Đã bao năm, vẫn không làm phai nhòa hình ảnh của anh trong Hạ Vi. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ cái lần đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn “định mệnh” ấy, nó đã làm con tim Hạ Vi tan chảy. Để rồi cứ mỗi mùa hoa sữa về, nỗi nhớ về anh càng quay quắt, sâu thẳm, cồn cào, ngày găm sâu hơn vào trái tim một người phụ nữ tận trời Nam mà sinh ra ở đất Bắc.
Ra trường Hạ Vi làm việc tại một tờ báo có tên tuổi ở Thủ đô, phần lớn thời gian Hạ Vi cũng chỉ dành cho công việc và nghiên cứu, học tập. Hình như Hạ Vi chưa có chút gì nghĩ đến việc lấy chồng thì phải? Nhiều lúc mẹ cô sốt ruột: “Cây lúa có thì… Con gái có tuổi, không nghĩ đến chuyện chồng con gì à... Để lỡ thì thì ai nó lấy…”. Những lúc mẹ cô như thế cậu em trai của Hạ Vi cũng đế thêm: “Quả bom nổ chậm trong nhà… uỳnh… uỳnh... nó mà nổ thì toi luôn cả cái biệt thự này… Chuẩn bị uỳnh… uỳnh đến nơi rồi mẹ ơi”. Lần nào thấy mẹ và em nhắc đến chuyện này bố cô gọn lỏn, lặp đi lặp lại: “Con gái thế kỷ hai mốt… bà lo gì”. Được bố là “đồng minh” Hạ Vi như mở cờ trong bụng: “Chỉ có bố là hiểu con! Bố quá tuyệt đấy ạ. Cả nhà yên tâm con không làm bà cô đâu…”.
Ngày còn học Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hạ Vi cũng chỉ lao đầu vào học tập. Mấy đứa bạn cùng phòng ở ký túc xá đứa nào đứa ấy đều có bạn trai, thi thoảng chúng rủ nhau đi chơi. Còn Hạ Vi thời gian rảnh rỗi cô chỉ dành cho sách, cho những cuốn tiểu thuyết hàng nghìn trang, nhiều lần các bạn rủ cô không đi chơi, mấy đứa bạn cùng là sinh viên cứ hay bông đùa: “Thầy cúng Hạ Vi”, không đi chơi thì vừa đọc kinh, vừa ở nhà trông ma nhé.
Đối với Hạ Vi cô không phải hương trời sắc nước gì! Nhưng với chiều cao gần một mét bảy mươi, số đo và kiến thức xã hội đã giúp cô mấy lần tham gia cuộc thi “Sinh viên thanh lịch” ở trường và tham gia thi giữa các trường đại học phía Bắc Hạ Vi đều đoạt giải Nhì, giải Ba gì đó. Ngay khi còn ở trường đại học, hay đã ra trường đi làm dù có bị ai cố tình trêu tức thế nào, thì thường trực trên môi của cô là nụ cười tỏa nắng, làm biết bao chàng trai say đắm, muốn tìm cách tiếp cận tán tỉnh, nhưng họ đều nhận được từ Hạ Vi câu trả lời: “Thày bói nói em còn lâu mới đứng số lấy chồng… các anh thông cảm nhé...”. Và kèm theo vẫn là nụ cười tỏa nắng: “Thực sự mong các anh thông cảm, chứ em chẳng có gì mà làm cao đâu ạ...”. Nói vậy thôi, nhưng chỉ có bố Hạ Vi là hiểu cô, hiểu cái tâm ý của cô con gái mà ông yêu thương từ nhỏ. Bởi Hạ Vi giống bố về cả suy nghĩ và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bố Hạ Vi biết cô muốn dành thời gian để học tập thêm văn bằng hai đại học trước khi lấy chồng, vì sau này con cái vào rồi khó mà học được tốt, mà thời buổi ngày nay không có kiến thức tồn tại và làm việc cũng khó khăn. Vì vậy, Hạ Vi luôn được bố cổ vũ và ủng hộ để cô thực hiện ước mơ.
Chuyện yêu và chuyện chồng con của Hạ Vi là vậy đấy! Nhưng chuyện mà khi nó đến, thì nó lại khác nhiều quá. Khác đến khi sau này chính Hạ Vi cũng không tin nổi là cái gì đã làm cô bị tiếng sét ái tình khi gặp anh. Nhìn anh không cao hơn cô, nhưng khuôn mặt đẹp, sự chững chạc của người con trai từng trải, đôi mắt to đen hút hồn Hạ Vi ngay từ buổi đầu về tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn về đề tài “Chiến tranh và cách mạng” do cấp Bộ tổ chức. Cô không thể nào quên cái ngày hôm đó, sau buổi khai mạc lớp bồi dưỡng, khi bước xuống bậc thềm của hội trường lớn, hình như anh vô tình thì phải, anh đã làm chiếc ví da nhỏ của cô rơi xuống bậc thềm. “Xin lỗi tôi vô ý quá…”. Vừa nói anh vừa cúi nhặt đưa lại chiếc ví cho cô. Luýnh quýnh, mặt đỏ tía tai, anh giẫm vào vạt áo dài của cô, làm cô ngã. Lúc đó mọi người xúm lại. Anh ôm ngang ngực đỡ cô dậy. Cũng may bậc thềm thấp, dù vậy do cô lấy tay chống xuống nên đã trầy nhẹ da. Hạ Vi đỏ ửng mặt, tim cô đập mạnh, hình như con tim cô chưa bao giờ như thế. Không biết vô tình hay hữu ý anh này đỡ mình như vậy? - Nhìn vẻ mặt anh như một đứa trẻ mắc lỗi trước người lớn, Hạ Vi đoán ra được động tác đỡ vô tình của anh khi cô ngã thì phải: “Thôi. Không sao đâu anh”. Anh lại luýnh quýnh: “Tôi xin lỗi cô” rồi bước nhanh về phòng nghỉ. Hình như anh cũng không kịp để ý gì sau mấy câu đùa của đồng nghiệp: “Anh gì ơi quay lại đền người ta… đi… Đau ra sữa rồi… hì… hì”.
Những ngày tập huấn sau đó không biết lý do gì mà hình như anh tránh mặt Hạ Vi. Lúc cô ngồi hàng ghế đầu thì anh ngồi hàng ghế cuối, khi cô cố tình ngồi hàng ghế cuối, kiểu gì anh cũng tìm cách lên hàng ghế đầu ngồi. Bực thật! Đàn ông đàn ang gì mà thế nhỉ? Nhiều chàng trai trước đây thì tạo ra không biết bao nhiêu cớ để gần Hạ Vi, những cớ do các chàng tạo ra được tính toán, sắp đặt kỹ đến từng chi tiết. Nhưng các chàng đều nhầm nhé, vì cô rất mê đọc truyện, nhất là những tình huống có những chi tiết tương tự như các chàng tạo ra, chính vì vậy mà không làm cho trái tim cô xao xuyến. Hành động của anh thì làm cho Hạ Vi giần giận, nhưng làm cho con tim cô đập đến lạ thường. Đối với mọi người, thời gian tập huấn với anh đã làm cho nhiều người thú vị đến tò mò, chứ không riêng gì Hạ Vi.
Tuần đầu là nghe và nghiên cứu hướng dẫn nghiệp vụ sáng tác văn học. Đến tuần thứ hai các học viên thực hành sáng tác, ngay buổi đầu của tuần thứ hai anh đã có tác phẩm đầu tay báo cáo trước cả lớp theo quy định của giảng viên lớp học. Hôm ấy, anh say sưa báo cáo tác phẩm của mình bằng chính giọng đọc của anh, làm cho các nhân vật trong tác phẩm như đang ở trước mặt mọi người và làm cho mọi người như say đắm trong thiên nhiên hoang dã, bản sắc văn hóa vùng biên viễn xa xôi, nơi anh đang công tác. Khi anh vừa kết thúc báo cáo tác phẩm là tràng pháo tay giòn giã của cả lớp. Tiếp đó thầy giảng viên của lớp hỏi ngay: “Đồng chí đã học hay được tập huấn lớp viết văn nào chưa?”. Anh làm một mạch: “Kính thưa giảng viên! Em học hết lớp bảy, đi bộ đội học bổ túc văn hóa, là sĩ quan quân sự, hiện là trợ lý tác chiến ạ!”. Ồ… ồ... Tiếng vỗ tay của cả lớp vừa dứt - Anh lại tiếp lời: “Dạ. Bố mẹ em là giai cấp nông dân, vợ không phải là nhà văn ạ!”. Tiếng vỗ tay kéo dài hơn. Hình như đâu đây cũng có người nói vui: “Ông này hâm… hi… hi”.
“Thôi đồng chí ngồi xuống! Tôi có hỏi nhiều thế đâu?”. Thầy giảng viên bước lại gần vỗ nhẹ vào vai anh: “Rất tuyệt… rất tuyệt…”.
Buổi báo cáo tác phẩm thứ hai của cả lớp, anh là người báo cáo cuối cùng. Cả lớp im phăng phắc. Hạ Vi nhìn xung quanh hầu hết các học viên nữ, số đông học viên nam đôi mắt đỏ hoe từ lúc nào? Không biết có phải mọi người đang cảm thương nhân vật trong truyện ngắn do anh sáng tác không nhỉ? Nhân vật trong truyện ngắn do anh viết là một chàng trai giàu nghị lực, ngay từ thủa thiếu thời đã phải mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc. Ấy vậy mà nhân vật chia sẻ một phần cá, phần tôm cho nhiều người khốn khó hơn gia đình mình; nhất là chia sẻ giúp đỡ cho người thương binh sống một mình không còn vợ, không có con. Chính nhân vật đã vượt khó để trở thành một sĩ quan quân đội, anh cũng đã thực hiện được di nguyện của người thương binh không máu mủ, ruột rà ấy là tìm và giúp đỡ cô con gái của đồng đội ông, sau này cô gái ấy trở thành vợ của nhân vật…
“Thôi đồng chí trình bày thế đủ rồi. Truyện ngắn của đồng chí rất có hồn, nhiều chi tiết trong truyện có trong đời thực. Văn là người - Người là văn… đồng chí cần hư cấu thêm một số chi tiết… để sinh động hơn”. Lời của thầy giảng viên làm cho ai cũng nuối tiếc muốn nghe hết câu chuyện.
Sau những lần báo cáo kết quả sáng tác tại lớp, nhiều đồng nghiệp tìm đến anh nhiều hơn. Hình như các bạn muốn hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp tuy chưa phải là thành tựu lớn gì, nhưng đối với anh là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Họ ngày càng yêu mến anh, khâm phục anh.
Còn Hạ Vi vốn là một người tò mò, mà cô tò mò đến bí mật. Cô nhờ bạn bè tìm hiểu về anh. Cô xin số điện thoại của anh, chủ động nhắn tin cho anh, cô nhận lại từ nơi anh là những tin nhắn vu vơ, “ngớ ngẩn” có lúc làm cho cô bực mình. Nhưng không biết điều gì làm cho cô không bực được anh lâu, càng nhắn tin cho anh, cô càng khám phá ra anh “Người là văn - Văn là người”. Khi kết thúc “đợt nhắn tin ban đêm”, cô nhắn cho anh: “Em tạm biệt người rừng… chúc người rừng ngủ ngon”. Rồi nhận lại câu trả lời nhắn tin gọn lỏn: “Bai… bai… em”. Những lúc nhận tin như thế cô làm sao không bực anh, tự cô thốt ra: “Đàn ông, đàn ang gì mà không có tí chút ga lăng?”. Bực thì bực vậy thôi chứ nhiều lúc Hạ Vi cười một mình vì cách viết tin tiếng Anh để tạm biệt của anh cho cô. Không phải anh không biết tiếng Anh, hôm vừa rồi đi thâm nhập thực tế để sáng tác, không biết xui khiến thế nào cô được phân công đi cùng nhóm do anh làm trưởng, khi đến khu nghỉ dưỡng Đại Lải, anh giao tiếp với mấy người nước ngoài bằng tiếng Anh, làm cho mấy người đó ngưỡng mộ cách phát âm chuẩn và còn hiểu cả về nền văn hóa nước họ của anh.
Vèo một cái đã gần hết ba tháng tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác văn học. Giá như lớp này kéo dài thêm một chút nữa có phải tốt không. Buồn cười thật, cô cứ nghĩ lung tung. Nhưng không biết từ lúc nào, cô không muốn xa anh. Ồ... Cô là gì của anh nhỉ? Cô yêu anh chăng? Yêu thì đã sao. Kệ! Để trái tim mình mách bảo…? Rồi sau khi kết thúc tập huấn, trên đường về cùng xe, trời cũng chập choạng tối, cô tìm đủ lời lẽ mời anh về nhà: “Giờ muộn anh lang thang ngủ ở ngoài làm gì. Về nhà em sáng mai anh đón xe ra đơn vị là tiện nhất, cách nhà em gần hai trăm mét là có bến xe!”, rồi anh cũng nhận lời trước sự nhiệt tình của cô, nhưng có vẻ hơi miễn cưỡng. Cô mừng, vì tuy chưa có gì nhưng trái tim cô không muốn xa anh, phần nữa nhân cơ hội này “mập mờ đánh lận con đen” để thực hiện kế hoãn binh với gia đình về chuyện chồng con. Cô dự định sau bữa cơm tối, cô dẫn anh đi đón hương hoa sữa nơi Hà thành. Ấy vậy mà bố và cậu em trai cô thi nhau chúc rượu anh, họ chắc mẩm sắp gỡ được “quả bom nổ chậm”, nên bữa cơm đó hết chai rượu Tây hạng “nặng đô” mà đồng nghiệp cho bố cô, bao nhiêu khách đến ông không uống, hôm nay tự tay bố cô lấy ra mời khách. Vừa ăn cơm xong anh đã nói với bố cô, hình như anh chếnh choáng hơi men thì phải: “Cháu xin phép đi ngủ. Sáng mai cháu về đơn vị sớm. Cháu cảm ơn… Chào hai bác và gia đình trước ạ… cháu sẽ lên thăm gia đình vào ngày gần nhất”. Cả nhà cô ngỡ ngàng… nhưng hình như họ đang “mở cờ trong bụng” với cách nói của anh “Con sẽ lên thăm gia đình vào ngày gần nhất”.
Đêm cuối thu trời se lạnh. Trên tầng ba, cửa phòng anh và cửa phòng cô đối diện nhau. Cô lướt facebook, rồi trằn trọc mãi cũng không sao ngủ được. Nghĩ đến anh hôm nay không cùng cô đi chơi. Cô tiếc. Tiếc cơ hội đưa anh đi thăm Hà thành về đêm. Mà người gì uống tí đã say lử say lừ… Chắc giờ ngủ có xẻo tai không biết… Cô cứ vu vơ hết chuyện tìm hiểu về đời anh, chuyện viết văn của anh, rồi câu nói: “Văn là người, người là văn” của thầy giảng viên cứ chập chờn bên cô.
Hạ Vi bật dậy khẽ mở cửa. Nhìn sang phòng anh cửa lại khép hờ, chắc hôm qua say rượu nên không cài then, gió đẩy ra thì phải? Cô nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào phòng. Anh vẫn ngủ ngon lành, cô nhặt chiếc chăn mỏng rơi xuống nền nhà đắp cho anh. Đứng ngắm anh… bất chợt Hạ Vi đưa tay lên ôm trước ngực, đủ che phần trái cấm, hình ảnh anh vụng về của anh đỡ cô khi bị ngã hôm đầu tiên khai mạc lớp bồi dưỡng sáng tác văn học ấy ùa về, làm cho trái tim cô muốn tan chảy vào anh. Kệ! Chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ nhiều, cô không muốn xa anh, cô nhẹ nhàng nằm xuống bên anh. Anh vẫn ngủ… ngực cô căng tức… nước lũ trong cô tràn về… Cô ôm chặt lấy anh. Hơi thở gấp gáp.
- Không, không… Anh xin lỗi. Là anh say rượu quá - Nhìn anh thảng thốt.
- Anh không có lỗi gì! Là em sang phòng anh đắp chăn cho anh, em sợ chăn lại rơi làm anh cảm lạnh, nên em nằm đây… - Cô ngượng nghịu nhưng vẫn ôm chặt anh. Hơi thở cô gấp đều, to hơn - Em yêu anh… Hãy để em nuôi con một mình cho anh, em không đòi hỏi anh điều gì, không làm ảnh hưởng tới gia đình của anh…
- Hạ Vi không được đâu! Cũng có lúc anh đã có ý nghĩ không tốt… Anh đã có gia đình riêng. Chúng ta không thể… Anh không thể lợi dụng lòng tốt của em.
Anh đẩy cô ra. Anh luyến tiếc điều gì đó là chắc chắn, khi anh vùng khỏi giường và mặc quần áo… Cô ôm mặt, những giọt lệ trên khóe mắt không có gì ngăn lại được…
Hơn bốn giờ sáng. Trời se lạnh. Sương cuối thu giờ này như rơi đậm hơn, hình như nó làm cho hương hoa sữa ghim lại không còn tỏa hương, nó cũng làm từng tán lá dọc theo con phố trĩu xuống. Cô mở cửa, mắt nhòa lệ nhìn bóng anh mờ dần theo hàng cây ven phố ra bến xe cách nhà cô gần hai trăm mét… Cô vẫn biết mình sai nhưng ước gì cô có được anh… Cô chỉ cần “điều ấy” và không bao giờ làm phiền đến anh!
Hạ Vi xin nghỉ phép, ngay sau cái đêm anh rời Hà thành. Những ngày sau đó cô như con chim tả tơi sau bão. Cô quyết định xin chuyển công tác vào chi nhánh tòa soạn phía Nam của tờ báo nơi cô công tác. Thời gian, và chỉ có thời gian mới là phương thuốc hữu hiệu nhất để trị lành vết thương trong lòng Hạ Vi. Nhưng không phải như vậy! Nỗi nhớ về anh, về hương hoa sữa nơi Hà thành cứ làm tình làm tội cô. Nhưng cô không thể không lên xe hoa với nhiều lý do khác nhau, rồi ngày ấy đã đến với cô. Dù bước lên xe hoa với một chàng sĩ quan của một đơn vị quân đội, cô vẫn nhớ về anh, nhớ hương hoa sữa phảng phất đâu đây. Giờ cô đã có một con trai, một con gái, các con cô ngoan và học giỏi. Chồng cô luôn chăm sóc, yêu thương vợ và các con. Cuộc sống của vợ chồng cô cũng khá giả nhưng ít khi cô về Bắc. Có phải vì cái đêm cuối thu đó đã làm cô vừa yêu vừa giận anh không? Nhưng cứ mùa hoa sữa về lại phả vào trái tim cô nỗi nhớ về anh, nỗi nhớ ấy nó còn hiển hiện mà chính cô cũng chưa cắt nghĩa được… Bởi đứa con gái của cô càng lớn càng giống anh như đúc, từ khuôn mặt, dáng đi, phong cách viết văn… có khác gì anh đâu? Càng nhìn đứa con gái, cô lại muốn bay về phương Bắc, nơi vùng biên viễn ấy để giăng mắc, cài cắm vào trái tim anh những khát khao cháy bỏng của cô với anh... Nhưng ý nghĩ tội lỗi ấy chồng cô có biết không? Bao giờ chấm dứt được đây? Cô chạy trốn ý nghĩ bao năm nay mà có được đâu… chạy kiểu gì!
Đêm đầu đông phương Nam, trăng lúc mờ, lúc tỏ. Chồng Hạ Vi kéo nhẹ chăn đắp lên người cô, nhẹ nhàng ôm vợ. Bất giác cô nghĩ đến cái đêm ở Hà thành cô đã đắp chăn cho anh… Rồi hình bóng anh ra bến xe trong đêm… những giọt nước mắt của cô cứ lăn dài trên gối… Cô lau nước mắt quay lại với chồng: “Anh không ngủ à?”. Cô bật khóc thành tiếng. “Em xin lỗi anh. Em muốn nói chuyện với anh về con gái lớn”. Chồng Hạ Vi giơ tay bịt nhẹ miệng cô: “Em không cần nói gì hết. Anh vô tình biết chuyện đó từ khi em với mẹ em nói chuyện với nhau về tình yêu đơn phương của em”. Anh tôn trọng quá khứ đã qua của em và khâm phục anh chàng kia. Em lấy anh hơn hai năm mới sinh con gái chúng ta, lần nào về ngoài Bắc cũng không rời anh một bước. Nhưng quan trọng nhất là anh tin em, tình yêu không có niềm tin thì sao tồn tại được… Ngủ đi em”.
Im lặng.
Cô chìm vào giấc ngủ ngon lành trong vòng tay của chồng.