Cơn mưa rào làm giảm cái nắng oi ả chiều hạ. Tôi và đoàn công tác đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các chủ hộ gia đình biên giới. Cả đoàn xắn quần, xách giày dép giẫm trên con đường quanh co, khúc khuỷu len lỏi qua rừng quế từ bản Loong Sông - Hoành Mô để về Bản Cậm. Đến đầu dốc Nặm Tằm, vừa qua khỏi khúc quanh bên sườn núi, tiếng máy cày hối hả tạo nhịp khiến nước tràn qua những cung ruộng bậc thang tạo thành âm thanh vừa rộn ràng, vừa như phá vỡ sự im lặng nơi núi rừng.
Đến đầu đường vào bản Cậm, tôi nhận ra Chìu Mằn Hiếng, Chỉ huy trưởng quân sự xã Hoành Mô, Bình Liêu, Quảng Ninh đang cày ruộng gần đường, một ông già trạc 80 tuổi đứng bên bờ ruộng, tay chống cuốc, mắt dõi theo đường cày của Hiếng.
Quái, nhà Hiếng ở bản Loong Sông, sao lại cày ruộng ở đây? Thấy lạ, tôi gọi hỏi:
- Chìu Mằn Hiếng à, sao nhà Hiếng cày ruộng xa thế?
Nghe tôi gọi, Chìu Mằn Hiếng dừng máy, ngước nhìn, chưa kịp trả lời thì ông già đó đáp thay:
- Chào cán bộ, ruộng này của nhà già, giờ mình yếu rồi, không làm được nữa, cán bộ Hiếng hộ thôi.
Đưa tay chỉ Hiếng, ông nói tiếp:
- Nếu con của già “nó” không hy sinh ở chiến trường, giờ chắc cũng trạc tuổi cán bộ Hiếng.
- Thế Hiếng hộ già được mấy vụ rồi? - Tôi vui vẻ hỏi ông cụ.
- Từ khi còn làm nương bằng Tàu ngồng (con trâu) vớ, đến giờ cày bằng máy rồi, không nhớ hết à.
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nhăn nheo, ông cụ hồ hởi:
- Không chỉ làm cho già đâu, cán bộ Hiếng còn làm giúp nhiều người trong bản, cán bộ chỉ hộ thôi vớ.
Nghe tôi và ông cụ trò chuyện, Hiếng chỉ đứng cười, mồ hôi trên áo ướt đẫm. Dưới ráng chiều, bóng anh đổ dài trên luống cày, lẩn dần vào cùng màu đất.
Chào ông cụ và Hiếng, chúng tôi vào bản. Những cơn gió bất chợt ùa về mang theo hương quế, như làm dịu đi bao mệt nhọc trong tôi. Câu chuyện vừa rồi với ông già gợi lại cho tôi bao điều đã được nghe về Hiếng. Nhiều già làng kể: “Ngày xưa khi “nó” chưa làm cán bộ xã, nghe “đài nắp”, chạy bằng “pin nước “, có cái dây (ăng ten) dài chạy từ trong nhà lên đến ngọn cây sở là “nó” thích à. Đi bộ lên xã hơn một giờ đồng hồ để xin báo cũ về đọc là “nó” thích à. Nghe rồi, đọc rồi “nó” kể lại cho mọi người nghe cái chủ trương mới của Chính phủ. “Nó” nói là bà con làm được đấy, làm cho bà con ta sáng cái bụng, no cái bụng lên đấy.
Có phải chăng cái ham nghe đài, đọc báo giúp anh có phương pháp, kiến thức để tuyên truyền và vận động nhân dân làm theo. Còn nhớ có lần đi làm công tác vận động quần chúng, tôi và đoàn công tác vào nhà Chíu Phúc Bảo ở bản Nà Pò, Hoành Mô, một gia đình thuộc diện khó khăn trong bản, Bảo chỉ lên mái nhà nói: “Cái mái nhà tao giờ mưa không dột nữa rồi, cái chuồng lợn, chuồng trâu nhà tao chuyển xa tới ngoài kia là do cán bộ Hiếng giúp đỡ đó. Ấy dà! Cán bộ chưa biết đấy thôi bản tao trước kia người nào ốm chỉ biết tìm tới Sày ông (Thày cúng) thôi, giờ nghe cán bộ Hiếng, bản tao có người ốm không cúng ma nữa, chỉ đến trạm xá thôi là hết bệnh mà!”.
Nhớ hôm đến thăm gia đình Hiếng vào một buổi chiều cuối xuân, trời phảng phất mưa. Ấm trà pha chưa kịp ngấm, bỗng một bà cụ chống gậy hớt hải: “A... Hiếng à, vợ chồng thằng con già lại cãi nhau rồi“. Hiếng xin phép và gọi vợ ra tiếp tôi. Anh bước vội ra cửa không kịp khoác chiếc áo mưa lên người. Vợ Hiếng rót nước mời khách, khuôn mặt phúc hậu, tươi vui của chị như cảm thông và tự hào về người chồng của mình. Tôi ngước nhìn ra ngoài, những hạt mưa lành lạnh đang rơi, nhấp chén chè nóng, lòng tôi thấy ấm áp vô cùng.
Vậy mà vẫn có người không hiểu, cho là Hiếng là “sám pạt” (hâm hâm), “cõng đá nặng người”. Biết thế, Hiếng chỉ cười, cái đôn hậu, chất phác của người Dao.
- Thủ trưởng có gì mà vui vậy? - Cậu trợ lý chính trị hỏi làm tôi giật mình ngơ ngác - Cái kiểu vừa đi vừa tủm tỉm cười chắc là đang nhớ ai rồi - Thọ tinh quái chưa chịu buông tha làm cả đoàn hùa vào, cười ồn ã.
- Thủ trưởng bị cô gái Dao nào hớp hồn rồi!
- Mấy cậu này chỉ...! Anh em đi nhanh về kẻo tối.
Không buồn trả lời, tôi nói cho xong chuyện.
Về tới bản thì trời sẩm tối, ông mặt trời dần khuất sau đỉnh núi, tiếng mõ trâu lốc cốc về bản, những chiếc thủy điện nhỏ cần mẫn chạy dưới suối, phát ra ánh điện lập lòe đủ sáng cho mỗi gia đình. Chừng phải chờ đợi quá lâu, cậu lái xe vừa nhác thấy chúng tôi đến nổ máy, rồ ga như thúc giục.
Chiếc xe Innova chuyển bánh về sở chỉ huy đơn vị. Ngồi trên xe, sau dăm ba câu chuyện tầm phào, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh của Hiếng.
Với dáng vóc không to cao, nhưng thân hình rắn chắc khỏe mạnh, ẩn sau sự hiền lành, ít nói của Hiếng là một sự gan dạ, dũng cảm. Tôi nhớ trong một dịp dự hội nghị tổng kết công tác năm về phối hợp đóng quân canh phòng Cụm xã Hoành Mô và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Bên lề hội nghị, đồng chí chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu vỗ vai hỏi tôi:
- Ông có biết tại sao cậu Hiếng khi lên bục phát biểu tay trái co co như thế không?
Tôi ngơ ngác chưa biết trả lời thế nào thì đồng chí Bế Sơn, Trưởng công an xã Hoành Mô đó nhanh nhảu:
- Khổ, bao nhiêu lần bắt bọn buôn lậu không việc gì. Gần sáng nay lực lượng dân quân và công an của xã phối hợp với bộ đội biên phòng phục kích bắt bọn buôn lậu pháo nổ qua biên giới, chúng ngoan cố chống trả, khi bị chúng dùng kiếm chém vào tay nhưng đồng chí Hiếng vẫn đuổi theo và bắt gọn...
Càng nghĩ về Hiếng trong lòng tôi càng dâng lên những cảm xúc khó tả. Những việc làm rất đỗi bình thường của Hiếng, nhưng đối với bà con ở đây có ý nghĩa biết chừng nào. Có phải chăng trong Hiếng là tình yêu thương đối với bà con dân bản? Có phải chăng Hiếng muốn bản làng quê hương mình đổi thay không còn đói nghèo, lạc hậu, đồng bào đoàn kết chung sức chung lòng giữ vững biên cương? Có phải chăng...
Bỗng nghe như Tào, Trợ lý tham mưu hỏi bên tai:
- Thủ trưởng có làm sao không? Em thấy từ lúc xe chạy đến giờ thủ trưởng hơi khác?
- Mình không sao! - Tôi lại trả lời như thể cho xong.
Con đường vòng vèo lên xuống qua những sườn đồi tối thẫm. Dưới ánh đèn pha, từng mảng rừng quế thoắt ẩn, thoắt hiện. Bất chợt tôi liên tưởng Hiếng vẫn cần mẫn như con ong nhả mật, lặng thầm và kiêu hãnh như cây quế đang vươn mình thẳng đứng trên vách đá. Và đằng sau vỏ quế sù sì, thô nhám kia là hương thơm kỳ diệu đến nao lòng.
Vậy mà tôi, cấp trên của Hiếng, vẫn còn những việc chưa làm được như Hiếng. Tại sao vậy? Tôi cảm thấy mình như mắc nợ với bà con các dân tộc ở đây!