chỗ trống cho người khác, nếu không thì chính mình cũng không thể thoải mái được.
Ngày nay, những công trình kiến trúc hết sức chú trọng đến việc thiết kế không gian thông thoáng, họa sĩ khi vẽ tranh cũng cần để lại một vài khoảng trống, ngay cả như nhà kho hay tủ lạnh cũng cần một chút không gian trống để bảo quản vật phẩm được lâu hơn. Đặc biệt, giữa con người với nhau cũng cần duy trì một khoảng cách vừa phải thì mới giữ được mối giao tình tốt đẹp, lưu lại một chút đạo nghĩa để giữ trọn tình người.
Giữa một xã hội hiện đại, những tin nhắn, âm thanh, lời nói của bạn đều được ghi lại; vàng bạc, tài sản quý giá, đã có ngân hàng cất giữ giúp bạn; hệ thống camera giám sát, máy ghi âm, máy fax, sẽ thay bạn lưu lại tất cả những chứng cứ mà bạn cần.
Người kinh doanh cần lưu lại một số kinh nghiệm và vốn gốc, để phòng khi gặp bất trắc còn có cơ hội làm lại. Cuộc sống thường nhật cũng nên tích trữ lương thực, đề phòng trường hợp cần dùng khi khẩn cấp. Dữ liệu nên được sao lưu ở vị trí khác nhau, để tránh làm mất dữ liệu trong trường hợp máy tính gặp sự cố. Đối với các giao dịch kinh doanh, nên giữ lại biên lai để xác chứng cho việc hai bên đã hoàn tất thủ tục thanh toán và giao hàng. Nhà ở cần phải có cửa thoát hiểm, để phòng tai nạn nguy cấp bất ngờ xảy đến. Khi quen bạn mới, cũng nên lưu lại số điện thoại của nhau để tiện sau này liên lạc.
Khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh nào có thành tích học tập chưa đủ chỉ tiêu sẽ phải ở lại lớp. Những cán bộ nhà nước ưu tú, có thể được bổ nhiệm lại lần nữa. Những quan tòa có đức độ, xét xử thấu tình đạt lý, có thể nương tay cho những người phạm tội nhẹ. Nhưng cũng có người khi báo thù rửa hận, sẽ diệt cỏ tận gốc giết không chừa một ai, nhằm tránh lưu lại tai họa về sau. Khi sang đường hay đang lái xe, phải lưu tâm chú ý nhìn đường. Giữa nơi đông người, cần phải cẩn trọng đến từng lời nói, từng cử chỉ hành động của mình, để tránh làm phiền tới người khác.
Chúng ta đừng bao giờ xử lý công việc một cách quá vội vàng, hấp tấp, nên biết chờ đợi thời cơ chín muồi, nhân duyên hội đủ, thì hãy sẵn sàng hành động. Người không dễ dàng rơi lệ, cho thấy họ có khả năng kiềm chế cảm xúc. Và người không dễ dùng nắm đấm, chứng tỏ họ có sức mạnh của sự điềm tĩnh.
Chúng ta nên, và không nên lưu lại những gì? Vua Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho sĩ, độc tài chuyên chế, sau khi chết, thứ ông ta để lại là tiếng ác muôn thủa. Còn như, lòng chính trực ngay thẳng của Văn Thiên Tường, hay phẩm hạnh thanh cao của Sử Khả Pháp, đều lưu lại danh thơm tiếng tốt muôn đời về sau.
Cây chết để vỏ, người chết để tiếng, chúng ta đến với cuộc đời này, để lại được những gì cho người khác, điều đó còn phụ thuộc vào tâm thái và cách hành sự của bạn như thế nào trong suốt những năm tháng hiện hữu giữa cuộc đời này.