Mấy hôm rồi Tam cứ quẩn quanh bên chiếc Dream II vừa căng lại dây xích, thay dầu máy, kiểm tra lại từng ốc vít của xe, rồi đổ đầy bình xăng... Nghĩ đi nghĩ lại chẳng kiếm được việc gì phù hợp, vậy nên Tam quyết định đi làm nghề xe ôm.
Cuối thu. Mới hơn hai mươi giờ mà trời se lạnh. Tam khoác chiếc áo gió dài tay. Dắt chiếc xe Dream II ra khỏi nhà. Hôm nay là ngày đi làm đầu tiên, phải cố gắng có khách mở hàng để lấy may. Vừa đi, Tam vừa cầu mong may mắn đến với mình.
Đứng ở địa điểm nào đón khách nhỉ? Chân Cầu Bân chăng? Ồ không được! Mấy hôm rồi Tam thăm dò khu chân Cầu Bân ở đấy mấy tay anh chị có máu mặt đứng ra bảo kê cho “làng xe ôm”, động một tí là nói chuyện bằng chân, bằng tay. Đón khách ở cổng chợ Bàng chăng? Đêm thì khu đấy vắng khách lắm! Chiều nay đi đổ xăng Tam lượn một vòng ra khu bến xe khách thành phố để thăm dò, chưa kịp dừng xe mấy tay anh chị đã ra “hỏi thăm”. Tam phải cho xe đi liền. Thôi ra cổng bệnh viện đa khoa của tỉnh vậy. Mình không treo cái biển “xe ôm” chắc chẳng có tay anh chị nào gây khó dễ. Biết ý, Tam tìm chỗ đón khách cách xa cổng bệnh viện đa khoa tỉnh khoảng năm sáu mươi mét, sát cây xà cừ to phải ba bốn người ôm mới xuể. Không phải Tam sợ mấy tay xe ôm có thâm niên ở đây, hay sợ ai cả, mà tính Tam không muốn va chạm với ai, tránh trước còn hơn tránh sau. Đêm càng về khuya những chiếc lá xà cừ, quyện với những chiếc lá bàng cuối thu cuốn theo gió rơi xuống đường, xào xạc, khô khốc.
Thi thoảng có vài ba khách từ trong bệnh viện ra là mấy tay xe ôm có thâm niên, chèo kéo mời chào cho đến khi khách đi mới thôi. Phải công nhận mấy tay đàn anh mời khách đi xe ôm có nghề, và khéo thật. Tam cũng thuộc bài của mấy tay đó lắm chứ. Nhưng chẳng có khách nào mà mấy tay xe ôm có thâm niên để lọt ra đến chỗ Tam. Giờ mà Tam lại gần cổng bệnh viện đón khách, choảng nhau là cái chắc. Thôi “chờ lâu cá lọt rồi sẽ vào lưới”, nghĩ vậy Tam co một chân ngồi trên yên xe, một chân duỗi thẳng cho dễ chịu, mắt Tam căng ra nhìn mấy tay xe ôm có thâm niên đón rồi chở khách đi, lát sau họ lại về dựng xe, hình như họ xếp theo lần lượt đón khách thì phải? Mình cứ “thả lưới xa xa” chờ vậy…
- Ê lính mới à? Báo cáo anh Đại chưa?
Một thằng khoảng hai mươi, hai mốt tuổi gì đấy, trạc tuổi con Tam, hắn người nhỏ thó, chiếc mũ lưỡi trai màu đen thui cụp chặt nửa mặt, chiếc áo cộc tay để lộ rõ chi chít hình xăm trổ đủ các loại trên nền da gần như bọc xương của hắn. Vừa nói, hắn vừa xít xít, hình như hắn rét thì phải. Tam ngẩng lên vừa nhìn, vừa nghe cái kiểu hỏi của hắn là đã sôi máu muốn táng cho hắn một trận rồi. Ồ không được nổi nóng. Để xem sao. Tam tự nhủ.
- Dạ. Buổi đầu em đi làm chưa mở hàng được “cuốc” nào! Mịa nó, hôm nay vừa bước ra khỏi cửa đã gặp mấy mụ đàn bà chồng bỏ, chồng chê… nên xúi quẩy quá.
Nói rồi Tam vỗ độp hơi mạnh tay vào đầu xe máy của mình, ném ánh mắt sắc lẹm vào thằng nhỏ thó. Mà đây là lần đầu tiên Tam thể hiện cái giọng hình như pha chút giang hồ thì phải?
Thằng nhỏ thó, đưa mắt nhìn Tam kiểu thăm dò. Hắn đưa điếu thuốc đang cháy dở trên tay rít một hơi dài, làm đầu cháy đỏ rực. Vừa phả hơi thuốc hắn vừa nói với Tam nhưng giọng điệu hình như cũng bớt đi cái kiểu chỏng lỏn:
- Mở hàng đi rồi báo cáo anh Đại nhé, cố lên anh già! - Nói rồi, thoắt một cái hắn mất hút sau rặng cây bên kia đường.
Tam dõi mắt về cổng bệnh viện. Đêm về khuya. Tiếng xào xạc của lá cuộn theo chiều gió từng đợt, từng đợt. Tiếng rao: “Ai bánh mì nóng đi. Bánh mì nóng nào”. “Ai bánh bao nhân thịt đi”, cứ nhồi vào tai… rồi mùi ngô nướng, thoang thoảng mùi cà phê đâu đây cứ phả vào mũi cánh xe ôm. Mấy tay xe ôm có thâm niên ở cái cổng bệnh viện này cũng mệt hay sao, mà không thèm ra chèo kéo khách như chập tối. Bỗng có người phụ nữ chân bước vội vã, đi thẳng đến chỗ Tam:
- Anh chở tôi về Đông Phong được không? Bao nhiêu tiền vậy?
Tam chưa kịp trả lời. Vừa nói, chị ta đã ngồi phốc lên sau xe của Tam, làm chiếc xe hơi nghiêng sang một bên.
- Hôm nay là buổi đầu tiên tôi đi làm, giờ mới có khách. Chị trả bao nhiêu tiền thì trả! - Nói rồi Tam rồ máy cho xe chạy.
Mấy tay xe ôm kia kể ra cũng có chút lương tâm, chắc thấy mình từ tối chưa có khách nào đi xe ôm, nên nhường cho mình đây... Mà phố Đông Phong ở đâu nhỉ? Tam có biết cái phố này ở đâu đâu! Thực ra thi thoảng Tam mới về thành phố này. Nhưng mà làm xe ôm mà không biết đường thì buồn cười quá. Nghĩ vậy Tam nói với người phụ nữ ngồi sau xe:
- Chị chỉ đường nào về nhà cho gần nhé, tôi cũng không nhớ kỹ đường về khu nhà chị đi đường nào cho gần đâu.
- Anh cứ đi thẳng đến ngã tư đèn đỏ vườn hoa thì rẽ trái… Đi tiếp đến khu POWPI thì rẽ phải… Đi đến khu…
Vòng vèo, vòng vèo mãi, đến một ngã rẽ.
Người phụ nữ đi xe bảo Tam: “Anh dừng xe chờ ở đấy mấy phút, tôi vào lấy đồ rồi anh đưa tôi quay lại bệnh viện nhé”.
Tam đang ú ớ, chưa kịp trả lời chị ta đã bước nhanh vào hẻm. Chắc chị ta vội, người nhà đang nằm viện mà… Nghĩ vậy Tam chống xe ven đường đợi. Năm phút… mười phút… ba mươi phút, không thấy người đàn bà đâu. Tam sốt ruột linh cảm có điều gì đó không ổn. Tam nổ máy đi vào con hẻm người phụ nữ đó vừa nãy đi vào. Hun hút, hun hút, vòng vèo mãi, con hẻm dẫn Tam ra ngoại ô thành phố, tới khu đồng không, mông quạnh. Gió lạnh. Chẳng con côn trùng nào lên tiếng, nói chi đến một bóng người ở đây.
Hôm nay, là ngày thứ mười lăm, tính từ ngày đầu tiên đi làm xe ôm. Nhưng cũng là lần đầu tiên Tam ra cổng bệnh viện ban ngày để đón khách. Nhớ lại cái hôm đầu tiên đi làm chẳng được đồng nào Tam vẫn còn bực lắm. Nhưng những ngày đi làm sau đó Tam có thu nhập khá hơn chút. Chẳng là hằng ngày đi làm, trừ tiền đổ xăng, vẫn còn dư chút tiền Tam cũng biết điều với anh Đại qua thằng nhỏ thó. Thi thoảng Tam cũng mời mấy tay thâm niên trong nghề xe ôm khu vực cổng bệnh viện này cốc chè nóng, cốc chè đá… Được cái “chỗ đầu đường xó chợ này” chuyện gì Tam cũng biết, từ chuyện mấy con nghiện, chuyện mấy ông bác sĩ làm trong bệnh viện đa khoa tỉnh xây nhà to, nhà nhỏ, bồ lớn, bồ bé “tham ăn”, lừa cả người bệnh, vừa qua mới bị đuổi việc khỏi ngành, đến chuyện chung và chuyện riêng của mấy ông ở các sở, ngành của tỉnh, rồi chuyện mấy ông bất mãn với chế độ do vi phạm pháp luật vừa được tha tù, có tí hiểu biết luật pháp chuyên đi viết đơn kiện thuê, chuyện mấy lão xe ôm già vợ chết từ lâu vẫn cứ “lọ mọ” với mấy bà, mấy cô chồng bỏ, chồng chê, chồng chết, rồi chuyện bà nào, chị nào ngực to, ngực lép… Mấy bà thừa tiền thích “phi công trẻ” là đề tài được cánh xe ôm và mấy bà hàng nước vỉa hè bàn rôm rả nhất. Ở đây đúng là chuyện trên trời và dưới biển… chuyện gỉ chuyện gì cũng có… Phải nói đúng làm cái nghề xe ôm kể cũng vất vả, nhưng cũng có cái thú vị của nó.
Tam giật mình khi có bàn tay ai đó vỗ nhẹ vào vai:
- Anh xe ôm. Ồ đúng rồi, đúng là biển số xe máy này!
Tam chưa hiểu chuyện gì! Chị ta đã nói tiếp:
- Có phải nửa đêm cách đây hơn chục ngày anh chở một người phụ nữ vào khu phố Đông Phong phải không?
- Vâng, vâng! Có chuyện gì vậy chị?
Chẳng cần nghĩ ngợi lâu Tam gần như nhận ra tiếng quen quen, ở đâu đó.
- Tôi thành thật xin lỗi anh! Tối hôm trước anh đã chở tôi về lấy đồ, sau đó chồng tôi đưa ra bệnh viện để kịp đưa bố lên tuyến trên cấp cứu. Giờ bố tôi đỡ nhiều đã về nhà điều trị. Hôm đó khi quay trở lại bệnh viện, chồng tôi đi lối khác. Lúc ngồi trên xe cấp cứu đưa bố tôi đi, chợt nhớ ra chưa trả tiền xe cho anh, thật ngại quá! Khi đó tôi điện về để chồng tôi ra trả tiền xe ôm, nhưng khi ra chỗ đó thì không thấy anh. Thực sự xin lỗi, anh cho tôi gửi lại anh tiền xe ôm ạ.
Người phụ nữ khúm núm, Tam nghe giọng chị ta có vẻ là thành thật. Vừa nói chị ta vừa gỡ khẩu trang che mặt ra.
- Ôi Duyên! Duyên con thủ trưởng Tuyền nguyên là trưởng phòng quân báo quân khu đây mà.
- Vâng! Tối hôm đó trời lạnh anh cũng bịt khẩu trang nên chúng ta không nhận ra nhau.
Vừa nói Tam cũng vừa bỏ cặp kính đen to gần như trùm kín mặt ra.
- Anh Tam. Sao giờ anh lại làm nghề này? Có phải anh ra quân rồi không?
Duyên cũng ngỡ ngàng, sau hơn năm năm không gặp Tam mà nhìn anh khác quá! Da sạm đi, bộ râu lởm chởm, đôi mắt hốc hác và thâm quầng, mới hơn bốn mươi tuổi mà mái tóc Tam có lẽ đếm được những sợi đen còn lại. Nhưng thân hình vẫn lực lưỡng, nhanh nhẹn, lịch thiệp, đôi mắt vẫn toát lên sự thông minh, hình như có chút bí ẩn mà nhiều người khó đoán được.
- Suỵt… suỵt… Anh sẽ giải thích với em sau.
Tam ra hiệu cho Duyên đừng nói gì thêm. Chẳng ngần ngại Tam nắm chặt tay Duyên kéo lên xe, nổ máy lao vút vào dòng người hối hả… Những ngày sau đó mấy anh xe ôm đã có thâm niên, mấy bà hàng nước gần cổng bệnh viện thi thoảng hỏi nhau về Tam nhưng cũng chẳng ai biết gã xe ôm còn đi xe ôm không, hay làm gì ở đâu, mà lâu lắm không thấy ra đón khách ở cổng bệnh viện này. Hình như cuộc sống cứ cuốn theo thời gian, dần dần mọi người cũng không còn hỏi về Tam…
Bẵng đi gần chục năm. Hôm nay ở mấy quán nước gần cổng bệnh viện đa khoa của thành phố tỉnh lẻ, mấy anh xe ôm năm xưa có anh còn theo nghề xe ôm, cũng có anh đã giải nghệ, nhìn anh nào mái tóc cũng đã muối tiêu, có anh tóc bạc trắng. Chẳng ai bảo ai, như họ hẹn nhau trước, sáng sớm đã có mặt ở cổng bệnh viện không phải để họ chở xe ôm, mà hôm nay họ nhâm nhi chén chè nóng, bàn tán xôn xao, rôm rả về một ông cựu chiến binh đã về hưu trong chương trình giao lưu của hội cựu chiến binh của thành phố với thế hệ trẻ mà Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát sóng tối qua, ai cũng bảo đấy chính là “tay Tam xe ôm” năm xưa! Bên cạnh đó là bao câu hỏi đặt ra với họ về ông Tam cựu chiến binh…