Chiều thu, hoàng hôn đã dần buông xuống giữa núi rừng Đông Bắc, dọc theo con đường về bản Khe Lánh rặng thông vẫn im lìm, cánh rừng già đang bực bội với đất trời không tấu lên bản nhạc muôn thủa của núi rừng. Khác với mọi khi, hôm nay Sái Trình phóng xe nhanh hơn. Về tới sân, Sái Trình phanh gấp, đạp mạnh vào chân chống rồi dựng xe giữa sân, mặt hằm hằm đi vào trong nhà, vất cái cặp da bịch xuống bàn, chẳng nói chẳng rằng cầm chiếc điếu cày rít sòng sọc, ngửa cổ thả ra một đám khói trắng xoá, vất mạnh cái điếu cày vào chiếc thùng nhựa, vẻ mặt giận dữ, miệng oang oang:
- Bực thật, nhà mình có mỗi thằng con trai, định cho nó đi thi vào trường sư phạm để học làm thầy giáo, giờ thì tong rồi!
Chỉ mới hôm qua thôi, hội đồng nghĩa vụ quân sự xã đã quyết định chọn nó khám tuyển lần này. Ông bà nào cũng đưa ra lý do cái bản Khe Lánh này chỉ có nó học hết phổ thông trung học, lại là bí thư chi đoàn, đảng viên dự bị, là thanh niên ngoan nhất bản, từ bé đến giờ nó chẳng đánh cãi nhau với ai, thân hình nó vạm vỡ nhất so với lũ trai bản cùng tuổi, nó dùng hai tay cắp lũ đàn em qua suối những ngày nước lũ lớn đi băng băng. Thế có bực không chứ! Mình là xã đội trưởng mà mấy vị chẳng nể nang gì cả.
Nghe con trai nói, ông Sái Hai bố của Sái Trình lẳng lặng, xê chiếc ghế ra ngoài cửa, như tìm thêm chút ánh sáng yếu ớt còn lại của buổi chiều. Xa xa ngọn núi Cao Xiêm như một lão già trầm mặc suy tư. Ông Sái Hai nén tiếng thở dài, đôi tay cầm những nan tre vàng óng, thoăn thoắt cố đan cho xong chiếc rổ, để sáng mai kịp đi chợ phiên. Cái chợ quê ông ở Bình Liêu, một tuần mới họp một phiên vào ngày thứ bảy, người đi chợ phần đông là đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Nùng, phiên chợ này những người mong nhất là lũ trai gái bản xa, bản gần… đi chợ không những họ mua sắm, mà còn uống rượu, hát then, hát soóng cọ, li sán... và tìm bạn đời. Từ trong sự im lặng của ông Sái Hai khó ai có thể đoán được ông đang nghĩ gì, cái nghĩ của một người đã từng là đội viên du kích thời chống Pháp.
Bà Mạ mẹ Sái Trình, từ trong buồng đi ra đứng giữa nhà. Nhìn bà lam lũ, vất vả của người phụ nữ dân tộc Tày suốt đời vì chồng, vì con, lưng bà còng xuống một tay bám vào thành ghế, tay kia chỉ vào Sái Trình nói như trách móc:
- Mày làm xã đội trưởng, chẳng gì thì mày cũng là người có chút chức tước ở cái xã này, việc đi bộ đội của thằng Ba, đi hay không là ở mày chứ ở ai mà mày phải than ngắn thở dài làm gì. Đấy! Đợt trước bà Sẻo sang xin cho thằng Tèo, ông Tô Phương sang xin cho thằng Phưởng và bao nhiêu người khác ở cái xã này mày cũng đều nhận lời báo cáo xã, lên huyện, rồi chúng nó có phải đi bộ đội đâu. Cháu tao không đi đâu hết, để cho nó còn đi học làm thầy giáo, rồi về cái bản này dạy học, dứt khoát mày không được đưa cháu tao đi bộ đội.
Nói rồi bà Mạ ngồi xuống ghế, đôi mắt của người gần tám mươi tuổi như đang trút giận dữ lên thằng con trai làm xã đội trưởng mà chẳng biết lo gì cho cháu bà.
Thấy vậy, thằng Sái Ba con trai Sái Trình chẳng nói chẳng rằng đi vào trong buồng riêng, nó nằm xuống giường, đôi mắt mở to nhìn không chớp vào tấm hình chụp chung cả gia đình từ khi bố nó còn đi bộ đội. Nó vẫn thường tự hào khoe với các bạn nó đến chơi về tấm hình có bố mặc quân phục, đeo sao và quân hàm trung sĩ đó...
Sái Trình đứng lên rót cốc nước, hai tay đưa cho mẹ, nhìn Trình hôm nay như gù đi giọng chùng xuống:
- Mẹ à, không phải là con không muốn cháu nó ở lại để đi thi rồi học sư phạm làm cái thầy giáo ở bản này, như mong muốn của mẹ...
Sái Trình chưa hết lời, bà Mạ đã nổi cơn lôi đình:
- Anh nói hay thật! Con anh thì anh không lo, toàn giúp người thiên hạ, anh chẳng ra cái gì cả, khi họp ở xã anh cũng là người trong đó, sao anh không xin cho con anh không phải đi bộ đội!
Rót thêm cốc nước cho mẹ, Sái Trình nói như thanh minh:
- Mẹ à, con bà Sẻo, con ông Phương và những trường hợp khác đều có lý do chính đáng, nhà thì lại neo người, nhà thì hoàn cảnh quá khó khăn, nhà thì thuộc diện tạm hoãn… - Sái Trình ngập ngừng - Còn nhà mình, hai vợ chồng con còn khoẻ, các em thằng Ba cũng đã lớn rồi. Hôm họp con cũng đã ý kiến… nhưng hội đồng nghĩa vụ quân sự xã họ duyệt rồi mẹ ạ.
Ngoài kia thác Khe Vằn như nổi cơn giận dữ làm cho cái bản Khe Lánh không còn yên ả như mọi hôm. Đúng lúc đó ông Sái Thịnh là bác ruột của Sái Ba đi từ ngoài vào, sau khi chào mọi người, vừa ngồi xuống ghế, ông Thịnh cằn nhằn:
- Chú Trình à, nãy tôi định sang hỏi chú có chút việc gia đình, nhưng vô tình tôi đứng ngoài đã nghe được chuyện. Tôi nói để chú biết, năm anh em nhà ta có mỗi mình chú có thằng Ba, còn lại hơn chục đứa vịt giời cả, vì thế chú phải để nó ở nhà làm thầy giáo. Mà tôi nói cho chú biết chỉ có mỗi nó là thằng cắm hương cho dòng họ đấy!
- Bác Thịnh à, bác hãy hiểu cho, em có cái khó của em bác ạ. Em cũng muốn cháu ở nhà nhưng mà không được đâu bác, thôi người ta đã quyết rồi thì cứ để cho cháu nó đi bộ đội, bộ đội thời bình mà bác.
Sái Trình nói với anh trai mình như cầu cứu, mong anh thông cảm và nói giúp với mẹ để cho mẹ hiểu. Nhưng ông Thịnh không hiểu ý em trai mình, ông lại càng to tiếng:
- Không có cái gì là khó, dứt khoát thằng Ba phải ở nhà đi thi học sư phạm, làm cái thầy giáo. Chú phải xin cho nó ở nhà, nếu không tôi lên xã để xin cho nó.
Từ bếp chạy lên, vợ Sái Trình tay cầm đôi đũa cả, quần xắn ống thấp ống cao, đưa cánh tay lên lau vội mồ hôi nhễ nhại trên mặt, đứng giữa cửa nhà oang oang:
- Ông nói gì thì nói, con tôi phải đi thi để học sư phạm. Ông cho tôi biết ai bắt thằng Ba nhà này phải đi khám tuyển? Ai! Ông nói tôi xem nào? Để tôi mắng cho một trận.
Đập tay xuống bàn, giọng Sái Trình nghiêm nghị:
- Mẹ thằng Ba thì biết cái gì mà lắm chuyện, xin xỏ cái gì? Đây là kết luận của hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, chứ của riêng ai đâu mà bà hỏi.
- Hừ! Tôi còn lạ gì ông, có bao giờ ông mang lợi lộc gì của tập thể về cho cái nhà này đâu, ngay cái thời ông chưa làm cán bộ xã, ông cũng đi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng, đem của nhà ra cho tập thể. Đấy, vạt đất ngoài kia tốt nhất ông còn nói ngon, nói ngọt với ông, bà nội thằng Ba và tôi, rồi để cho xã xây trường học, chẳng cho lấy một xu, ông còn chặt mấy chục cây sa mộc to nhất vườn của nhà cho bản làm nhà cộng đồng. Giờ có mỗi thằng con trai ông cũng cho nó đi bộ đội, thanh niên bản này thiếu gì.
Giọng vợ Sái Trình cứ rít lên, làm cho không khí cả nhà thêm căng thẳng, ngột ngạt.
Bịch! Ông Sái Hai tay vất con dao pha nan tre xuống đất, ông nói như quát:
- Thôi! Chúng mày có im đi không, dân bản người ta cười cho bây giờ. Có chuyện gì to tát lắm đâu mà lắm chuyện thế. Thằng Trình mà nó chẳng đi bộ đội về đấy, nó làm tốt bây giờ người ta tin và cho làm cán bộ xã, chẳng nói đâu xa ngay ở trong bản này có việc gì ai chẳng muốn nó tham gia góp ý hộ. Sái Ba đâu?
- Dạ cháu đây ạ!
Sái Ba đi từ trong nhà ra đứng gần bố, khuôn mặt cậu ta sáng lên, đôi mắt mở to đen nhánh, thân hình vạm vỡ, rắn chắc, nước da ngăm đen:
- Thưa ông! Ông gọi cháu có việc gì ạ?
Ông Sái Hai thủng thẳng:
- Nãy giờ cháu cũng biết rồi đó, cả nhà rất căng thẳng chỉ vì chuyện của cháu, đi hay không đi bộ đội. Bây giờ ông hỏi, cháu phải trả lời thành thật, ý cháu thế nào?
Bà nội, bác Thịnh và mẹ Sái Ba chen vào:
- Con cứ nói đi, nếu con không muốn đi thì cứ ở nhà mà đi thi rồi học sư phạm, thanh niên xã này thiếu gì.
Sái Ba như giãi bày suy nghĩ của mình với cả nhà:
- Thưa ông, bà, bác và bố mẹ, khi con thấy bố nói hội đồng nghĩa vụ quân sự xã quyết định cho con đi khám tuyển nhập ngũ năm nay, con thấy rất vui. Con biết, nếu con đi bà, mẹ và mọi người sẽ rất buồn vì gia đình mình tạm thời vắng con một thời gian, công việc ở nhà bố mẹ, ông bà và các em phải vất vả. Đi bộ đội được rèn luyện thành người tốt, chứ có vấn đề gì đâu mà mọi người lo, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về con sẽ đi thi học sư phạm cũng chưa muộn. Còn chuyện hương khói bây giờ ông, bố, bác và các chú còn khỏe sau về cháu sẽ học, ông nhỉ.
Im lặng. Bà nội, mẹ và ông Thịnh chưng hửng, không ai nói lời nào. Bà nội và mẹ Sái Ba nói gọn lỏn rồi đi xuống bếp:
- Tuỳ mày vậy, đi bộ đội khổ đừng có kêu ai.
Ông Sái Hai đứng dậy đi lại chiếc tủ tường đặt giữa nhà, tay sờ đi sờ lại khung kính treo bảng gia đình vẻ vang của Chủ tịch nước tặng gia đình, ông mỉm cười nhìn thằng cháu nội âu yếm:
- Khá lắm, khá lắm, cháu không phụ công kỳ vọng của ông, cháu thực sự đã lớn rồi, ông rất yên tâm tin tưởng ở cháu.
Gương mặt Sái Trình rạng rỡ hẳn lên, như đang tự hào về Sái Ba thằng con trai duy nhất của vợ chồng anh mà bấy lâu nay anh và gia đình dày công dạy dỗ. Trình vỗ đùi cái đét, cười vang cả một vùng trời đất ở cái bản giáp biên giới.
Ông Thịnh đứng lên ra về, Sái Trình nhanh nhảu:
- Bác Thịnh à, từ từ bác hãy về. Đã lâu rồi em không được mời bác uống rượu, hôm nay bác ở lại đây với em rồi bàn chuyện của bác luôn.
Ông Thịnh vẻ mặt tuy không vui lắm, nhưng vẫn nhận lời ở lại. Bên ngoài ông mặt trời đã dần khuất sau đỉnh núi, tiếng mõ trâu lốc cốc về bản, những chiếc thủy điện nhỏ cần mẫn chạy dưới suối, phát ra ánh điện lập lòe đủ sáng cho mỗi gia đình, hương hồi, hương quế lan man trên những sườn núi, tỏa ra mùi thơm kỳ lạ đến nao lòng người.
Bữa cơm tối nhà xã đội trưởng Sái Trình hôm nay khác hẳn mọi khi, vợ Sái Trình nhặt thêm một cái chén uống rượu bỏ vào mâm cơm cho thằng con trai, tiếng cười của mọi người chen lẫn những lời trách yêu của vợ Sái Trình: “Tôi còn lạ gì cái ông Trình này”.
*
Những ngày giữa thu, ở cái huyện miền núi trời xanh cao vời vợi, những làn gió nhẹ như trải nương lúa thành thảm lụa vàng óng, khắp bản xa, bản gần ai ai cũng tranh thủ đến chia tay chào tạm biệt những người con ưu tú của quê hương sắp lên đường nhập ngũ, vậy mà nhà Sái Trình vẫn im lìm.
Mẹ của Sái Ba hết đứng, lại ngồi, thi thoảng ra mấy chỗ con gà nhốt dưới gốc vải chờ liên hoan cho con đi bộ đội, thi thoảng lại ném cho nó nắm ngô, dốc ống bầu đổ thêm cho nó ít nước, miệng lẩm bẩm:
- Cáy mưng kin váy, náy nự pộc câu khả mưng, mưng hết nằng, kin đẩy (gà mày ăn đi không nay mai tao thịt làm sao mày ăn được nữa).
Trong lồng con sáo của thằng Sái Ba cả ngày nay không cất tiếng, con chó khoanh tròn ở góc sân, thấy người qua đường không thèm sủa. Dưới tán cây sấu già trước cửa nhà, ông nội Sái Ba cố pha cho xong mấy khúc tre vàng óng mới chặt về, để đan thêm cái rổ đi chợ, vậy mà hôm nay đôi tay ông nó chẳng thèm nghe theo cái đầu ông nghĩ, bó nan cái thì lẹm, cái thì gãy. Ông Sái Hai uể oải buông con dao xuống đất, dựa cái lưng còng vào gốc cây, đôi mắt nhìn vào xa xăm, ông ném tiếng thở dài:
- Con dâu à! Thằng Sái Ba nhà mình không biết thế nào mà chẳng thấy có cái giấy gọi đi bộ đội? Thằng Sái Trình có nói gì với mày không? Mấy hôm nay tao thấy thằng Sái Ba đi chơi về khuya quá, hay nó làm cái gì có lỗi với dân bản, nên người ta không gọi đi bộ đội nữa.
Ông nội Sái Ba phải cố nghiêng tai lên mới nghe được con dâu nói:
- Thằng Sái Ba nhà mình chắc chẳng bao giờ làm gì có lỗi với ai đâu bố à. Mấy đứa bản bên có giấy gọi đi bộ đội rồi mà sao thằng Sái Ba nó lại không có. Ruột gan con cũng như cây trẩu không được uống nước đây bố à.
Mẹ Sái Ba thở dài thườn thượt:
- Chết thật! Hôm nọ con hẹn các chú, các bác và hẹn cả mấy đứa bạn của con ở bản bên, hôm nào thằng Sái Ba đi bộ đội thì sang uống rượu. Hay bố thằng Sái Ba lại định bày trò gì? Bố còn nhớ lần trước cái Múi em gái thằng Sái Ba lười học, Sái Trình bày chuyện bắt nghỉ học để bán cho nhà ông Chíu Sàu ở bản Khủi Luông làm con dâu không? Hay Sái Trình lại thử cả nhà ta bố à?
Ông Sái Hai khó nhọc đứng dậy, hai tay chống vào mạng sườn:
- Lần này mà nó bày trò tao cho một trận. Thằng này làm đến cái cán bộ xã, mà cứ như trẻ con.
Cả ngày nay bà Mạ hết ra vườn rồi lại vào nhà, lúc thì bà lấy cái túi xếp đi xếp lại cái áo chàm, mấy bàn chải đánh răng, vài hộp xà phòng tắm… lúc thì bà đếm đi đếm lại buộc tiền hơn một trăm ngàn đồng, số tiền bà vừa bán trái cây trong vườn, bà định cho Sái Ba khi nó đi bộ đội. Thi thoảng bà lại thở dài, chép miệng:
- Không hiểu sao thằng Sái Ba không có giấy gọi đi bộ đội? Thằng Sái Trình này nó làm cái kiểu gì đây nữa?
Hoàng hôn đã dần buông xuống nhuộm vàng cả núi rừng Đông Bắc. Vừa về đến sân chưa kịp dựng xe Sái Ba đã hỏi ông nội:
- Ông nội à! Có cái giấy gọi cháu đi bộ đội chưa? Xã mình chúng nó đều có giấy rồi đấy.
- Làm gì có! Tao cũng đang héo hết cả bụng đây. Cái thằng bố mày, con gà chưa xuống chuồng, con lợn chưa đòi ăn đã ra khỏi nhà, thế mà giờ có thấy mặt mũi nó đâu.
Nói rồi ông Sái Hai trút tiếng thở dài ngao ngán, ngồi bó gối, đờ đẫn nhìn vào cõi xa xăm, cái điếu cày lại réo lên sòng sọc.
Trời bắt đầu nhá nhem tối Sái Trình mới về đến nhà, nhìn hôm nay lầm lũi như cái bóng. Cả nhà Sái Trình ai cũng dừng hết công việc, dồn cả ra sân. Ông Sái Hai như dò xét Sái Trình:
- Cái giấy gọi thằng Sái Ba đi bộ đội đâu? Mày đi biệt từ sáng đến giờ không chuẩn bị cho con mày đi bộ đội à?
Vợ Sái Trình oang oang:
- Tôi tưởng ông ở xã luôn! Ông bày trò gì vậy? Sao thằng Sái Ba lại không có cái giấy?
Sái Trình nhìn vợ trân trân:
- Bà này hay thật! Trò gì là trò gì? Bà muốn biết thì lên huyện mà hỏi. Nãy ở xã tôi điện lên huyện mấy lần mà đã gặp được ai để hỏi được đâu?
Ông Sái Hai gắt lên:
- Tao không cần biết. Sáng mai thằng Sái Trình phải lên huyện hỏi lí do tại sao Sái Ba không có cái giấy gọi đi bộ đội!
- Đúng đấy bố ạ - Vợ Sái Trình tiếp lời - Muốn gì thì gì ngày mai anh phải hỏi cho ra nhẽ.
Cả bản Khe Lánh đã chìm trong bóng tối, những chiếc thuỷ điện dưới suối lặng lẽ guồng theo dòng nước. Bữa cơm nhà Sái Trình hôm nay không một tiếng cười, mọi người đều ngồi chống đũa ngao ngán. Đêm khuya ông nội và bố Sái Ba thi nhau làm cho cái điếu cày réo lên sòng sọc, trong buồng riêng của Sái Ba vẫn lờ mờ ánh điện... Chưa đến năm giờ sáng dưới bếp tiếng loảng xoảng của xoong nồi va vào nhau, thi thoảng lại thấy tiếng thở dài chen lẫn chép miệng của bà nội và mẹ Sái Ba.
Trời vừa hửng, những giọt sương long lanh vẫn còn đọng trên cành cây, bãi cỏ. Vừa thức dậy Sái Trình vơ vội chiếc điếu cày rít sòng sọc mấy điếu liền, lấy chiếc cặp da, lầm lũi dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà, phóng một mạch đến ban chỉ huy quân sự huyện, chút nữa qua cổng không xin phép. Vào phòng của bộ phận tuyển quân Sái Trình như sợ người khác nói mất:
- Đồng chí cho tôi hỏi, trường hợp của thằng Sái Ba con tôi sao không có lệnh gọi nhập ngũ lần này? Hay các đồng chí có nhầm lẫn chăng?
- Không, không nhầm được đâu, con nhà anh đợt này không có danh sách gọi đi bộ đội.
Đồng chí trợ lý tuyển quân vừa nói, vừa đưa cho Sái Trình danh sách gọi công dân nhập ngũ lần này.
Sái Trình đọc đi đọc lại, để danh sách xuống bàn rồi lại cầm lên, để xuống:
- Con tôi huyện thông báo đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, sao các đồng chí không cho nó đi?
- Đúng, cháu nhà anh khám tuyển đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nhưng đồng chí chỉ huy trưởng mới về đơn vị quyết định như vậy, anh thông cảm lên gặp đồng chí đó nhé. - Vừa nói, đồng chí trợ lý tuyển quân vừa chỉ Sái Trình lên phòng chỉ huy trưởng.
Trán Sái Trình lấm tấm mồ hôi, hít thật sâu vào lồng ngực, rồi mạnh dạn gõ cửa. Một chút ngỡ ngàng, rồi như bừng tỉnh, Sái Trình phạt mạnh vào lưng bạn:
- Trời! Tân. Cậu về đây bao giờ?
Tân ghì chặt lấy Sái Trình:
- Anh Trình! Em mới về được gần tuần. Công việc bận quá em chưa đến thăm gia đình anh được. Nhanh quá anh nhỉ? Thế mà anh em mình đã gần hai chục năm không gặp còn gì.
Tân kéo chiếc ghế dịch ra một chút:
- Anh ngồi xuống đi. Gia đình anh dạo này thế nào? Ông, bà, chị và các cháu có khỏe không? À! Anh còn nhớ thằng Dũng ở Đại đội 2 không? Giờ nó công tác ở phòng quân huấn của quân khu, hôm em lên đây nhận công tác nó gửi lời hỏi thăm gia đình anh đấy.
Vừa ngồi xuống ghế, Sái Trình liến thoắng:
- À. Có phải thằng Dũng người Thái Bình không? Thằng có cái sẹo to như quả trám ở cổ chứ gì? Giờ nó làm cái cán bộ to há. Vậy mà nó vẫn nhớ tới mình. Còn gia đình mình mọi người vẫn khỏe, hai đứa con gái giờ còn đi học, thằng con trai đã tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa rồi đi khám tuyển, nó đủ tiêu chuẩn nhập ngũ lần này. Cũng vì chuyện của nó mà hôm nay mình phải lên đây. Sao cậu lại không cho con mình đi bộ đội lần này vậy?
Tân im lặng giây lát:
- Thế này anh ạ. Em về đúng dịp huyện ta duyệt lần cuối số thanh niên nhập ngũ đợt này. Khi thấy cấp dưới báo cáo cả huyện ta có một trường hợp viết đơn tình nguyện đi bộ đội, trong đơn có viết sau khi hoàn thành nghĩa vụ, mong được tạo điều kiện đi thi để học sư phạm. Nói thật với anh lúc đầu em không biết Sái Ba là con của anh đâu, sau khi nghiên cứu em đã đề nghị tập thể quyết định không gọi cháu đi lần này. Vì qua tìm hiểu ở huyện ta số lượng giáo viên là người dân tộc ít người còn quá ít, mà đào tạo giáo viên thì bắt buộc đã tốt nghiệp phổ thông trung học.
Sái Trình vất chiếc mũ mềm trên đầu xuống cái ghế bên cạnh, đập nhẹ tay xuống bàn theo nhịp, nói với Tân:
- Ông chán quá. Ông có biết tôi phải tốn bao công sức “dàn dựng” mẹ và vợ tôi mới cho thằng Sái Ba đi khám tuyển không? Nó đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, ông lại cho ở nhà, cả gia đình tôi chỉ chờ lệnh gọi thì liên hoan cho nó đi.
Rót xong chén chè đưa cho Sái Trình, chỉ huy trưởng Tân sang ngồi gần Sái Trình hơn, giọng Tân chầm chậm:
- Bảo vệ Tổ quốc cũng quan trọng như việc mang cái chữ về bản. Chắc anh chưa biết cũng vì trên này thiếu giáo viên quá mà vợ em phải lên đây dạy hơn chục năm rồi không chuyển về xuôi được, nên em phải xin mãi mới được lên quê anh công tác đấy. Em chỉ mong sao có nhiều Sái Ba làm thầy giáo, thì những người như vợ em mới về xuôi được.
Mặt Sái Trình như giãn ra. Nó vẫn thế, vẫn như ngày còn ở biên giới Tây Nam, là thằng ít tuổi nhất tiểu đội vậy mà nó suy nghĩ rất chín chắn. Bao nhiêu năm xa cách có khác chăng chỉ là mái tóc đã ngả màu muối tiêu.
Chỉ huy trưởng Tân nắm chặt tay Sái Trình, cả hai im lặng như muốn truyền cho nhau sự cảm thông, chia sẻ chân tình của những người đồng chí... Trên đường về chiếc xe của Sái Trình như chạy chậm lại. Rừng quế, rừng hồi vẫn đang toả hương thơm đến nao lòng.