Trị nước dễ hơn trị nhà, trị nhà dễ hơn trị người, trị người lại dễ hơn trị tâm.
Trên thực tế, có nhiều người làm lãnh đạo quản lý công việc rất tốt, thế nhưng về đến nhà lại không thể chung sống hòa hợp được với vợ con mình. Một số người có thể chăm lo chu toàn đời sống của cả gia đình, song đối với nội tâm của chính mình đôi khi lại trở nên bất lực khi vấp phải những dục vọng, oán hận, phiền não, tà kiến, đều không có cách gì làm chủ nó. Do đó, thường bị thất tình lục dục chi phối khiến cho tâm tư luôn chìm ngập trong nỗi buồn lo vô tận.
Tâm như cuộn dây, nếu không thường xuyên quấn gọn thì có khi càng gỡ càng rối. Tâm như tấm gương cũ, nếu để mặc không mài rũa, thì sao có thể sáng. Tâm cũng như con ngựa hoang, nếu chẳng ghìm cương thì sẽ hung hăng chạy rong khắp chốn. Con người ta trở nên thân bại danh liệt hay công thành danh toại, đôi khi cũng chỉ do một niệm khác biệt trong tâm quyết định. Bởi thế, điều phục tâm thật quan trọng biết dường nào.
Đức Phật cũng từng ví tâm như kẻ trộm, như thú dữ, như khỉ vượn, như quốc vương, vậy thì, chúng ta cần phải dùng nguồn sức mạnh gì mới có thể hàng phục cái tâm đó đây?
Phải khắc chế tâm như thế nào? Dưới đây xin đưa ra bốn cách để mọi người cùng tham khảo:
Thứ nhất, cần biết cách tu tâm: Bàn ghế hư hỏng, cần được đóng lại; nhà cửa, điện nước hỏng ở đâu thì sửa ở đó; quần áo rách cần vá lại; còn nếu tâm bất thiện bị tham dục, ngu si, kiêu mạn che mờ rồi, thì làm sao để sửa chữa đây? Phải tu tâm như thế nào? Lúc này, hãy lấy các chất liệu từ bi, hỷ xả, giới hạnh, thiền tịnh, để lắp ráp và sửa chữa lại thế giới nội tâm.
Thứ hai, cần biết cách kiềm chế tâm: Bản chất tâm chúng ta vốn là “tâm viên ý mã”, chỉ cần bất cẩn sơ ý, tâm ấy liền tự do tạo tác việc xấu ác. Vương Dương Minh tiên sinh có nói: “Bắt giặc trong núi thì dễ, bắt giặc trong tâm mới khó”. Kiềm chế tâm, giống như việc công an đuổi bắt trộm cướp, cảnh sát truy nã tội phạm. Vậy, đội ngũ công an, cảnh sát của bạn đang ở đâu? Chính niệm, được xem là công an của bạn; chính kiến, tức là cảnh sát của bạn, phải khéo điều động hai thành tố ấy hoạt động thật nhịp nhàng và thường xuyên liên tục bám sát tâm, chúng ta mới có thể kiểm soát tâm ý mình được.
Thứ ba, cần biết dụng tâm: Con người thường bị tâm sai khiến, vả lại bản thân lại không biết cách điều khiển tâm, cho nên gọi là “tâm vi hình dịch”, tức là tâm luôn bị thân sai khiến. Tâm của chúng ta thường bị ngũ dục, lục trần chi phối; bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bên ngoài điều khiển; cộng thêm tham, sân, si trong tâm bức ép, chống trái lại chính mình. Cho nên, nhất định chúng ta phải nỗ lực hàng phục tâm, khiến chúng nghe theo sự chỉ đạo của mình thông qua trí tuệ Bát nhã, thấu triệt tính chất chân thực của muôn sự vạn vật.
Thứ tư, cần biết minh tâm: Trong Thiền tông nói: “Minh tâm kiến tính”, chính là muốn chúng ta hiểu rõ về tâm mình, phải nhận diện quan sát rõ ràng nội tâm trong từng phút giây, đừng để nó tự do ra vào, đừng để nó sai bảo, cần quán chiếu tâm trong từng khoảnh khắc, biết rõ từng tâm niệm khởi lên. Khi và chỉ khi, sự hiện diện của chính kiến, chính tư duy luôn thường trực, thì thế giới nội tâm mới được soi sáng. Và khi tâm đã sáng tỏ rồi, thì có việc gì mà bạn không thể làm được đâu?