LUCJA ĐẾN SÂN BAY EDINBURGH ĐÓN TÔI cùng với mấy tin xấu, trong khi tôi đang trên chuyến bay, cô ấy đã tranh thủ tìm hiểu thủ tục “nhập cảnh” cho chó ở Anh.
“Không dễ đâu,” Lucja nói. “Hẳn anh nghĩ giai đoạn khó khăn nhất là đưa Gobi rời khỏi Trung Quốc nhưng em nói này, đưa cô nhóc vào Anh còn nan giải hơn ấy chứ. Thủ tục phiền hà hơn anh tưởng nhiều.”
Trên máy bay, giữa lúc vừa nhớ Gobi và mong ngóng được gặp lại Lucja, tôi vừa thử hình dung quá trình một chút. Tôi tưởng tượng ra cảnh Gobi bị cách li, những khoản chi phí khám thú y khổng lồ và quá trình chờ đợi mòn mỏi hàng tháng trời.
Hóa ra hiện thực cũng không khác là bao.
Cô nhóc sẽ bị cách li kiểm dịch bốn tháng , với khoản chi phí không hề rẻ chút nào. Nhưng tin xấu nhất trong các tin xấu là nơi cô nhóc sẽ bị cách li.
“Sân bay Heathrow(1),” Lucja cho tôi hay. “Đó là sự lựa chọn duy nhất.”
(1) Sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất Anh Quốc, lớn nhất Châu Âu và lớn thứ ba trên thế giới đặt tại London.
So với Mỹ hay Trung Quốc, quãng đường 400 dặm từ London đến nhà chúng tôi ở Edinburgh chẳng đáng là bao. Nhưng ở Anh, đó sẽ là một hành trình lịch sử với hàng trăm đô la tiền tàu xe, chưa kể đến tiền khách sạn và taxi. Cuộc sống ở London vốn đắt đỏ, ngay cả với những chú chó.
Càng tìm hiểu, chúng tôi càng nhận ra rằng Lucja đã đúng về việc mang một chú chó đến Anh tốn kém và phức tạp đến nhường nào. Không những thế, chúng tôi vẫn đánh giá thấp chuyện đưa Gobi rời khỏi Trung Quốc. Nếu có một cuộc tỷ thí xem quốc gia nào hùng mạnh nhất về các loại thủ tục, giấy tờ thì Trung Quốc sẽ là nhà vô địch.
Đến nỗi mà hễ chúng tôi gửi email về dịch vụ vận chuyển vật nuôi thì y như rằng , câu trả lời nhận được sẽ là : Không. Không phải hãng nào cũng liệt kê hết các thủ tục, nhưng thế là quá đủ để chúng tôi hiểu độ phức tạp của vấn đề.
Trước hết, để xuất cảnh, Gobi cần phải được xét nghiệm máu; chờ 30 ngày để xin giấy phép bay. Ở Bắc Kinh hay Thượng Hải đều thế cả. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng trước đó, để được lên máy bay rời khỏi Urumqi, Gobi phải được kiểm tra sức khỏe bởi một bác sĩ thú y, gắn chíp vi xử lý, kèm theo giấy chấp nhận chính thức từ ai đó ở cơ quan nào đó trực thuộc chính phủ Trung Quốc. À, còn một thứ nữa: để bay từ Urumqi đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, phải có một người xuất cảnh cùng Gobi.
“Có thể nhờ Nurali làm hết từng ấy thủ tục?” Lucja hỏi.
“Bọn anh nhờ cô ấy dựng lại lều trong cơn bão cát còn không được nữa là. Cô ấy sẽ không giúp đâu.”
“Hay chúng ta nhờ ai đó lái xe đưa Gobi đến Bắc Kinh?”
Sau một hồi tra Google, chúng tôi đã có câu trả lời. 35 giờ đồng hồ, 1.800 dặm lái xe qua đường núi, sa mạc và ai-biết-còn-gì-nữa, đây không có vẻ là một kế hoạch B triển vọng.
Sau một tuần không thu hoạch được gì trừ email từ chối từ các công ty vận chuyển vật nuôi, một tia hi vọng lóe lên. Một người phụ nữ tên là Kiki phản hồi email của Lucja, nói rằng công ty của cô ấy, WorldCare Pet, có thể giúp đỡ nếu chúng tôi có thể thuyết phục Nurali làm một số thủ tục y tế cần thiết. Nhận được tin, tôi liên lạc với Nurali ngay, hi vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Tôi vừa ngạc nhiên, vừa biết ơn khi thấy Nurali hồi âm lại ngay. Cô ấy đồng ý đưa Gobi đi khám bác sĩ thú y và hứa sẽ chuẩn bị tất cả các xét nghiệm cần thiết theo yêu cầu của công ty Kiki cho Gobi. Thậm chí, cô ấy đã sắm sẵn một chiếc chuồng để nhốt Gobi trong hành trình bay.
Đây là kết quả tốt nhất có thể.
Nhưng phí vận chuyển Gobi không hề rẻ chút nào. Trước hết, Kiki ước tính, chúng tôi phải trả ít nhất 6.500 đô la để đưa Gobi về Anh, chưa kể 2.000 đô la phí cách ly kiểm dịch và phí đi lại từ Edinburgh đến London để thăm Gobi nữa.
Mang Gobi về nhà quá tốn kém nên chúng tôi phải suy nghĩ kĩ xem có tự xoay xở được không. Một phần, tôi muốn tự trả hết, không phải vì sĩ diện hay gì đâu, mà đơn giản chỉ vì tôi - và giờ thêm Lucja - muốn làm một chút gì đó cho Gobi và cho bản thân chúng tôi. Mang Gobi về nuôi không phải làm từ thiện hay trình diễn lòng từ bi. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng chúng tôi phải đưa Gobi về bởi cô nhóc đã sớm là một thành viên trong gia đình. Đã là gia đình, thì đừng tính toán gì cả.
Nhưng dù thật sự là thế, thì tôi vẫn cần thực tế hơn. Bởi cả tôi và Lucja đều hiểu, lỡ may có gì không hay phát sinh, tổng chi phí có thể lên đến 10.000 đô. Cuối cuộc đua, tôi có nói với mọi người là sẽ mang Gobi về nhà nuôi, Allen, Richard và mấy vận động viên khác đều ngỏ ý muốn giúp đỡ và quyên góp. Về nhà được mấy ngày, tôi nhận được ngày càng nhiều email từ các vận động viên hỏi phương thức ủng hộ tiền cho Gobi. Qua đây, tôi mới biết lòng quả cảm và quyết tâm của Gobi đã lay động nhiều người đến thế, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ muốn chung tay ủng hộ vài đô la để giúp cô nhóc có cuộc sống lành mạnh hơn, an toàn hơn.
Chính vì thế, tôi và Lucja đã ngồi lì trước máy tính và lập một trang kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Đến khi điền mục tiêu, cả hai chúng tôi đều sững lại.
“Anh nghĩ sao?” Lucja hỏi.
“Ngần này thì sao?” Tôi vừa đáp vừa gõ “$6.200” vào biểu mẫu. “Sẽ không bao giờ được ngần này, nhưng có thể phản ánh chi phí đưa Gobi về Anh một cách chân thực nhất.”
“Nhận được vài trăm đô la thôi cũng tốt lắm rồi.”
Hai mươi tư giờ tiếp theo, điện thoại tôi reo vài lần báo nhận được tiền ủng hộ. Mỗi khoản tiền, mỗi món quà từ những người đồng đội tôi đều biết ơn cả bởi chỉ vài đô la thôi cũng giúp chúng tôi nhẹ gánh phần nào. Tuy ngày càng nhận được nhiều tiền ủng hộ, nhưng tôi thích đọc bình luận của mọi người hơn. Giúp đỡ Gobi khiến họ vui vẻ. Tôi gần như không dám mơ tưởng điều đó.
Sau khi trang kêu gọi ủng hộ đi vào hoạt động được hai ngày, tôi những tưởng mình đang mơ khi Lucja nhận được một cuộc gọi. Một người tự xưng là nhà báo nói anh ta đã xem trang kêu gọi ủng hộ và ngỏ ý muốn phỏng vấn tôi. Anh ta tìm thấy số điện thoại của Lucja trên một trang web giới thiệu huấn luyện viên chạy. Tự dưng biết người ta có thể tìm ra chúng tôi kiểu đó cũng thật kì quặc. Nhưng nói thế nào thì nội dung cuộc gọi đã gợi tính hiếu kì của tôi.
Anh ta ngỏ lời phỏng vấn tôi và viết bài độc quyền về Gobi đăng trên tạp chí của anh ta, một tờ báo khổ nhỏ của Anh có tên là Daily Mirror.
Mấy nhà báo đến từ mấy tờ báo này như anh ta không phải lúc nào cũng có tiếng thơm. Vài năm trước, mấy tòa báo, trong đó có Daily Mirror, vướng phải scandal bắt quả tang xâm nhập điện thoại trái phép, khiến mức độ tin tưởng tụt giảm. Nhưng anh chàng này nghe có vẻ chân thành nên tôi thử đồng ý xem sao. Ít nhất, sự kiện này đủ thú vị để đăng lên Facebook và kêu gọi thêm người ủng hộ.
Trước khi kết thúc cuộc gọi, tay nhà báo nhắc nhở tôi đây là tin bài độc quyền và hỏi thăm xem tôi đã trao đổi và đưa câu chuyện cho nhà báo nào trước anh ta hay chưa?
“Này anh bạn,” tôi chợt bật cười và nói. “Cậu có thể làm gì cậu muốn với câu chuyện; không ai quan tâm đến nó đâu.”
Chúng tôi hẹn phỏng vấn qua điện thoại vào ngày hôm sau. Anh ta hỏi về cuộc đua, tôi gặp Gobi trong tình huống nào, quãng đường cô nhóc chạy cùng tôi, và tôi mong muốn mang Gobi về Anh ra sao. Mặc dù lúc mới đầu có chút hồi hộp, nhưng tôi vẫn trả lời hết các câu hỏi và khá hài lòng về cuộc phỏng vấn.
Hôm sau, khi đi mua một quyển báo, tôi cũng không rõ cảm xúc trong tôi là lo lắng hay háo hức. Tôi đọc lướt qua tất cả các trang , băn khoăn không biết mình đang tìm kiếm thứ gì.
Tôi không trông mong bài báo sẽ là một bài viết tích cực chiếm trọn một trang với những bức ảnh ấn tượng về cuộc đua. Nhưng đó đích xác là những gì đập vào mắt tôi, dưới dòng tiêu đề in đậm: “I Will Not Desert My Ultra-Marathon Pal” (Giải Chạy Siêu Bền Của Tôi Sẽ Không Cô Đơn). Bài viết phản ánh đúng tình tiết câu chuyện. Thậm chí, cậu nhà báo còn trích dẫn cả câu nói của người sáng lập cuộc đua, “Gobi đã thực sự trở thành linh vật của cuộc đua - tượng trưng cho nhuệ khí của một tuyển thủ thực thụ”. Tôi thích nó.
Trước đây, tôi từng lên mặt báo rồi. Chính là lần tôi về thứ sáu trong giải chạy siêu bền đầu tiên của mình. Tôi được xướng tên trên blog chính thức của giải đua và mấy tạp chí chuyên khảo. Nhưng đây hoàn toàn là một đẳng cấp khác. Chuyện này thật kì cục, nhưng theo nghĩa tích cực.
Tôi nhanh chóng chia sẻ tin vui này lên trang kêu gọi ủng hộ, Facebook, và bất cứ nơi nào mà tôi có thể nghĩ đến. Đây chắc hẳn sẽ là nguồn động viên cho các nhà hảo tâm nào đã ủng hộ chúng tôi.
Trước khi đi mua báo sáng , tôi đã kiểm tra trang kêu gọi ủng hộ. Có sáu, bảy người đã quyên góp, chúng tôi đã nhận được tổng số 1.000 đô la. Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi tôi đặt tờ báo xuống và đi pha tách cà phê thứ ba trong buổi sáng hôm ấy, điều kỳ diệu đã xảy ra.
Điện thoại tôi rung liên hồi.
Trước tiên là một thông báo. Ai đó mà tôi không biết đã ủng hộ 25 đô la. Vài phút sau, một tin nhắn khác báo có thêm một người ủng hộ 25 đô la. Lại vài phút sau, thêm một người ủng hộ nữa. Rồi lại một người nữa. Và rồi ai đó ủng hộ 100 đô la.
Tôi kinh ngạc, thậm chí hơi bối rối. Tôi đang mơ chăng ?
Thời gian trôi qua, lại thêm mấy tiếng âm báo tin nhắn nữa. Tôi lên mạng xem có phải bài báo còn được đăng lên cả trang chủ Daily Mirror không. Quả thế. Tuy mới được đăng cách đây vài giờ nhưng bài báo đã nhận được hàng trăm lượt Thích và Chia sẻ.
Không thể tưởng tượng được chuyện này đang xảy ra.
Phiên bản báo mạng mang tựa đề “Heartwarming Bond Between Ultra-Marathon Man and the Stray Dog He Refuses to Leave Behind”(1) (Câu chuyện ấm lòng giữa một vận động viên marathon và nhóc chó hoang mà ông quyết không rũ bỏ). Đọc câu này, đáy lòng tôi lộp bộp. Bấy lâu nay, tôi luôn biết Gobi đã sưởi ấm trái tim tôi và tôi đã tự hứa với mình sẽ không bỏ rơi cô nhóc, nhưng tôi chưa từng nói những lời này với cậu nhà báo. Vậy thì chứng tỏ anh ta cũng cảm nhận được gặp gỡ Gobi có ý nghĩa thế nào với tôi. Điều này làm tôi cảm thấy được tiếp thêm dũng khí.
(1)Jonathan Brown, “Heartwarming Bond Between Ultra-Marathon Man and the Stray Dog He Refuses to Leave Behind,” Mirror, July 27, 2016, updated July 28, 2016, http://www.mirror.co.uk/news/real-life-stories/heartwarming-bond-between-ultra-marathon-8507261.
Phải chăng những nhà hảo tâm cũng cảm nhận được điều đó, tôi thầm nghĩ. Họ cũng thấy cái anh ta thấy.
Một ngày sau khi bài báo được đăng tải, mục tiêu 6.200 đô la đã trở thành hiện thực. Nhưng không dừng lại ở đó. Mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ, những con người mà cả tôi và Lucja đều không biết tên. Có lẽ họ đều cảm động trước câu chuyện về một cô chó nhỏ bé bỗng dưng lựa chọn theo tôi, kiên định và không lùi bước.
Ngoài liên tục cập nhật thông tin ủng hộ, điện thoại của tôi bắt đầu bị tin nhắn từ các nhà báo khác oanh tạc. Một số người để lại tin nhắn trên trang kêu gọi ủng hộ, số khác thì thông qua mạng xã hội hoặc LinkedIn. Đọc hết các lời nhắn không dễ dàng chút nào nhưng tôi vẫn kiên nhẫn trả lời từng tin nhắn một.
Liên hệ với tôi sớm nhất là tờ UK - một tờ báo khổ nhỏ nổi danh khác, tiếp đến là hai tờ báo chính thống. Tôi vốn nghĩ mỗi nhà báo sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, bởi có thể họ muốn khai thác những khía cạnh khác nhau của câu chuyện. Thế nhưng , trái lại, họ lại vui vẻ hỏi những câu giống nhau: Lí do gì khiến anh tham gia cuộc đua ở Trung Quốc? Anh và Gobi đã gặp nhau như thế nào? Gobi chạy được bao xa? Anh quyết định mang Gobi về nhà khi nào? Anh và Gobi sẽ tiếp tục chạy cùng nhau chứ?
Lần đầu tiên nghe câu hỏi cuối, tôi hơi sững lại. Sau khi lập kế hoạch và bao nỗ lực không mệt mỏi, hình như tôi chưa từng thử nghĩ cuộc sống của chúng tôi sẽ thay đổi ra sao khi Gobi đến Edinburgh. Cô nhóc có muốn đi bộ 25 dặm mỗi ngày không nhỉ? Làm sao cô nhóc quen được cuộc sống thành thị nơi đây? Tương lai không xa, nếu chúng tôi có dịp chạy với nhau, thì cô nhóc có dính tôi như trước không nhỉ? Hay nhóc ta muốn tự vùng vẫy trong thế giới mới lạ này?
Tôi không rõ quá khứ của Gobi ra sao, và cũng không rõ tương lai chúng tôi sẽ cùng nhau trải qua như thế nào. Phải chăng chính khởi đầu mơ hồ đó khiến các mối quan hệ - thậm chí là mối quan hệ với một nhóc chó hoang - trở nên sống động hơn. Sau khi nhận lời phỏng vấn với một số tờ báo, tôi nhận được lời mời từ BBC. Phil Williams ngỏ ý muốn phỏng vấn tôi trên chương trình Radio 5 Live lúc đêm muộn. Sau ngần ấy bài phỏng vấn, tôi sắp mệt chết, nhưng tôi không muốn từ chối.
Trong thời gian đó, bài phỏng vấn đó là điều tốt đẹp nhất mà tôi đã làm. Bên sản xuất chương trình đã lồng ghép phần âm của cuộc phỏng vấn với đoạn phim ghi hình cuộc đua. Clip một phút ngắn ngủi đó lan nhanh không tưởng , nhanh chóng vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các video đạt nhiều lượt xem nhất trên chuyên trang BBC với 14 triệu lượt xem.
Sau đó, mọi thứ mới thực sự thăng hoa.
Tôi nhận lời mời phỏng vấn trên nhiều chương trình của BBC và các nhà đài khác; sau đó, đài truyền hình bắt đầu gọi điện đến. Tôi được lên sóng nhiều kênh truyền hình ở Anh, và nhiều kênh khác ở Đức, Nga và Úc. Chưa hết, tôi còn phỏng vấn qua Skype với CNN, ESPN (câu chuyện về Gobi nằm trong bảng top 10 tin hay trong ngày), rồi Fox News, ABC, Washington Post, USA Today, Huffington Post, Reuters, New York Times, và cả podcast, trong đó có Eric Zane Show, nơi đưa câu chuyện lên một tầm cao mới.
Cùng lúc đó, tổng số tiền ủng hộ vẫn không ngừng tăng. Người dân từ khắp nơi trên thế giới - Úc, Ấn Độ, Venezuela, Brazil, Thái Lan, Nam Phi, Ghana, Campuchia, thậm chí cả Triều Tiên nữa - đều hứa sẽ tương trợ hết lòng. Tấm lòng hào hiệp của họ không những khiêm tốn mà còn sống động nữa. Tôi đã có dịp đến thăm một vài nơi trong số đó, nên tôi biết con người nơi đó trải qua cuộc sống như thế nào.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, mọi thứ quanh tôi và Lucja đã thay đổi. Nếu lúc trước, chúng tôi vẫn không dám chắc liệu gây quỹ ủng hộ có hiệu quả như mong muốn, chưa kể đến giai đoạn khó nhọc hơn đang chờ chúng tôi phía trước. Ấy thế mà chỉ trong một ngày, mọi nỗi lo đã bay biến. Không nghi ngờ gì nữa, dưới sự trợ giúp của Kiki và cộng đồng , khó khăn lớn nhất đã được giải quyết: chúng tôi đã tìm được người đưa Gobi xuất cảnh và đủ ngân sách cần thiết. Mọi thứ đã sẵn sàng.
Gần như thế.
Trừ việc Nurali không trả lời email của chúng tôi nữa.