Mục đích mà Đức Phật chế ra năm giới, là muốn mọi người tôn trọng sự tự do và không xâm phạm đến cuộc sống của tha nhân. Không sát sinh, tức là không gây tổn thương đến sinh mạng của người; không trộm cướp, tức là không xâm phạm tài sản; không tà dâm, tức là không xâm hại danh tiết; không nói dối, tức là luôn tôn trọng sự thật, và sống theo lẽ phải; không uống rượu, tức là không làm tổn hại lý trí của chính mình, từ đó không đi gây sự phá hại người khác. Ngay cả không dùng các chất gây nghiện, cũng chính là chúng ta đang ngăn chặn những tác nhân xấu ảnh hưởng đến sự bình an của tha nhân.
Thế giới này không thể hòa bình, ổn định, cũng là do những phần tử bất đồng ý kiến và hiếu chiến gây nên. Chẳng hạn như các cuộc chiến tranh giữa các nước do chiếm hữu vùng trời, vùng biển, hay xâm lược kinh tế, văn hóa, v.v. Một ví dụ điển hình khác, là khi chúng ta đến bất kỳ đâu trên thế giới, ra sức khoe khoang về nền văn hóa đặc chất của mình, mà không chịu du nhập vào văn hóa của các dân tộc bản địa. Phải chăng, ta đang hy vọng, dùng vốn liếng văn hóa ngoại biệt của mình để sinh sống ở đất nước của người, đây cũng bị xem là một khía cạnh của hình thức xâm lược mất rồi.
Sự xâm lược của các phần tử khủng bố khiến thế giới trở nên bất an. Hay như hacker máy tính, là những kẻ đang ngấm ngầm xâm phạm vào sản phẩm trí tuệ và phát minh của nhân loại. Ở những nước không quy định về bản quyền, có những kẻ đạo nhái hay sao chép, tức là đang xâm phạm quyền văn hóa, trí tuệ, và tài sản của người khác. Ngoài ra, nói năng không có chừng mực, dùng những lời lẽ sắc như đao kiếm cứa vào lòng người, hạ gục danh dự, hình ảnh của đối phương, đây chẳng phải là đang xâm phạm sao? Hoặc các hiện tượng quấy rối tình dục, bạo lực, thường xảy ra trong xã hội, đều là hành vi xâm hại đến thân thể con người. Vì một chuyện nhỏ như hạt vừng, hạt đậu, mà phải dùng đến nắm đấm hay đao súng, gậy gộc, để nói chuyện với nhau, đây chẳng phải cũng là hành vi xâm phạm sức khỏe và tính mạng của người khác sao? Vì vậy, xâm lược là hành vi phá hủy quyền lợi của người khác vô cùng xấu ác, đáng bị lên án.
Con người không chỉ gây tổn thương cho nhau, mà họ còn đang từng ngày xâm phạm đến sự yên bình của đất mẹ thiên nhiên nữa. Chẳng hạn như việc, đánh bắt vô độ dưới biển, khai khẩn bừa bãi trong rừng, thậm chí lạm sát chim chóc, phá hại một cách không thương tiếc như thế, lẽ nào họ không sợ vòng xoáy nhân quả tuần hoàn ư?
Từ xa xưa, những cuộc thôn tính giữa các thế lực như: Ngũ Hồ thập lục quốc1, Ngũ bá2, Thất hùng3, cuộc tấn công xuống phía Nam của nhà Kim và nhà Thanh, hay sự tàn sát của Thành Cát Tư Hãn phủ khắp trên diện rộng, vậy rồi chẳng bao lâu, những thứ họ có được cũng tan biến đi đâu?
1 Ngũ Hồ thập lục quốc (五胡十六國), còn gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa (5 dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa), là một tập hợp gồm 16 quốc gia do 5 tộc người Hồ thống trị, có thời gian tồn tại ngắn ở Trung Quốc và các vùng lân cận từ năm 304 đến 439.
2 Ngũ bá: 5 nhà xưng bá thời Xuân Thu (476 TCN - 403 TCN) gồm Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương.
3 Thất hùng: Bảy nước tranh hùng thời Chiến Quốc (476 TCN - 221 TCN) gồm Tề, Sở, Yến, Triệu, Hàn, Ngụy, Tần.
Muốn hạn chế sự xâm lược, phải bắt đầu từ gốc rễ tư tưởng và nội tâm thanh tịnh, thế giới cần có hòa bình, hòa bình thì cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Cho dù tư tưởng, ngôn ngữ, văn hóa của mọi người là bất đồng, nhưng chúng ta cần biết cách làm cho những bất đồng ấy tồn tại dung hòa trong bối cảnh tổng thể.
Tự do sinh tồn, cuộc sống an lạc, chung sống hòa bình, đây là nguyện vọng của cộng đồng. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của toàn thế giới, đó là các nước cùng ngồi lại bàn thảo nghiên cứu ra phương cách thích đáng để bình ổn cục diện, nói không với chiến tranh và xâm lược, giữ gìn sự tự do về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt của mỗi quốc gia hay vùng miền; đồng thời, dành cho mỗi cá nhân sự tự do về quyền được sống, quyền được lựa chọn tín ngưỡng, và quyền được định hướng tư tưởng của mình.
Không xâm lược, không thể chỉ dựa vào sự cưỡng chế của pháp lệnh, mà yếu tố căn cốt là cần phải đánh thức nhân loại về giá trị muôn thuở của đạo đức, từ bi, vô ngã, khích lệ con người tự hoàn thiện trở nên trong sáng hơn, truyền cảm hứng cho việc thiết lập một thế giới tương lai tự do, nhân ái, và an vui.