Mỗi một dân tộc, một vùng miền, đều có thói quen ăn uống khác nhau, có nơi lấy gạo làm lương thực chính, có nơi là bột mì, cao lương, hay các loại ngũ cốc, hoặc coi thịt động vật là yếu tố để sinh tồn, v.v. Tuy áp dụng nhiều chế độ ăn uống khác nhau để nuôi dưỡng sinh mạng, nhưng con người đều có một điểm chung là cần nước để duy trì sự sống. Tùy thói quen sinh hoạt khác nhau sẽ có cách uống khác nhau, người uống nước đun sôi, có người uống trà, người lại thích nước trái cây, cà phê, v.v.
Nước vốn có tính bình đẳng. Nếu bạn là quan chức quyền quý, mỗi ngày bạn có thể uống vài cốc nước sôi để nguội. Nếu bạn chỉ là người bình thường, đôi khi bạn có thể uống nước suối trên núi hay nước giếng mà mình gặp được ở đâu đó; như thế, bạn vừa có thể đáp ứng được nhu cầu của mình bất cứ lúc nào, vừa không tốn tiền, hơn nữa còn rất tiện lợi và bớt phiền phức.
Quan niệm xưa cho rằng, mỗi ngày mỗi người nên “tích” đủ “bảy lạng tư nước”, vượt quá con số này là lãng phí, bị cho là người không biết tích phúc. Vì vậy mới có câu nói “phúc báo như nước”, nên xưa nay các bậc trưởng bối không ai mà không dạy con cháu cần phải luôn có ý thức “hạt nước hạt vàng”.
Trong nhà Phật, thường lấy nước để làm phép so sánh. Ví như, nước là yếu tố giúp cho sự sinh trưởng và phát triển, đồng thời có thể dùng để rửa sạch những nhơ uế; cũng vậy, Phật pháp có thể giúp con người nuôi lớn niềm tin, tưới mát thân tâm, và tẩy sạch mọi nhiễm ô trong tâm hồn. Pháp là chân lý, dùng nước để so sánh với pháp, chẳng phải nước cũng quan trọng như Phật pháp sao?
Nước là nguồn sinh khí của sự sống. Mỗi ngày uống một ly nước đun sôi, vừa không phải tốn tiền, lại vừa giúp ta duy trì sự sống. Nước sôi để nguội tuy nhạt, không mùi vị, nhưng chúng ta lại chẳng thể thiếu nó, dù chỉ một ngày. Mỗi khi có khách đến nhà chơi, mời khách bằng một cốc nước ấm chính là thể hiện thành ý của chủ nhà. Một trang thư tình của chàng trai hiếu học, một ly nước ấm của cô gái nhà nghèo, cũng đủ để biểu đạt tình ý vô hạn. Việc tặng trà trong dân gian ngày xưa chính là tặng nước lọc cho mọi người, còn nước khoáng ngày nay đôi khi có thể dùng để tiếp tế cứu nạn ở những khu vực thiên tai, hoặc là dùng nó để tặng mọi người trong lúc họ vận động, làm việc, xem ra nước là thứ quý giá và thiết thực nhất.
Nước sôi để nguội là hương vị thuần khiết của sự sống, vậy mà chúng ta thường không nhận thấy sự vô giá của nước, chỉ đến khi thiếu nước thì mới thấy khổ sở tột cùng. Có thể thấy, tại một số nước Hồi giáo ở Trung Đông, nước còn đắt hơn dầu mỏ, bởi lẽ phải vận chuyển từ nước ngoài về. Mặc dù nền khoa học của chúng ta hiện nay phát triển vượt bậc về mọi mặt, song nhiều vùng sa mạc vẫn bị bỏ hoang vì thiếu nước. Cho dù là những quốc gia có nền khoa học phát triển, nhưng nhìn sa mạc rộng lớn mênh mông, họ cũng chỉ biết thở dài bất lực.
Việc quản lý nước của mỗi quốc gia, do Hiệp hội Bảo vệ nước chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến nước. Trong các ngôi chùa lớn, Tăng chúng tu học tập trung, thường có một vị chuyên quản lý nước gọi là “Tư thủy”, giúp điều hành việc sử dụng các nguồn nước trong già lam một cách hợp lý, hiệu quả, và tránh lãng phí. Vì vậy, Phật giáo từ xa xưa đã rất coi trọng việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường và tài nguyên, tức là dù một giọt nước cũng cần phải được bảo vệ tốt, không được tùy ý phung phí.
Cổ nhân thường nói “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, tức là chỉ cho sự giao tình giữa những người quân tử “nhạt như nước”, không quá nồng nhiệt, nhưng lại lâu bền. Nước tuy thuần khiết, giản đơn, nhưng mọi đồ uống đều cần phải dùng nó để pha chế, bởi nó có đủ công năng điều hòa. Bên cạnh đó, nước còn có công dụng tiêu độc, làm sạch, và vệ sinh. Để có được “nước sôi”, chúng ta phải dùng nhiệt độ cao để đun. Con người chúng ta cũng thế, phải trải qua quá trình dài mài rũa, tôi luyện, và tích lũy kinh nghiệm, thì mới có thể trở nên có ích giữa cuộc đời.