Bầu cử khu phố, hắn không trúng cử chức trưởng khu nên bực lắm, ấm ức lắm. Nhưng hắn cũng tự an ủi: “Dẫu sao mình vẫn là cán bộ…”, chả là sau một hồi định hướng của cấp trên, hắn mới trúng cử chức phó trưởng khu phố. Cái chức này ở cái thị trấn vùng biên ải cũng làm cho hắn mở mày mở mặt với vợ con, bố mẹ ở tận dưới quê. Nhưng điều quan trọng hắn luôn nghĩ là công sức của mình lâu nay còn vớt vát được tí, không đổ hết xuống sông xuống biển. Hắn tự nhủ đây là cơ hội để bước lên cao hơn ở nhiệm kỳ sau.
Hắn sinh ra ở vùng chiêm trũng, vùng quê rặt là nông nghiệp. Nhà hắn cũng cảnh nghèo đói quanh năm. Đất nước đổi mới bao năm, không hiểu kiểu gì mà ở những năm cuối của thế kỷ hai mươi, mà nhà hắn vẫn phải đi vay nợ lãi để ăn, nói gì đến xây cái nhà tử tế để ở. Phải thừa nhận hắn cũng là người có ý chí. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, hắn lấy vợ rồi ra ở ra ở riêng. Mấy năm đầu hắn cũng chịu khó tính toán, làm ăn lắm, nhưng số phận, cứ hết mùa là gần hết thóc, tiền cũng chẳng có, nhiều lúc hắn định buông xuôi phó mặc cho tất cả.
Hắn nhớ mãi cái đêm hạ ấy, bụi tre già ngay đầu ngõ bị gió vặn vẹo vù vù, kèn kẹt, rồi trời mưa xối xả. Hắn vừa lấy áo mưa ra căng lên đỉnh màn, vừa lẩm bẩm: “Cuộc đời như bãi phân trâu… ông trời mưa với chả gió”. Vợ con hắn thì thu lu trong góc giường, cái đèn hết dầu hỏa, cái ắc quy mắc vào cái đèn pin thường ngày hắn đi soi ếch cứ đỏ dần, đứa con gái sợ tối khóc rú lên. Hắn quát: “Khóc lóc cái gì… tao cho mẹ con mày ra sân giờ…”, con gái hắn co rúm vào lòng vợ im bặt. Gió càng lúc càng to, cái cửa nhà cứ bập bùng theo, nước tràn vào nhà. Hắn lò dò buộc lại cái cửa chính, không may trượt chân ngã nhẹ xuống nền nhà. Bực quá hắn chửi đổng: “Đã đen còn rậm lông”.
Tờ mờ sáng, trời không còn mưa, nhưng vẫn oi nồng, phía đông đặc quánh mây đen cứ ùn ùn kéo tới. Hắn oang oang: “Nhà với chả cửa… mình đầu thai nhầm nhà…”. Bố hắn đang quét sân ngay đấy, ông vất cái rễ bịch xuống sân: “Mày nói gì đấy thằng Đạc? Đẻ mày ra nuôi lớn dựng vợ xong giờ ăn nói thế à... Cút… mày cút khỏi cái nhà này”. Hắn như được đà: “Ông không phải thách tôi… Tôi sẽ đi khỏi cái nhà này, cho ông biết…”. Hiên vợ hắn không dám nói to, đang bế con trong nhà cũng đế vào: “Báu lắm đấy, đi thì đi”.
Lại nói về bố hắn, ông là một lão nông chi điền, tính tình cũng hiền hậu, cũng chịu khó làm ăn, nhưng đúng thật con người ta cứ không gặp may lại đổ cho số kiếp. Bố mẹ hắn bao năm nay không ngẩng đầu lên được, làm ăn chẳng phát tí nào. Nhưng ông bà cũng dồn hết tâm sức cho các con, nhất là vợ chồng hắn mới cưới nhau cũng được tạo điều kiện hết mức có thể. Chính bố hắn cũng không ngờ thằng con nói như thế, mà không những nói mà hắn làm thật.
Chỉ hai ngày sau hắn cùng vợ và con khăn gói ra đi. Mẹ hắn khóc hết nước mắt, bao người trong gia đình can ngăn nhưng hắn không chịu. Nghe nói nhờ ông anh họ dẫn dắt vợ chồng hắn ra cái thị trấn nào đó ở vùng biên giới. Ra đó hắn làm nghề cắt tóc, phải công bằng mà nói hắn cắt tóc đẹp, nên cũng đông khách, không những thế hắn lại có tài ăn nói, cũng tham gia nhiều phong trào ở khu phố đôi lúc cũng rôm rả ra phết. Vợ hắn có cái miệng chèo lẻo, khéo ăn khéo nói nên cũng dễ gần mọi người. Nhất là mấy cán bộ khu phố, cán bộ thị trấn và mấy người đã về hưu thích đáo để cái tài pha trò của hắn nên cũng năng ra cắt tóc. Qua tâm sự với mấy vị cán bộ ấy, hắn như mở cờ trong bụng. Hắn bảo với vợ: “Mẹ mày à, có khi mình cũng phải tìm cách làm tí cán bộ mới được…”. Hắn cười tít mắt, nhưng cũng bí hiểm thật? Vợ hắn cũng xuất thân từ con nhà nông, thấy chồng nói vậy, mỉa mai: “Ông đúng là đang mơ à? Gà què muốn làm phượng hoàng hả…?”. Nhưng vợ hắn cũng ngờ ngợ, dạo này chồng mình cũng thấy khang khác, thi thoảng lại đi ăn nhậu với mấy cán bộ khu phố và thị trấn, còn có cả mấy ông về hưu, ngày tần suất càng nhiều thêm, mấy tháng nay khách cắt tóc đông hơn trước, cộng thêm hắn làm thêm một số việc cũng kiếm tiền kha khá, nhưng chẳng bao giờ tâm sự với vợ là làm gì. Mà đúng thật, độ này hắn đưa cũng ít tiền hơn cho vợ. Nghĩ đến đây vợ hắn lại sôi máu lên vì mấy lần đi với mấy ông cán bộ ấy hát karaôkê đến tận khuya mới về, lại còn dính đầy phấn đỏ trên vai áo. Thôi kệ xác hắn, nói sao thì nói, làm gì thì làm, cứ về nhà là được. Thế rồi hắn trúng cử thật. Vợ hắn hể hả lắm, từ đấy vợ hắn nể chồng hẳn. Hắn có làm gì vợ lại càng kệ.
Tính vợ hắn là thế. Phải nói là vợ rất sợ hắn, bị đánh chửi cũng chỉ biết khóc, không dám nói với ai. Có những lúc hắn say khướt, mượn rượu chửi đổng cả khu phố, vợ hắn cũng bênh ra mặt: “Ông xã tôi lại say rồi… bà con thông cảm, công việc khu phố nhiều, dạo này lại phải tiếp khách xuống kiểm tra… Ông ấy say là vì tập thể thôi, có tiếp chân tình cấp trên mới thông cảm cho mấy điểm yếu của khu mình. Phải cố để cuối năm có cái cờ cái quạt bà con à…”. Thật ra mọi người biết thừa vợ hắn cả vú lấp miệng em là do chồng đàn đúm, chứ khách khứa gì, việc chung gì của khu phố đâu. Vợ hắn cũng chẳng kém gì chồng, hễ cứ ai không vừa ý là bóng gió, thêu dệt đủ mọi chuyện trên đời, với bất cứ ai, nhất là với mấy hộ gia đình gần nhà. Những lúc vợ hắn như thế chồng cũng tỏ ra là phái mạnh tung hứng bảo vệ vợ: “Cán bộ phụ nữ phải như thế, tinh thần thế là tốt, đấy là nhắc nhở, cách tuyên truyền khéo léo để chị em phụ nữ phòng tránh, rèn luyện phẩm chất người phụ nữ hiện đại…”. Chả là vợ hắn cũng được nâng đỡ nên cũng được làm đến đến chức chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố chứ chả chơi đâu. Những lúc như vậy, mấy hộ dân gần nhà hắn khóc dở mếu dở, cười ra nước mắt, chỉ biết bảo nhau về nhà đóng cửa chặt lại, bật volume ti vi to hơn chút.
Từ ngày vợ chồng hắn dắt díu nhau lên làm ăn ở cái thị trấn nhỏ này, chắc thu nhập cũng kha khá, hắn xây nhà khá to, sắm sửa nội thất đắt tiền, thay điện thoại xịn như thay áo, mọi sinh hoạt trong nhà cũng đổi thay thuộc vào hàng “anh chị” chứ chẳng tưởng. Nói đến hắn, không những ở thị trấn mà nhiều người trong huyện biết đến. Còn nữa từ ngày vợ chồng hắn làm cán bộ khu phố, nhà lại có thêm ô tô đẹp. Cũng có người khen vợ chồng hắn giỏi, nhưng cũng không ít người bàn tán xì xào. Hắn cũng biết những điều tiếng xì xào ấy. Hắn kệ, nhiều lúc hắn chửi đổng: “Toàn bọn ghen ăn tức ở… Làm gì được nào”. Mọi người biết nhưng cũng kệ, bởi ai cũng biết cái tính của vợ chồng hắn. Có xe ô tô thi thoảng hắn còn mời mấy vị đi sang cả huyện khác để chè chén, hưởng thụ hương đồng gió biển.
Hắn bảo với vợ: “Cô cũng phải ăn mặc, trang điểm cho nó đẹp vào chứ, làm việc chưa biết dở hay thế nào. Nhưng nhìn cán bộ mà cứ ăn mặc lôi thôi, nói ai người ta nghe”. Hắn liếc xéo vợ: “Cô nhìn tôi đây này, bộ vét xé mác chữ Trung Quốc đi, mặc vào bảo năm triệu đồng ai chẳng tin… Đấy cô thấy đấy, hôm đi thành phố tôi mua hơn trăm ngàn bạc đôi giày, đẹp mướt. Kể ra làm anh cán bộ cũng có cái sướng thế đấy, nói gì chẳng được. Cô là cán bộ phụ nữ cũng phải ăn mặc tươm tất vào chứ”.
Vợ hắn như được đà: “Anh nói đấy nhé, phó khu phố nói đấy nhé”. Y rằng hôm sau vợ hắn ra sốp ngay, mà còn xăm môi với tỉa lông mày nữa chứ. Với cái dáng cao chưa đến một mét rưỡi, đôi mắt đảo như bi, làn da bánh mật, qua trùng tu, nhìn vợ hắn đúng là “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Đấy là lời của mấy bà cùng phe đi chợ với vợ hắn. Mỗi khi vợ hắn cầm tờ giấy lên đánh vần khi sinh hoạt chi hội phụ nữ khu phố. Nhìn cũng sang trọng ra phết khi cả hai vợ chồng ngồi lên chiếc ô tô về quê, rồi ra chợ quê mua sắm không tiếc tay, vợ chồng hắn làm xôn xao cả một vùng quê nghèo, nơi hắn ra đi không một người đưa tiễn.
Hôm ấy, cả khu phố đã lên đèn, tiếng còi xe cảnh sát rú ầm ầm chạy đến cửa nhà hắn đỗ xịch, mọi người khu phố đổ ra nghiêng ngó. Hai vợ chồng hắn đon đả, tươi cười, ra mở cổng: “Mời các bác vào uống nước, có việc gì, có việc gì…”. Như thói quen hắn giục vợ: “Cô vào lấy cho tôi chai rượu Tây ra đây mời các bác… Hì… hì… mà cô sang quán ông Ban mua tôi mấy đĩa nhậu luôn đi…”. Mấy đồng chí công an mặc sắc phục tiến sát vào vợ chồng hắn: “Không cần, chúng tôi đang thi hành nhiệm vụ, đề nghị vợ chồng anh hợp tác với chúng tôi”. Sau khi công bố lệnh khám xét, sau một hồi lục soát, đồng chí cảnh sát nghiêm giọng: “Anh Đạt, chị Hiên đã bị bắt do tình nghi buôn bán hàng cấm và là chủ tổ chức lô đề, cá độ. Mời anh chị lên xe về trụ sở công an làm việc”. Vợ chồng hắn mặt biến sắc, khụy xuống không cất nổi một lời. Hắn đảo mắt nhìn qua đám đông nhưng không thấy mấy vị cán bộ mà vợ chồng hắn vẫn cung phụng đâu. Thực ra hắn chưa biết mấy vị cán bộ này bị ủy ban kiểm tra triệu tập để làm việc chiều nay… Hắn ngửa mặt lên trời, từ từ nhắm mắt lại: Thế là hết, thế là hết.
Chiếc còng số tám lạnh lẽo tra vào tay vợ chồng hắn. Khi cả hai lên xe phạm nhân vợ hắn nói với con trai: “Con ơi cố gắng học lên, đừng đi theo vết xe bố mẹ, nhớ về quê mà làm ăn, sinh sống lương thiện con nhé”. Chiếc xe phạm chở vợ chồng hắn rời khỏi khu phố, nhà nào lại về nhà ấy, họ cũng chẳng bàn tán gì thêm, như thể nhân dân khu phố đã biết mọi chuyện từ lâu. Hình như những bóng điện cao áp của khu phố hôm ấy sáng hơn, cơn mưa bất chợt rồi tạnh ngay vừa đủ làm cho đoạn đường sạch sẽ, như làm cho nơi đây lấy lại luồng sinh khí mới.