Học sinh tới trường cần nộp học phí, đi học thêm phải trả tiền học thêm, gửi xe phải trả tiền trông xe, đi công viên, đi tham quan, đi xem phim, đều phải mua vé vào cổng, mua vé đồng nghĩa với việc phải trả phí.
“Người dùng trả tiền”, đây là đạo lý hết sức tự nhiên, vậy mà ở các nước đang phát triển, người ta đều thích hưởng thụ nhưng không thích trả phí. Loại tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng này đã quá lạc hậu rồi. Một khu du lịch có thể thu phí, chứng tỏ nó nhất định phải có chỗ đáng để tham quan, hơn nữa kinh phí xây dựng, bảo vệ, và trả lương nhân viên cũng không phải là ít, nếu ai cũng trốn phí thì họ làm sao duy trì được?
Hàng chục nghìn người cùng trả phí tại một nơi, thì chắc chắn sẽ làm cho nơi này, hoặc tổ chức kinh doanh nơi đó mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn. Nếu mọi người đều không trả tiền, song vẫn muốn cơ sở đó sẽ cung cấp tài nguyên không giới hạn cho cộng đồng sử dụng, thì chẳng bao lâu, tổ chức này chắc chắn sẽ phá sản vì không có nguồn kinh phí để duy trì. Do đó, phải trả phí thì doanh nghiệp mới có thể duy trì, phát triển, và tiếp tục quá trình phục vụ công chúng được. Mặt khác, trả phí còn là yếu tố quyết định đặt ra yêu cầu cho sự cải thiện, tiến bộ, và nâng tầm chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng xu thế thời đại.
Ở các nước tiên tiến, việc trả phí là chuyện đương nhiên, như đi nghe giảng, đi xem biểu diễn, hoặc sử dụng thiết bị công cộng đều phải trả phí, ngay đến việc để trở thành hội viên của một tổ chức nào đó cũng phải nộp phí. Ngoài ra, thuế ruộng đất, thuế nhà, thuế bất động sản, thuế tem phiếu, v.v. đều là nghĩa vụ mà người tiêu dùng phải đóng góp.
Trả phí, được xem là chìa khóa của sự tiến bộ xã hội. Giống như khi chúng ta trồng một chậu hoa, và mong nó sẽ nở ra những bông hoa tươi đẹp để mọi người thưởng thức khen ngợi, muốn vậy thì chúng ta phải tưới nước và bón phân cho nó đều đặn, đây chính là trả phí. Chúng ta đi xem cá heo biểu diễn thì phải mua vé, cho nên người điều khiển tiết mục sẽ cho chú cá heo một con cá nhỏ, đây là trả phí cho buổi biểu diễn của cá heo. Tới đài thiên văn, dùng kính viễn vọng để ngắm các vì sao trên bầu trời, nếu bạn không trả tiền thì chi phí bảo trì thiết bị từ đâu mà có. Ở Nhật Bản, phí cầu đường phải trả còn nhiều hơn cả tiền xăng, chính bởi “trả phí” là quá trình tích tiểu thành đại, giúp các nhà đầu tư thu hồi vốn và tiếp tục hoạt động. Trả phí không những là kinh phí để bảo dưỡng những gì hiện có, mà còn là nguồn vốn để phát triển trong tương lai.
Thực ra, trao cho ai đó một lời nói tốt đẹp, một nụ cười hoan hỷ, một cử chỉ chào hỏi lễ độ, một câu cảm ơn chân thành, hay một lời tán dương đúng mực, chính là cách để biểu lộ tình cảm với đối phương, cũng như mang cả hàm nghĩa trả phí trong đó.
Chúng ta không cần phải trả tiền cho những tài sản chung như ánh sáng mặt trời, hay không khí; nhưng nếu là sử dụng các thiết bị công cộng quốc gia, những công trình thuộc về tư nhân như công viên, bảo tàng nghệ thuật quốc gia, vườn bách thú, nhà triển lãm, thì đều phải trả phí. Ngay cả khi bạn đi đến nhà thờ hay chùa chiền, và cúng dường đèn nhang, đó không phải đều là trả phí hay sao?
Người kinh doanh đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí cũng như tâm huyết để kiến tạo cơ sở hoạt động, vậy nên, người sử dụng trả tiền cho những dịch vụ mà mình sử dụng là lẽ đương nhiên. “Trên đời, không có bữa cơm trưa nào là miễn phí”, bạn cứ xem việc trả phí như một việc từ thiện nho nhỏ, đây còn là một thói quen tốt mà mỗi cá nhân chúng ta, ai ai cũng cần có, để sống thật tròn vẹn với cuộc đời, với nhân sinh.