Bảo vệ là một hành động rất đẹp. Cha mẹ bảo vệ con cái, giáo viên bảo vệ học sinh, cảnh sát bảo vệ người dân, cấp trên bảo vệ cấp dưới, người mạnh bảo vệ kẻ yếu, người giàu có ủng hộ người nghèo khó, cho đến nhân dân đoàn kết bảo vệ tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội, v.v. Đó chính là những đạo lý tất yếu trong cuộc đời này.
Không chỉ nhân loại, mà các loài động vật cũng biết cách bảo vệ lẫn nhau. Ví như, gà mẹ chiến đấu quên mình với chim ưng để bảo vệ đàn con; đà điểu cha vì bảo vệ con mình mà “canh chừng” chim đà điểu mẹ không rời mắt, đề phòng kẻ săn mồi tấn công bất cứ lúc nào; hổ báo, sư tử dù có dữ tợn đến thế nào đi chăng nữa, thì cũng luôn ra sức bảo vệ những đứa con của mình tránh khỏi thương tổn; cho đến rùa, hay ốc sên, thì cũng biết cách tự bảo vệ bản thân bằng cách ẩn mình trong lớp vỏ kiên cố.
Vậy bảo vệ là gì? Bảo vệ cũng có nghĩa là bảo hộ, che chở, trân trọng, giữ gìn. Ngày xưa, người ta thường đào hào xung quanh cung điện để đảm bảo sự an toàn cho hoàng thất, Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành để giữ gìn lãnh thổ quốc gia, những nhân vật quan trọng luôn cần có vệ sĩ theo sát một cách cẩn mật, dũng sĩ cần mang gươm đao bên mình để phòng thủ, quân lính ra chiến trường cũng mang theo bùa hộ mệnh cầu bình an, mong sớm ngày trở về.
Qua nhận thức về việc bảo vệ bản thân, gia đình, sự nghiệp, cho thấy phạm vi bảo vệ của con người thời nay ngày càng mở rộng. Thêm vào đó, họ cũng biết chăm sóc, bảo vệ nhiều thứ hơn như: nhận trẻ mồ côi làm con nuôi, tham gia tình nguyện viên, dân phòng, v.v. Họ tự nguyện bỏ thời gian, công sức ra để bảo vệ xã hội. Cũng như những người đang từng ngày chung tay góp sức giữ gìn hệ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo lưu các di tích lịch sử và di sản văn hóa của nhân loại. Tất cả những hành động thiết thực này, đều đang góp phần công sức không hề nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững của nhân loại.
Ta có thể bảo vệ mọi thứ, nhưng có một thứ chớ nên bảo vệ, đó chính là sự dốt nát mê muội. Bởi vì trong mọi công việc, nếu chúng ta bao che khuyết điểm, lấp liếm lỗi lầm của bản thân, thì sẽ mất đi khả năng nhìn nhận sự việc một cách công bằng, công chính. Để rồi sau cùng, cái mà ta nhận lại, chỉ là sự coi thường của cấp trên, sự oán giận của cấp dưới, thậm chí sẽ chẳng ai muốn làm bạn hoặc nói chuyện với người có tính “giấu dốt” cả. Nhìn lại dòng lịch sử, Chu U Vương chỉ yêu nàng Bao Tự mà bỏ mặc dân chúng, châm lửa đốt Phong Hỏa Đài đổi lấy một nụ cười của mỹ nhân, để đến nỗi nước mất nhà tan; Đường Huyền Tông, Ngô Tam Quế vì thói háo sắc, coi nhẹ việc bảo vệ giang sơn bách tính, cuối cùng phải thân bại danh liệt.
Từ xưa đến nay, tinh thần bảo vệ công lý, duy trì chính nghĩa, là cái gốc để giải quyết mọi chuyện. Bản thân thà chịu thiệt, cũng luôn phải đề cao chân lý làm đầu. Chúng ta cần yêu quý sinh mệnh của bản thân, duy trì sức khỏe; giữ trọn niềm tin bằng cách xây dựng cho mình chính kiến vững vàng, nhìn nhận mọi việc qua lăng kính trí tuệ; khéo tiêu dùng, quản lý tài sản của bản thân bằng cách tiết kiệm, tích phúc; vun bồi sự nghiệp của mình bằng cách cố gắng làm việc chăm chỉ, nâng cấp trình độ, v.v..
Ngoài việc yêu bản thân mình ra, thì con người còn phải giữ gìn, bảo vệ của công. Như lời Đức Phật đã từng dạy các thầy Tỳ kheo rằng: “Hãy giữ gìn đồ vật của Tăng chúng, như bảo vệ tròng con mắt”. Xã hội vốn cũng đưa ra những chuẩn mực về đạo đức lối sống, để toàn thể nhân dân qua đó có ý thức bảo vệ, giữ gìn của công, không vứt rác bừa bãi ra. Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa người với người, cũng phải biết cách bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Giữ gìn tâm thái tùy duyên tự tại, để không tự làm tổn thương mình, và càng phải cẩn trọng để tránh làm tổn thương đến người khác. Đây chính là, chúng ta đang bảo vệ mình và người một cách trọn vẹn nhất. Để rồi, sự hiện hữu của bạn trên thế gian này, thật đẹp đẽ, và đáng quý.