Thiền tông có một câu khai thị để nói về người từ nơi bờ mê, trải qua quá trình rèn luyện tu dưỡng mà trở về bến giác. Lộ trình đó giống như vừa thực nghiệm việc “chết đi sống lại”.
Điều này cho thấy, trong vòng luân hồi của kiếp người, ngoài Chân tâm ra thì những thói quen xấu, phiền não, âu lo, mê mờ, là những thứ mà chúng ta bắt buộc phải trải qua trong nhiều kiếp sống. Kinh qua muôn vạn lần sinh tử, mới có thể từ từ phá bỏ chúng và dần được siêu thoát. Nói gần hơn, thì ngay trong đời sống hiện tại, chúng ta cũng có rất nhiều những thói hư tật xấu, ích kỷ, chấp trước, v.v. Nếu như bản thân chúng ta không cố gắng nhẫn nại để sửa chữa, nỗ lực đến độ trầy da tróc vảy, rồi chết đi sống lại, thì đâu thể nào tái sinh làm một con người mới được.
Phật pháp dạy rằng, sinh mạng con người có hai loại: một là phần đoạn sinh tử, hai là biến dịch sinh tử. Ngoài việc sinh tử trôi lăn trong năm cõi, sáu đường ra, trên con đường tu tập chúng ta cần thay đổi được những thói quen xấu và nuôi dưỡng khí chất của bản thân, thì mới đạt được giải thoát biến dịch sinh tử.
Đào Uyên Minh từng nói: “Biết rằng quá khứ không thể thay đổi được, thì tương lai phải nỗ lực”. Con người ta phải trải qua một lần chết đi sống lại, mới có thể ngộ ra “những gì thuộc về quá khứ được ví như đã chết từ hôm qua, những gì ở hiện tại lại đang hiện hữu ngày hôm nay”. Sinh mệnh của một người sau khi sống lại được ví như: rắn lột da, ve sầu thoát xác, tôm hùm thay vỏ, vậy mới có thể đạt được những thành tựu đột phá hơn.
Vua A Dục (Ashoka) tại Ấn Độ cổ xưa, vốn là một kẻ xâm lược tàn bạo và hiếu chiến, nên người ta gọi ông là “Hắc vương”. Tuy nhiên, sau khi ông hiểu và tin theo Phật pháp, bắt đầu thực hành hạnh từ bi, đồng thời trị quốc theo tinh thần chính nghĩa nhằm tạo phúc cho nhân dân, ra sức chấn hưng uy phong của đất nước. Và cuối cùng, ông ấy cũng đã nhận được danh hiệu “Bạch vương”.
Nếu như vua A Dục không trải qua những tháng ngày thay đổi, tự làm mới bản thân, thì làm sao có thể từ danh hiệu “Hắc A Dục” trở thành “Bạch A Dục” chứ? Nếu một người không chịu buông đao xuống, thì sao có thể “ngay đó thành Phật”? Vì thế trong Bản sinh đàm, Đức Phật có đưa ra những câu chuyện về sự hy sinh bản thân trong nhiều kiếp để thành tựu công hạnh từ bi hỷ xả của Bồ tát như: “Cắt thịt của mình bố thí cho chim ưng”, “Xả thân mình bố thí cho hổ đói”, v.v. tất cả để nói lên rằng, chúng ta phải dám xả thân vì hết thảy chúng sinh thì mới có thể thành Phật được.
Dân gian Nhật Bản có lưu truyền một câu chuyện kể về một người có tên là Bình Binh Vệ, ban đầu ông này thường giở mọi trò càn quấy để ức hiếp người lành, bắt nạt hàng xóm, đến ngay cả đứa con trai duy nhất cũng thường xuyên bị ông ta đánh đập, chửi mắng, và ngược đãi. Mọi người coi ông ta chẳng khác gì ác quỷ, nên thường gọi là “Quỷ Bình Binh Vệ”1. Một hôm, khi ông ta đang đói cồn cào thì nghe thấy có người nói với cậu con trai của mình rằng: “Ta cho đồ ăn, sao cháu không ăn?”. Cậu bé trả lời: “Dạ! Vì con muốn để dành cho cha con ăn”. Lời nói đầy yêu thương của đứa con nhỏ đã khiến tự đáy lòng ông dâng lên niềm xúc động mãnh liệt, cảm kích không cầm được nước mắt, đồng thời vô cùng hối hận về những hành vi tàn nhẫn trong quá khứ. Kể từ thời khắc ấy, con người độc ác trước đây của ông đã thật sự chết đi, mà thay vào đó là một người hết lòng giúp đỡ hàng xóm, bạn bè, yêu thương gia đình hết mực. Chính vì lẽ ấy, mọi người ai cũng xem ông như Phật sống, cái tên “Quỷ Bình Binh Vệ” bị xóa sổ, và rồi họ gọi ông là “Phật Bình Binh Vệ”2.
1 Quỷ Bình Binh Vệ: Trước đây ở Nhật, cụm từ này chỉ cho những người sống bằng nghề phu kéo xe nhưng xấu tính khó gần (người dịch chú thích).
2 Phật Bình Binh Vệ: Đại sư Tinh Vân vận dụng lối chơi chữ, thay thế “Quỷ Bình Binh Vệ” bằng dùng cụm từ “Phật Bình Binh Vệ”, nhằm chỉ cho cảnh giới một người xấu nhưng do biết sửa đổi trở thành một người có tâm tốt như Phật vậy (người dịch chú thích).
Con người ta, cho dù có bao nhiêu thói quen xấu hay lầm lỗi, đều không quan trọng, quan trọng là bản thân biết ăn năn hối lỗi, thì đều có thể cải tử hoàn sinh và sẽ luôn được người khác giúp đỡ. Ví dụ như bạn thường nói lời thô tục, nhưng nếu tự biết kiểm điểm, nhắc nhở bản thân, thì bạn vẫn có thể thay đổi được thói quen xấu ấy. Nếu hành vi của bạn không tốt, nhưng thông qua sự kiềm chế thì bạn sẽ trở thành một con người mới, có đức hạnh, và được mọi người yêu quý. Do đó, giữa cuộc sống này, nếu như từng ngày, từng giờ, trong từng khoảnh khắc, chúng ta thường không ngừng để con người cũ bất thiện của mình chết đi, thay tâm đổi tính trở thành một con người mới, như thế thì lo gì không có thành tựu chứ?
Đi qua giông bão, lòng thấy yên bình, nằm trong hai yếu tố căn bản: một là những người phải tự mình trải qua những thử thách, từ trong đau khổ, bi thương, quyết tâm thay đổi bản thân với tinh thần hướng thượng, cầu tiến. Hai là người nhìn thấy người khác chịu khổ, tự mình thấu hiểu sâu sắc những nỗi bi thương ấy, từ đó có thể tinh tiến tu tập, tu dưỡng bản thân.