Từ ngày nghỉ hưu, sáng chủ nhật nào bà Nga cũng dậy sớm ra chợ đầu phố, lựa mấy thứ về để tự tay nấu món ăn mà mấy đứa cháu nội ở cùng với ông bà thích ăn. Chả là ngày thường các cháu của bà đều vội đi học sớm, nên phải ăn nhanh ở quán. Cả con lẫn cháu ai cũng bảo bà làm vậy vất vả. Nhưng bà không đồng ý, bà bảo: “Bà làm vậy lại thấy vui thêm, khỏe thêm, cứ để cho bà làm”.
Những ngày nghỉ bà Nga vui lắm, vì được quây quần bên con cháu. Nhưng có lẽ bà Nga vui nhất là đứa cháu gái thứ hai của con trai cả, lúc nào cũng quẩn quanh vui chuyện cùng bà, nó hợp với bà từ khi còn nhỏ, mỗi khi nó khóc, mẹ nó cũng không dỗ nổi con nín, mà chỉ có bà Nga nựng là nó không khóc. Hình như nó thích nghe bà nội nó hát ru thì phải? Từ năm lên học cấp ba, ngày nghỉ nó chẳng mấy khi đi đâu chơi, chỉ quẩn quanh xem bà nội nấu ăn và nghe kể chuyện. Nó thích nhất chuyện về người vùng cao, nghe kể những ngày khi ông, bà nội còn công tác ở vùng cao biên giới. Mà phải nói bà Nga cũng có nhiều chuyện, nhiều vốn sống. Bà kể với cháu bao năm qua mà không hết chuyện.
Không riêng chỉ chiều lòng đứa cháu nội con của con trai cả, mà cứ ai hỏi về chuyện khi xưa bà cùng với chồng công tác trên miền ngược là bà tuôn nhiều cảm xúc lắm. Bà kể chuyện đời bà, đời ông, đời người, kể trong nước mắt và trong tiếng cười đôn hậu của người phụ nữ vùng cao, bà kể tự hào với con cháu khi xưa bà cùng chồng mình trải qua bao đắng cay, ngọt bùi nơi vùng biên viễn ấy.
Thời chưa lấy chồng, so với trang lứa sinh ra cùng thời bà là gái “ế” trong bản, không phải bà “kén cá chọn canh”, hay không có ai dạm hỏi, thời đó bà đẹp lắm, đôi mắt bồ câu, mái tóc dài đen, làn da trắng, nhìn bà Nga thời đó căng tràn của cô thiếu nữ vùng sơn cước, là người có giọng hát hay, là cô gái ham học hỏi, chịu khó lao động. Bà Nga làm cho bao chàng trai trong và ngoài bản si mê... Thế mà bà chưa đồng ý lấy một ai. Bà nói với bố mẹ bà: “Con phải gắng học, gắng đem cái chữ về bản làng mình mới được…”. Vậy là bà đã thi đỗ và học trường sư phạm. Học xong bà về huyện nhà công tác.
Bà nhớ lắm, nhớ cái buổi chiều mưa như quất vào mặt, gió như muốn hất tung mọi thứ trên mặt đất. Chiếc áo mưa mỏng của bà bị cơn gió xé toạc. Bỗng có anh bộ đội cởi chiếc áo mưa trên người đưa cho bà: “Cô khoác vào đi, cảm lạnh bây giờ, cô vào để bộ đội chúng tôi chống bão ngoài này được rồi… Vào đi không nguy hiểm lắm”. Bà chưa kịp nói điều gì, anh bộ đội đã tự khoác chiếc áo mưa quân nhu lên người bà. Bà ú ớ chưa kịp nói lời cảm ơn, anh bộ đội đã lao đi cùng đồng đội chằng giữ mái tôn của trường học cho gió khỏi bật lên. Cũng chính cái buổi chiều mưa định mệnh đó để bà quen ông, hiểu về hoàn cảnh ông, là bạn tâm giao với ông và bà yêu ông lúc nào không biết. Đám cưới của ông và bà diễn ra ngay trong doanh trại của bộ đội. Lấy ông khi đó bà đã hai mươi sáu tuổi, ngày cưới bà như bông hoa rừng khoe sắc, đứng bên một anh bộ đội dáng vẻ phong trần chững chạc, nhưng thật thà, chất phác, ai đến dự cưới cũng mừng cho mối lương duyên như số trời đã sắp đặt… Cứ mỗi lần nhớ chuyện khi mới lấy ông, mắt bà ngấn lệ. Bởi khi lấy ông cả hai đều đôi bàn tay trắng, hai bên gia đình nghèo khó, và ông đã trải qua một đời vợ, có cậu con riêng. Ông phải ngược xuôi vay mượn bạn bè để sửa lại gian nhà tập thể của cơ quan cho ông mượn, gian nhà đó vẻn vẹn chỉ có hơn mười bảy mét vuông. Vậy mà gian nhà ấy bà đã ở bao năm để nuôi dạy hai đứa con một trai, một gái, gian nhà đó cũng chứng kiến biết bao vui, buồn, in đậm lo toan… Khi bà sinh hạ cô con gái thứ hai, thì ông cứ đi công tác biền biệt, đồng lương ông khi đó chỉ đủ để ông chi tiêu, dè sẻn lắm cũng chỉ còn lại đôi chút đưa cho bà. Một mình bà “trăm dâu đổ đầu tằm”, tiền sữa cho cô con gái thứ hai, tiền đóng học phí cho cậu con trai cả, tiền gửi về quê phụ giúp bố mẹ chồng đã già yếu và bao nhiêu khoản chi khác nữa, trong khi đó đồng lương giáo viên eo hẹp. Đêm đến khi các con đã ngủ, tập giáo án đã xong, bà vò võ thêu tranh thuê, cạo vỏ quế, thái măng và bóc lạc thuê cho quán ăn… để có thêm thu nhập, trang trải chi tiêu. Lấy chồng được mấy năm mà cái tuổi hơn ba mươi của bà bị công việc, gia đình cuốn đi lúc nào không hay.
Vất vả là vậy, khó khăn bao nhiêu bà chỉ thấy mệt, nhưng không buồn. Bà chỉ buồn, nỗi buồn đó bà không cởi lòng với ai được. Người ta nói miệng thiên hạ còn đỡ, đây lại từ những suy nghĩ không thấu đáo từ chính một số người ruột thịt bên gia đình chồng, chỉ vì tính bà rất thẳng thật nên một số anh chị em cũng không ưa, nhất là vợ chồng cô em gái thứ hai lúc nào cũng cái giọng đạo đức giả, chỉ giỏi thêu dệt, cay nghiệt, làm cho nhiều người bên ngoài hiểu lầm về bà Nga. Cho là bà sống cay nghiệt với con cái, thậm chí còn ác với con, nhất là đối xử với cậu con trai cả không ra gì. Không những thế mọi chuyện còn được cô em gái thứ hai của chồng thêu dệt như thật, nào là lúc ông đi học bà thất tiết với chồng. Cô ta hay nói đổng, ý nói bà Nga: “Cái loại sống thất lễ với gia đình chồng, loại mất dạy, con dâu thì khác máu tanh lòng...”. Những điều đó ai từ một huyện miền núi cách xa quê chồng gần ba trăm kilômét về mà tìm hiểu… Bà Nga đau lắm! Bà không dám nói với chồng, sợ ông suy nghĩ ảnh hưởng tới công việc. Những điều đó chồng bà vẫn biết! Ông hiểu và tin bà không phải là người như vậy. Chính vì vậy mà bà cảm thấy còn động lực an ủi và cố gắng trong cuộc sống.
Thật ra bà Nga cũng là người nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái, nhất là đối với cậu con trai cả. Từ khi học lớp một, lớp hai. Cậu con trai cả của ông bà cũng hiếu động, đã không chăm học, lại hay đánh lộn với bạn bè. Tuần nào trong sổ liên lạc với gia đình, cô giáo chủ nhiệm phê phần khuyết điểm nhiều hơn phần ưu điểm, mấy lần cậu đòi bỏ học, bà Nga cũng phải tìm mọi cách cho cậu trở lại lớp. Năm tháng trôi qua, cậu cả cũng học xong phổ thông trung học. Rồi bà định hướng cho cậu đi làm. Bà là người thở phào nhẽ nhõm phần nào khi dựng vợ cho cậu cả. Bà Nga cũng lần lượt đón hai đứa cháu nội chào đời, cũng như chăm chúng từ khi lọt lòng đến giờ cả hai đứa đều gần học xong trung học phổ thông.
Cậu con trai cả của ông bà nghịch là vậy, nhưng được cái chưa bao giờ hỗn láo với bố mẹ. Ngày còn nhỏ hoặc chưa lấy vợ có chuyện gì không dám nói với bố, cậu ta cũng quẩn quanh bên bà một hồi: “Mẹ ơi, mẹ nói với bố giúp con… con sợ bố mắng…”, giờ có vợ rồi cậu cũng thế, thi thoảng vẫn: “Mẹ ơi con muốn ăn món… mẹ nấu”. Từ ngày bà Nga về hưu, vợ chồng cậu cả đi đâu cũng không quên mua quà cho bà. Món quà mua giá trị không lớn, nhưng làm cho bà vui thực sự, vui vì đứa con bà chịu đựng bao vất vả để nuôi dạy, giờ nó cũng biết hiếu kính với bà. Cả một đời tuổi trẻ đã đi qua, cho đến giờ mái tóc bà Nga đã bạc trắng, cứ tuần nào bà cũng mong ngày chủ nhật, bởi chỉ có ngày nghỉ đó, cả nhà bà mới đông đủ và đầy ắp tiếng cười. Bà mãn nguyện lắm, nhìn hai đứa cháu nội, càng lớn càng giống ông từ hình dáng, cả ý chí, nghị lực trong học tập và cả ước mơ của chúng nữa, giống cả cái tính gọn sạch như ông nội nó, hình như chúng cũng thương bà, cứ ngày nghỉ cả hai cháu nội cũng luôn chân luôn tay dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chẳng để bà phải động tay. Cô con dâu cũng ít nói giống như bà, nhưng được cái lễ phép, chu đáo, khéo tay, nếu ai tiếp xúc mới gặp hai mẹ con bà, nhìn bà với con dâu như hai mẹ con ruột, chứ không ai bảo đó là mẹ chồng nàng dâu.
Dù mới về khu phố sinh sống được hơn chục năm, nhưng mọi chuyện của cậu con trai cả của ông bà cũng chẳng giấu được ai. Bởi ai cũng biết, chuyện riêng tư của gia đình bà Nga. Nghe nói lúc đó chồng bà nghèo lắm, lại đi biền biệt. Sau cái trận mưa gió như quất vào mặt ấy, lúc đầu bà chỉ quý mến ông, là bạn với ông, dần thấy ông là người chất phác thật thà, giàu nghị lực, có chí tiến thủ, bà đã yêu và lấy ông. Ngoài đứng trên bục giảng, bà đã dành cả tâm huyết nuôi dạy con. Bù lại ông cũng yêu bà, các con rất quý trọng bà. Cô con gái của ông bà cũng trưởng thành, là một luật sư ở đâu mãi tận Hà Nội. Vợ chồng cậu con trai cả tuy không công chức gì, nhưng được cái làm ăn chân chính cũng thuộc vào dạng khấm khá ở thành phố Hạ Long, càng lớn tuổi càng hiếu lễ vẹn toàn với ông bà và gia đình.
Hình như tấm lòng đức độ, nhân hậu của bà Nga cũng thấu tận trời xanh, ông trời cũng như phù hộ cho bà. Giờ đây bà Nga đã gần tám mươi tuổi, bà vẫn khỏe, đôi mắt vẫn sáng, bà minh mẫn lắm. Bà Nga chỉ mong sao mình được khỏe để còn được dựng vợ gả chồng cho cháu nội, cháu ngoại, được chăm lo cho con cháu của bà. Với mọi người, nhất là trong lòng cậu con trai cả của ông bà, thi thoảng mọi người vẫn nhắc về chuyện gia đình bà Nga.
Đúng thật, bây giờ bánh đúc... có xương.