Con người là động vật có tình cảm, và tình cảm ấy được biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời nó điều khiển mọi hoạt động thông qua việc bộc lộ cảm xúc buồn, vui, giận, tức, bi, hoan, ly, hợp, hay được, mất, đúng, sai, đôi khi còn là cách xử lý những cảm xúc khi phải đối diện với sinh tử sống còn. Cảm xúc nếu không có sự hướng dẫn của lý trí, thì sẽ chẳng khác gì với việc tự mua dây buộc mình, đây là biểu hiện của cảm xúc sai lầm trong cuộc sống.
Con người không nên dùng cách than khóc, gào thét, phẫn nộ, hay đố kỵ để biểu đạt cảm xúc, vì nó không đem đến cho bạn bất cứ một lợi ích gì. Lẽ nào tức giận, không ăn cơm, không nói chuyện, phô bày ra tâm trạng bực bội xấu xí, thì có thể giúp bản thân giải quyết ổn thỏa vấn đề hay sao? Một khi, để mặc cảm xúc rơi vào tình trạng bộc phát mất kiểm soát, nó không chỉ khiến cho người khác chán ghét, xa lánh bạn, mà ngay chính bản thân bạn cũng chẳng dễ chịu chút nào. Vậy làm sao để điều chỉnh cảm xúc của mình cho hợp lý đây? Tôi xin đưa ra sáu cách sau đây để mọi người cùng tham khảo.
1. Phải thẳng thắn, thành khẩn: Nên nói rõ ràng và làm sáng tỏ mọi việc, chỉ cần bạn bày tỏ cảm xúc một cách chân thành, thì chắc chắn sẽ nhận được sự cảm thông từ phía đối phương.
2. Cần thanh lọc tâm: Những hạt giống không tốt như: ích kỷ, muộn phiền, oán giận, và ghen tị trong tâm mỗi người, đều do cảm xúc đưa tới. Giả sử, có thể vun bồi được nền tảng cảm xúc trong sáng và thăng hoa, dùng ngọn đèn trí tuệ soi chiếu dẫn đường cho cảm xúc, khiến nó không còn u mê tăm tối, thì cuộc sống đâu còn nỗi lo bị cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng.
3. Phải lý trí: Cảm xúc là một kẻ mù quáng, chỉ biết mạnh mẽ tiến về phía trước với những suy nghĩ viển vông, nên đôi khi khiến bản thân sa vào hố lửa mà không biết mình sai ở đâu. Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát cảm xúc của mình bằng lý trí. Lý trí cũng giống như đôi mắt vậy, bước chân của cảm xúc phải được dẫn đường bởi đôi mắt lý trí sáng tỏ nhất, thì mới có thể giữ an toàn được.
4. Nên có cái nhìn thoáng: Thế giới của cảm xúc rất hạn hẹp, nó giống như con mắt không thể chứa nổi một hạt cát. Chính nghĩa và công lý của thế gian thường bị cảm xúc đánh lừa, khiến cho người ta thường không nhìn ra được vẻ đẹp của thế giới. Vì thế, nên mở ra cánh cửa cảm xúc để nhìn ngắm cảnh vật thế gian muôn màu muôn vẻ. Nếu bạn cứ lao đầu vào bụi rậm và tự giới hạn mình trong một cái khung, thì chính là đang tự rước phiền não vào mình. Thế giới này rộng lớn như vậy, sao bạn cứ phải cố chấp phiền muộn chỉ vì một chuyện hay một người nào đó chứ?
5. Nên lạc quan: Trong đời sống cảm xúc, phần nhiều những người tự ăn năn hối lỗi, tự mình vui buồn lẫn lộn, tất nhiên cũng có một số ít người sống hết sức vui vẻ. Nếu như cảm xúc có vui và buồn, vậy thì tại sao chúng ta không chọn niềm vui? Niềm vui chính là cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa. Ai có thể sống nổi nếu như mỗi ngày đều là màn đêm u ám chứ? Chúng ta phải có khả năng chế tác nguồn năng lượng lạc quan, vui vẻ cho người khác, đừng nên đem những buồn phiền đau khổ phủ lấp lên những người không liên can, như vậy thì mới có được cuộc sống hạnh phúc.
6. Nên khai phá mở rộng: Cảm xúc giống như đất đai, chỉ khi người ta khai khẩn thì mới có thể gieo trồng những hạt mầm tốt lành. Tình cảm của con cái đối với cha mẹ phải được vun bồi, thì các con mới trọn lòng hiếu thảo. Tình cảm của cha mẹ đối với con cái cũng phải được nuôi dưỡng, thì mới phát huy hết được tình thương vô bờ bến của bậc làm cha mẹ. Cũng thế, tình bạn cũng phải ngày càng thân thiết gắn bó, thì mới có thể hy sinh vì nhau. Tình yêu đất nước phải được củng cố, khắc ghi, thì mới có thể tận trung báo quốc.
Tình cảm không nên chỉ yêu riêng ai, mà nên yêu tất cả nhân loại. Như Đức Phật từng dạy: “Nên yêu thương mọi người, giống như yêu thương cha mẹ mình”, đây mới là cảnh giới thăng hoa nhất trong cảm xúc nhân sinh cao thượng.