Bạn đã từng nhìn thấy thế giới phồn hoa bao giờ chưa?
Dạo quanh công viên, chúng ta thấy trăm hoa đua nở, vạn vật đua nhau khoe sắc, đó là sự phồn hoa của thế giới. Đặt chân lên phố thị, chúng ta thường bắt gặp những nam thanh nữ tú thấp thoáng dưới ánh đèn đủ màu lấp lánh, ngồi bên bàn rượu ngon, đó là thế giới phồn hoa. Bước ra thế giới ngoài kia, chứng kiến muôn màu muôn vẻ, lòng người đa đoan, đủ loại học thuyết, hàng loạt các đoàn thể, cùng với trăm nghìn ngôn luận quái dị, mọi sự chẳng định đúng sai, quá trình tốt xấu, v.v. đó đều là sự phồn hoa của thế giới, hay nói cách khác là thế giới muôn màu.
Thế giới phồn hoa khiến cho con người đắm say và mất tập trung, bởi thế giới đó quá hào nhoáng, quá lộng lẫy, và có sức quyến rũ mê hồn người, chỉ cần sơ ý một chút là sẽ đắm đuối mà lạc mất cả đường đi lối về. Để rồi, không biết rằng mình đang ở đâu nữa.
Thực ra, ngoài thế giới phồn hoa, còn tồn tại các thế giới khác: Người xưa có thế giới của người xưa, người nay có thế giới của người nay, đàn ông có thế giới của đàn ông, phụ nữ có thế giới của phụ nữ, người phương Đông có thế giới của người phương Đông, người phương Tây có thế giới của người phương Tây, ngay cả chư Phật, Bồ tát, cũng có thế giới riêng của các Ngài như: Thế giới Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư, thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, thế giới Từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm. Mỗi một đối tượng khác nhau, đều sẽ có thế giới phồn hoa riêng của mình.
Ví như, nhà văn có thế giới của nhà văn, nhà khoa học có thế giới của nhà khoa học, nghệ sĩ có thế giới nghệ sĩ, họa sĩ có thế giới họa sĩ, người giàu có thế giới người giàu, cho đến những người vô gia cư, sống nay đây mai đó, nghèo khổ không một mảnh đất cắm dùi, thì họ cũng có thế giới nội tâm riêng của chính mình.
Luận ngữ có câu: “Quân tử hòa nhưng không đồng, tiểu nhân đồng mà chẳng hòa”. Mỗi người đều muốn tạo ra cái riêng cho mình, để có sự khác biệt với mọi người và thu về thế giới của riêng mình. Vậy thế giới riêng ấy cất chứa những gì? Đó là một thế giới tài năng hay lưu giữ hương thơm ngào ngạt, là thế giới thanh tịnh, trở về với thế giới thiên nhiên, là thế giới chứa đựng tròn đủ đạo đức nhân nghĩa, là thế giới chân thiện mỹ, nếu có thể chia sẻ thế giới ấy với mọi người, thì đó chính là niềm vui của mỗi tự ngã. Nếu như mỗi người đều có thể nỗ lực tiến bộ trong thế giới riêng của mình, thì sẽ không bị thế giới đa sắc màu ngoài kia mê hoặc.
Có điều, tuy thế giới phồn hoa bên ngoài khiến cho con người mờ mắt, song cũng nhờ nó mà người ta sinh tâm lưu luyến và mong muốn trẻ mãi không già. Do đó, chúng ta không nên chán ghét vì đã sinh đến thế giới này, mà tự kết liễu đời mình, giống như Lão Tử nói: “Bởi vì, đó là phép trị nước của thánh nhân, cho nên phải bỏ cái kia giữ cái này”. Chúng ta vẫn có thể an nhiên ở trong thế giới muôn màu đó “dạo chơi khắp chốn sắc hương, một nhành hoa cũng không vương đến mình”, cũng có thể “kiến lập đạo tràng như trăng trong nước, làm việc Phật sự nhưng không chấp trước, coi hết thảy như hoa đốm giữa hư không”. Hoặc như Chu Đôn Di (1017 - 1073) - một triết gia đời Tống, từng có câu: “Xuất ô nê nhi bất nhiễm, trạc thanh liên nhi bất yêu”, ý nói là hoa sen mọc ra từ trong bùn nhưng khi nhô lên khỏi mặt nước thì không còn mùi bùn nữa, cũng như câu tục ngữ “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của Việt Nam vậy.
Mặc dù thế giới phồn hoa bên ngoài thật giả lẫn lộn, thế nhưng, thế giới nội tâm chúng ta cần phải bình lặng, đừng để cho nội tâm bị những sóng gió, hương hoa làm cho biến động không ngừng. Cho dù, thế giới bên ngoài đầy dẫy những tranh dành đoạt lợi, chức quyền bon chen, đuổi theo tài phú, đắm say hưởng lạc, thì mong rằng, thế giới bên trong của chúng ta luôn thường biết đủ, tự tại tùy duyên, như câu nói của Hàn Dũ: “Có được sự an lạc nơi tâm, tuyệt diệu hơn nhiều những niềm vui nơi thân”.