Trong ba nghìn đại thiên thế giới, trong khắp cả vũ trụ hư không có vô số, vô tận các câu hỏi vẫn luôn là điều bí ẩn đối với nhân loại.
Trong mối quan hệ qua lại giữa người và người, có người gặp nhiều thuận duyên trong đời sống, nhưng lại có người luôn gặp khó khăn, chịu đựng bao nỗi gian truân, vất vả. Tại sao thế giới lại bất công như vậy? Đây cũng là câu hỏi chưa có lời giải đáp của chúng ta.
Tại sao hoa lại tàn để rồi năm sau lại nở? Tại sao cỏ kia úa màu rồi, nhưng năm sau lại xanh mướt trở lại? Và tại sao, con người chết rồi lại không thể sống lại như cỏ cây? Những câu hỏi này đối với chúng ta, đều chưa có lời giải đáp.
Tại sao loài chim lại hót? Tại sao thế giới lại tồn tại quy luật mạnh hiếp yếu? Tại sao thời tiết thường đổi thay một cách chóng mặt? Tại sao mặt trời luôn mọc từ hướng Đông? Tại sao chim thú lại trở thành chim thú? Tại sao con người lại phải trải qua vòng tuần hoàn sinh, già, bệnh, rồi chết? Những câu hỏi này là những ẩn số mà chúng ta không thể trả lời được.
Con người đến từ đâu? Chết rồi sẽ đi về đâu? Đây là câu hỏi mãi mãi không có lời giải đáp. Tất cả câu hỏi về vấn đề “trước sau” trong thế gian này, đều là những câu hỏi khó dành cho các nhà khoa học, là những câu hỏi mà các nhà triết học đã từng giải thích đi, giải thích lại, nhưng càng giải thích thì càng mông lung, khó hiểu, và đi vào bế tắc.
Lý luận của Phật giáo có cách giải thích tường tận về quá khứ, hiện tại, tương lai, về kiếp trước, kiếp này, và kiếp sau; những giáo lý về “nhân duyên nghiệp báo”, “nghiệp lực tạo tác”, hay “duyên khởi duyên diệt”, v.v. của con người, tức là có thể giải thích được tất cả các câu đố trong cuộc sống chúng ta.
Nếu đã là câu đố, thì chẳng dễ dàng gì để ta có thể thoát ra khi vẫn còn trầm mê trong đó, chỉ trừ khi tìm được đáp án cho câu đố ấy thì ta mới có thể bước ra khỏi. Ví dụ như câu hỏi ta sinh ra từ đâu? Câu trả lời là ta sinh ra từ cõi chết! Vậy chết rồi ta sẽ đi về đâu? Đương nhiên là đi đến cõi sinh rồi! Con gà có trước hay quả trứng có trước? Đây không phải là vấn đề của cái nào có trước, có sau, mà nó như vòng chạy của kim đồng hồ, đi từ một đến mười hai, rồi lại từ mười hai vòng về một, làm gì có chuyện cái nào có trước, cái nào có sau?
Chúng ta đọc sách là để mở rộng vốn kiến thức, biết phân biệt đúng sai, nhưng người đời thường bị sự thông minh ấy của mình làm hại. Đọc sách vốn dĩ là để tư duy logic hơn, nhưng đồng thời, đọc sách cũng khiến con người rơi vào vòng xoáy của những câu hỏi. Bất kỳ một chuyện gì, chỉ cần liên tục hỏi ba câu “tại sao” thì nó chính là câu đố không lời giải rồi.
Con người luôn cầu mong là mình có phép thần thông, cho rằng có được Thiên nhĩ thông, Thiên nhãn thông rồi thì chẳng có gì là không nghe, không nhìn thấy. Nhưng, có được phép thần thông rồi thì sao đây? Kết quả lại bị chướng ngại và mê mờ hơn, bởi người không có thần thông sẽ không biết ngày mai, ngày kia mình phải chết, thế nên hôm nay họ vẫn có thể vui vẻ ăn uống, nói cười. Nhưng ví như nhờ có phép thần thông, biết mạng sống này ngày mai sẽ tận, thì liệu rằng họ còn có thể vui vẻ, an nhiên được không? Hoặc khi có Thiên nhãn thông, nhìn thấy biết bao nhiêu người đang bị giày vò trong đau khổ, liệu tâm tư của bạn còn có thể vui vẻ nhẹ nhàng hay không? Giả như có Thiên nhĩ thông, để rồi nghe thấy bao nhiêu người đang âm thầm phỉ báng, phàn nàn, lừa dối mình, thì liệu bạn còn có thể vui vẻ, thảnh thơi, vô tư được chăng?
Những vấn đề mà con người chúng ta không thể trả lời thông qua quá trình đọc sách, học tập, và nghiên cứu, thì chỉ có thể giải quyết được dựa trên nền tảng của sự giác ngộ rốt ráo mà thôi.