Tục ngữ có câu: “Là phúc không phải họa, là họa tránh không được”. Một khi tai nạn tìm đến, thì dẫu ngồi trong nhà, họa cũng có thể bất thình lình từ “trên trời rơi xuống”.
Tai nạn do thiên nhiên gây ra các thảm họa như: thiên tai, động đất, lũ lụt, mưa bão, hỏa hoạn, v.v. Bên cạnh đó, còn có những sự cố tai nạn giao thông như: đắm tàu, máy bay rơi, tai nạn giao thông, cho đến bị bệnh nhẹ nhưng do bác sĩ chẩn đoán sai, mà gây ra nỗi đau đi theo suốt cả một đời. Có người phải phẫu thuật mổ thận, đáng lẽ cần loại bỏ quả thận bên phải, thế nhưng bác sĩ lại nhìn nhầm, thành ra cắt bỏ quả thận bên trái, và thế là người này coi như mất cả hai bên thận. Hay như, vốn chỉ có ngón tay trỏ bị bệnh cần cắt bỏ, thế nhưng bác sĩ đã viết “thực chỉ” (食 指, shízhǐ, ngón trỏ) thành “thập chỉ” (十指, shízhǐ, mười ngón), thế là cả 10 ngón tay đều bị cắt. Vậy rồi, quãng đời còn lại của bệnh nhân này biết xoay xở làm sao? Vì vậy thiên tai, nhân họa, tai nạn, cùng với bao nhiêu chướng ngại bất ngờ, thật khó mà phòng tránh.
Lão Tử nói: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục”, nghĩa là “phúc đã dựa sẵn nơi họa, họa đã ẩn tàng ngay trong phúc”. Thời điểm mà con người đang say hưởng hạnh phúc, thì đồng thời những nỗi bất an cũng ngấm ngầm ẩn nấp trong đó. Chẳng hạn như, yêu nhau lắm, để rồi lại hận sâu. Hôm trước đầy ân nghĩa, hôm sau chất oán thù. Yêu hận tình thù, nào ai biết trước, như anh em trong hoạn nạn lại có thể xuống tay giết hại lẫn nhau. Vì thế, hạnh phúc hay tai ương, chỉ là tương đối, có tốt thì cũng có xấu, có hạnh phúc thì cũng có khổ đau. Những người yêu nhau thay lòng đổi dạ, họ có thể nhẫn tâm xuống tay hủy hoại dung nhan của đối phương để xả hận. Đó chẳng phải là vì yêu mà ra ư? Vậy nên, đối với một người mà mình không yêu, hẳn sẽ không phát sinh nỗi hận niềm sân như thế.
Đời người vốn rất mong manh, bản thân chúng ta đâu thể một mình chống chọi lại muôn ngàn những tai nạn ấy, do đó phải dựa vào đại chúng, dựa vào quốc gia, và các điều kiện bên ngoài tương hỗ, có đôi khi dựa vào tín ngưỡng để tiêu trừ tai ương khổ nạn. Thế nhưng, giả như bạn gặp phải những điều khổ sở khó nhẫn chịu như: mong cầu mà không được, phải sống gần người oán ghét mình, hoặc gặp tai nạn đao binh, nước, lửa, thì tín ngưỡng sao có thể giúp bạn được đây? Đứng trước những niềm đau nỗi khổ này, trừ bạn ra thì không ai có thể giúp bạn được. Vậy nên mới nói: “Trời cao gây họa còn có thể cứu, tự mình tạo nghiệp không ai cứu được”. Giả như không thể tự giải quyết được vấn đề của bản thân mà dựa vào sự giúp đỡ của người khác, cũng phải hội đủ các nhân duyên kết hợp thì may ra có thể, bằng không thì kêu trời, trời không thấu, gọi đất, đất không nghe, cầu Phật khấn Thần cũng đâu có tác dụng gì?
Vì thế, cách tiêu trừ nghiệp chướng tốt nhất, chính là tin sâu nhân quả, tự mình gieo cấy thiện duyên, tạo công lập đức, chí thành sám hối để tiêu dần tội lỗi. Khi bạn đã loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân đưa đến những tai ương khổ nạn đó rồi, thì chẳng cần cầu thần hay bói toán gì nữa, tai nạn tự nhiên sẽ tiêu trừ.
Những tai nạn giao thông, thiên tai, địa chấn hiện nay, đều là do cảm ứng cộng nghiệp mà có, bạn có thể thoát ra khỏi cộng nghiệp ấy không? Tín ngưỡng có thể giúp bạn tiêu trừ ách nạn, thế nhưng “việc tháo chuông phải do người treo chuông làm”. Đến đây, bạn đã có chút thể ngộ nào chưa?