Đối với mọi chuyện trên thế gian này, ai cũng có những nhận định, góc nhìn riêng của bản thân, và đây chính là “quan điểm” của mỗi người. Những người thuộc các đảng phái chính trị gọi nhau là “đồng chí” để thể hiện họ có cùng tư tưởng, quan điểm với nhau. Trong một gia đình, nếu anh chị em có quan điểm bất đồng, thì ắt hẳn gia đình đó sẽ thường xuyên xảy ra tranh cãi; quan niệm về giá trị của vợ và chồng cách biệt quá nhiều, cũng sẽ ấp ủ mầm mống của chia ly.
Tuy quan điểm khác nhau, nhưng chỉ cần mỗi người chúng ta bao dung, tôn trọng lẫn nhau, tìm ra điểm tương đồng từ các quan điểm khác nhau, thì nhất định công việc sẽ thu được kết quả viên mãn. Ví dụ như, trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân thì các bác sĩ tiến hành hội chẩn, đưa ra ý kiến nhận định riêng của từng người, từ đó đúc kết lại một hướng giải quyết chung, rồi sau đó mới tiến hành theo đúng lộ trình đã vạch sẵn. Khi đôi bạn trẻ bắt đầu hẹn hò, đừng chỉ dựa vào cảm giác “thích” của trực giác mà hãy nên tìm những điểm chung về lý tưởng, quan niệm sống, cùng những giá trị nội hàm của đối phương thì mới có thể thiết lập nền tảng vững vàng cho một cuộc hôn nhân mỹ mãn bền lâu.
Thực ra, trong một xã hội tồn tại nhiều tư tưởng, quan điểm khác nhau, thì xã hội ấy mới đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Xuân Thu Chiến Quốc là thời đại có nhiều tư tưởng, học thuyết bất đồng của các triết gia, hiền nhân, và ai ai cũng muốn phát dương quan điểm của mình. Chính vì lẽ ấy mà người ta nói, thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc là thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc, khi mà những quan điểm khác nhau lần lượt xuất hiện và tỏa sáng như trăm hoa đua nở.
Cuối thời Hán đầu thời Tam Quốc, các nhà cầm quyền, nhà quân sự, ai nấy đều muốn ra những “nước cờ” độc đáo riêng với muôn vàn những kế sách như: mỹ nhân kế, liên hoàn kế, không thành kế, chiến bại kế, v.v. để giành phần thắng. Trinh Quán chi trị1 của Đường Thái Tông, cũng từ chỗ tiếp thu các quan điểm, tạo điều kiện cho mọi giai cấp trong xã hội đều có thể phát huy vai trò của mình, mà đưa đất nước trở thành một trong những thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc.
1 Trinh Quán chi trị: Nói về cảnh thái bình thịnh trị của thời Trinh Quán.
Cho nên, bất đồng quan điểm không đáng sợ, có khác biệt về quan điểm cũng không phải là điều đáng quan ngại, bởi điều cốt lõi nhất là ta phải tìm được tư tưởng chung trong hàng loạt những quan điểm hỗn độn đó. Như Phật giáo dù có vô số tông phái, nhiều luồng ý kiến trái chiều, tuy nhiên, các tông phái đó đều thống nhất khi lấy Tam pháp ấn, Tứ thánh đế làm tư tưởng trung tâm. Để rồi, đi từ nền tảng cốt tủy đó, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà khéo dùng phương tiện khai mở các pháp môn ứng hợp, vậy chẳng phải càng nhiều quan điểm thì càng tốt hay sao?
Quan điểm là quan niệm, quan niệm chính xác thì làm gì cũng thành công, quan niệm sai lầm thì sẽ ủ thành tai họa. Tưởng Giới Thạch dùng quan điểm “đổi không gian lấy thời gian”, nên đánh đuổi được quân Nhật. Vì quan điểm sai lầm “đốt sách chôn Nho” của Tần Thủy Hoàng, mà nhà Tần nhanh chóng bị diệt vong. Tư tưởng “Hán - Mãn đều là người một nhà” của Khang Hy, nhận được sự đồng tình của người Hán, vì thế đã đặt nền móng cho sự tồn tại của nhà Thanh trong suốt hơn 200 năm. Thái Bình Thiên quốc chỉ tin vào Thượng đế, nên không nhận được sự công nhận của sĩ phu Trung Quốc, việc không nhận được thỏa hiệp về quan điểm đã khiến Thái Bình Thiên quốc rơi vào con đường đại bại. Còn nữa, Tôn Trung Sơn lật đổ triều đình Mãn Thanh, lập nên Dân quốc và đề ra quan điểm “Thiên hạ vi công”1, nhường vị trí Đại tổng thống khai quốc cho người tài, khí phách như vậy, ai có thể làm được?
1 Thiên hạ vi công: Nguyên nghĩa là thiên hạ là của người dân, vị trí thiên tử chỉ truyền cho người tài chứ không truyền cho con.
Qua từng thời đại lịch sử kéo dài đến tận ngày nay, cuộc sống luôn tồn tại muôn vàn những quan điểm trái chiều, những bất đồng tư tưởng vốn là điều hiển nhiên. Song bạn có thể trải lòng bao dung để tiếp nhận những quan điểm bất đồng ấy được hay không, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng hơn cả.