Mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này đều có đặc tính riêng, tính năng càng ưu việt thì giá trị càng cao, tính năng càng hạn chế thì giá trị càng thấp.
Đức Phật dạy: “Mọi chúng sinh đều có Phật tính”, nếu chúng sinh đều có Phật tính, có nghĩa là phẩm chất và năng lực của chúng sinh đều như nhau. Tuy nhiên, do sự cố gắng, do nhân duyên mà mỗi người gặp được trong quá trình trưởng thành là khác nhau, nên giữa người với người sinh ra khoảng cách về học thức, con đường, và thành tựu. Đồ vật cũng như vậy, do quá trình chế tạo khác nhau mà chúng có sự khác biệt về độ bền, tính hữu dụng, v.v. Điều này cũng giống như việc mọi người đứng trên cùng một vạch xuất phát, nhưng sau tiếng còi hiệu lệnh thông báo bắt đầu, thì kết quả sẽ phụ thuộc vào năng lực bất đồng của mỗi người mà tạo nên khoảng cách.
Với một thanh kiếm bình thường, thì chỉ đáng giá mấy trăm nghìn, còn đối với những thanh kiếm tốt thì dẫu có ra giá hàng chục triệu cũng khó mà mua được. Hay một chiếc ô tô có chất lượng tốt, thì mức giá của nó có thể dao động từ vài tỷ đồng trở lên, còn chất lượng bình thường thì cũng chỉ được bán với giá tầm mấy trăm triệu. Vì thế, tính năng của một vật có tốt hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự nhận định, đánh giá của mọi người về nó.
Ngoài tính năng ra, cũng cần phải xét đến cả công dụng của sự vật nữa. Ví dụ đơn giản như, giá của một miếng đất ở thành phố khác với giá đất ở các vùng quê hay ngoại ô; thu nhập mỗi tháng của các ngôi sao trong làng giải trí có thể lên tới con số hàng tỷ, nhưng có những người bình thường, đến chuyện kiếm được công việc lương tháng vài triệu đồng để sống qua ngày cũng khó. Rồi cho đến những vật dụng như máy tính, máy ảnh, máy quay, điện thoại, v.v. cũng bởi mang một số tính năng khác nhau mà giá thành có sự chênh lệch khá xa.
Lại như vải vóc, lương thực, xăng dầu cũng vậy, người ta đều dựa trên chất lượng mà phân định thành nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, hết thảy sự vật, hiện tượng, cho tới con người luôn có sự khác nhau là do chúng tồn tại khoảng cách biệt về tính năng và công năng.
Tuy nhiên, tính năng quá ưu việt cũng có thể kéo theo hàng loạt những mối bận tâm, giống như câu nói “người tài thường vất vả”, người có năng lực thường phải ôm đồm nhiều việc, cho nên gánh nặng đặt lên vai cũng lớn hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, năng lực làm việc quá xuất sắc đôi khi cũng bị người khác ghen ghét, bắt bẻ; giống như bông hoa đến độ nở đẹp nhất liền bị người ta hái đi, cây mọc quá cao sẽ bị người ta đốn hạ. Vì thế, người tài cao rất cần tới khả năng nhẫn chịu được áp lực của xã hội. Và đương nhiên, người chịu được áp lực càng cao, thì sự tôi luyện của người đó càng lớn, đủ sức làm lên những giá trị đặc biệt, cũng như tạo ra nhiều thành tựu vượt trội đóng góp không nhỏ vào công cuộc chung của nhân loại.
Phật giáo có câu: “Tứ đại đều là không”, nghĩa là vạn sự, vạn vật trong đời sống đều do bốn nguyên tố lớn: đất, nước, gió, lửa tạo thành, nên chúng có tính chất khác nhau. Tuy nhiên, con người nên bồi dưỡng đặc tính của đất mẹ, có thể nuôi dưỡng vạn vật, chịu được mọi áp lực dồn nén. Đồng thời, nên học tính cách của nước, tuôn chảy để tưới mát cho vạn vật, uyển chuyển tùy duyên thích ứng được trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, nên thắp sáng tâm nhiệt huyết như lửa để sáng tạo ra nền văn minh nhân loại và sưởi ấm thế gian. Cùng với đó, cũng nên giống như gió mát tiêu dao tự tại, đến đi không ràng buộc mà gieo rắc hạt giống thiện lành xa muôn phương, giúp cho vạn vật không ngừng sinh sôi nảy nở.
Con người nên biết cách khai thác và phát triển năng lực tự thân, đồng thời bồi dưỡng tứ duy là lễ, nghĩa, liêm, sỉ, và bát đức gồm trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình, cũng như khai phá kho tàng báu vật nằm ẩn sâu bên trong mỗi người. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được những tinh hoa giá trị nội tại vốn có của chính mình.