Giữa thu. Trên dải biên cương những thảm hoa lau được ông trời trải thảm vàng óng! Thấp thoáng lều trại đủ màu sắc, của từng đoàn người đi phượt, tạo cho vùng biên viễn vừa sôi động, vừa yên bình đến lạ thường.
Trong đoàn người leo dốc chinh phục điểm cao Tằm Lệ cao trên một nghìn mét, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước một ông già mái tóc bạc phơ, chiếc mũ tai bèo hất ngược ra phía sau, mang bộ quân phục đại tá, ngực đeo huy hiệu cựu chiến binh Việt Nam, ông leo dốc mà nhiều thanh niên còn khó theo kịp. Vừa đi ông vừa kể chuyện, ông thuộc rõ các điểm cao nơi đây, ông như một hướng dẫn viên du lịch tái hiện lịch sử trầm hùng của một thời máu lửa bảo vệ biên giới. Mọi người nghe ông kể chuyện cũng quên đi phần nào sự thấm mệt của hơn hai giờ leo dốc. Ông già đó là ông Nguyễn Hữu Tạo, nguyên là tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự cách đây hơn bốn mươi năm về trước trên dãy núi Tằm Lệ mà mọi người đang chinh phục. Hồi đó đơn vị ông đã làm cho quân địch không những khiếp sợ, mà còn nể phục khi nhiều lần chúng tập trung binh, hỏa lực cao nhất để bắn phá nơi đơn vị ông phòng ngự trên điểm cao này mà chúng không thể đánh chiếm được.
Lên tới đỉnh cao của dãy núi Tằm Lệ, mọi người hổn hển, tìm chỗ nghỉ chân. Gió thổi nhẹ làm dịu cái thấm mệt. Rặng lim, rặng thông già vi vu bản hùng ca bất tử của người Việt ngàn đời. Ông Tạo đứng nơi năm xưa ông thường dừng nghỉ chân khi xuống các đơn vị kiểm tra, cũng như đôn đốc chỉ huy chiến đấu. Nơi mà trước đây đơn vị ông thường tạm giấu tử sĩ khi chưa chuyển về được tuyến sau. Mắt ông nhòa lệ, đôi tay run run thắp nhang và đặt lên tấm bia khắc ghi tên tuổi của hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở khu vực này. Ông nhớ lắm, nhớ như in, nhớ từng người, nhớ từng trận đánh giằng co với kẻ thù để giữ vững trận địa, giữ vững từng tấc đất. Nhưng có một trận đánh mà ông Tạo không thể quên từng chi tiết nào, dù thời gian đã đi qua hơn bốn mươi năm, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác nhưng nó cứ đau đáu trong ông mãi mãi.
Vào cái buổi sáng cuối tháng hai cách đây hơn bốn mươi năm, trời vừa mới tờ mờ. Ầm… ầm… pháo các loại của địch từ bên kia biên giới dội sang càng lúc càng dày đặc, tới tấp. Đất đá tung tóe, bụi mù. Hàng loạt cây rừng gãy răng rắc. Chuông điện thoại các hướng phòng ngự của ta đều đổ dồn về sở chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Tạo.
- A lô tôi nghe.
- Báo cáo thủ trưởng. Bộ phận phòng ngự đánh địch từ xa số 1 phát hiện khoảng một đại đội địch đã vượt sông, đang tiến vào trận địa của ta. Hết!
Tiểu đoàn trưởng Tạo giọng dứt khoát:
- Các đồng chí giữ nguyên vị trí chiến đấu, đợi địch vào đúng tầm bắn chủ động nổ súng tiêu diệt. Khi thật cần thiết cơ động đội hình sang vị trí dự bị bảo toàn lực lượng, để hỏa lực ta chi viện, giữ vững trận địa.
Tiểu đoàn trưởng Tạo chỉ nghe thấy tiếng “rõ” qua điện thoại của bộ phận phòng ngự đánh địch từ xa số 1.
Ầm… ầm, tiếng pháo kích của địch tiếp tục dồn dập. Tiểu đoàn trưởng Tạo như đoán được pháo địch chuẩn bị chuyển làn, để bộ binh chúng tiến công. Ông ra lệnh các hướng mũi chủ động tiêu diệt địch tiến công vào trận địa. Bỗng một quả đạn pháo bắn vào khu vực hầm trú ẩn các bộ phận bên cạnh, làm đất đá bụi tung, một viên đá đập vào đầu, Tiểu đoàn trưởng Tạo chỉ kịp đoán biết quả đạn pháo ấy cướp đi sinh mạng của đồng đội ông ở vị trí kế bên. Rồi ngất lịm.
Khi tỉnh dậy, cũng là lúc trận địa vừa im tiếng súng. Cả sở chỉ huy không còn ai sống sót. Cậu liên lạc tiểu đoàn nằm gục trên máu, một tay cầm ống nghe chiếc điện thoại 073, một tay cầm ống nghe chiếc điện thoại TA57. Tiểu đoàn trưởng Tạo cố lết lại cầm ống nghe các hướng, mũi chiến đấu vẫn giữ được liên lạc: “A lô! A lô… Địch đã rút, xin chỉ thị… A lô…”. Tiểu đoàn trưởng Tạo cầm tất cả các ống nghe điện thoại, ông ra lệnh: “Các hướng, mũi tiếp tục cứu chữa thương binh, củng cố trận địa đảm nhiệm, sẵn sàng đánh địch tiến công vào trận địa…”.
Sau trận chiến đấu ấy, các thương binh, tử sĩ được đưa về tuyến sau cứu chữa và chôn cất, trong đó có cả cậu Hưng liên lạc của tiểu đoàn. Mặc dù sức khỏe chưa hồi phục nhưng Tiểu đoàn trưởng Tạo đã xuống ngay các hướng mũi để kiểm tra, đôn đốc chuẩn bị chiến đấu. Đến đâu Tiểu đoàn trưởng Tạo cũng được các đồng chí chỉ huy cấp dưới báo cáo đã hạ lệnh và điều lực lượng chi viện kịp thời, nên mới chiến đấu đẩy lùi được quân địch tiến công, giữ vững được trận địa. Tiểu đoàn trưởng Tạo động viên, chỉ thị chuẩn bị chiến đấu tiếp. Nhưng ông cứ ngờ ngợ. Mình thì không chỉ huy lúc đó! Ai nhỉ... ông chỉ biết ậm ừ qua loa.
Vào chiều cuối tháng hai năm ấy Tiểu đoàn trưởng Tạo nhận được bức điện chỉ thị chiến đấu, cuối bức điện cấp trên yêu cầu: “Đồng chí tiểu đoàn trưởng viết báo cáo thành tích trận đánh của tiểu đoàn và báo cáo tóm tắt thành tích cá nhân của tiểu đoàn trưởng để đề nghị cấp trên phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…”. Vui mừng, nhưng Tiểu đoàn trưởng Tạo băn khoăn lắm! Tập thể thì không sao, còn cá nhân ông thì không thể được. Mình có chỉ huy đánh trận này đâu, mình bị ngất kia mà. Mình không thể nhận thành tích này được. Tiểu đoàn trưởng Tạo lần lại tất cả các chi tiết. Ồ đúng rồi, cậu Hưng liên lạc của mình. Chỉ có cậu ấy và các đồng chí chỉ huy cấp dưới của mình mới biết rõ phương án chiến đấu, bởi mỗi lần thông qua kế hoạch và hiệp đồng, cậu Hưng đều có mặt ở đó. Đúng rồi là cậu ấy… Mai mình phải báo cáo chuyện này với cấp trên. Hưng ơi em tuyệt vời quá, hãy yên nghỉ em nhé, anh sẽ thay em làm những việc còn lại. Ông Tạo thầm thì với Hưng mà nghe cay cay nơi sống mũi. Cả điểm cao Tằm Lệ vừa mới sáng nay là những tiếng nổ xé trời, tiếng súng vang dội, thế mà giờ đây chỉ có tiếng côn trùng rả rích, hình như mỗi cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn ông Tạo chỉ huy như đang nín thở, căng mắt, tay chắc súng, sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù.
Đầu tháng ba năm ấy, sau lệnh tổng động viên cả nước, cũng là lúc kẻ thù tuyên bố rút quân, dừng chiến. Tiểu đoàn trưởng Tạo được cấp trên cử đi học. Trước lúc sang Liên Xô để học, ông đã tìm đến nhà cậu Hưng liên lạc của ông. Trước bàn thờ Hưng là tấm bằng Tổ quốc ghi công và Bằng truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hưng. Mọi người thấy ông là bạn chiến đấu của Hưng nên đến đông lắm, khi ông Tạo kể về Hưng bên cạnh những giọt nước mắt của mọi người, trên khuôn mặt ai cũng tự hào về đứa con của làng Đồng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc…
“Mọi người đi rồi, ta đi tiếp thôi ông”. Ông Tạo giật mình khi bà Loan vợ ông giục. “Ừ mình đi thôi bà”. Ông Tạo nắm chặt tay bà Loan dắt bà đi thăm quan các nơi khác trên dãy núi Tằm Lệ. Ai nhìn thấy ông bà cũng ngưỡng mộ ông bà thật hạnh phúc. Nhưng không ai nhìn thấy bà Loan nở một nụ cười, hay nói câu gì cả, đôi mắt bà xa xăm, thi thoảng những giọt nước mắt lại rơi vô định. Chỉ có ông Tạo là người hiểu bà lúc này! Bàn tay ông hình như nắm chặt tay bà hơn, trong lòng ông thầm cảm ơn người vợ mình đã hơn bốn mươi năm qua luôn là hậu phương vững chắc cho ông Tạo phấn đấu công tác.
Lại nói về bà Loan, là người yêu cũ của Hưng năm xưa. Hôm đến thắp hương cho Hưng năm đó, khi về trên triền đê đầu làng Đồng, cô gái chặn đường ông khóc lóc chính là bà Loan, thế rồi bà Loan trở thành vợ ông chỉ có ba ngày sau đó. Giờ thì ông Tạo và bà Loan đã có hai đứa con một trai, một gái đều theo nghiệp ông Tạo.
Cả nhà ông Tạo dừng lại một thung nhỏ, ông nắm chặt tay bà: “Mình ơi! Đây chính là nơi Hưng hy sinh năm xưa, cũng chính nơi đây Hưng đã thay tôi chỉ huy trận đánh năm ấy…”. Ông Tạo quay sang con trai, ông đặt bàn tay mình lên vai con trai: “Hùng à, có lẽ nay là ngày thích hợp nhất để bố nói chuyện này với con… Bố Hưng mới chính là bố đẻ của con… Các con hãy thắp nén nhang cạnh thung này cho bố Hưng đi...”. Bà Loan ôm chặt ông Tạo như thời son trẻ, bà nấc lên: “Cảm ơn ông… cảm ơn ông…”.
Gió thu đổ vào rừng lim, rừng thông trên dãy núi Tằm Lệ từng đợt, từng đợt, như lại tấu lên bản hùng ca bất tử năm xưa của người lính ở nơi biên cương này đã ngã xuống, đã lập công...