Bản tính con người là gì? Với Mạnh Tử, ông đề cao quan điểm: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”; ngược với đó, Tuân Tử lại khởi xướng lên học thuyết: “Nhân chi sơ, tính bản ác”; còn trong Đại thừa khởi tín luận thì cho rằng, con người vốn tồn tại đủ cả hai phần thiện - ác trong mình.
Bản tính, là thứ mà ngoài những nét tính cách hàm ẩn vốn sẵn có, thì từ khi sinh ra, đa phần cá tính khác đều được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện. Có thể nói, bản chất bẩm sinh cần được phát hiện và bồi dưỡng, còn cá tính có được là do học tập. Ví như, trong bản tính của mỗi người đều có hạt giống thành Phật, nếu chúng ta tăng cường công phu tu dưỡng, lĩnh ngộ giáo pháp, tức là đồng nghĩa với việc ta đang tự sạc pin, bổ sung nguồn năng lượng cho chính mình.
Mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để thở, thân thể để xúc chạm, v.v. tất cả những giác quan này chính là bản năng bẩm sinh tự nhiên sinh ra đã có trong mỗi con người.
Trang Tử nói rằng: “Ngựa có móng guốc để băng qua sương tuyết, có lông để chống chọi với gió rét, đói thì gặm cỏ, khát thì uống nước, khi hứng chí thì tung vó”. Vạn vật trên thế giới này đều có bản tính riêng của mình, ví như mặt trời có nguồn nhiệt năng vô hạn, lửa có sức đốt, nước có sức lưu chuyển, gió có sức vận hành, và tất cả chúng đều cung cấp nguồn năng lượng cho các nhà máy phát điện mỗi ngày. Bản chất của âm nhạc là du dương êm dịu, của gió là chuyển động, của hoa là tỏa ngát hương thơm để tô đẹp cho đời, gà trống thì cất tiếng gáy mỗi sớm để báo hiệu bắt đầu ngày mới, thạch sùng tự làm đứt đuôi để chạy trốn, chó thì trông nhà, ong là lấy mật, rồi những loài thực vật như hoa trinh nữ, hoa hướng dương, v.v. cũng đều có bản tính của riêng mình.
Hiếu chiến là bản tính của A tu la, từ bi là phẩm chất của Bồ tát. Những vì sao trên bầu trời, cho đến các hiện tượng thời tiết sấm, sét, gió, mưa, cũng đều có tính chất của riêng mình. Trẻ con hay khóc nhè, là cách thể hiện đặc trưng của chúng, yêu cái đẹp là đặc tính của phụ nữ. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta nên biết “khai thác” những tính chất tốt lành vốn có của con người, để dần dần phát huy hạt giống Từ bi, Bát nhã, Phật tính trong tiềm năng nội tại của tự thân. Đây chính là nguồn năng lượng vô hạn tiềm tàng nằm sẵn trong bản tính của nhân loại.
Ta có thể tự tìm tòi, khám phá bản tính của con người. Bản tính thì người người đều bình đẳng, ai ai cũng có, chỉ có điều, sự cố gắng của mỗi người là khác nhau nên bị phân chia ra thành thông minh, ngu dốt, sang, hèn, gian trá, tài đức. Có người thông minh, tài năng xuất chúng, khéo léo, mang đầy đủ các đức tính cao quý; nhưng cũng có người ngốc nghếch, lười biếng, khiến bản chất trở nên u ám, tăm tối. Bản sắc anh hùng mà đàn ông thường thể hiện là lòng dũng cảm, liều lĩnh, rộng rãi, hào phóng; còn sự tỉ mỉ, dịu dàng, yểu điệu, yêu cái đẹp, là bản chất của phụ nữ. Chúng ta nên tìm tòi và khai thác bản tính của mình, như vàng, bạc dưới đáy biển vậy, nếu ta không tìm kiếm, khai thác thì sao có thể thu về được kho tàng vô giá của tự tính đây?
Làm thế nào để khai thác nguồn năng lượng của bản tính? Trong quá khứ, chúng ta cần phải đọc nhiều sách thánh hiền, hiểu liêm sỉ, lễ nghĩa, tuân theo tín nghĩa, hòa bình. Còn trong xã hội hiện tại, mong con người có thể phát huy được tinh thần trách nhiệm, hòa đồng, chính nghĩa, và giữ gìn công lý.
Trước đây Đức Phật từng trải qua chặng đường dài gian nan tìm đạo, cho đến bao tháng ngày tu hành khổ hạnh, cuối cùng đã chứng ngộ được chân lý, Ngài vui mừng nói với mọi người rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà ta không thể chứng ngộ”. Thế nên, nếu mọi người muốn tỏ ngộ tự tính, trải nghiệm cuộc sống vĩnh hằng, thì nên hòa mình vào vũ trụ để cùng hiện hữu với nó, đó chính là tự tính của chúng ta và Đức Phật luôn bình đẳng như nhau.