Bạn có sợ hãi điều gì trên thế gian này không? Bạn nói, bạn không sợ ma, không sợ thú dữ, hẳn sẽ có người tin, nhưng chẳng lẽ bạn không sợ sự tự vấn của lương tâm, không sợ báo ứng nhân quả? Con người có thể không sợ trời, không sợ đất, nhưng khó mà chạy thoát khỏi nỗi sợ hãi khi đứng trước sự phán xét lương tâm của chính mình, cũng như chẳng thể gạt đi nỗi sợ báo ứng của nhân quả.
Con người có rất nhiều nỗi sợ, ví dụ như, phụ nữ sợ tuổi già, người già sợ cái chết, anh hùng sợ bệnh tật, trẻ em sợ bóng tối. Bạn từng phải nếm trải những nỗi sợ ấy chưa? Thực ra, sống trên đời này bạn có thể không sợ bất kỳ thứ gì, nhưng chung quy lại, con người vẫn sợ “con người” nhất. Quản lý thường xuyên gây khó dễ cho bạn, người có chức có quyền luôn lên giọng hách dịch với bạn, bạn bè lừa gạt, cưới nhầm một “sư tử Hà Đông”, hoặc lấy phải một gã đàn ông cờ bạc, nát rượu, v.v. chẳng lẽ không đáng sợ ư?
Chưa kể đến, động vật cũng là thứ gieo rắc không ít nỗi sợ cho con người, ví dụ như có người sợ chuột, gián, rắn, giun đất, nhện, sâu róm, ong bắp cày, v.v. Có người nhát gan, cái gì cũng sợ, nhưng có người lại mạnh mẽ, chẳng sợ gì cả. Tuy nhiên, có người hay tự phô trương thanh thế, khoe sức, khoe tài, khoe mình mạnh mẽ, nhưng chưa hẳn những gì họ thể hiện ra xứng với lời họ nói, vì trên đời này có hàng nghìn, hàng vạn thứ còn mạnh hơn con người rất nhiều. Bạn không sợ lũ lụt, núi lửa sao? Bạn không sợ động đất ư? Nếu như có quỷ Đầu Trâu, Mặt Ngựa, Hắc Bạch Vô Thường đứng bên cạnh, bạn có chắc chắn là mình sẽ không sợ chứ?
Xưa nay, các nhà Nho vẫn khuyên răn kẻ sĩ nên kính trời, sợ thần. Đạo Phật luôn dạy tín đồ nên sợ nhân quả, nghiệp báo. Có câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, chúng ta thấy rằng đến Bồ tát cũng có nỗi sợ. Thậm chí, Đức Phật cũng sợ chính những người con Phật sẽ lầm đường lạc lối mà hủy hoại ngôi nhà Phật pháp. Cho nên nói, chân lý sợ lời bịa đặt, tà ác sợ chính trực, ngu dốt và dối trá sợ trí tuệ.
Ngoài những nỗi sợ của con người ra, thì mọi vật trong thế gian này đều có đối thủ của nó, đúng như câu nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Mỗi loài động thực vật đều có “nỗi sợ” của riêng mình, như chuột thì sợ mèo, mèo lại sợ chó, voi sợ chuột, ếch xanh sợ rắn, rắn sợ rết, rết sợ gà trống, cây sợ sâu mọt.
Sợ hãi, không phải đặc tính riêng của kẻ yếu. Bởi lẽ, quốc gia dù có hùng mạnh đến đâu chăng nữa thì vẫn sợ giặc ngoại xâm, đoàn thể dù có lớn mạnh thế nào cũng sợ nội bộ đấu đá, gia tộc dù có thịnh vượng bao nhiêu cũng sợ con cháu ăn chơi trác táng, ngay cả anh em dù thân thiết ra sao cũng sợ nỗi bất hòa tàn phá. Rồi như, kẻ cắp sợ cảnh sát, internet sợ tin tặc, đế vương sợ gian thần, gian thần sợ người chính trực, người võ công cao cường sợ tên bắn lén, kẻ phạm tội sợ pháp luật, lữ khách sợ lạc lối, người đi biển sợ mất phương hướng, người đang hối hả trở về nhà sợ nhất tắc đường, v.v.
Thứ khiến con người sợ hãi nhất là đau khổ và tổn thương, cây sợ nhất là bị vặt lá, đào gốc, lại nói rằng “chẳng sợ không có ai mời, chỉ sợ bản thân thiếu năng lực”, “không sợ vất vả khi còn trẻ, chỉ sợ về già sống cô liêu”. Tuy nhiên, điều con người nên sợ nhất, chính là sự lười biếng, vì người lười biếng thì sẽ chẳng bao giờ làm được chuyện gì nên hồn cả. Bởi thế Phật Quang thái căn đàm có viết: “Người lười biếng, phúc đức sẽ cạn dần. Người tinh tiến, công đức sẽ bồi cao”.
Trước đây từng có người cười chê rằng: “Sợ vợ là hèn”. Song trên thực tế thì, người đàn ông sợ vợ chắc chắn là một người chồng biết thương yêu, nhường nhịn vợ. Bạn thử nghĩ mà xem, có thứ để sợ chẳng phải là rất tốt hay sao?