Thiện tri thức là người bạn đạo đức trọn vẹn, giúp con người tránh xa những việc xấu ác, đồng thời biết làm lành hướng thiện, là người dẫn đường, và cũng là người thầy không thể thiếu của mỗi chúng ta khi sống giữa cuộc đời này.
Trong một nhóm người, sẽ luôn tồn tại hai mảng đối lập là thiện tri thức và ác tri thức. Thiện tri thức sẽ khuyên dạy chúng ta những điều đạo đức, kiến thức, và tài năng; ngược lại, ác tri thức lại lôi kéo ta làm xằng làm bậy, gây tạo ác nghiệp. Ai là thiện tri thức? Ai là ác tri thức? Chúng ta phải dùng con mắt trí tuệ mới phân biệt được.
Cha mẹ sinh thành dưỡng dục, sư trưởng chỉ dạy những điều hay lẽ phải, người thân và bạn tốt khuyên bảo việc lành, hay hàng xóm thân cận bảo vệ sự an toàn cho ta, đó đều là những bậc thiện tri thức trong đời. Ngay cả những câu chuyện trong lịch sử giúp chúng ta hiểu được quá khứ và trở thành tấm gương phản chiếu để học hỏi, thì lịch sử cũng chính là thiện tri thức của chúng ta. Khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ từng ngày, không ngừng cải thiện đời sống của con người, giúp nhân loại phát triển văn hóa, vậy khoa học kỹ thuật cũng chính là thiện tri thức. Đọc được một quyển sách hay, nghe được một câu nói ý nghĩa, gặp được một chuyện tốt, có thể đem lại niềm vui và thanh lọc tâm hồn con người, thì hết thảy những điều đó đều là những thiện tri thức của chúng ta. Có câu thơ rằng: “Suối reo chim hót là Phật pháp, cảnh vật nơi nơi tịnh Pháp thân”. Vậy nên, một bông hoa, một ngọn cỏ, một tia nắng, một làn gió, cho đến không khí, mây, mưa, sấm, chớp, đều là những thiện tri thức đáng để chúng ta nương vào học hỏi. Chưa kể, những giáo lý “khổ”, “không”, “vô thường”, lại càng là những thiện tri thức lặng thầm của chúng ta.
Trong Kinh Tạp A hàm từng ghi lại, có người hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Ai có thể làm thiện tri thức của mình khi đi xa, khi ở nhà, khi kiếm tiền, và cho hậu thế?”. Đức Phật trả lời rằng: “Này gia chủ! Thương nhân là thiện tri thức đi xa của ta, vì họ thường buôn bán khắp nơi, biết nơi nào có của cải, ở đâu có cảnh đẹp, do đó thương nhân chính là bạn lành sẽ chỉ dẫn cho ta khi đi xa. Người vợ đức hạnh, hiền lương, chính là thiện tri thức ở trong nhà của ta. Các doanh nhân khởi nghiệp và luôn đồng hành cùng chúng ta, đó là thiện tri thức khi kiếm tiền của ta. Nếu trong tâm chúng ta thắp lên được ngọn đèn chính kiến, giữ gìn được ý niệm thiện lương, thì đây chính là thiện tri thức vĩnh hằng cho muôn đời về sau của chúng ta”.
“Ba người đồng hành tất sẽ có người là thầy của ta”, đã là thầy, thì chính là thiện tri thức của ta. Người ngu cũng sẽ có một điểm dùng được, và điểm dùng được đó của họ chính là thiện tri thức của ta. Đức Khổng Tử từng nói: “Ta không bằng một bác nông dân”, bởi vì ông tự nhận biết rõ mình không biết trồng trọt, cho nên nông phu chính là thiện tri thức của ông. Từ đó suy ra, tôi không biết dệt vải, nên người dệt vải chính là thiện tri thức của tôi; tôi không biết lái xe, nên bác tài xế chính là thiện tri thức của tôi. Trong cuộc sống, chỉ cần là người có thể nâng đỡ chúng ta tiến bộ, truyền dạy tri thức, nghĩa lý, chia sẻ những điều có ích, đó đều là thiện tri thức của đời ta.
Có thể nói, thiện tri thức mang đến cuộc đời chúng ta rất nhiều duyên lành, giúp chúng ta thành tựu. Vậy đổi lại, chúng ta có nhân duyên gì tốt đẹp để báo đáp thiện tri thức đây? Cần lấy sự khiêm cung để tôn trọng họ sao? Hay là nên dùng những ngôn từ mỹ lệ nhất để tán dương họ? Hoặc là dùng việc làm cụ thể để đền trả ân nghĩa của họ?
Nếu như muốn làm tốt vai trò của một thiện tri thức, chúng ta cần để tâm kiên trì hướng dẫn người đi vào con đường lành, nghe nhiều học rộng, thiết lập chính kiến, khéo léo chuyển hóa tâm ý, cổ vũ lòng người luôn hướng thiện, hướng thượng. Và khi làm được những điều này, chứng tỏ bạn thật sự đã hiểu trọn vẹn đạo lý của thiện tri thức.