Thường nghe rằng: “Làm người thật khó, thật khó làm người, khó làm người thật”. Ở đây, làm người thực sự khó đến vậy hay sao? Nếu bạn không coi người khác là người, thì người khác cũng sẽ không coi bạn là người. Như vậy, đương nhiên làm người thật khó rồi. Bạn coi thường người khác, người khác cũng coi thường bạn, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy làm người thật khó. Bạn sợ bị bắt nạt, sợ bị khinh thường, nhưng đôi khi chính bạn lại là kẻ chuyên đi bắt nạt, coi thường người khác, chắc hẳn lúc đó bạn sẽ thấy làm người rất khó. Bạn không thích bị nghi ngờ, sợ bị phê phán, nhưng lại thường xuyên nghi ngờ, phê phán người khác, trước hiện thực ấy, nhất định bạn sẽ cảm thấy làm người thật khó.
Có một số người chẳng xem ai ra gì, thì liệu người khác có tôn trọng họ không? Bạn không hiểu, không thông cảm cho người ta, thì lẽ dĩ nhiên họ cũng chẳng cần nghĩ cho bạn, và càng không dễ gì thông cảm với bạn, rồi khi ấy bạn sẽ lại cảm thán rằng, làm người thật khó. Vậy nên, làm người hay nhất là nên khoan dung với người khác, đồng thời nghiêm khắc với chính mình. Nếu bạn thường che giấu, nhân nhượng cho qua những lỗi lầm của bản thân, song lại khắt khe vạch lỗi người khác, vậy thì đương nhiên bạn sẽ cảm thấy làm người vô cùng khó.
Con người thường bị chuyện thị phi quấy nhiễu, đây là thị phi, kia cũng là thị phi, thị phi khiến cuộc sống con người rơi vào bất an, lo lắng. Vì thế, nếu chúng ta có thể không nghe, không bàn luận, không lan truyền chuyện thị phi, không sợ thị phi, không ghi nhớ mấy mớ thị phi vô nghĩa, chẳng phải ta sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều khi sống trên cuộc đời này sao?
Làm người là “khiêm tốn thì được lợi, tự mãn sẽ chuốc họa vào thân”. Tuy nhiên, đa phần chúng ta lại thường nghiêng về phía “tự mãn ”, để rồi “chuốc họa”. Làm người thì nên khiêm tốn, làm việc thì phải đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân, nhưng đáng buồn là có người đặt ra yêu cầu cao với người khác, còn bản thân thì lại chỉ làm qua loa lấy lệ. Có thể thấy, người như vậy cần phải được bổ túc ngay về phương cách làm người, và phong cách sống rồi.
Làm người cũng cần chú ý ba điểm, đó là: vô cầu, vô tư, vô dục.
Vì khi con người không cố cưỡng cầu mọi thứ phải theo ý mình, thì đức hạnh tự nhiên cao quý, làm việc vô tư không vụ lợi thì công ắt sẽ lớn, đã gạt đi mọi ham muốn những thứ không phải của mình thì tự nhiên sẽ trở thành bậc hiền nhân. Giả như, có thể vô cầu, vô tư, vô dục, thì chẳng phải “làm người” đơn giản lắm sao?
Ta phải “làm người” thế nào? Một điều nhịn, chín điều lành, có ý thức mẫu mực là “làm người”; khiêm tốn, nhường nhịn, ham học hỏi, là “làm người”; không đố kỵ, mà luôn tùy hỷ vui mừng khi thấy người thành tựu, là “làm người”; kết nhiều mối duyên lành giống thiện, gieo niềm an vui đến muôn nơi, là “làm người”.
Vậy, làm thế nào để trở thành một người tốt? Yếu tố đầu tiên, cần phải xác định được điểm mạnh, cũng như củng cố điều còn thiếu sót của bản thân, ví như Lục giới của Khương Hoành nhà Hán:
1. Người thông minh, nhìn xa trông rộng nên tránh để ý đến những tiểu tiết vụn vặt.
2. Người kiến thức hạn hẹp, thì nên tránh u mê, tối tăm.
3. Người hung hăng, nóng tính, nên kiềm chế bản tính thô lỗ, cộc cằn.
4. Người hiền lành, nhân hậu, nên tránh do dự, thiếu quyết đoán.
5. Người thích sống an nhàn nên tránh ngồi yên, để rồi tuột mất thời cơ.
6. Người hay cẩu thả, sơ ý nên tránh vội vàng, hấp tấp.
Cuộc đời tươi đẹp do bản thân chúng ta sáng tạo ra, cuộc đời đen tối cũng do chính bàn tay quyền lực của ta biến hóa nên. Phật giáo dạy con người ta rất nhiều đạo lý, ví dụ như giữ năm giới, thực hành Thập thiện, Tứ vô lượng tâm, Lục ba la mật, Bát chính đạo, kết giao nhiều mối thiện duyên, đối xử với người khác như đối xử với mình, tha thứ lỗi lầm của người khác như tha thứ cho bản thân, học cách chịu thiệt, nuôi dưỡng ý chí, phát tâm thiện lành, lập đại nguyện, “thường nhu hòa, nhẫn nhục, chính là bạn đang an trụ trong từ, bi, hỷ, xả” và những điều này đều là cốt tủy trong đạo lý làm người.