Người ta vẫn thường truyền nhau câu nói: “Hy sinh sự hưởng thụ của bản thân”, có nghĩa là dùng thời gian, sức khỏe của mình để cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng. Kỳ thực, giúp người chính là nguồn gốc của niềm vui, rộng kết thiện duyên nhất định sẽ được mọi người yêu quý. Cho nên, “hy sinh hưởng thụ” cũng có thể gọi là “hưởng thụ sự hy sinh”.
Người mẹ dành cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, và tình yêu thương cho con cái. Ngay từ khi con còn nằm trong lòng mẹ tới lúc cất tiếng khóc chào đời, vừa nghe được những âm thanh hồn nhiên, ngây thơ, những câu nói vô tư, duyên dáng, hay điệu bộ hoạt bát, đáng yêu của con, là mẹ đã tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc của sự hy sinh rồi.
Nhà văn thức thâu đêm, hy sinh giấc ngủ, hy sinh thời gian để hoàn thành tác phẩm; nhìn có vẻ như bản thân đã phải chịu đựng hy sinh rất nhiều, nhưng đợi đến lúc công thành danh toại, thì đó lại chính là hạnh phúc của sự hy sinh.
Giáo viên dùng tình yêu thương, sự nhẫn nại để dạy dỗ học trò, hy sinh biết bao tâm huyết và thời gian, chỉ mong mỏi học trò sớm được thành tựu, cho dù không được báo đáp thì các thầy cô cũng cảm nhận được giá trị cao đẹp của sự nghiệp giáo dục trồng người. Như Mạnh Tử từng nói: “Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi, vi nhất lạc dã”, nghĩa là, có thể giáo dưỡng ra những nhân tài ưu tú cho thiên hạ, đó là một niềm vui rất lớn. Đây chẳng phải là trái ngọt của sự hy sinh ư?
Công nhân, kỹ sư xây dựng, đánh đổi bao mồ hôi, công sức, để làm nên những cây cầu bắc ngang sông, những con đường trơn láng, những mái nhà kiên cố. Và rồi, chính lợi ích mà công trình đem lại cho mọi người, lại trở thành niềm vui cho những kỹ sư, kiến trúc sư ấy, vì họ cảm thấy những nỗ lực mình đã bỏ ra thật đáng giá. Thế nên, họ cũng đang tận hưởng sự hy sinh của mình với tất cả niềm mãn nguyện vậy.
Khi bạn hiến máu và hiến tạng cho người bệnh, nhờ đó mà họ trở nên khỏe mạnh, vậy chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, đây chẳng phải cũng là đang hưởng thụ sự hy sinh đó sao?
Người lao công quét dọn, mỗi ngày đều sống chung với mớ rác hỗn độn đầy nhơ nhớp. Song có lẽ, khi nhìn thấy những cống rãnh thông thoáng, đường phố sạch sẽ, trong lành, loại bỏ hết những vật dụng trung gian truyền bệnh, thì những đóng góp mà người lao công ấy đem lại cho cộng đồng, chính là trái ngọt của sự hy sinh thầm lặng bấy lâu.
Các vận động viên vì muốn giành huy chương mà chịu khó rèn luyện khổ cực, họ đánh đổi bằng mồ hôi, sự nhẫn nại, và thể lực. Tới khi giành được chiến thắng, cũng là thời khắc mà họ có thể thảnh thơi tận hưởng niềm vui của sự hy sinh trước đó.
Những chú hề vì để đem đến cho công chúng những tiếng cười giải trí, đã không màng đến hình tượng của mình để làm đủ các trò gây cười, nhờ đó bản thân cũng quên đi những muộn phiền và cảm thấy vui vẻ, niềm hạnh phúc đó chính là hoa trái của sự hy sinh.
Những tình nguyện viên trong xã hội chúng ta ngày nay, họ bỏ tiền, bỏ công sức, hy sinh ngày nghỉ của mình để kịp thời giúp đỡ, và giải quyết các vấn đề bức bách cho những người đang gặp khó khăn. Nhờ đó, các tình nguyện viên này cũng cảm nhận được niềm vui, cũng như ý nghĩa thực của sự sống, thông qua quá trình phụng sự, hy sinh.
Hy sinh, cũng giống như việc chúng ta gieo trồng hạt giống, vậy nên, cày cấy được bao nhiêu thì thu hoạch bấy nhiêu. Tưởng chừng như sự hy sinh ấy là đang chịu thiệt, chịu khổ, thế nhưng thực chất lại chính là đang làm cho bản thân mình, bởi vì tất cả những thứ bỏ ra đều không phải là vô ích. Khi bạn dùng máu và mồ hôi của mình để tưới tắm, dùng trí tuệ để gieo trồng, phát huy nguyện lực cống hiến tiền bạc, công sức, tinh thần phục vụ, giúp cho người khác có được sức khỏe, hạnh phúc, và bình an, thì những công đức thiện lành mà bạn tích lũy được đó, chẳng phải là thành quả của sự hy sinh hay sao?
Thế nào là một cuộc đời có giá trị nhất? Phải chăng, người có thể cho đi tình yêu thương rộng lớn nhất, chính là người hạnh phúc nhất? Quốc gia, xã hội nhờ có những người biết cống hiến phụng sự vì lợi ích số đông, dân tộc đó mới có thể phát triển được; gia đình nhờ biết hy sinh vì nhau, gia đình đó mới an hòa, và làm rạng danh tiên tổ. Vì thế, hy sinh hưởng thụ, hay hưởng thụ hy sinh, đều là nhân tố quan trọng để đem lại an lạc, bình yên cho xã hội, đồng thời thành tựu một cuộc đời viên mãn cho chính mình và người khác.